Nội dung chính

Trẻ bị thủy đậu có được tắm không? Cách vệ sinh da cho bé

Dân gian thường quan niệm khi mắc thủy đậu, trẻ cần kiêng nước, kiêng tắm. Vậy thực hư như thế nào? Trẻ bị thủy đậu có được tắm không? Cùng lắng nghe chia sẻ của chuyên gia nhé!

Trẻ bị thủy đậu có được tắm không

Quá trình phát triển của mụn thủy đậu

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng thường có thời gian ủ bệnh khoảng 10 – 15 ngày chứ không phát bệnh ngay. Trong 1 – 2 ngày đầu tiên sau khi phát bệnh, trẻ có thể bị sốt, chán ăn, nhức đầu, đau bụng, mệt mỏi. Bước sang ngày tiếp theo, các nốt mụn bắt đầu xuất hiện trên da, với tần suất dày đặc theo thời gian.

Ban đầu, nốt mụn thủy đậu có màu trắng trong. Sau đó chuyển dần sang màu vàng đục. Chúng bắt đầu xuất hiện ở trên da vùng mặt, ngực và sau lưng, tiếp đó lan rộng và bao phủ toàn bộ cơ thể.

Quá trình phát triển của mụn thủy đậu

Thông thường, nốt mụn thủy đậu sẽ tự xẹp lại sau 5 – 6 ngày. Lúc này, trên da bé sẽ thấy có 1 lớp vảy tại nơi mọc mụn. Mụn khô lại và biến mất, tuy nhiên trong nhiều trường hợp có thể để lại vết thâm.

Với các nốt mụn to bị vỡ do tác động bên ngoài, chúng có nguy cơ bị nhiễm trùng và để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Do đó cần đặc biệt chú ý chăm sóc và vệ sinh da khi trẻ bị thủy đậu để tránh nhiễm trùng. 

Trẻ bị thủy đậu có được tắm không?

Mặc dù là bệnh lý ngoài da lành tính nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ bị thủy đậu có nguy cơ gặp phải những biến chứng đáng tiếc như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, co giật,… Trẻ bị nhiễm trùng da do thủy đậu rất dễ để lại sẹo và vết thương sâu sau khi khỏi bệnh. Đồng thời, điều đó cũng khiến quá trình trị bệnh kéo dài và khó khăn hơn. Chính vì, nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu đó là không để dẫn đến nhiễm trùng.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm, cho rằng trẻ bị thủy đậu thì cần kiêng tắm. Điều này không những không khiến bệnh giảm đi mà còn làm cho tình trạng thủy đậu ở bé trở nên trầm trọng hơn. Nhiều trẻ khi đến viện, các nốt mụn đã vỡ và loang sang nhiều vùng da trên cơ thể. Hậu quả là tạo cơ hội để các ổ virus gây bệnh thủy đậu hoạt động mạnh hơn.

vay tre bi thuy dau co duoc tam khong

Theo các chuyên gia, quan điểm kiêng tắm cho trẻ mắc bệnh thủy đậu là cổ hủ, lạc hậu. Trong thời gian điều trị, trẻ cần được chăm sóc đúng phương pháp và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Theo đó, trẻ vẫn có thể tắm trong phòng kín bằng nước ấm. Trẻ được tắm sạch cũng sẽ giảm bớt khó chịu, ngứa ngáy do thủy đậu gây ra. Ngoài ra, ba mẹ nên cắt móng tay và giữ sạch bàn tay của trẻ. Điều này giúp trẻ tránh chạm hay gãi lên da khiến da bị xước, nhiễm trùng và lây lan virus sang các vùng cơ thể khác.

Hướng dẫn vệ sinh ngoài da cho trẻ bị thủy đậu đúng cách

Vệ sinh mụn thủy đậu hàng ngày

Cách vệ sinh mụn thủy đậu không quá phức tạp. Ba mẹ chỉ cần tắm rửa sạch sẽ cho bé hàng ngày bằng nước sạch. Sau đó lau khô cơ thể, mặc quần áo mềm và thoáng để tránh gây ma sát trên da. Khi tắm và vệ sinh da cho bé, ba mẹ cần chú ý những điều sau:

  • Tắm bằng nước sạch, không nên tắm cho bé bằng nước nóng, thay vào đó nên tắm với nước ấm hoặc mát để làm dịu da, giảm ngứa. Bên cạnh đó, ba mẹ cần tránh tắm và vệ sinh da cho bé bằng vòi sen, lực nước mạnh khiến mụn thủy đậu bị vỡ
  • Không sử dụng xà phòng, sữa tắm để tránh gây kích ứng các mụn nước. Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại sữa tắm dành riêng cho các bệnh ngoài da
  • Tắm và lau người cho bé một cách nhẹ nhàng, không nên chà xát mạnh làm vỡ các mụn nước
  • Tuyệt đối không tự ý uống, bôi thuốc hay đắp các loại lá cây cho trẻ mà chưa thông qua chỉ định từ bác sĩ chuyên môn

Vệ sinh mụn thủy đậu hàng ngày

Vệ sinh và xử lý các nốt mụn thủy đậu bị vỡ

Khi các nốt phát ban xuất hiện khắp vùng da trên cơ thể sẽ không thể tránh khỏi các va chạm và cọ xát dẫn đến vỡ mụn nước. Lúc này, ba mẹ cần vệ sinh và xử lý các nốt mụn thủy đậu bị vỡ đúng cách để tránh bội nhiễm và để lại sẹo.

Đầu tiên, dùng bông y tế thấm nước muối sinh lý để vệ sinh mụn thủy đậu, lau nhẹ nhàng để làm sạch dịch mụn. Tiếp đó, dùng bông gòn khô để làm khô mụn. Sử dụng dung dịch sát khuẩn như xanh methylen để chấm lên nốt mụn bị vỡ. Với các nốt mụn chưa bị vỡ thì không cần thiết phải bôi thuốc sát khuẩn. Bởi điều này không mang lại nhiều tác dụng mà lại gây mất thẩm mỹ, khiến bác sĩ khó quan sát và theo dõi các nốt mụn.

Sau khi bôi dung dịch sát khuẩn, các nốt mụn sẽ khô và se lại nhanh chóng. Lúc này, mẹ có thể bôi thêm cho bé các loại thuốc có tác dụng tăng sinh liên kết collagen dưới da để nhanh lành sẹo.

Trên đây là giải đáp trẻ bị thủy đậu có được tắm không? Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ba mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ.

Chia sẻ bài viết này