Nội dung chính

Trẻ bị sún răng là do đâu? Bật mí cách điều trị hiệu quả

Sún răng là hiện tượng thường gặp, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 1 – 3 tuổi. Trẻ bị sún răng gây ra khá nhiều hậu quả như răng bị mòn, nói ngọng, ăn uống khó khăn, mất thẩm mỹ. Vì vậy, ba mẹ cần nắm được nguyên nhân để chủ động điều trị và phòng ngừa cho bé.

Trẻ bị sún răng

Sún răng là gì?

Sún răng là một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh khiến cấu trúc răng bị tàn phá nặng nề. Nếu không được can thiệp sớm, trẻ bị sún răng có nguy cơ mất răng, nhiễm trùng nướu.

Cấu tạo của một chiếc răng sữa cũng tương so với răng vĩnh viễn. Bao gồm lớp vỏ cứng bên ngoài, sau đó đến men răng và cuối cùng là ngà răng. Song, lớp men răng và ngà răng sữa của trẻ rất mỏng, độ nhạy cao và độ canxi hóa thấp nên khi gặp các tác nhân gây hại, răng sữa rất dễ bị tổn thương. Khi lớp men răng của trẻ mất dần, răng sữa của trẻ sẽ bị tiêu và mủn đi, làm giảm đáng kể thể tích thân răng. Hiện tượng này được gọi là sún răng.

Sún răng là một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ
Sún răng là một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ

Mặc dù không gây cho trẻ cảm giác đau nhức, song sún răng có mức độ lan truyền nhanh chóng tới các răng khác nếu không được điều trị sớm. Hậu quả là hàm trẻ chỉ còn lại những mỏm răng nhỏ nằm sát lợi, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt cũng như khả năng nhai nuốt và giao tiếp của trẻ.

Dấu hiệu sún răng ở trẻ

Phụ huynh cần đưa trẻ đến nha sĩ khi phát hiện răng còn có những biểu hiện sau đây:

  • Men răng bị bào mòn, không còn độ trắng và bóng
  • Răng cửa bé bị ố vàng, xỉn màu, mủn và ngày càng sẫm màu
  • Thể tích chân răng bị hao mòn từng chút một
  • Do lớp men răng bị tổn thương nghiêm trọng nên răng bé rất dễ vỡ
  • Bé cảm thấy đau nhức khi nhai thức ăn. Nếu tình trạng tổn thương ngày càng nghiêm trọng, bé có thể cảm thấy khó chịu, ê buốt khi hít thở

Bé bị sún răng quá sớm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt thường ngày. Do vậy, việc nhận biết kịp thời những dấu hiệu sún răng ở trẻ nhỏ là điều cực kỳ cần thiết.

Nguyên nhân trẻ bị sún răng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị sún răng, nhưng đa phần đều bắt nguồn do những thói quen không lành mạnh.

Do bé ăn nhiều đồ ngọt

Trẻ em là tín đồ của các loại bánh kẹo. Những thực phẩm này có chứa một lượng đường lớn là đường glucose, saccarose, maltose, fructose. Chỉ sau khoảng một thời gian ngắn, những thực phẩm chứa đường này được tiêu thụ, những vi khuẩn trong khoang miệng sẽ hấp thụ và biến chứng thành axit gây hủy hoại men răng. Hơn nữa, khi ăn xong đồ ngọt, trẻ lại không biết cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Hậu quả là trẻ có nguy cơ sún răng, sâu răng.

>>> Xem thêm: Vì sao bé ăn kẹo bị sâu răng? Và hướng giải quyết cho mẹ

Bé sún răng do ăn nhiều đồ ngọt
Bé sún răng do ăn nhiều đồ ngọt

Do môi trường axit trong miệng

Những chiếc răng sữa của bé rất dễ bị ăn mòn do môi trường axit trong miệng. Ngay cả khi không có mặt của vi khuẩn, các mô cứng của răng cũng bị ăn mòn bởi axit nội sinh hoặc ngoại sinh. Các axit ngoại sinh đến từ nhiều loại trái cây, nước ép và đồ uống có gas. Vì vậy, trẻ ăn nhiều những thực phẩm này sẽ khiến cho răng bé ngày càng bị ăn mòn.

Những nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ bị sún răng còn do các yếu tố sau:

  • Bé sún răng toàn hàm do thiếu chất (flour, canxi) nên răng con mỏng, yếu dễ bị tổn thương
  • Trong quá trình mang thai mẹ sử dụng các thuốc kháng sinh như Doxycycline hay Tetracycline, trẻ sinh ra răng sẽ bị yếu cũng như chất lượng men răng kém, độ cứng thấp nên dễ bị bào mòn
  • Trẻ mắc bệnh vàng da từ nhỏ, khi lớn cũng có thể ảnh hưởng tới men răng, gây sún răng
  • Chăm sóc răng miệng cho bé không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công men răng và gây sún răng
Bé sún răng do không vệ sinh răng miệng
Bé sún răng do không vệ sinh răng miệng

Trẻ bị sún răng có sao không?

Con người phát triển 2 hệ răng là răng sữa và răng vĩnh viễn. So với răng vĩnh viễn, răng sữa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi. Sau giai đoạn này, những chiếc răng sữa sẽ rụng đi và thay thế bởi răng vĩnh viễn. Thời gian thay thế tối đa trong vòng 6 – 12 tháng, đối với mỗi chiếc. Vì vậy, nếu trẻ bị sún răng sớm hơn so với các mốc nói trên, sau khi mất răng, hàm răng của bé sẽ xuất hiện khoảng trống, ảnh hưởng lớn đến việc phát âm, ăn uống và tiêu hóa.

Hơn nữa, khi bị sún răng, không chỉ những chiếc răng đó mang trên mình vi khuẩn có hại mà còn tác động tới răng vĩnh viễn và lợi. Đồng thời, khi răng sữa bị bào mòn dần, ngà răng và tủy răng sẽ bị lộ ra, gây ê buốt, đau nhức cho bé khi ăn uống.

Trường hợp trẻ bị sún răng cửa, ngoài việc ảnh hưởng tới thẩm mỹ, nó còn khiến trẻ có nguy cơ nói ngọng. Trên thực tế, hầu hết các em bé bị sún răng đều gặp tình trạng phát âm không chuẩn, nói chuyện lí nhí, dẫn đến ngại giao tiếp với mọi người xung quanh.

Đặc biệt, sún răng còn ảnh hưởng đến trình tự mọc răng vĩnh viễn của bé, dẫn đến sự sai lệch, khấp khểnh của răng vĩnh viễn sau này. Nguyên nhân là do khi răng bị hỏng sớm, lợi sẽ đóng kín, gây khó khăn cho răng vĩnh viễn mọc lên, có thể gây đau và mọc lệch làm mất thẩm mỹ.

Giải pháp giúp trị sún răng ở trẻ

Trẻ bị sún răng có thể được xử lý tại nhà hoặc điều trị tại các phòng khám nha khoa. Dưới đây là những giải pháp cho mẹ tham khảo:

Mẹo dân gian trị sún răng cho bé

Dùng lá trầu không

Lá trầu không có khả năng cải thiện tình trạng sún răng nhờ chứa các thành phần kháng khuẩn cao. Hơn nữa, cách thực hiện còn vô cùng đơn giản và tiết kiệm chi phí. Mẹ hãy bỏ túi mẹo hay này nhé!

  • Chuẩn bị 3 – 5 lá trầu không giả, rửa sạch, đợi ráo
  • Cho lá trầu vào cối giã nhuyễn, sau đó đắp lên vị trí răng sún
  • Giữ nguyên trong vòng 3 – 5 phút rồi cho trẻ súc miệng lại bằng nước sạch
  • Lưu ý: Trị răng sún bằng lá trầu không chỉ áp dụng cho các bé từ 3 tuổi trở lên
Dùng lá trầu không
Dùng lá trầu không

Chữa sún răng ở trẻ bằng lá lốt

Với trẻ bị sún răng đang trong giai đoạn đầu, mẹ có thể áp dụng mẹo chữa bằng lá lốt. Có thể mẹ chưa biết, trong lá lốt có chứa alcaloid, Beta-caryophylen và Benzyl Axetat có khả năng kháng khuẩn rất tốt. Đặc tính này giúp làm sạch, đồng thời ngăn ngừa sự hoạt động và phát triển của vi khuẩn gây hại.

  • Chuẩn bị 2 – 3 lá lốt, ngâm với nước muối rồi rửa sạch
  • Giã nhuyễn lá lốt cùng xíu muối tinh
  • Đắp hỗn hợp này lên vị trí sún răng
  • Thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần để có kết quả tốt nhất

Giảm sún răng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối là bước vệ sinh răng miệng rất cần thiết, đặc biệt với trẻ sún răng. Nước muối được ví như “khắc tinh” của ổ viêm nhiễm. Nó giúp quét sạch bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng. Đồng thời ngăn chặn tình trạng hình thành mảng bám trên kẽ răng. Từ đó giúp giảm và phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng hiệu quả. Khi trẻ bị sún răng, mẹ chỉ cần pha muối với nước lọc, theo tỷ lệ 0.9%, tức 1 lít nước với 9g muối tinh. Sau đó nhắc nhở bé súc miệng thường xuyên vào sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

Giảm sún răng bằng nước muối
Giảm sún răng bằng nước muối

Đưa bé tới gặp nha sĩ

Trên thực tế, sún răng ở trẻ không thể tự khỏi mà nhất định phải có sự can thiệp y khoa. Những phương pháp kể trên chỉ có tác dụng giảm một phần tác động đến quá trình ăn mòn men răng và mang tính chất phòng ngừa. Vì vậy, một khi bé bị sún răng, đặc biệt là đã ăn mòn tận chân răng hoặc lan sang nhiều răng khác, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để được xử lý. Các nha sĩ chuyên khoa hàm mặt sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp điều trị dựa vào mức độ tổn thương và độ tuổi của bé. Cha mẹ không nên chần chờ mà nên đưa bé tới bệnh viện càng sớm, càng tốt để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian điều trị.

Mách mẹ cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi

Hướng dẫn phòng ngừa em bé sún răng

Để phòng ngừa trẻ bị sún răng, cha mẹ nên lưu ý tới cách chăm sóc răng miệng cho bé ngay từ khi còn nhỏ.

Vệ sinh răng cho bé đúng cách

Ngay thời điểm chiếc răng đầu tiên bé mọc lên, mẹ nên dành sự chăm sóc đặc biệt cho răng trẻ. Ban đầu, mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho bé bằng miếng gạc mềm vào mỗi buổi sáng và sau bữa ăn. Bên cạnh đó, sau khi bé bú, mẹ nên cho bé tráng miệng bằng 1 – 2 thìa nước ấm để rửa trôi thức ăn, làm sạch răng, phòng ngừa sún răng.

Vệ sinh răng cho bé đúng cách
Vệ sinh răng cho bé đúng cách

Khi bé 2 tuổi, hàm răng của bé đã tương đối hoàn chỉnh. Theo đó, khả năng nhai và tiêu thụ các thực phẩm của bé cũng đa dạng và phong phú hơn nhiều. Đây chính là lúc bé cần được vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng bàn chải lông mềm. Phụ huynh nên cho bé chải răng bằng kem đánh răng có chứa flour để ngăn ngừa sâu răng, giúp răng chắc khỏe. Với các bé có thói quen ăn nhiều bánh kẹo, mẹ nên nhắc bé chải răng ngay sau khi ăn. Ngoài ra, đừng quên cho bé dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn nhé!

Cho bé ăn uống lành mạnh

Trong giai đoạn mọc răng, ba mẹ nên tăng cường các thực phẩm giàu canxi và flour vào chế độ ăn của bé. Chẳng hạn như sữa tươi, gan động vật, trứng, cá biển, cua, tôm,… Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm có hại cho răng như bánh kẹo, nước lạnh, nước ngọt, nước uống có gas,…

Chú ý khi cho bé dùng thuốc

Thuốc kháng sinh là một trong những thủ phạm chính gây hỏng men răng, làm răng bị đổi màu. Vì vậy, để bảo vệ hàm răng xinh của bé còn nguyên vẹn, khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, ba mẹ không được tự ý cho bé dùng thuốc kháng sinh.

Loại bỏ thói quen xấu

  • Không cho trẻ bú bình hoặc ngậm bình sữa vào ban đêm
  • Không cho trẻ dùng răng cắn vật cứng
  • Hạn chế cho bé uống nước có gas, ăn bánh kẹo, nhất là vào ban đêm
  • Nếu bé có thói quen uống sữa vào buổi tối, mẹ nên cho bé súc miệng ngay
Loại bỏ thói quen xấu
Loại bỏ thói quen xấu

Đưa trẻ đi khám định kỳ

Để phát hiện sớm các bệnh về răng miệng, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần. Đây là việc làm rất cần thiết nhưng đáng buồn là thường bị phụ huynh bỏ qua.

Trẻ bị sún răng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu phụ huynh chú ý tới việc vệ sinh răng miệng, duy trì lối sống lành mạnh. Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng quên chú ý đến dinh dưỡng của bé để hỗ trợ phát triển răng tốt hơn.

Chia sẻ bài viết này