Nội dung chính

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh: Làm sao cho da bé luôn mịn màng

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh gây cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu. Cũng vì thế mà nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm đến cách xử lý khi bé bị rôm sảy. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để được giải đáp nhé!

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Rôm sảy là gì?

Rôm sảy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra sự ứ động khiến da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ li ti. Khi cơ thể bé trở nên nóng, da của bé bắt đầu tiết ra mồ hôi (cơ chế làm mát cơ thể). Thông thường, những giọt mồ hôi sẽ thoát ra ngoài qua lỗ chân lông. Tuy nhiên, ống tuyến mồ hôi ở trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh nên rất dễ bị tắc nghẽn.

Đa số trẻ bị rôm sảy khi thời tiết nóng. Ngoài ra, khí hậu ẩm ướt cũng có thể góp phần gây rôm sảy. Thậm chí, đôi khi rôm sảy cũng có thể hình thành khi trời lạnh, đặc biệt nếu bé mặc nhiều lớp quần áo.

Về cơ bản, rôm sảy không phải bệnh lý quá nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở mặt là điều hoàn toàn bình thường và nếu được điều trị đúng cách, tình trạng này thường sẽ khỏi sau vài ngày.

Nguyên nhân bé bị rôm sảy

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Dưới đây là 4 yếu tố thuận lợi khiến da trẻ dễ bị nổi rôm sảy:

Ống dẫn mồ hôi chưa trưởng thành

Ống dẫn mồ hôi ở trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ nên mồ hôi dẫn khó thoát ra ngoài. Điều này đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn khi mùa hè đến. Thời tiết nóng bức, cộng với hoạt động cơ thể nhiều khiến trẻ tăng tiết mồ hôi. Điều này khiến ống dẫn mồ hôi ở trẻ phải làm việc quá tải, không tránh khỏi tình trạng mồ hôi không thoát ra hết được và bị bít tắc gây rôm sảy.

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy
Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy

Ứ đọng, bít tắc mồ hôi

Trẻ mặc quá nhiều quần áo hay quần áo không thông thoáng cũng sẽ khiến da đổ mồ hôi. Hậu quả là rôm sảy xuất hiện.

Môi trường sống

Trẻ sơ sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi có nguy cơ bị rôm sảy thường xuyên hơn.

Vệ sinh không đúng cách

Nếu da bé không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, nhất là vào mùa hè thì cũng rất dễ bị rôm sảy.

Dị ứng

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh còn xuất hiện ở bé có cơ địa dị ứng. Các dị nguyên có thể gây kích ứng da bé phải kể đến như: sữa tắm, phấn hoa, bụi bẩn, lông vật nuôi,…

Thiếu nước

Thời tiết càng nóng, cơ thể mất nước càng nhiều. Nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ nước sẽ gây cản trở hoạt động đào thải của gan và thận. Hậu quả là các chất độc không được thoát ra ngoài, trẻ sơ sinh bị rôm sảy là khó tránh.

Di truyền

Thống kê cho thấy, trẻ sinh ra trong gia đình có người từng bị dị ứng thì có nguy cơ bị rôm sảy cao hơn trẻ bình thường.

Triệu chứng rôm sảy ở trẻ em

Trẻ sơ sinh có làn da mềm mại, mỏng manh. Điều này có nghĩa da của trẻ nhạy cảm hơn và dễ bị các tình trạng như khô, chàm và phát ban. Rôm sảy ở trẻ sơ sinh có thể được xác định bởi các triệu chứng sau:

  • Các cụm mụn đỏ nhỏ, thường ẩm tương tự như mụn nhọt hoặc mụn nước
  • Bé bị rôm sảy ở lưng, cổ, cánh tay, chân, ngực trên và vùng quấn tã. Em bé có nhiều khả năng bị rôm sảy ở những nơi này vì đó là những khu vực thường tiết ra nhiều mồ hôi nhất. Quần áo cũng có xu hướng ôm sát vào những bộ phận này trên cơ thể trẻ
  • Ngứa và ngứa ran, đau “như kim châm” – mặc dù vì em bé của bạn không thể nói cho bạn biết làn da của bé đang làm phiền bé, nên bạn có thể sẽ nhận thấy bé đang hành động cực kỳ cáu kỉnh và bồn chồn
  • Bé cũng có thể khó ngủ hơn bình thường
Biểu hiện rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Các dạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Rôm sảy được chia thành 3 dạng, với các đặc điểm khác nhau. Dưới đây là những mô tả cụ thể về các dạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh giúp ba mẹ dễ dàng phân biệt:

Rôm sảy kết tinh

Khi ống tuyến mồ hôi ở lớp ngoài cùng của da bị tắc nghẽn, bạn sẽ thấy trên bề mặt da bé sẽ xuất hiện những vết sưng nhỏ trong suốt, chứa đầy chất lỏng và dễ dàng vỡ ra.

Rôm đỏ

Đôi khi được ví như “cơn nóng như kim châm”, đây là loại rôm sảy phổ biến nhất mà trẻ sơ sinh có thể mắc phải. Các tuyến mồ hôi bị tắc sâu hơn dưới da, gây ra các vết sưng viêm, ngứa và cảm giác kim châm. Triệu chứng rôm sảy sẽ trở nên tồi tệ hơn khi trẻ đổ mồ hôi. Ở trẻ sơ sinh, phát ban này xuất hiện ở bẹn, dưới nách và cổ.

Rôm sâu

Rôm sâu là dạng ít phổ biến nhất, xảy ra ở lớp hạ bì, là lớp sâu hơn của da. Rôm sâu tạo ra những vết sưng to, cứng và có thể rất ngứa. Các nốt ban thường xuất hiện trên thân của trẻ, nhưng chúng cũng có thể nổi lên trên cánh tay và chân khi trẻ ra mồ hôi. Khi em bé của bạn ngừng đổ mồ hôi, phát ban sẽ biến mất.

Rôm sảy có tự hết không?

Về bản chất, rôm sảy là bệnh lý xuất hiện do cơ thể trẻ quá nóng. Vì vậy, các biểu hiện của rôm sảy sẽ tự khỏi khi nhiệt độ hạ xuống. Đặc biệt là trong tiết trời mát mẻ, da trẻ bớt nóng và không ra nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, bệnh sẽ không khỏi hoàn toàn và vẫn tái phát khi thời tiết nắng nóng trở lại.

Rôm sảy có thể tự lặn, nhưng cũng rất dễ tái phát
Rôm sảy có thể tự lặn, nhưng cũng rất dễ tái phát

Thông thường, nếu được chăm sóc và điều trị phù hợp, rôm sảy ở trẻ sơ sinh sẽ tự lặn xuống trong khoảng 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rôm sảy sẽ tiến triển nặng dẫn đến nhiễm trùng. Dưới đây là một số dấu hiệu cần lưu ý:

  • Mẹ cảm nhận thấy bé có vẻ tăng cảm giác đau, nóng, sưng, đỏ xung quanh khu vực bị rôm sảy
  • Ở vùng da bị rôm sảy xuất hiện vệt hay mảng đỏ không thể tự hết
  • Chảy mủ hoặc rỉ dịch ở khu vực rôm sảy
  • Sưng hạch bạch huyết ở vùng háng, cổ, nách
  • Sốt trên 37.5 độ C hoặc cao hơn

Chữa rôm sảy ở trẻ sơ sinh bằng mẹo dân gian

Trong dân gian có khá nhiều mẹo chữa rôm sảy an toàn, hiệu quả. Cần lưu ý rằng, trước khi áp dụng, mẹ nên thử trước ở một vùng da nhỏ trên người bé để xem phản ứng của da. Nếu vùng da không bị mẩn đỏ, ngứa ngáy thì lúc đó mẹ có thể yên tâm dùng cho bé.

Tắm mướp đắng

  • Mướp đắng rửa sạch, bỏ lõi rồi đem xay nhỏ
  • Pha thêm với nước rồi lọc lấy nước mướp đắng nguyên chất
  • Đun hỗn hợp nước này rồi cho bé tắm

Trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh bằng lá trà xanh

  • Lá chè xanh rửa sạch, đun sôi cùng 1 lít nước
  • Phá nước chè xanh với nước lọc sao cho độ ấm vừa phải rồi tắm cho bé
  • Tắm thường xuyên cho bé mỗi ngày 1 lần để rôm sảy nhanh biến mất
Các loại lá tắm rôm sảy cho bé
Các loại lá tắm rôm sảy cho bé

Tắm cho bé bằng lá kinh giới

  • Với mẹo này, ngoài lá kinh giới mẹ có thể chuẩn bị thêm lá đậu ván để tăng hiệu quả trị rôm sảy
  • Rửa sạch nguyên liệu rồi đun với nước
  • Chắt lấy phần nước, bỏ bã rồi đem tắm cho bé

Lá khế chữa rôm sảy

  • Lấy khoảng 1 nắm lá khế, rửa sạch, đun sôi với một xíu muối
  • Sau khi sôi khoảng 6 phút, chắc nước ra và lấy nước đó để tắm cho bé
  • Lưu ý, mẹ nên pha thêm nước lạnh để tránh cho bé bị bỏng

Lá dâu tằm trị rôm sảy cho bé

  • Chuẩn bị 1 nắm lá dâu tằm
  • Ngâm lá dâu tằm với nước muối, sau đó rửa sạch
  • Bỏ tất cả vào nồi và đun sôi
  • Tắt bếp, đợi nước nguội rồi tắm cho bé

Lá tía tô trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh

  • Lá tía tô đem rửa sạch, giã nhuyễn để lấy nước
  • Chấm nước này lên vùng da bé bị rôm sảy
  • Giữ nguyên trong khoảng 15 phút rồi lau người hoặc tắm lại cho bé

Ngoài các loại lá kể trên, mẹ có thể tham khảo một số nguyên liệu sau để tắm cho bé hết rôm sảy: lá sài đất, lá trầu không, lá khế chua, lá diếp cá, lá ngải cứu, nước rau sam, cỏ mần trầu, lá rau má, lá nhọ nồi,… Với cách thực hiện tương tự, mẹ có thể lựa chọn loại lá tắm sao cho phù hợp với cơ địa của bé.

Những lưu ý khi chăm sóc bé bị rôm sảy

Cách tốt nhất để điều trị và phòng ngừa rôm sảy là giữ cho con bạn không bị quá nóng. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị rôm sảy mà ba mẹ cần ghi nhớ:

  • Mặc quần áo thoải mái: Nếu bạn đang nóng, rất có thể em bé cũng vậy. Quần áo rộng rãi và phù hợp với thời tiết có thể giúp giảm nguy cơ rôm sảy ở trẻ sơ sinh
  • Hạn chế đưa bé ra ngoài khi trời nắng: Nếu biết trước sẽ là một ngày cực kỳ nóng, bạn nên tìm một hoạt động trong nhà để cùng bé chơi. Nếu buộc phải ra ngoài, hãy đội mũ che nắng cho bé, đi ở khu vực có bóng râm để giúp bé mát mẻ
  • Cung cấp đủ nước: Trẻ sơ sinh thiếu nước có nguy cơ cao bị rôm sảy. Do đó, hãy đảm bảo con bạn bú đủ sữa hoặc cho trẻ uống nước nếu trẻ đủ lớn
  • Thường xuyên kiểm tra da bé: Bạn nên thường xuyên kiểm tra da của bé để đảm bảo da không bị ẩm, sờ vào thấy ấm hoặc chuyển sang màu hồng. Nếu thấy da bé quá nóng, bạn có thể sử dụng một chiếc khăn mát để giúp hạ nhiệt độ cơ thể của bé. Đặc biệt chú ý đến cổ, nách và lòng bàn chân
  • Giữ cho chỗ ngủ của bé mát mẻ và thông thoáng, điều này cũng làm giảm nguy cơ rôm sảy và các bệnh ngoài da
  • Giữ cho làn da bé luôn khô ráo: Da ẩm nói chung là một điều tốt, nhưng quá nhiều độ ẩm có thể gây kích ứng da của bé, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Để ngăn ngừa rôm sảy ở trẻ sơ sinh, hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho loại da của bé để không còn độ ẩm dư thừa. Đồng thời, luôn đảm bảo bé khô ráo trước khi mặc quần áo cho bé

Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là bệnh dễ gặp, vì vậy cha mẹ không cần quá lo lắng. Mong rằng chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho ba mẹ trong hành trình chăm sóc bé yêu!

Chia sẻ bài viết này