Nội dung chính

Đau ruột thừa ở trẻ em: Biểu hiện, nguyên nhân và điều trị

Đau ruột thừa ở trẻ em là bệnh lý khá phổ biến, nhưng để phát hiện sớm là điều không dễ dàng. Các biểu hiện của viêm ruột thừa thường dễ gây nhầm lẫn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho ba mẹ một số thông tin tham khảo. Cùng theo dõi nhé!

đau ruột thừa ở trẻ em

Biểu hiện viêm ruột thừa ở trẻ em

Ruột thừa là một trong ống tiêu hóa của con người, nối tiếp giữa ruột non và đại tràng bên phải. Bản thân ruột thừa là một ống bịt kín có chiều dài từ 2 – 20cm. Chức năng chính xác của cơ quan này vẫn chưa được xác định, mặc dù có một số nghiên cứu cho thấy nó có thể đóng một vai trò trong hệ miễn dịch của cơ thể.

Ruột thừa bị viêm
Ruột thừa bị viêm

Viêm ruột thừa hay đau ruột thừa là tình trạng viêm hay nhiễm trùng. Đây là trường hợp khẩn cấp, cần được cấp cứu ngay. Nếu không được điều trị sớm, tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa. Dưới đây là dấu hiệu viêm ruột thừa ở bé giúp ba mẹ sớm nhận biết:

  • Đau bụng: Đây là triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa. Cơn đau thường bắt đầu xung quanh rốn và di chuyển sang bên phải sau đó. Cơn đau thường phát triển nhanh chóng và trở nên tồi tệ hơn trong 6 – 24 giờ. Đặc biệt đau hơn khi trẻ hít thở sâu, cứ động, ho hoặc hắt hơi
  • Sốt nhẹ hoặc sốt từ 38 độ C trở lên: Trường hợp bé bị sốt khi viêm ruột thừa chứng tỏ tình trạng viêm nhiễm đã tiến triển nặng, cần được điều trị sớm nhất có thể
  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm ruột thừa ở trẻ em còn có thể gây ra một số triệu chứng về đường tiêu hóa như chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Những triệu chứng này thường bị phụ huynh nhầm lẫn với bệnh lý thường gặp nên cần hết sức cảnh giác
  • Chán ăn: Nếu bé đột nhiên tỏ ra không có hứng thú với chuyện ăn uống, ngay cả với những thực phẩm hàng ngày yêu thích thì có khả năng do viêm ruột thừa
  • Mệt mỏi, môi khô: Ngoài các triệu chứng trên, đau ruột thừa ở trẻ em còn xuất hiện các triệu chứng khác như môi khô, lưỡi bẩn, trẻ mệt mỏi không ham chơi như thường ngày

Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng viêm ruột thừa khá mơ hồ, chẳng như chán ăn, quấy khóc, có thể nôn mửa và đi ngoài phân lỏng. Ba mẹ cần hết sức cảnh giác để không bỏ qua bất cứ biểu hiện đáng ngờ nào ở trẻ.

>>> Cụ thể về triệu chứng bạn có thể xem tại đây

Nguyên nhân gây đau ruột thừa ở trẻ em

Khi ruột thừa bị tắc nghẽn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành và phát triển gây nhiễm trùng. Một số yếu tố gây tắc nghẽn ruột là:

  • Phân cứng như đá
  • Sưng hạch bạch huyết trong ruột
  • Ký sinh trùng trong ruột thừa
  • Bệnh viêm ruột
  • Nhiễm trùng ổ bụng
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa

>>> Xem cụ thể hơn nguyên nhân tại: Nguyên nhân trẻ bị đau ruột thừa – Phòng ngừa được không?

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở trẻ em

Đau ruột thừa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm ruột thừa có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ từ 10 – 20 tuổi. Đây là một bệnh lý về đường tiêu hóa vô cùng nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, ruột thừa của trẻ có thể bị vỡ ra và giải phóng vi khuẩn vào khoang bụng. Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể lây lan rất nhanh, gây nhiễm trùng máu, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ

Đau ruột thừa có triệu chứng khá giống với các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán:

Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa có thể được chỉ định:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và nhiễm trùng ở các cơ quan như ổ bụng, tuyến tụy, gan
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này cho biết bàng quang hoặc thận có bị nhiễm trùng hay không
  • Siêu âm ổ bụng: Nó được sử dụng để quan sát quá trình hoạt động của các cơ quan nội tạng
  • Chụp MRI hoặc CT: Xét nghiệm này giúp bác sĩ quan sát rõ ruột thừa hơn và xem có bị viêm hay không
Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ
Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ

Điều trị viêm ruột thừa ở trẻ

Việc điều trị viêm ruột thừa sẽ tùy thuộc vào tình trạng, tuổi tác và sức khỏe chung ở trẻ. Nếu tình trạng nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng thuốc kháng sinh. Với trẻ bị viêm ruột thừa nặng, dẫn đến vỡ ra và gây nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa. Trước khi tiến hành phẫu thuật, trẻ sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh và truyền dịch.

Hiện nay, đau ruột thừa ở trẻ em có thể cắt bỏ theo hai cách:

  • Phẫu thuật mở: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, sau đó rạch một đường ở phía dưới bụng phải và loại bỏ phần ruột thừa. Nếu ruột thừa đã bị vỡ, bác sĩ sẽ cho đặt một ống thông hơi dẫn lưu mủ và các chất lỏng ra khỏi bụng. Ống nối sẽ được lấy ra khi hết nhiễm trùng
  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này sẽ được gắn máy chiếu vào đầu nội soi để thu phát hình ảnh bên trong bụng. Đầu tiên, con sẽ được gây mê, sau đó bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ. Ống nội soi sẽ được đưa vào và xử lý phần ruột thừa. Phẫu thuật nội soi không được thực hiện nếu ruột thừa đã vỡ

Một vài lưu ý trước và sau khi mổ ruột thừa

Khi trẻ xuất hiện một số dấu hiệu đáng nghi của bệnh viêm ruột thừa, cha mẹ tạm thời không cho trẻ ăn uống. Đồng thời, đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa càng sớm, càng tốt để được bác sĩ thăm khám và tư vấn. Nếu được chỉ định phẫu thuật, ba mẹ không nên cho trẻ ăn quá no. Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình gây mê, dễ xảy ra tai biến, đe dọa tới tính mạng trẻ.

Sau khi mổ được 6 tiếng, việc ăn uống của bé có thể trở lại bình thường. Mẹ nên ưu tiên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, lỏng. Sau 1 ngày kể từ khi phẫu thuật, trẻ có thể ăn các món quen thuộc.

Ngoài ra, sau phẫu thuật, một số trẻ cần được dùng kháng sinh, cha mẹ nên tuân thủ theo chỉ định bác sĩ đưa ra để trẻ sớm bình phục.

Hạn chế cho bé hoạt động mạnh, tắm với sức nước mạnh trong vài tuần để tránh ảnh hưởng đến vết mổ.

Đau ruột thừa ở trẻ em là căn bệnh có diễn biến khó lường. Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, ba mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ bài viết này