Chảy máu cam ở trẻ em do rất nhiều nguyên nhân, thường xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Vậy, chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không? Hãy cùng Fitobimbi đi tìm đáp án chi tiết cho câu hỏi này nhé!
- Trẻ nằm điều hoà bị chảy máu cam: nguyên nhân và cách sơ cứu
- Bé bị chảy máu mũi 1 bên: Nguyên nhân và cách sơ cứu

Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?
Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng chảy máu từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc mũi sau rồi xuống cổ họng. Đây là hiện tượng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thế nhưng, trẻ em từ 2 – 10 tuổi phổ biến hơn cả.

Chảy máu cam thường được chia thành 2 loại: chảy máu cam trước chiếm khoảng 90%, dễ kiểm soát tại nhà hay cơ sở y tế; chảy máu cam sau chiếm khoảng 10%, khó kiểm soát tại nhà, nguy hiểm hơn và cần được chẩn đoán, điều trị tại cơ sở y tế.
Vậy, chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không? Theo chuyên gia, chảy máu cam là hiện tượng bình thường ở trẻ em, thường xảy ra khi mũi có dị vật, ngoáy mũi, xì mũi mạnh, thời tiết, môi trường sống, cảm lạnh hay dị ứng, thiếu chất (vitamin A, vitamin C, vitamin K, Kali, sắt), nóng trong người hay mạch máu quá nhạy cảm.
Tuy là hiện tượng bình thường nhưng khi trẻ bị chảy máu cam kèm theo những triệu chứng bất thường dưới đây, bố mẹ cần được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Cụ thể:
- Máu chảy nhanh, liên tục, không thể cầm mặc dù đã áp dụng biện pháp sơ cứu
- Máu mũi chảy nhiều do có dị vật bên trong và bố mẹ chưa thể chưa lấy ra được
- Máu mũi chảy với một lượng nhiều (hơn một cốc đầy) mặc dù trẻ bị chấn thương nhẹ
- Máu không chảy ra phía trước mũi mà chảy xuống cổ họng (chảy máu mũi sau), cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa
- Trẻ bị chấn thương vùng đầu mặt, cảm thấy đau đầu, chóng mặt và chảy máu cam liên tục
- Trẻ bị chảy máu cam với một lượng nhiều sau khi sử dụng một loại thuốc hoặc vừa trải qua xạ trị, hóa trị
- Trẻ bị chảy máu cam khi đang sử dụng thuốc ngăn đông máu như Apixaban, Dabigatran, Warfarin, Rivaroxaban, Edoxaban, Clopidogrel, Fondaparinux
- Trẻ bị chảy nhiều máu mỗi lần, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân cụ thể
- Trẻ bị chảy máu cam, mặt đỏ, xung huyết, sốt cao từ 2 – 7 ngày, đau đầu, đau họng, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn và nôn
- Trẻ bị chảy máu cam nhiều lần và đang mắc bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng đông máu
- Trẻ bị chảy máu cam trong một thời gian dài, ăn không ngon miệng, cơ thể gầy yếu, xanh xao hơn những trẻ khác
>>> Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em và biện pháp phòng ngừa

Trẻ bị chảy máu cam nhiều lần trong ngày có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm mà bố mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách. Một số bệnh lý thường được đề cập đến bao gồm:
- Viêm mũi xoang
- U xơ vòm họng mũi
- Ung thư vòm họng
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư máu
- Rối loạn tiểu cầu
- Rối loạn đông máu
- Suy tủy xương
- Chấn thương mũi
- Lệch vách ngăn mũi
Viêm mũi xoang
Ngoài khoang mũi, vùng mặt có một hệ thống khoang rỗng, được lót bởi niêm mạc, bao gồm xoang trán, xoang sàng, xoang hàm và các xoang mũi. Các xoang này giúp cho vùng sọ mặt nhẹ hơn và cộng hưởng âm thanh để mỗi người có một giọng nói đặc trưng.

Khi chịu tác động của các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus, khói bụi, hóa chất, phấn hoa, lông thú cưng,… trẻ dễ bị viêm mũi xoang. Khi đó, lớp niêm mạc bao phủ trong xoang bị tổn thương và trẻ có thể bị chảy máu cam.
Bệnh viêm mũi xoang chảy máu có biểu hiện đa dạng và trẻ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được sơ cứu, điều trị kịp thời. Một số biểu hiện của bệnh mà bố mẹ nên biết: nghẹt mũi chảy máu, xì mũi ra máu, nghẹt mũi đờm có máu, máu mũi ngưng chảy rồi tiếp tục chảy, máu mũi chảy nhiều do va chạm mạnh ở đầu mũi.
U xơ vòm họng mũi
Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên có thể là nguyên nhân của rất nhiều bệnh lý, trong đó có u xơ vòm họng mũi. Đây là một căn bệnh hiếm gặp, chủ yếu phát triển ở tuổi dậy thì. Theo đó, khối u thường có chân bám chặt và rộng ở vùng cửa mũi sau.
U xơ vòm họng mũi thường tiến triển chậm với hàng loạt triệu chứng điển hình như: nghẹt mũi, cơ thể gầy gò, xanh xao, đau đầu, ù tai, mắt lồi, nghe kém và chảy máu cam. Lúc đầu, trẻ bị u xơ vòm họng mũi có thể chảy máu cam với một lượng ít và có thể tự cầm máu được.
Khi khối u phát triển, số lần chảy và lượng máu cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù đây là một loại u lành tính nhưng nếu khối u phát triển hay trẻ bị chảy máu cam nhiều, liên tục và không thể cầm máu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là loại ung thư thường gặp ở vòm họng phía sau, ngách hầu hoặc chỗ thắt vòm họng. Nguyên nhân gây ung thư vòm họng thường là nhiễm virus EBV, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn không hợp vệ sinh, môi trường sống ô nhiễm, hút thuốc lá thụ động hay đánh răng, súc miệng không sạch.
Trẻ em bị ung thư vòm họng thường chảy máu cam bất thường và liên tục mà không rõ lý do. Thêm nữa, trẻ có thể gặp tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, đờm có máu, khó nuốt, viêm họng, quấy khóc, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sụt cân, nhức đầu, ù tai, khàn tiếng,…
Ung thư vòm họng là u ác tính, có tốc độ phát triển tương đối nhanh. Do trẻ em đang ở độ tuổi lớn nên ung thư vòm họng phát triển nhanh hơn cả. Nếu trẻ bị ung thư vòm họng nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ lan nhanh, di căn và đe dọa đến tính mạng.
Bệnh bạch cầu
Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu. Đây là một loại ung thư của các tế bào bạch cầu trong máu. Nếu mắc bệnh, một lượng lớn tế bào bạch cầu bất thường sẽ được sản sinh ở tủy, bám quanh tủy xương và chảy vào dòng máu.

Thế nhưng, do khiếm khuyết mà những tế bào đó không thể thực hiện được chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Bệnh bạch cầu được chia thành 2 loại: cấp tính (phát triển nhanh) và mạn tính (phát triển chậm). Ở trẻ em, khoảng 98% trường hợp mắc bệnh thuộc loại cấp tính.
Trẻ mắc bệnh bạch cầu dễ bị xuất huyết, thường gặp là chảy máu mũi (chảy máu cam), xuất huyết dưới da, bầm tím. Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh bạch cầu còn hay đổ mồ hôi, sưng bướu bạch huyết ở cổ, đau nhức xương khớp, đi khập khiễng, mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
Ung thư máu
Trẻ bị ung thư máu thường chảy máu cam, chảy máu nướu, đau xương khớp, bị nhiễm trùng, ho, khó thở, đau đầu, nôn mửa, ăn kém, hay bị đau dạ dày, cơ thể mệt mỏi, sụt cân và bị sưng một số bộ phận như mặt, bụng, cánh tay, dưới nách, 2 bên cổ hay trên xương đòn.
Ung thư máu là loại ung thư ác tính, xảy ra khi lượng bạch cầu gia tăng đột biến, từ đó sẽ bị thiếu “thức ăn” hay nguồn cung cấp dinh dưỡng cho nên lượng bạch cầu này sẽ ăn chính hồng cầu, khiến người bệnh bị thiếu máu. Ung thư máu có 2 loại: ung thư máu cấp tính và ung thư máu mạn tính.
Rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu (Hemophilia) là một rối loạn khiến máu của trẻ không thể đông lại như bình thường. Đây là rối loạn hiếm gặp và hiện chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Rối loạn đông máu được xác định khi số lượng tiểu cầu máu nhỏ hơn 150.000 μL.
Trẻ bị rối loạn đông máu thường do rối loạn di truyền (lên đến 50%, cao hơn ở bé trai) làm thay đổi gen của trẻ khi phát triển trong tử cung. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh này còn do đột biến gen, làm cho cơ thể không sản xuất đủ lượng yếu tố XIII và IX cho quá trình đông máu.
Rối loạn đông máu là một bệnh ưa chảy máu. Trẻ mắc bệnh này thường bị chảy máu cam trong một thời gian dài mà không rõ nguyên nhân cụ thể. Bên cạnh đó, trẻ còn thường xuyên bị chảy máu chân răng, máu chảy không ngừng sau khi nhổ răng, máu chảy bất thường sau khi tiêm, xuất hiện vết bầm tím, mệt mỏi, khó thở, nôn mửa,…
Rối loạn giảm tiểu cầu
Tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ di chuyển đến điểm này đồng thời bám dính vào nhau để tạo thành nút chặn vết hở.

Rối loạn giảm tiểu cầu là 1 trong 3 loại rối loạn tiểu cầu thường gặp (ngoài ra còn có rối loạn tăng tiểu cầu và suy giảm chức năng tiểu cầu). Trẻ bị rối loạn giảm tiểu cầu có thể chảy máu cam liên tục mà không rõ nguyên nhân. Giảm tiểu cầu nhẹ thường không có triệu chứng và chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm huyết đồ.
Trường hợp giảm tiểu cầu nặng (20.000/micro lít máu) dễ bị xuất huyết. Nếu rối loạn giảm tiểu cầu nặng (10.000 – 20.000/micro lít máu), trẻ có thể bị chảy máu tự phát thường xuyên. Triệu chứng thường gặp là chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da hay niêm mạc miệng, họng, ống tiêu hóa,…
Suy tủy xương
Suy tủy xương là một hội chứng lâm sàng với đặc trưng là giảm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu trong máu. Ngoài ra, tủy xương sẽ bị thay thế bởi mô mỡ, nguyên nhân là vì sự giảm sinh tế bào máu của tủy xương.
Nguyên nhân gây bệnh có thể là di truyền hoặc mắc phải. Theo nghiên cứu, suy tủy xương có thể do một số bệnh di truyền như rối loạn tạo sừng bẩm sinh, hội chứng Fanconi, hội chứng Shwachman-Diamond,… Ngoài ra, bệnh còn do sử dụng một số loại thuốc hay tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.
Trẻ bị suy tủy xương thường cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, khó thở, niêm mạc mắt nhợt nhạt, thiếu máu và da xanh xao. Một thời gian sau khi bị bệnh, đa số trẻ sẽ bị sốt cao, ớn lạnh, viêm họng, thường xuyên bị nhiễm trùng, xuất huyết dưới da và chảy máu cam.
Chấn thương mũi
Chấn thương mũi là chấn thương tại mũi hoặc khu vực quanh. Chính vị trí nhô lên khiến mũi dễ bị tổn thương phần mô mềm, xương và sụn. Đối với trẻ em, chấn thương mũi thường xảy ra khi chạy nhảy, vấp ngã. Khi chấn thương mũi, trẻ có thể bị chảy máu cam liên tục.
Theo bác sĩ chuyên khoa, các mạch máu trong mũi rất dễ bị vỡ, chảy máu khi trầy xước quá mức, bị kích thích hay xảy ra va chạm mạnh. Khi đó, bố mẹ sẽ sơ cứu bằng cách bóp chặt 2 cánh mũi, chườm đá lạnh để làm hẹp các mạch máu, hạn chế máu chảy và giúp quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn.
Lệch vách ngăn mũi
Trẻ hay bị chảy máu cam có thể do lệch vách ngăn mũi. Vách ngăn mũi là bộ phận thuộc mũi, nằm trong hốc mũi và chia đôi 2 khoang mũi. Bộ phận này có chiều dài khoảng 8cm, bắt đầu từ đầu mũi cho đến vòm mũi họng, bao gồm xương và sụn.

Lệch vách ngăn mũi (vẹo vách ngăn mũi) là tình trạng vách ngăn mũi bị dịch chuyển đáng kể sang một bên, mũi vị xiêu vẹo, biến dạng bất thường. Lệch vách ngăn mũi bao gồm: lệch hình chữ C – lệch vách ngăn mũi 1 bên; lệch hình chữ S – lệch vách ngăn mũi 2 bên; dày chân vách ngăn; gai hoặc mào vách ngăn.
Bệnh lý khác
Ngoài những bệnh lý kể trên, trẻ bị chảy máu cam có thể mắc bệnh lý hiếm gặp, cần được thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế như:
Suy thận: Trẻ bị suy thận có thể bị chảy máu cam kèm theo một số triệu chứng điển hình khác. Suy thận là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nó tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, thậm chí là tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách.
Thấp khớp: Thấp khớp hay còn gọi là viêm khớp vô căn. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 16 tuổi, khi đó, các khớp viêm và cứng kéo dài trên 6 tuần. Nếu không được điều trị đúng cách, trẻ có thể gặp một số biến chứng tại các khớp, vùng mắt, hệ thần kinh ngoại biên, da, xương và máu (chảy máu mũi, chất thải có máu).
Bệnh lý về gan: Trẻ mắc bệnh lý về gan có thể hay bị chảy máu cam. Bởi vì, gan có liên quan đến quá trình tạo ra một số yếu tố liên quan đến quá trình đông cầm máu. Cho nên, nếu chảy máu cam ở trẻ em liên quan đến rối loạn đông máu thì cũng có thể liên quan đến gan.
Sốt xuất huyết: Hai triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết là sốt và xuất huyết. Triệu chứng xuất huyết thường là chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa, bầm dưới da. Tính mạng của trẻ sẽ gặp nguy hiểm nếu bị xuất huyết nặng, hồng cầu vỡ, thoát mạch, máu chảy ồ ạt trong và ngoài cơ thể.
Một số câu hỏi liên quan đến chảy máu cam ở trẻ em
Bố mẹ thường gặp sai lầm gì khi xử lý cho trẻ bị chảy máu cam?
Không phải bố mẹ nào cũng biết cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam. Một số sai lầm mà bố mẹ nên tránh đó là:
Dùng tay bịt lỗ mũi: Bố mẹ tuyệt đối không dùng tay để bịt lỗ mũi khi trẻ bị chảy máu cam. Bởi vì, khi dùng tay bịt lỗ mũi trẻ sẽ khiến máu chảy nhiều hơn và tăng nguy cơ chảy ngược xuống cổ họng gây sặc máu.
Cho trẻ ngửa đầu ra sau: Một trong những sai lầm của bố mẹ khi xử trí cho trẻ bị chảy máu cam đó là hướng dẫn con ngửa đầu ra sau. Khi đang chảy máu cam, nếu ngửa đầu ra sau có thể khiến máu chảy ngược xuống cổ họng, qua lỗ thông khí và có thể bị sặc máu.
Cho trẻ nằm ngửa: Cũng giống như ngửa đầu ra sau, nằm ngửa khi đang bị chảy máu cam dễ khiến trẻ bị sặc máu. Khi đó, máu không thể cầm mà còn chảy xuống họng, chạy qua lỗ thông khí và trẻ có thể bị sặc máu. Thậm chí, nếu nuốt phần máu chảy ra, khi máu xuống dạ dày sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, buồn nôn và nôn.
Nhét giấy ăn vào mũi: Khi trẻ bị chảy máu cam, nhiều bố mẹ nghĩ rằng có thể cầm máu nhanh bằng việc nhét giấy ăn vào trong mũi. Thế nhưng, theo bác sĩ chuyên khoa, việc nhét vật liệu thông thường và không đảm bảo vô khuẩn có thể khiến niêm mạc mũi bị nhiễm trùng.
Lạm dụng nước muối sinh lý: Một số bố mẹ cho rằng, nhỏ nước mũi liên tục có thể làm ẩm niêm mạc mũi và ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, bởi vì, thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý sẽ khiến niêm mạc mũi bị khô, kể cả khi trong nhà có máy phun sương, tạo độ ẩm.
Bố mẹ nên làm gì để ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em tái phát?
Để ngăn ngừa chảy máu cam tái phát, sau 24 giờ kể từ khi cầm máu, bố mẹ khuyên trẻ không dụi hay ngoáy mũi. Không nên cho trẻ ăn uống đồ nóng và không tắm nước nóng. Đối với trẻ hay bị táo bón, nên cho trẻ uống đủ nước lọc, nước ép trái cây và tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn.
Để ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam, bố mẹ nên chú ý dưỡng ẩm, vệ sinh và bảo vệ mũi. Bên cạnh đó, bố mẹ nên quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng và đảm bảo môi trường sống có độ ẩm ở mức phù hợp.
>>> Xem chi tiết: Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?
Dưỡng ẩm niêm mạc mũi: Để tránh tình trạng khô mũi và chảy máu cam, nên chú ý làm ẩm niêm mạc mũi cho trẻ. Bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý sau đó nhỏ vài giọt vào niêm mạc mũi để làm ẩm. Ngoài ra, bố mẹ có thể bôi kem dưỡng ẩm 2 lần/tuần vào phần trước vách ngăn mũi của trẻ.
Vệ sinh và bảo vệ mũi: Mỗi ngày, bố mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước ấm. Chú ý đeo khẩu trang khi cho trẻ ra ngoài, nhất là vào mùa đông. Không nên cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo hay chất thải công nghiệp. Thêm nữa, bố mẹ nên khuyên trẻ không tác động mạnh đến vùng mũi.
Chế độ ăn uống: Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu vitamin (A, C, K), sắt và Kali. Những thực phẩm này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ và ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam tái phát. Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ uống đủ nước lọc, bổ sung sữa, sinh tố hay nước ép rau, củ, quả mỗi ngày.
Độ ẩm trong nhà phù hợp: Độ ẩm lý tưởng trong nhà là từ 25 – 40% vào mùa đông và hơn 60% trong mùa hè. Độ ẩm cần thiết cho phòng ngủ là 50% độ ẩm tương đối. Độ ẩm quá thấp có thể làm cho trẻ dễ bị chảy máu cam, viêm da, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc,… Nếu sử dụng điều hòa, nên điều chỉnh nhiệt độ vừa phải và để chậu nước hay dùng máy phun sương, tạo ẩm.
Fitobimbi đã cùng bạn đi tìm đáp án chi tiết cho câu hỏi: “Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?”. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy cho Fitobimbi biết và đừng quên truy cập website https://fitobimbi.vn/ để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bé yêu mẹ nhé!