Nội dung chính

Trẻ bị rụng tóc hình vành khăn sau gáy là như thế nào?

Câu chuyện rụng tóc hình vành khăn ở trẻ em rất phổ biến và được đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm. Rốt cuộc trẻ rụng tóc vành khăn có phải do thiếu canxi không hay đây là hiện tượng bình thường? Nếu đúng nguyên nhân là thiếu chất thì cần bổ sung những gì cho trẻ? Đó chính là những nội dung chính trong bài viết hôm nay của Fitobimbi. Mời bố mẹ hãy cùng Fitobimbi giải tỏa tất cả thắc mắc liên quan đến rụng tóc vành khăn ở trẻ em nhé!

Rụng tóc hình vành khăn là như thế nào?

Rụng tóc vành khăn là thuật ngữ mô tả hiện tượng tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy ở trẻ em. Mức độ rụng tóc ít hay nhiều phụ thuộc vào từng trẻ. Có trẻ chỉ bị thưa tóc vùng sau gáy, có trẻ lại rụng trắng hếu, lộ cả da dầu.

Rụng tóc hình vành khăn rất phổ biến ở lứa tuổi 3 – 6 tháng. Sau khi bước sang giai đoạn ăn dặm, hiện tượng này sẽ giảm dần và biến mất.

Rụng tóc hình vành khăn ở hiện tượng phổ biến ở rất nhiều trẻ nhỏ
Rụng tóc hình vành khăn ở hiện tượng phổ biến ở rất nhiều trẻ nhỏ

Rụng tóc vành khăn có nguy hiểm không?

Trong các cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, nhiều bà mẹ truyền tai nhau rằng rụng tóc hình vành khăn, ra mồ hôi trộm là do thiếu canxi. Liệu những kinh nghiệm dân gian này có chính xác không? Trước tiên, bạn hãy cùng Fitobimbi đào sâu vấn đề để hiểu cặn kẽ vì sao trẻ nhỏ lại rụng tóc vành khăn nhé!

Sở dĩ trẻ dưới 6 tháng tuổi thường bị rụng tóc vành khăn là vì 2 lý do. Thứ nhất, cơ thể trẻ có sự thay đổi nội tiết tố. Khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ chịu sự tác động và kiểm soát của các hormone từ cơ thể mẹ. Sau khi ra đời, trẻ tự chủ nồng độ hormone trong cơ thể của mình. Chính điều này đã gây ra sự thay đổi nội tiết tố ở trẻ nhỏ. Các bà mẹ có thể dễ dàng quan sát thấy hiện tượng này trên chính cơ thể của bạn bạn. Trong thời kỳ mang thai, tóc bạn thường mọc nhanh hơn, dễ bị xoăn hoặc mềm mượt hơn. Nhưng tới tháng thứ 3 sau khi sinh, mái tóc của bạn bỗng rụng hàng loạt. Trẻ em cũng như vậy.

Nguyên nhân thứ hai gây ra rụng tóc hình vành khăn ở trẻ nhỏ là do trẻ nằm ngửa kéo dài. Khi thường xuyên nằm ngửa, vùng tóc sau gáy của trẻ liên tục cọ sát với gối, dẫn đến đứt rụng. Đây chính là lý do vì sao trẻ rụng tóc ở vị trí sau gáy nhiều nhất, từ đó tạo nên hình ảnh rụng tóc vành khăn.

Từ hai lý do này, các chuyên gia kết luận rằng rụng tóc hình vành khăn ở trẻ nhỏ là hiện tượng bình thường, không quá nguy hiểm. Hầu hết trẻ em đều bị rụng tóc ở giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi.

Rụng tóc vành khăn là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ
Rụng tóc vành khăn là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân thúc đẩy rụng tóc hình vành khăn ở trẻ em

Mặc dù hầu hết rụng tóc hình vành khăn ở trẻ em là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân kích hoạt và thúc đẩy tóc trẻ rụng nhiều hơn. Các yếu tố này bao gồm: thiếu canxi, thiếu vitamin D3, thiếu kẽm hoặc do trẻ bị nóng.

Thiếu canxi

Không phải trẻ cứ rụng tóc vành khăn là thiếu canxi. Tuy nhiên, trẻ thiếu canxi thường rụng tóc vành khăn rõ ràng hơn những trẻ khỏe mạnh. Thiếu canxi khiến hệ thần kinh non nớt của trẻ nhỏ càng thêm nhạy cảm. Trẻ dễ bị giật mình vì tiếng động và các kích thích từ môi trường. Do đó, trẻ thường không ngủ yên giấc, hay quấy khóc và cọ sát vùng sau gáy vào gối. Chính vì vậy, những trẻ thiếu canxi thường rụng rất nhiều tóc vùng sau gáy.

Thiếu vitamin D3

Trẻ cần vitamin D3 để hấp thu canxi từ ruột và thận, sau đó vận chuyển canxi tới xương. Nếu thiếu vitamin D3, cơ thể trẻ không thể hấp thu hiệu quả canxi, dẫn đến thiếu hụt đồng thời cả 2 vi chất quan trọng này. Vì vậy, trẻ thiếu vitamin D3 thường bị rụng tóc vành khăn và ra mồ hôi trộm rất rõ.

Bạn có thể dựa vào các dấu hiệu sau đây để phát hiện sớm trẻ thiếu vitamin D3 và canxi:

  • Trẻ không được uống bổ sung vitamin D3 từ giai đoạn sơ sinh
  • Bé thường khó ngủ, khóc đêm, hay giật mình và vã mồ hôi trộm
  • Trẻ chậm mọc răng, men răng xấu, đóng thóp muộn
  • Móng tay, móng chân của trẻ yếu, giòn, dễ gãy

Thiếu kẽm

Kẽm là vi chất tham gia phát triển và duy trì hoạt động bình thường của các nang tóc. Rụng tóc là triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu hụt vi chất quan trọng này. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi bổ sung kẽm, triệu chứng rụng tóc sẽ được cải thiện đáng kể.

Ngoài dấu hiệu rụng tóc, bạn có thể quan sát thấy nhiều biểu hiện bất thường khác ở những trẻ thiếu kẽm như:

  • Trẻ biếng ăn, tăng cân ít, không tăng cân, thậm chí sụt cân
  • Bé hay ốm vặt do sức đề kháng kém
  • Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa kéo dài
  • Trên da của trẻ có vết loét trợt, lâu lành, trẻ có thể thường xuyên bị viêm vùng da quanh môi

Trẻ bị nóng

Nhiệt độ phòng quá cao khiến trẻ nóng bức, toát nhiều mồ hôi. Chính yếu tố này đã thúc đẩy trẻ cựa quậy và ma sát liên tục vùng gáy với gối. Bạn có thể phát hiện trẻ bị nóng bằng cách quan sát phản ứng của trẻ. Trẻ thường trằn trọc, quấy khóc, liên tục ngọ nguậy đầu và tay chân. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể đặt một chiếc nhiệt kế trong phòng ngủ của trẻ. Nhiệt kế sẽ đo lường chính xác nhiệt độ căn phòng, từ đó bạn có thể điều chỉnh điều hòa, quạt và lựa chọn quần áo phù hợp cho trẻ. Nhiệt độ phòng tối ưu đối với trẻ em là khoảng 22°C.

Khi bị nóng, trẻ sẽ toát nhiều mồ hôi và cựa quậy nhiều, khiến tóc càng dễ rụng
Khi bị nóng, trẻ sẽ toát nhiều mồ hôi và cựa quậy nhiều, khiến tóc càng dễ rụng

Trẻ bị rụng tóc vành khăn nên bổ sung gì?

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi

Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên ăn sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ có hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết và dễ hấp thu. Trong thời gian này, mẹ cũng nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, khoa học để đảm bảo nguồn sữa có đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Các bà mẹ nên ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, ăn cả cơm, thịt cá, rau xanh và hoa quả. Không nên kiêng khem quá kỹ dẫn đến thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.

Ngoài ra, bố mẹ cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống vitamin D3 ngay sau khi sinh. Hàm lượng vi chất này trong sữa mẹ rất thấp nên bạn phải bổ sung bằng đường uống hàng ngày cho trẻ. Khi cơ thể có đủ vitamin D3, trẻ mới có thể hấp thu được canxi từ sữa mẹ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn chưa cần bổ sung canxi cho trẻ bằng thực phẩm chức năng. Sữa mẹ có đủ canxi để cung cấp cho trẻ. Ngoài ra, dạng canxi trong sữa mẹ còn dễ hấp thu và phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.

Với trẻ trên 6 tháng tuổi

Khi trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm, để kích thích nang tóc của trẻ phát triển, bạn hãy tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin D3 và kẽm trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ.

  • Thực phẩm giàu canxi gồm có: sữa, sữa chua, phô mai, cá hồi, súp lơ xanh, cải thìa, cải ngọt, đậu Hà Lan, đậu phụ, ngũ cốc, nước cam…
  • Thực phẩm nhiều vitamin D3 là: sữa, trứng, phô mai, cá hồi, thịt lợn, nấm, ngũ cốc…
  • Thực phẩm cung cấp kẽm tốt nhất cho trẻ em bao gồm: thịt bò, tôm, cua, hàu, trai, rau bina, đậu lăng, đậu Hà Lan, sữa, phô mai…

Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể tiếp tục cho trẻ uống vitamin D3 kèm theo bổ sung thêm canxi. Trẻ trên 6 tháng tuổi nên uống bổ sung canxi để phòng tránh thiếu hụt vi chất này, nhất là với những trẻ lười ăn, biếng ăn. Đặc biệt, giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi là thời gian trẻ phát triển nhanh, cần nhiều canxi để xây dựng bộ xương vững chắc. Đó là lý do bộ đôi vitamin D3 và canxi rất cần thiết với trẻ trong giai đoạn này.

Nên bổ sung canxi, vitamin D3 và kẽm cho trẻ bị rụng tóc vành khăn
Nên bổ sung canxi, vitamin D3 và kẽm cho trẻ bị rụng tóc vành khăn

Chăm sóc trẻ bị rụng tóc vành khăn

Mặc dù rụng tóc hình vành khăn không phải do trẻ thiếu hụt vi chất gì nhưng nhiều bố mẹ vẫn rất lo lắng về vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, bạn chớ hoảng sợ, đứa trẻ của bạn không bị hói suốt đời đâu. Sau 6 tháng tuổi, các nang tóc của trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ. Lúc này, vùng đầu hói sẽ bắt đầu xuất hiện tóc con và sau một thời gian, trẻ sẽ có mái tóc mới đen dày, bóng mượt.

Mặc dù vậy, để hỗ trợ trẻ không bị rụng thêm nhiều tóc, bạn hãy thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho trẻ. Thay vì để con liên tục nằm ngửa, bạn có thể cho trẻ nằm nghiêng trái, nghiêng phải. Khi cổ trẻ cứng hơn, bạn nên cho trẻ nằm sấp để tập lẫy. Biện pháp này sẽ giảm bớt thời gian vùng tóc sau gáy của bé tiếp xúc với gối. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa và mức độ hoạt động của quạt để căn phòng luôn mát mẻ. Bạn cũng không nên mặc cho trẻ quần áo quá dày hoặc ủ trẻ trong chăn quá kỹ.

Ngoài bổ sung vi chất, bạn cũng có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc tóc cho trẻ nhỏ để giảm bớt tóc rụng. Bạn nên gội đầu cho bé vài ngày một lần bằng xà phòng dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ em. Không nên gội đầu quá thường xuyên vì sẽ rửa trôi lớp dầu bảo vệ tóc và da đầu, khiến tóc trẻ xơ yếu. Bạn hãy dùng phần thịt của các đầu ngón tay để mát-xa da đầu nhẹ nhàng cho trẻ. Cách này vừa giúp trẻ thư giãn, làm sạch mái tóc và không gây tổn thương da đầu. Bạn cũng nên đầu tư sản phẩm tắm gội dành riêng cho trẻ em vì chúng dịu nhẹ, không gây kích ứng da, mắt và không có mùi hương quá nồng.

Chăm sóc đúng cách giúp tóc trẻ bớt rụng và nhanh chóng mọc lại
Chăm sóc đúng cách giúp tóc trẻ bớt rụng và nhanh chóng mọc lại

Ngoài ra, nếu bạn muốn chải tóc cho trẻ, hãy dùng những chiếc lược răng thưa. Tránh kéo, giật thô bạo khiến trẻ đau và rụng tóc nhiều hơn. Tuyệt đối không chải tóc cho trẻ ngay sau khi gội đầu. Tóc khi ướt rất yếu ớt, dễ bị đứt rụng. Bạn cũng nên sử dụng những chun mềm và tránh xa chun nilon nếu muốn buộc tóc cho trẻ. Các loại bờm hay băng đô sử dụng cho trẻ cũng phải có chất liệu thân thiện với tóc và làn da của trẻ.

Như vậy trong bài viết hôm nay, Fitobimbi đã giải thích cho bạn hiện tượng rụng tóc hình vành khăn ở trẻ là thế nào. Bên cạnh đó, bạn cũng biết cách bổ sung các vi chất cần thiết và chăm sóc trẻ bị rụng tóc vành khăn. Hi vọng bài viết hữu ích với các bậc phụ huynh và giúp bạn không còn hoang mang, lo lắng khi vùng tóc sau gáy của trẻ bị rụng nữa.

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này