Nội dung chính

Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa chi tiết từ a-z

Rối loạn tiêu hóa chắc hẳn không còn xa lạ với các bà mẹ có con đang ở độ tuổi phát triển. Rối loạn tiêu hóa tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì dễ khiến trẻ bị suy nhược, thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển…Vậy cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa như thế nào là đúng?

Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể biểu hiện dưới nhiều dạng triệu chứng khác nhau, mỗi triệu chứng sẽ có các cách giải quyết khác nhau:

  • Trẻ bị nôn trớ: tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ bé, dạ dày của trẻ còn nằm ngang, dễ bị trào ngược và nôn trớ ra ngoài
  • Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng: Khi trẻ không thể tiêu hóa hết thức ăn, trẻ dễ bị chướng bụng, ngoài ra thức ăn ở lâu trong dạ dày của trẻ có thể sinh khí gây đầy hơi ở trẻ. Khi mẹ sờ vào bụng bé sẽ thấy căng cứng và bé dễ ợ hơi, xì hơi
  • Trẻ bị táo bón: Trẻ bị táo bón thường 3-5 ngày mới đi cầu 1 lần, mỗi lần đi phân cứng gây đau đớn cho trẻ. Bé thậm chí phải rặn đỏ mặt hoặc gồng mình, rướn mình để rặn mỗi khi đi cầu
  • Trẻ bị tiêu chảy: Tiêu chảy là khi bé đi ngoài phân lỏng nước nhiều hơn 3 lần một ngày. Tiêu chảy thường kèm theo mất nước và mất cân bằng điện giải
  • Trẻ bị đi ngoài phân sống: Trẻ đi ngoài phân sống thường có màu trắng hoặc còn nguyên thức ăn do chưa được tiêu hóa
Một số dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Một số dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Chế độ dinh dưỡng

  • Cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng: chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Lựa chọn những loại thực phẩm và cấu trúc thức ăn phù hợp đối với trẻ: ví dụ trẻ mới bắt đầu ăn dặm chỉ nên ăn cháo, bột xay nhuyễn, trẻ lớn nên ăn thức ăn thô…
  • Hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn có quá nhiều đạm hoặc chất béo khó tiêu hóa, đồ ăn nhanh không chứa hàm lượng dinh dưỡng cao
  • Ăn chín, uống sôi. Hãy cho bé ăn những món ăn đã được nấu chín kỹ, hạn chế các loại thức ăn tái, sống vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt dễ nhiễm ký sinh trùng
  • Tăng cường rau củ, trái cây trong mỗi bữa ăn để giúp tăng cường sức đề kháng và bổ sung thêm chất xơ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
  • Không nhồi nhét quá nhiều thức ăn trong một bữa ăn của trẻ để tránh gây đầy bụng, khó tiêu và hại dạ dày. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn thường xuyên hơn
Ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe cho trẻ
Ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe cho trẻ

Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ đồng thời đảm bảo vệ sinh cả môi trường sống xung quanh bé
  • Cho bé rửa tay thường xuyên sau khi chơi hoặc sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn
  • Vệ sinh đồ chơi cho trẻ ít nhất 2 lần một tuần
  • Giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ và khô thoáng, tránh ẩm mốc
  • Hạn chế cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi trong miệng
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách khuyến khích con tăng cường vận động và tập thể dục thể thao. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà cha mẹ có thể áp dụng những bài tập cho phù hợp

Giải quyết các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Nôn trớ

Cho trẻ bú đúng tư thế, để đầu trẻ cao hơn so với dạ dày để hạn chế gây trào ngược gây ọc sữa ra ngoài. Sau khi bú, hãy bế đứng bé một lúc để bé dễ tiêu hóa. Chia nhỏ cữ bú cho bé, cho bé bú nhiều lần trong ngày chứ không nên cho bé bú một lúc quá no.

Đầy bụng

Massage bụng cho trẻ là một biện pháp giúp giảm đầy hơi, chướng bụng hiệu quả. Đặt lòng bàn tay lên bụng bé và massage theo chiều kim đồng hồ hoặc cho bé tập động tác đạp xe đạp sẽ giúp đẩy hơi ra ngoài hiệu quả. Thêm vào đó, đừng bắt trẻ ăn quá no và ăn những thực phẩm dễ gây khó tiêu.

Massage bụng giúp giảm đầy bụng, khó tiêu hiệu quả
Massage bụng giúp giảm đầy bụng, khó tiêu hiệu quả

Táo bón

Tăng cường cho trẻ ăn rau xanh và các loại trái cây để bổ sung chất xơ, khuyến khích trẻ uống thêm nước để phân mềm và dễ đi hơn. Các bài tập thể dục và massage bụng cho bé cũng là cách giúp phân dễ dàng đào thải ra ngoài cơ thể. Nếu sau khi áp dụng những biện pháp trên mà bé vẫn không cải thiện thì khi đó cha mẹ cần cho bé dùng các loại thuốc nhuận tràng hoặc làm mềm phân theo sự chỉ định của bác sĩ.

Tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy thì bù nước và điện giải là biện pháp cấp bách và cực kỳ cần thiết vì nếu mất nước rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hãy cho trẻ nghỉ ngơi, bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol cho bé.

Đi ngoài phân sống

Đi ngoài phân sống chủ yếu do rối loạn các vi khuẩn trong ruột. Trong trường hợp này cha mẹ cần bổ sung men vi sinh để cân bằng môi trường vi khuẩn trong ruột của trẻ. Ngoài ra, hãy cho trẻ ăn thức ăn đúng với độ tuổi để tránh hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chưa thể tiêu hóa được.

Bổ sung lợi khuẩn cho bé hết đi ngoài phân sống
Bổ sung lợi khuẩn cho bé hết đi ngoài phân sống

Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì, kiêng gì để nhanh cải thiện?

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Với những trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, cha mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ tại nhà và tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh… thì rối loạn tiêu hóa sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, nếu trẻ có một trong số những dấu hiệu dưới đây, thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị cho kịp thời:

  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kèm theo các biểu hiện như nôn mửa liên tục, mệt mỏi, hay quấy khóc
  • Trẻ bị tiêu chảy kéo dài không cầm được, đã có dấu hiệu mất nước như da xanh, niêm mạc nhợt, da khô, môi nứt nẻ…
  • Trẻ táo bón kéo dài, đi ngoài ra máu, nứt kẽ hậu môn
  • Trẻ mệt mỏi, suy kiệt kéo dài

Trên đây là các cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa mà cha mẹ cần biết. Hy vọng với bài viết này, cha mẹ sẽ không còn bối rối khi bé nhà mình rơi vào tình trạng này nữa. Rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra và không thể dứt điểm, do đó điều quan trọng nhất là cha mẹ cần phòng ngừa và giữ gìn vệ sinh cho trẻ để hạn chế các nguy cơ khởi phát.

Chia sẻ bài viết này