Nội dung chính

Trẻ mọc răng sớm có sao không? Chăm sóc răng bé mọc sớm

Trẻ mọc răng sớm có sao không? Mọc răng sớm có phải do thừa canxi không? Đây là những thắc mắc của không ít các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mọc răng. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình nhé!

Trẻ mọc răng sớm

Trẻ mọc răng sớm nhất là mấy tháng?

Răng sữa hay còn gọi là răng sơ cấp, đây là hệ răng đầu tiên của con người. Những chiếc răng này bắt đầu phát triển ngay từ giai đoạn phôi thai. Nhưng đến khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, răng sữa mới mọc, trước đó chỉ hình thành phần chân răng.

Đầu tiên, bé sẽ mọc 2 chiếc răng cửa hàm dưới, sau đó là cặp hàm trên. Tiếp theo, hai cặp răng cửa bên sẽ xuất hiện. sau đó là đến những chiếc răng hàm đầu tiên. Trình tự tiếp theo là răng nanh và cuối cùng là răng hàm thứ 2.

6 tháng tuổi là thời gian trung bình bé mọc chiếc răng đầu tiên. Vì vậy, có thể xem mốc mọc răng sớm nhất của trẻ là dưới 6 tháng tuổi. Trong đó, trẻ 3 tháng mọc răng sớm là cần chú ý hơn cả.

Dấu hiệu trẻ mọc răng sớm

Dù mọc răng sớm hay muộn, cơ thể trẻ vẫn có một vài thay đổi. Cha mẹ nên quan sát con thường xuyên để chủ động chăm sóc khi trẻ sắp mọc răng.

  • Nước dãi chảy nhiều: Quá trình mọc răng có thể kích thích bé tiết nhiều nước dãi hơn. Trong khi đó, khoang miệng bé còn nông và khả năng nuốt chưa hoàn thiện. Vì vậy, thời điểm bé mọc răng, nước dãi thường chảy ra ngoài nhiều hơn. Mẹ có thể thấy nước dãi của bé dính xung quanh miệng và cằm
  • Cắn, ngậm đồ vật: Thời điểm răng trồi lên khỏi nướu sẽ mang lại cho bé cảm giác rất khó chịu. Để tự xoa dịu, trẻ thường có xu hướng ngậm mút ngón tay hoặc cắn đồ vật. Nếu thấy bé có hành động kỳ lạ này thường xuyên, rất có thể răng bé sắp mọc đó
  • Quấy khóc: Những chiếc răng đầu tiên được mọc bao giờ cũng gây cảm giác đau đớn cho trẻ. Vì vậy, lúc này, con sẽ cáu kỉnh, quấy khóc hơn bình thường. Mẹ hãy vỗ về, an ủi để xoa dịu sự khó chịu ở trẻ nhé
  • Biếng ăn: Khi mọc răng, trẻ sẽ bị sưng, viêm nướu. Điều này cản trở khả năng ăn uống của bé. Đặc biệt là với các bé trong giai đoạn ăn dặm
  • Khó ngủ, ngủ không sâu giấc: Đây cũng là dấu hiệu đặc trưng khi trẻ mọc răng sớm. Cha mẹ cố gắng duy trì thói quen đi ngủ sớm và dỗ dành trẻ nhiều hơn
  • Bóp má, kéo tai: Lợi, tai và má có cùng chung một đường dây thần kinh. Vì vậy, khi lợi bé bị nứt ra do mọc răng, các bộ phận còn lại cũng bị kích thích
  • Sốt, ho: Đây không hẳn là dấu hiệu khi bé mọc răng, nhưng thường xuất hiện trùng vào thời điểm này. Đặc biệt, ba mẹ cần phân biệt rõ sốt mọc răng và sốt do bệnh lý để có phương pháp chăm sóc bé phù hợp
Dấu hiệu trẻ mọc răng sớm
Dấu hiệu trẻ mọc răng sớm

Nguyên nhân trẻ mọc răng sớm

Trên thực tế, có những đứa trẻ mọc răng rất sớm, từ 3 – 4 tháng tuổi và cũng có những trẻ mọc răng muộn, đến hơn 1 tuổi mới mọc chiếc răng đầu tiên. Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm mọc răng của trẻ:

Di truyền

Bé mọc răng sớm phần lớn là do di truyền. Nếu bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị mọc răng sớm thì trẻ có thể thừa hưởng đặc điểm này nên cũng mọc răng sớm hơn mốc trung bình.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến trí thông minh mà còn tác động đến thể chất của trẻ. Trong đó bao gồm cả sự phát triển của răng. Chuyên gia khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu tiên sau sinh. Vì vậy, trong giai đoạn này, mẹ cần được cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ chất để có nguồn sữa tốt cho bé yêu. Trường hợp bé có nền tảng dinh dưỡng tốt thì cũng nhanh mọc răng hơn.

Nguyên nhân bé mọc răng sớm
Nguyên nhân bé mọc răng sớm

Trẻ mọc răng sớm có phải thừa canxi?

Thời gian mọc răng của trẻ cũng phụ thuộc rất lớn vào lượng Canxi và vitamin D mà cơ thể hấp thụ và tổng hợp được. Về cơ bản, trẻ thiếu canxi là do sinh thiếu tháng, chế độ ăn kém hoặc không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên. Mặc dù, mọc răng muộn có liên quan đến tình trạng thiếu canxi. Nhưng điều đó không có nghĩa trẻ mọc răng sớm là thừa canxi.

>>> Vậy trẻ mọc răng muộn thì sao mời mẹ đọc: Trẻ mọc răng muộn có sao không?

Trẻ mọc răng sớm có sao không?

Không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng, việc trẻ mọc răng sớm là không tốt, cho thấy sức khỏe trẻ đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề mọc răng sớm hay muộn không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho trẻ. Ngược lại, mọc răng sớm còn chứng tỏ trẻ phát triển nhanh hơn bình thường. Điều này giúp hỗ trợ khả năng nhai, nghiền thức ăn của bé tốt hơn trong giai đoạn tập ăn dặm. Qua đó bổ sung thêm những dinh dưỡng cần thiết ngoài sữa, giúp bé phát triển nhanh cả về chiều cao lẫn cân nặng.

Trên thực tế, có một số em bé khi mới ra đời đã mọc răng. Trường hợp này rất hiếm, chỉ chiếm tỷ lệ 1/2000. Ngoài ra, cũng có một số trẻ có thứ tự mọc răng bị đảo lộn. Chẳng hạn như mọc răng nanh trước, răng cửa sau. Đây cũng là tình trạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, chiếc răng này sẽ nhanh chóng bị rụng đi sau đó, khi những chiếc răng khác mọc lên đúng vị trí và đúng thời điểm. 

Tóm lại, dù trẻ mọc răng sớm hay muộn thì điều quan trọng là mầm răng khi còn ở trong xương hàm có đủ chất dinh dưỡng để răng nhô lên hay không. Miễn là răng bé không bị dị dạng thì ba mẹ không cần quá lo lắng về các vấn đề liên quan khác.

Bé mọc răng sớm không được chăm sóc cẩn thận sẽ gây tác hại gì?

Răng bé cũng cần được chăm sóc cẩn thận như làn da và mái tóc đó các mẹ. Bởi nếu mẹ bỏ bê, những chiếc răng xinh của bé sẽ sớm gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

Sâu răng

Ẩn nấp dưới chiếc răng sữa là những mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc. Vì vậy, nếu răng sữa bị sâu, vi khuẩn có thể làm hại nướu, dẫn đến sự mọc sai vị trí của răng vĩnh viễn, ảnh hưởng xấu đến khớp cắn và xương hàm.

Không được chăm sóc thường xuyên răng có thể bị sâu
Không được chăm sóc thường xuyên răng có thể bị sâu

Viêm nướu

Sự tích tụ mảng bám trên răng trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng viêm nướu. Lúc này, nướu trẻ sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu, thậm chí bị tách khỏi răng một phần. Tình trạng này khiến trẻ đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng ăn uống.

Hôi miệng

Trẻ không được chăm sóc răng miệng thường xuyên hoặc chưa đúng cách có thể làm cho miệng trẻ bị hôi, kèm theo hơi thở có mùi khó chịu.

Mách mẹ cách chăm sóc trẻ khi mọc răng sớm

Ở thời mọc những chiếc răng đầu tiên, bé yêu chưa thể tự vệ sinh răng miệng. Vì vậy, ba mẹ hãy hỗ trợ làm sạch cho bé nhé! Từ 3 tuổi trở đi, phụ huynh có thể bắt đầu hướng dẫn bé cách đánh răng, cũng như rèn cho bé thói quen vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 lần. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể giúp mẹ chăm sóc trẻ khi mọc răng sớm hiệu quả nhất:

Trước khi bé mọc răng

Hãy tập thói quen vệ sinh răng miệng từ sớm, ngay cả khi con bạn chỉ mới có “nụ cười của nướu”. Mẹ chỉ cần chuẩn bị 1 miếng gạc sạch, mềm để chải nướu và lưỡi của bé. Các bước thực hiện đơn giản như sau:

  • Rửa tay thật sạch bằng xà phòng
  • Quấn gạc quanh ngón tay trỏ và nhúng vào nước ấm
  • Nhẹ nhàng chà miếng gạc dọc theo nướu bé để loại bỏ vi khuẩn
  • Thực hiện mỗi ngày 2 lần, nhất là sau khi bé bú sữa
Vệ sinh răng miệng cho bé sơ sinh
Vệ sinh răng miệng cho bé sơ sinh

Trong thời gian trẻ mọc răng sớm

Trải nghiệm mọc răng mang lại cho bé nhiều khó chịu. Chưa kể một số bé mọc răng sớm còn bị sốt, ho, tiêu chảy. Lúc này, mẹ cần quan tâm tới chuyện ăn uống, giấc ngủ và vệ sinh của bé để con không bị sụt cân hay có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào sau khi răng mọc.

  • Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau sạch nướu dãi quanh miệng và nướu bằng khăn sạch, mềm. Đặc biệt là sau khi bé ti sữa
  • Sau khi bé ăn xong, mẹ nên cho bé tráng miệng bằng một vài thìa nước lọc
  • Với trẻ mọc răng bị sốt nhẹ, mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách lau nước ấm và bổ sung nước. Trường hợp bé sốt cao từ 38.5 độ C thì có thể cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol. Tuy nhiên, trước khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bé đã được uống thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm, ba mẹ hãy nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện. Bởi rất có thể tình trạng của bé không do mọc răng mà bắt nguồn từ bệnh lý tiềm ẩn nào đó
  • Trong thời gian bé mọc răng, mẹ nên ưu tiên cho bé ăn các món mềm, dễ nhai, dễ tiêu hóa. Điều này sẽ giúp xoa dịu cảm giác đau đớn do quá trình mọc răng đem lại
  • Tuyệt đối không cho bé ngậm mút tay hoặc cắn đồ vật cứng không đảm bảo vệ sinh. Thói quen này có thể khiến bé bị lây nhiễm vi khuẩn, virus gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Chăm sóc bé khi mọc răng sữa
Chăm sóc bé khi mọc răng sữa

Sau khi bé mọc răng

Ngay khi những chiếc răng đầu tiên đã mọc lên, con bạn đã sẵn sàng cho việc vệ sinh răng miệng bằng bàn chải. Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho bé:

  • Cho bé dùng kem đánh răng có chứa Fluoride. Thông thường, loại kem đánh răng này có in trên vỏ hộp là loại dành cho trẻ từ 0 – 2 tuổi
  • Sử dụng bàn chải lông mềm, dành riêng cho trẻ nhỏ
  • Đánh răng cho bé nhẹ nhàng mỗi ngày 2 lần. Lưu ý, đánh răng mặt ngoài trước, bao gồm hàm trên và hàm dưới bằng cách chải từ hàm trên xuống và từ hàm dưới lên. Đánh mặt trong răng tương tự như mặt ngoài
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ sạch mảng bám thức ăn thay vì dùng tăm. Điều này sẽ giúp bảo vệ men răng, cho răng bé chắc khỏe
  • Đưa bé đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe răng miệng gặp phải

Những lưu ý khi bé mọc răng sớm

Lần đầu mọc răng bao giờ cũng là trải nghiệm khó khăn nhất. Đặc biệt là với trẻ mọc răng sớm. Mức độ quấy khóc, khó ngủ, đau nướu, bỏ ăn cũng sẽ gia tăng hơn bình thường. Mặc dù vậy, triệu chứng mọc răng ở trẻ không quá đáng lo nếu như được chăm sóc đúng cách. Song, nếu bé sốt mọc răng có các biểu hiện sau, cha mẹ hãy đưa đến bệnh viện càng sớm, càng tốt:

  • Sốt trên 38.5 độ C
  • Sốt cao kèm nôn mửa, tiêu chảy hoặc phát ban
  • Ngủ li bì, lơ mơ
  • Bỏ bú
  • Quấy khóc nhiều lần trong ngày
  • Mệt mỏi, người uể oải

Tóm lại, trẻ mọc răng sớm không gây ảnh hưởng gì. Điều quan trọng là ba mẹ cần đảm bảo vệ răng miệng cho bé đúng cách và thường xuyên để tạo tiền đề tốt cho giai đoạn mọc răng vĩnh viễn sau này!

Nguồn: nih

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3467875/
Chia sẻ bài viết này