Đau ruột thừa là một bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng trẻ nếu như không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em là điều vô cùng quan trọng.
Trẻ mấy tuổi có thể bị đau ruột thừa?
Ruột thừa là một ống nhỏ hình ngón tay (không rõ chức năng) nối với ruột già và nằm ở phía dưới bên phải của bụng. Nếu ruột thừa bị nhiễm trùng, nó được gọi là viêm ruột thừa. Đây là trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Viêm ruột thừa hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, phổ biến hơn sau 10 tuổi và thường gặp nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi 20. Sau 15 tuổi, số bé trai bị ảnh hưởng nhiều gấp đôi so với bé gái. Ngoài ra, trẻ em có tiền sử gia đình bị đau ruột thừa có nguy cơ bị cao hơn. Mặc dù đau ruột thừa ở trẻ nhỏ tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, khi nó xảy ra ở trẻ dưới 4 tuổi, nguy cơ vỡ rất cao và trẻ cần tiếp nhận phẫu thuật khẩn cấp.
Triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em
Trẻ em bị đau ruột thừa, đặc biệt là trẻ nhỏ, có các triệu chứng khác với người lớn, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Các dấu hiệu đầu tiên của viêm ruột thừa thường là đau bụng quanh rốn và sốt nhẹ. Do đó, đau ruột thừa ở trẻ em có thể giống như một cơn đau bụng thông thường. Tuy nhiên, khi trẻ bị đau ruột thừa, cơn đau sẽ có xu hướng ngày càng nặng và di chuyển xuống phía dưới bên phải của bụng.
Trẻ bị đau bụng vùng dưới
Đau bụng do viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng trên rốn, sau đó lan ra quanh rốn rồi tập chung về vùng hố chậu phải. Tuy nhiên, việc xác định điểm đau ở trẻ là cả một vấn đề. Vì vậy, phụ huynh nên để ý tới các cử chỉ hành động của trẻ như quấy khóc, sờ tay vào bụng. Ngoài ra, trẻ đau bụng chưa chắc là đã bị viêm ruột thừa. Cần lưu ý phân biệt tình trạng trẻ bị đau bụng do dị ứng thức ăn, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, lồng ruột,…
Chán ăn
Trẻ chán ăn, biếng ăn là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên, nếu kéo dài nhiều bữa, ngay cả với món ăn bé yêu thích thì tốt nhất nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra.
Trẻ bị sốt
Trẻ đau ruột thừa có thể bị sốt từ 37 – 39 độ C, một số trường sốt cao trên 40 độ C. Thông thường, trẻ nhỏ hay bị sốt khi cơ thể nhiễm trùng. Vì vậy, đây là triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em mà ba mẹ không được chủ quan.
Trẻ bị buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn thường xuyên là dấu hiệu bất thường cần được ba mẹ để ý ở trẻ. Lúc này, phụ huynh hãy đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng đang gặp phải nhé!
Trẻ bị đau khi đi tiểu
Đau bụng vùng dưới khiến trẻ có cảm giác không thoải mái khi đi tiểu. Vì vậy, đây cũng là một triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em mà ba mẹ cần lưu ý.
Trẻ bị tiêu chảy
Biểu hiện này xảy ra sau nhiều ngày. Nếu trẻ bị tiêu chảy liên tục, ba mẹ hãy đưa ngay đến bệnh viện để được kiểm tra.
Trẻ bị táo bón
Một trong những triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em thường gặp khác đó là táo bón. Tuy nhiên, tình trạng này rất phổ biến ở trẻ nhỏ nên đôi lúc bố mẹ chủ quan không nghĩ đến việc con bị đau ruột thừa.
Trẻ bị khó thở
Trẻ bị đau ruột thừa thường cảm thấy khó thở. Vì vậy, nếu con than phiền với bạn về triệu chứng này, hãy đưa bé tới bệnh viện kiểm tra nhé!
Vùng bụng trẻ bị sưng
Bụng sưng tấy bất thường cũng là một triệu chứng khác của đau ruột thừa. Lúc này, bạn hãy thử chạm nhẹ vào bụng trẻ và quan sát xem trẻ có cảm thấy đau không nhé!
Phụ huynh không nên dựa vào đánh giá riêng của mình về triệu chứng của con. Đau ruột thừa ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề. Vì vậy, điều quan trọng là phải được bác sĩ chẩn đoán và chăm sóc kịp thời.
Chẩn đoán đau ruột thừa ở trẻ như thế nào?
Chẩn đoán đau ruột thừa ở trẻ được thực hiện bằng cách khám sức khỏe và yêu cầu các xét nghiệm vụ thể. Đầu tiên, bác sĩ sẽ dùng tay ấn lên vùng bụng dưới bên phải để xem trẻ có cảm thấy đau không. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng trẻ gặp phải. Nếu trẻ có nhiều triệu chứng điển hình của bệnh, bác sĩ sẽ kết luận ngay và tiến hành điều trị. Nếu còn nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ làm một số kiểm tra để xác định trẻ có bị đau ruột thừa không. Một số xét nghiệm có thể làm là:
- Xét nghiệm máu: Đây là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để xem trẻ có bị nhiễm trùng không
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này để xác định trẻ có bị nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng bàng quang không
- Siêu âm bụng: Đây là phương án chẩn đoán hình ảnh đầu tiên được thực hiện. Kết quả siêu âm cho dương tính nói lên đó là ruột thừa bị viêm. Siêu âm không thấy ruột thừa hoặc không xác định được ruột thừa, kèm theo các triệu chứng lâm sàng thì nên thực hiện CT scan hoặc MRI
- Chụp MRI hoặc CT: Các xét nghiệm giúp bác sĩ chắc chắn hơn về kết quả chẩn đoán vì nó giúp quan sát ruột thừa rõ hơn. Nếu quá khẩn cấp, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật cắt bỏ ngay để tránh biến chứng
Điều gì xảy ra nếu ruột thừa bị nhiễm trùng và vỡ không được điều trị?
Viêm ruột thừa ở trẻ em là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không được điều trị, ruột thừa của con bạn có thể bị vỡ (vỡ ra). Có thể mất từ 48 đến 72 giờ sau khi con bạn phát triển các triệu chứng viêm ruột thừa trước khi ruột thừa bị vỡ. Tuy nhiên, vỡ ruột thừa có thể xảy ra sớm hơn trong một số trường hợp.
Ruột thừa bị vỡ có thể lây lan vi khuẩn khắp bụng của con bạn và dẫn đến nhiễm trùng lan rộng do vi khuẩn gọi là viêm phúc mạc liên quan đến các cơ quan khác trong ổ bụng. Nó cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu nghiêm trọng được gọi là nhiễm trùng huyết.
Dấu hiệu ruột thừa bị vỡ là gì?
Ruột thừa bị vỡ là một trường hợp cấp cứu y tế. Các triệu chứng của ruột thừa bị vỡ có thể bao gồm:
- Đau lan rộng và đau khắp bụng
- Đau bụng nặng hơn khi chạm hoặc cử động
- Nỗi đau trở nên tồi tệ hơn với mỗi giờ trôi qua
- Đầy hơi
- Khí ga
- Buồn nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Sốt
- Ớn lạnh
Lưu ý rằng những dấu hiệu và triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay sau khi ruột thừa bị vỡ. Ban đầu, con bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn vì vết vỡ sẽ giảm bớt một số áp lực. Tuy nhiên, một khi vi khuẩn tràn vào khoang bụng sẽ gây nhiễm trùng, viêm nhiễm và các triệu chứng ngày càng trầm trọng.
Phương pháp điều trị đau ruột thừa ở trẻ em
Phương pháp điều trị đau ruột thừa ở trẻ em và người lớn và phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm ruột thừa nhẹ có thể được điều trị bằng kháng sinh đơn thuần.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Đây là cách điều trị thông thường nhất khi xác định được triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành rạch vết nhỏ ở bụng, giảm nguy cơ xâm lấn ở mức tối thiểu. Vì vậy, sau phẫu thuật, thời gian phục hồi của bệnh nhân sẽ ngắn hơn, cũng như nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn.
Đôi khi, phẫu thuật mở bụng có thể cần thiết để cắt bỏ ruột thừa trong những trường hợp phức tạp. Phẫu thuật này bao gồm một vết rạch lớn hơn ở phần dưới bên phải của bụng và cần thời gian hồi phục lâu hơn.
Thuốc kháng sinh
Khi ruột thừa vừa có dấu hiệu viêm, trong hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh trước khi nghĩ đến việc cắt bỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em có tỷ lệ phục hồi sau phẫu thuật cao hơn người lớn và không bị nhiều biến chứng khi cắt bỏ ruột thừa.
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị đau ruột thừa sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, mẹ có thể thực hiện các bước sau để vết mở của trẻ mau lành, tránh nguy cơ nhiễm trùng:
Những lưu ý sau phẫu thuật
- Rửa vết thương cho trẻ nhẹ nhàng bằng dung dịch vệ sinh được bác sĩ chỉ định dùng cho trẻ
- Mẹ có thể để vết mổ của trẻ tiếp xúc với không khí cho mau se
- Tránh sử dụng kem thoa lên vết mổ của trẻ
- Không cho trẻ ngâm trong nước hoặc tắm bồn
- Không cho trẻ tham gia các hoạt động dưới nước cho đến khi mổ lành hẳn
- Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, tránh các trang phục bó sát gây kích ứng da tại vị trí mổ
Kiểm soát cơn đau tại nhà
Nếu trẻ cảm thấy đau sau khi mổ nội soi ruột thừa, mẹ có thể cho bé dùng thuốc giảm đau như paracetamol, với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chườm vết mổ bằng miếng đệm sưởi ấm hoặc túi nước đá để giảm đau.
Chế độ ăn uống sau khi mổ
Tùy vào tình trạng bệnh lý, trẻ có thể ăn uống trở lại bình thường sau phẫu thuật 6 tiếng. Tuy nhiên, mẹ nên cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, chẳng hạn như 6 – 8 bữa mỗi ngày trong khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra nên ưu tiên ăn các món ăn dạng lỏng, dễ nuốt như cháo, cơm nhão, khoai tây, sữa chua,…
Nếu cơ thể có dấu hiệu tốt hơn, trẻ không còn đau, mẹ nên bổ sung thêm nhiều thực phẩm khác cho trẻ. Bởi nếu chỉ ăn thức ăn lỏng sẽ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, chưa kể trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, bỏ ăn. Do đó, việc bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, đạm và vitamin C là hết sức cần thiết. Ngoài ra, cũng nên đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: chất béo, chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất.
Bài viết trên đây giúp mẹ nắm rõ các triệu chứng đau ruột thừa ở trẻ em. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị cho trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Do đó, ba mẹ hãy thận trọng khi thấy bé tỏ ra khó chịu nhé!