Trẻ đang vui vẻ bỗng dưng khóc thét, đau bụng, nôn ói, mệt lả người,… coi chừng là dấu hiệu của bệnh lồng ruột. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng lồng ruột ở trẻ để mẹ kịp thời phát hiện nhé!
Lồng ruột là gì?
Lồng ruột là bệnh lý đường tiêu hóa liên quan đến ruột già và ruột non, xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn ruột kế cận. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ 4 – 9 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, khi xảy ra sẽ làm tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn. Bên cạnh đó, các đoạn ruột luôn kèm theo mạch máu nuôi dưỡng nên khi xảy ra tình trạng này, các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo. Mạch máu bị ứ trễ khiến đoạn ruột bị thiếu máu, dẫn đến nhiều biến chứng như hoại tử ruột, viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết.
Trước 48 giờ sau lồng ruột, chỉ có khoảng 2.5% khối lồng ruột bị hoại tử. Sau 72 giờ, tỷ lệ lồng ruột bị hoại tử là 80%. Hoại tử ruột là tình trạng nhiễm khuẩn nặng, gây thủng ruột khiến tính mạng của bệnh nhi bị đe dọa.
Nguyên nhân trẻ bị lồng ruột
Hiện nay, nguyên nhân gây ra tình trạng lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ lồng ruột ở trẻ. Bao gồm:
Sự co bóp bất thường của ruột
Trong quá trình chuyển từ bú sữa mẹ sang ăn dặm, ruột cần thay đổi tốc độ và lực bóp để tiêu hóa. Do kích thước các đoạn ruột chưa phát triển hoàn thiện nên đoạn ruột sau dễ chui vào đoạn ruột phía trước gây tắc nghẽn.
Tiêu chảy trong thời gian dài
Tiêu chảy kéo dài khiến ruột co thắt thường xuyên với cường độ lớn nên dễ làm đoạn ruột lồng vào nhau. Vì vậy, nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài, ba mẹ nên nhanh chóng đưa đến bác sĩ để được điều trị sớm, tránh nguy cơ bị lồng ruột.
Khối u, polyp bên trong lồng ruột
Trẻ em cũng có nguy cơ xuất hiện polyp hoặc khối u trong lồng ruột. Các khối u, polyp khiến ruột vận động bất thường gây nên hiện tượng lồng ruột. Ngoài ra, trẻ bị polyp hay khối u cũng gây ra hiện tượng rò rỉ khiến ruột bị nhiễm trùng, cùng với đó là sự co bóp mạnh, dẫn hiện tượng lồng ruột.
Triệu chứng lồng ruột ở trẻ
Bệnh lồng ruột rất dễ gặp ở trẻ nhỏ và có nhiều triệu chứng dễ gây hiểu lầm với bệnh lý tiêu hóa thông thường. Do đó, không ít trẻ gặp biến chứng lồng ruột do không được xử lý kịp thời. Dưới đây là một số biểu hiện trẻ bị lồng ruột mà ba mẹ cần chú ý:
Với trẻ sơ sinh, cơn đau khởi phát đột ngột, mẹ có thể nhận biết thông qua tiếng khóc. Bé khóc to không rõ nguyên nhân, miệng thì nôn trớ, đi ngoài máu tươi. Khi triệu chứng lồng ruột ở trẻ thuyên giảm, con vẫn chơi bình thường.
Cơn đau do lồng ruột thường khởi phát khoảng 15 – 20 phút một lần. Tình trạng này sẽ kéo dài và thường xuyên hơn khi tình trạng trở nặng.
Ngoài ra, ba mẹ còn có thể chú ý tới những biểu hiện khác như sau:
- Nôn mửa
- Khó thở
- Thở gấp
- Đồ mồ hôi lạnh
- Nhợt nhạt, xanh xao
- Bú kém, ăn không ngon
- Bụng nổi lên u mềm
- Phân có lẫn dịch nhầy và máu
- Bé mệt mỏi, đờ đẫn
Triệu chứng lồng ruột ở trẻ có nguy hiểm không?
Như vậy, mẹ đã nắm rõ dấu hiệu lồng ruột và nguyên nhân trẻ bị lồng ruột. Có thể nói rằng, lồng ruột là bệnh lý nguy hiểm đối với trẻ do đây là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa. Đồng thời tại đây cũng chứa nhiều mạch máu và hệ thống thần kinh. Vì vậy, trẻ bị lồng ruột không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Tắc nghẽn ruột nghiêm trọng
- Thủng ruột
- hoại tử ruột
- Nhiễm trùng ổ bụng
- Rách thành ruột
- Nhiễm trùng máu
Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu lồng ruột?
Thông thường, khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện trên cơ thể trẻ chính là “thời gian vàng” trong điều trị lồng ruột. Tuy nhiên, như chúng tôi đã thông tin thì triệu chứng lồng ruột ở trẻ rất khó nhận biết. Chính vì vậy, ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu đau bụng hoặc nôn ói liên tục thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên ở bên động viên, trấn an các bé để tránh con hoảng loạn, sợ hãi gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán. Ba mẹ cũng cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không tự cho bé dùng thuốc hay sử dụng các mẹo dân gian để điều trị cho bé tại nhà. Trẻ em có cơ địa yếu nên những hành động đơn giản này lại có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bé.
Khi xác định trẻ bị lồng ruột, bác sĩ sẽ tiến hành tháo khối ruột lồng bằng cách thụt thuốc cản quang hoặc bơm hơi qua hậu môn dưới hướng dẫn của máy chiếc X quang. Trường hợp đưa trẻ đi cấp cứu muộn thì sẽ cần phải phẫu thuật ngay để tháo khối ruột lồng. Trường hợp sau 24 tiếng, ruột có dấu hiệu hoại tử, cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột lồng.
Bài viết trên đây đã giúp mẹ hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng trẻ bị lồng ruột. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình chăm sóc bé yêu!