Rubella là bệnh lý gây ra bởi virus và rất dễ lây lan. Bệnh Rubella ở trẻ em không quá nguy hiểm, nhưng nếu điều trị sai cách có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng. Cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin cần biết về bệnh rubella nhé!
Giới thiệu về bệnh rubella ở trẻ em
Rubella là bệnh nhiễm virus cấp tính, dễ lây truyền, thường xảy ra ở đối tượng trẻ em và thanh niên. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt nhẹ và phát ban ở trẻ em, nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu, có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sinh ra mang dị tật bẩm sinh, được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh.
Virus Rubella lây được qua đường không khí khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Hiện nay, bệnh Rubella vẫn chưa có thuốc điều trị đặc biệt nhưng bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng.
Rubella và bệnh sởi có gì khác nhau?
Sởi và Rubella có triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn khởi phát rất giống nhau. Vì vậy, ba mẹ cần phân biệt hai bệnh này để phát hiện và điều trị phù hợp:
Triệu chứng bệnh sởi
Sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10 – 12 ngày. Lúc này, trẻ hầu như không có bất cứ triệu chứng nào, song virus vẫn có nguy cơ lây lan bệnh.
Khi bệnh khởi phát, trẻ có biểu hiện sốt, sau đó kéo theo ho khan, chảy nước mũi, tiêu chảy, viêm kết mạc mắt,… Sốt cao nhất ở giai đoạn toàn phát, trẻ có thể sốt đến 39 độ C. Cùng với đó, tình trạng phát ban cũng xảy ra, xuất hiện ở sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi dần lan ra khắp người. Tình trạng này cũng khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu nên dễ đưa tay lên gãi.
Khi trẻ hạ sốt cũng chính là lúc bệnh bước vào giai đoạn phục hồi. Lúc này, các nốt ban bay dần rồi lặn hoàn toàn, các triệu chứng lâm sàng cũng giảm dần.
Triệu chứng bệnh Rubella
Rubella có thời gian ủ bệnh dài hơn sởi, từ 12 – 24 ngày. Tuy nhiên có điểm tương đồng là trong giai đoạn này trẻ cũng không có bất cứ triệu chứng gì. Bước sang giai đoạn khởi phát, triệu chứng rubella khá giống với sởi, với các biểu hiện như sốt nhẹ, ho, tiêu chảy, chảy nước mũi, viêm kết mạc,…
Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường bị sốt nhẹ, khoảng 38 độ C, đi kèm với đau họng, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, đôi khi trẻ có thể bị đỏ mắt. Rubella cũng gây tình trạng phát ban, song các nốt ban mọc không theo tuần tự và quy luật như sởi. Vị trí mọc có thể là đầu, mặt rồi toàn thân.
Qua giai đoạn này, sốt thường giảm đầu tiên, sau đó đến các nốt ban cho đến khi da không còn dấu vết bất thường nào.
Bệnh Rubella có nguy hiểm không?
Theo thống kê, bệnh Rubella hiếm khi để lại biến chứng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn mang thai, mẹ bị nhiễm virus Rubella thì em bé sinh ra dễ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe, hay còn gọi là hội chứng rubella bẩm sinh.
Thế giới ghi nhận 100.000 ca Rubella bẩm sinh mỗi năm. Đây là một con số đáng báo động, bởi nó có có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu. Bên cạnh đó, virus Rubella sau khi xâm nhập vào cơ thể mẹ bầu có thể tấn công đến thai nhi, khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như:
- Đục thủy tinh thể
- Khiếm thính
- Thiếu máu
- Các bệnh lý về tim mạch bẩm sinh
- Viêm gan
- Tổn thương võng mạc
- Chậm phát triển
- Chậm phát triển trí tuệ
- Tiểu đường
- Tự kỷ
- Suy dinh dưỡng
- Tâm thần phân liệt
- Một số trường hợp trẻ tử vong do những hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh
Nếu mẹ bị nhiễm virus Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ, thì có đến 70 – 100% trẻ sinh ra bị hội chứng Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan não, mắt và tim. Thai có nguy cơ sảy thai hoặc chết lưu trong giai đoạn mang thai. Hoặc nếu đẻ được thì sẽ bị thiếu cân, chậm phát triển, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật khác như câm, điếc, hẹp eo động mạch phổi,…
Nếu mẹ bị nhiễm virus Rubella từ tuần 13 – 27 của thai kỳ:
- Khi thai được 13 – 16 tuần, tỷ lệ trẻ bị Rubella bẩm sinh là 17%
- Khi thai được 17 – 20 tuần, tỷ lệ trẻ bị Rubella bẩm sinh giảm xuống còn 5%
- Khi thai được hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%
Cách điều trị và phòng ngừa bệnh rubella ở trẻ em
Do đặc tính của bệnh nên Rubella rất dễ lây lan trong cộng đồng, nếu không được kiểm soát nhanh chóng rất có thể sẽ bùng phát thành dịch. Bất cứ trẻ chưa từng bị Rubella hoặc chưa được tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy để hạn chế những ảnh hưởng xấu của bệnh đối với trẻ, ba mẹ cần nắm rõ những hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa bệnh Rubella ở trẻ.
Các phương pháp điều trị bệnh Rubella
Hiện nay, bệnh Rubella ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh thường có diễn biến nhẹ nên không cần điều trị đặc biệt mà có thể hoàn toàn chăm sóc tại các cơ sở y tế hoặc tại nhà. Ba mẹ có thể tham khảo một số cách xoa dịu triệu chứng khó chịu ở trẻ như sau:
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm, nghỉ ngơi nhiều, chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi thực sự cần thiết. không nên dùng aspirin. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ
- Trẻ bị sốt dễ dẫn đến mất nước, kiệt sức. Vì vậy, ba mẹ cần tăng cường bổ sung nước cho bé đầy đủ. Trường hợp trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm Oresol bù nước và điện giải. Bên cạnh nước lọc đun sôi để nguội, mẹ có thể bổ sung thêm cho bé các loại nước ép trái cây, sữa chua hoặc sữa để tăng cường vitamin và khoáng chất
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên các món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. Nếu trẻ không chịu ăn, mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày để giúp bé hấp thụ tốt hơn
- Xoa nhẹ nhàng những vùng da trẻ bị ngứa, hạn chế gãi hoặc ma sát mạnh vì dễ gây tổn thương da và để lại sẹo
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, ít tiếng ồn và không vận động nặng
- Thường xuyên vệ sinh thân thể cho trẻ bằng cách dùng khăn nhúng nước ấm lau người. Không nên kiêng tắm, mặc kín cho trẻ vì có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn
- Khi có dấu hiệu bệnh, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị và cách ly khi cần thiết để hạn chế lây lan cho những người xung quanh
Các biện pháp phòng bệnh rubella
Để không phải lo những ảnh hưởng xấu của Rubella đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn ngừa mầm bệnh. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh rubella ở trẻ em phổ biến nhất:
- Đối với trẻ em, cách dự phòng bệnh rubella hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin cho trẻ, loại vắc xin này có thể phòng được 3 bệnh Rubella – sởi và quai bị. Vắc xin này được khuyến cáo tiêm cho trẻ 2 lần, mũi đầu cho trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi và được nhắc lại khi đủ 4 – 6 tuổi. Tiêm vắc xin không những giúp trẻ có kháng thể phòng bệnh mà còn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng
- Mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phòng ngủ và nơi vui chơi cho trẻ
- Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, đặc biệt trong thời điểm có dịch bệnh rubella
Những câu hỏi thường gặp về bệnh Rubella ở trẻ em
Bên cạnh những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của bệnh rubella ở trẻ, có rất nhiều thắc mắc khác về bệnh lý mà ba mẹ mong muốn được giải đáp. Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi thường gặp:
Virus Rubella lây lan qua con đường nào?
Bệnh Rubella lây nhiễm chủ yếu qua hai đường:
- Lây qua đường hô hấp: Khi người mang bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các hạt chất lỏng có chứa virus sẽ bắn ra ngoài không khí, người khác hít vào và lây bệnh
- Lây từ mẹ sang con: Trong quá trình mang thai, nếu mẹ bị nhiễm virus Rubella, trẻ sinh ra cũng sẽ bị mắc do bệnh có thể lây lan qua đường máu
Những ai có nguy cơ mắc bệnh rubella?
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh rubella. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây là có khả năng mắc cao hơn:
- Trẻ chưa từng nhiễm rubella trước đây
- Trẻ chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi quai bị rubella
- Trẻ sống trong vùng đang bùng phát dịch rubella
Cách kiểm tra khả năng miễn dịch bệnh rubella ở trẻ em
Bằng cách xét nghiệm máu, ba mẹ có thể đo được lượng kháng thể virus rubella trong cơ thể trẻ. Nếu muốn biết cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ trước bệnh Rubella hay chưa, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chỉ định kiểm tra kháng thể Rubella IgG. Đây là miễn dịch bảo vệ tự nhiên được sinh ra khi cơ thể đã nhiễm và khỏi bệnh. Nếu kết quả Rubella IgG > 10 IU/L, cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ. Ngược lại, nếu kết quả nhỏ hơn hoặc bằng 10 IU/L, ba mẹ nên cho bé tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh.
Bệnh Rubella ở trẻ em thường không để lại biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, nhưng không vì vậy mà ba mẹ được chủ quan. Phụ huynh nên lưu ý cách chăm sóc trẻ tại nhà, đồng thời quan sát và theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ để kịp thời xử lý, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.