Táo bón chức năng là bệnh lý thường gặp ở trẻ, nhất là độ tuổi từ 2-6. Bệnh lý này tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được chữa trị có thể gây ra rất nhiều biến chứng. Vậy táo bón chức năng là gì? Cách chữa trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Táo bón chức năng là gì?
Táo bón chức năng hay còn gọi là táo bón vô căn mãn tính. Là tình trạng trẻ không thể đi cầu hoặc đi cầu hết sức khó khăn nhưng lại không có tổn thương thực thể. Theo chuyên gia, táo bón chức năng chủ yếu là do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, bệnh cũng liên quan đến các yếu tố tâm lý và một vài biểu hiện thần kinh khác.
Giống như táo bón, táo bón chức năng có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Tuy nhiên bệnh thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi từ 2-6.
??? Xem thêm: Táo bón cơ năng ở trẻ là gì? Nguyên nhân và cách xử lý

Các loại táo bón chức năng thường gặp
Táo bón chức năng thường được chia thành 3 dạng.
Táo bón có nhu động ruột bình thường
Là loại táo bón mà các cơ ruột co bóp, thư giãn theo đúng tốc độ bình thường, không nhanh, không chậm. Phân được di chuyển trong ruột già với tốc độ thích hợp nhưng lại không được đẩy ra ngoài. Lâu dần khiến phân khô cứng, gây căng và đau bụng.
Đối với loại táo bón chức này, để cải thiện triệu chứng và giúp đi cầu dễ hơn mẹ nên cho bé ăn nhiều chất xơ. Có thể sử dụng viên uống hoặc chất xơ từ thực phẩm hàng ngày.
Táo bón chức năng nhu động ruột chậm
Là dạng táo bón xảy ra khi nhu động ruột hoạt động chậm hơn so với bình thường khiến việc vận chuyển chất thải ở trong đường ruột bị cản trở. Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống thần kinh đang bị tổn thương dẫn đến việc truyền tín hiệu cho các cơ quan tại ruột bị kém. Từ đó khiến nhu động ruột chuyển động không đúng tốc độ.
Táo bón do nhu động ruột chậm thường hay xảy ra ở trẻ. Thông thường để cải thiện triệu chứng này, mẹ thường cho bé sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc ăn đồ ăn chứa nhiều chất xơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong trường hợp này nó không mang lại hiệu quả bằng việc thay đổi chế độ vận động. Nghĩa là phụ huynh nên dành thời gian để bé vui chơi mỗi ngày. Đồng thời nên tập cho trẻ thói quen đi cầu theo một lịch trình cố định.

Rối loạn bài xuất phân
Thông thường, cơ hoành ở bụng sẽ phối hợp với cơ sàn khung chậu và cơ vòng hậu môn để tống đẩy phân ra ngoài. Với những trường hợp bị bệnh táo bón, trẻ nhỏ sẽ có cảm giác buồn đi nhưng lại không thể đi được. Từ đó khiến phân ứ đọng trong ruột và gây đau đớn, khó chịu.
Biểu hiện của việc táo bón do rối loạn bài xuất gồm:
- Trẻ ngồi trong nhà vệ sinh hàng giờ, cố rặn mà không đi được dù phân không to
- Phải dùng thuốc thụt thường xuyên
- Sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc chất xơ thường xuyên nhưng không cải thiện táo bón
- Trẻ bị táo bón kéo dài và bắt đầu có biến chứng như trĩ, nứt kẽ hậu môn, phân cứng, khô, gồ ghề…
Đối với dạng táo bón chức năng này, mẹ nên tiến hành điều trị sớm để giảm đau đớn cho con.
Triệu chứng nhận biết táo bón chức năng ở trẻ
Táo bón chức năng tuy không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó khăn trong việc đi ngoài. Vì vậy, người bệnh cần sớm nhận biết để có hướng điều trị kịp thời, tránh gặp biến chứng. Thông thường ở những lứa tuổi khác nhau, triệu chứng táo bón sẽ không giống nhau. Chẳng hạn:
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi sẽ được chẩn đoán táo bón chức năng nếu có các dấu hiệu sau:
- Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và không đi tiêu 1 tuần
- Trẻ bú sữa ngoài và không đi tiêu trong vòng 3 ngày
- Trẻ thường xuyên căng thẳng, quấy khóc mỗi khi đi tiêu
- Phân khô và cứng

Trẻ trên 1 tuổi
Ngoài triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, trẻ em trên 1 bị táo bón chức năng thường có dấu hiệu như sau:
- Đối với trẻ từ 12-24 tháng tuổi số lần đại tiện dưới 3 lần/ tuần
- Với trẻ lớn hơn 2 tuổi số lần đại tiện dưới 2 lần/ tuần
- Trẻ thường có các dấu hiệu đau nhức khi đi tiêu do phân khô và rắn
- Xuất hiện máu hoặc chất nhầy trong phân
- Đồ lót của trẻ có chất lỏng trông giống phân
Nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh táo bón chức năng
Theo các chuyên gia tiêu hóa, táo bón chức năng ở trẻ hình thành do những nguyên nhân dưới đây:
- Dị ứng
- Không có khả năng hoặc không thể kiểm soát cơ thắt hậu môn bên ngoài
- Không muốn đi đại tiện
- Chế độ ăn nghèo nàn, ít chất xơ
- Hội chứng đáy chậu giảm
- Phản ứng thần kinh bao gồm stress, căng thẳng
Cách điều trị táo bón chức năng cho bé
Mặc dù táo bón chức năng khá phổ biến và không thực sự nguy hiểm đến sức khỏe bé. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, bé có thể gặp phải một số biến chứng như nứt hậu môn, trĩ, chán ăn, suy dinh dưỡng,… Đối với táo bón chức năng, việc điều trị cần nhanh chóng và toàn diện. Tùy vào độ tuổi mà mẹ có thể lựa chọn những cách điều trị dưới đây.
Trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ dưới 1 tuổi bị táo bón chức năng mẹ có thể làm theo những cách sau:
- Dùng thuốc glycerin đặt hậu môn. Mỗi lần dùng 1 liều, không quá 7 ngày. Sau khi đặt thuốc khoảng 15-30 phút, trẻ sẽ có cơn mót rặn, đi cầu. Trường hợp sau 7 ngày mà tình trạng táo bón vẫn căng thẳng mẹ tuyệt đối không dùng thêm thuốc mà cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn theo dõi
- Thụt tháo bằng nước: Đây là biện pháp có thể thực hiện tại nhà nhưng phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Theo đó mẹ chỉ cần bơm nước muối sinh lý vào hậu môn (6ml/kg, tối đa 135ml). Không thụt tháo nhiều hoặc sai cách vì có thể làm tổn thương, giãn đại tràng sigma và trực tràng của bé
- Dùng Lactulose hoặc sorbitol: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột. Từ đó giúp phân mềm hơn và tống ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn mẹ không được dùng thuốc quá 7 ngày

Trẻ trên 1 tuổi
Với lứa tuổi này, cách trị táo bón chức năng sẽ đa dạng hơn. Cụ thể, mẹ có thể:
- Tháo, sổ phân nhanh bằng glycerin đặt hậu môn
- Thụt tháo bằng nước với liều 6ml/ kg (tối đa 135ml) trong vòng 12-24h
- Áp dụng biện pháp phối kết hợp. Trong đó ngày 1 thụt tháo, ngày 2 dùng thuốc bisacodyl đặt hậu môn 10mg trong vòng 12- 24 giờ. Ngày 3 đặt bisacodyl 5mg trong vòng 12- 24 giờ. Lặp lại liệu trình này từ 1-2 lần tình trạng táo bón sẽ được cải thiện. Trường hợp sau khi áp dụng mà trẻ vẫn không xuất hiện phản xạ đi cầu mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ
- Tháo xổ phân chậm bằng cách dùng lactulose hoặc sorbitol 4ml/kg chia 2 lần mỗi ngày. Duy trì liên tục trong 7 ngày
- Nhuận tràng kích thích bằng cách dùng bisacodyl 5 mg 1-3 viên/ngày chia 1-2 lần. Tuy nhiên phương pháp này không được khuyến khích sử dụng đầu tay. Thuốc chỉ thích hợp với những trường hợp bị táo bón trơ, sau khi áp dụng nhuận tràng thẩm thấu thất bại
Cách phòng ngừa táo bón chức năng cho trẻ
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của bệnh mẹ hãy phòng ngừa táo bón cho bé bằng biện pháp sau:
- Cung cấp cho trẻ các loại thức ăn giàu chất xơ như sữa mẹ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,…
- Khuyến khích các bé đi tiêu mỗi ngày vào khoảng thời gian nhất định. Tốt nhất là nên đi cầu sau khi ăn tối khoảng 20-30 phút.
- Không hối thúc trẻ khi đang đi đại tiện. Thay vào đó hãy xoa nhẹ bụng theo chiều kim đồng hồ để khởi động nhu động ruột
- Tuyệt đối không la mắng khi bé són phân
- Chú ý phát hiện hành vi nín để khuyến khích bé đi cầu
- Bổ sung nước đầy đủ cho con theo từng độ tuổi
Điều trị bệnh táo bón chức năng ở trẻ đòi hỏi phụ huynh phải thật kiên trì. Trường hợp sau 1-2 tháng mà tình trạng này không được cải thiện mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.