Nội dung chính

Kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật cho bé mà mẹ CẦN BIẾT

Bé yêu của bạn chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm? Mẹ loay hoay không biết có nên cho bé ăn dặm kiểu Nhật không? Đây là một phương pháp được rất nhiều các mẹ áp dụng, nhưng không phải ai cũng thành công. Nguyên nhân phần lớn là do thiếu kiến thức, mất kiên nhẫn, cũng như gặp rào cản về văn hóa. Nếu mẹ lo lắng không biết bắt đầu từ đâu, hãy cùng Fitobimbi tìm hiểu cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật “chuẩn chỉnh” nhé!

TRỌN BỘ kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật cho bé mà mẹ CẦN BIẾT
TRỌN BỘ kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật cho bé mà mẹ CẦN BIẾT

Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm phổ biến tại Nhật Bản. Mục tiêu của phương pháp là kích thích bé ăn ngon, tiêu hóa tốt và khám phá được nhiều thực phẩm mới. Từ đó giúp bé tìm được niềm yêu thích trong ăn uống. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng khuyến khích mẹ dạy bé cách ăn uống tự lập từ sớm và ăn theo tốc độ của riêng mình.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hướng tới chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dưỡng chất và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Theo đó, trẻ sẽ được “thử nghiệm” nhiều dạng thức ăn, từ loãng đến đặc, mịn đến thô.

Người Nhật Bản khi nấu thức ăn dặm cho bé thường không sử dụng đến cối xay. Thay vào đó, họ sẽ dùng cối giã, sau đó lọc lại qua rây để làm mịn thức ăn. Trong những ngày đầu tập tành ăn dặm, bé sẽ được làm quen với các món cháo lỏng. Điều này sẽ giúp bé học được cách ăn bằng thìa, cũng như cải thiện khả năng nuốt. Sau giai đoạn này, bé sẽ được “up level”, ăn các món cháo có kết cấu đặc sánh hơn khi có bổ sung thêm rau củ nghiền mịn. Cuối cùng Cuối cùng bé sẽ được làm quen với các bữa cơm nấu từ gạo vỡ, và không thể thiếu nguồn dinh dưỡng đến từ rau củ, thịt và cá.

Khi nào bắt đầu tập ăn dặm cho bé?

Bộ Y tế khuyến cáo rằng, sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho trẻ đủ tháng khỏe mạnh cho đến khoảng 6 tháng. Trước đó, con bạn sẽ nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa công thức hoặc sữa mẹ. Nếu bé trải qua giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, cơn đói tăng lên sẽ chỉ làm tạm thời và cảm giác thèm ăn của bé sẽ trở lại bình thường tương đối nhanh chóng.

Khi bé học được các kỹ năng mới như lăn lộn và ngồi dậy, chúng sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn mỗi ngày. Với sự thèm ăn ngày càng tăng, sẽ sớm đến lúc bắt đầu cho bé làm quen với mùi vị và kết cấu của thức ăn dặm. Hầu hết các bé thường đạt được những kỹ năng này vào giai đoạn từ 6 tháng tuổi, hiếm có trường hợp phát triển trước thời điểm này.

Ngoài ra, mẹ có thể quan sát những dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm kiểu Nhật khác sau đây:

  • Giữ đầu thẳng đứng: Trẻ có thể giữ đầu ổn định và di chuyển từ bên này sang bên kia
  • Phối hợp tay, mắt và miệng: Trẻ có thể cầm nắm các đồ vật, chẳng hạn như núm vú giả và đưa vào miệng
  • Hứng thú với thức ăn: Trẻ sẽ nhìn bạn ăn hoặc cố gắng lấy thức ăn từ bạn
  • Có thể nuốt thức ăn: Hạn chế tình trạng đẩy lưỡi

Nên cho bé ăn dặm kiểu Nhật hay truyền thống?

Bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ như bước vào một “cuộc chiến” mới trong quá trình nuôi con. Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm, trong đó kiểu Nhật và truyền thống là phổ biến nhất. Vậy nên tập cho bé ăn dặm truyền thống như bao đời các mẹ, các bà vẫn thường làm hay đổi mới với phương pháp đến từ Nhật Bản? Để có được lựa chọn phù hợp nhất với bé, mẹ hãy cùng Fitobimbi đặt lên “bàn cân” để so sánh các cách ăn dặm này nhé!

Về chế độ ăn

  • Ăn dặm truyền thống: Bé sẽ được làm quen với bột ngọt trong giai đoạn đầu, sau đó là bột mặn, số lượng và kết cấu của bột cũng được tăng dần theo độ tuổi. Bột ăn dặm truyền thống của bé sẽ được xay nhuyễn cùng với rau, cá và thịt. Phương pháp ăn dặm này tốt cho hệ tiêu hóa của bé, không cầu kỳ trong chế biến, tiết kiệm thời gian lên thực đơn và vì vậy phù hợp với các mẹ bận rộn. Tuy vậy, ăn dặm truyền thống cũng vấp phải một số nhược điểm như bé không cảm nhận được mùi vị của từng thức ăn, cũng như khó khăn khi ăn đồ cứng hơn do thức ăn đều đã được xay nhuyễn.

dac diem cua phuong phap an dam kieu nhat

  • Ăn dặm kiểu Nhật: Khi mới tập tành ăn dặm, bé sẽ được ăn 1 bữa/ngày và vẫn duy trì tần suất bú để đảm bảo dinh dưỡng. Đến giai đoạn sau, bé được cung cấp 2 – 3 bữa chính/ngày, xen kẽ với các bữa phụ. Mặc dù phương pháp này không gây áp lực chuyện ăn uống cho bé, nhưng mẹ lại mất nhiều thời gian lên thực đơn và chuẩn bị nguyên liệu hơn.

Về kỹ năng ăn

  • Ăn dặm truyền thống: Mẹ sẽ đút thức ăn cho bé bằng muỗng. Vì vậy, bé cũng được ăn với số lượng nhiều và nhanh tăng cân hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách, bé sẽ hình thành nhiều thói hư xấu như ăn rong, vừa ăn vừa chơi giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng.
  • Ăn dặm kiểu Nhật: Bé học được kỹ năng nhai, nuốt, cảm nhận được kết cấu và hương vị của thức ăn tốt hơn. Bởi thức ăn dặm kiểu Nhật được làm thô hơn, nhưng vẫn mềm cho bé nhai được. Từ đó giúp bé khám phá được nhiều thực phẩm mới, hình thành “gu” ăn uống. Phương pháp này cho phép bé ăn theo ý muốn, do vậy bé có thể ăn ít, dẫn đến chậm tăng cần.

Với thắc mắc “nên cho bé ăn dặm truyền thống hay kiểu Nhật tốt hơn?”. Nhìn chung, hai phương pháp này đều có những ưu, nhược điểm riêng. Để tối ưu lợi ích và loại bỏ những nhược điểm, mẹ có thể cho bé ăn dặm truyền thống kết hợp với kiểu Nhật. Cách này mang đến cho bé những lợi ích không ngờ:

  • Tăng cường khả năng nhai và nuốt thức ăn cứng cho bé
  • Giúp bé phân biệt được mùi vị giữa các món ăn. Từ đó phát triển vị giác tốt hơn
  • Cung cấp cho bé đầy đủ dinh dưỡng, tăng trưởng tốt và phát triển toàn diện

>>> Xem thêm:

Ăn dặm kiểu Nhật cần chuẩn bị những gì?

Mẹ đã biết ăn dặm Nhật Bản cần chuẩn bị những dụng cụ gì chưa? Hãy cùng điểm danh các dụng cụ cơ bản mẹ cần có khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật nhé!

Đồ định lượng

Ly và muỗng định lượng: Dùng để nêm nếm món ăn, tránh gây quá ngọt hoặc quá mặn.

Cân định lượng: Hỗ trợ cân khối lượng nguyên nhân cần có trong một bữa ăn của bé. Mẹ chỉ cần mua cần có chỉ số từ 0.5 – 1kg là được.

Đồng hồ hẹn giờ: Mỗi loại thực phẩm sẽ có thời gian nấu nướng khác nhau. Vì vậy, đồng hồ hẹn giờ là dụng cụ mà mỗi bà mẹ chăm con nhỏ cần phải có.

Cốc nấu cháo

Có hai dạng cốc nấu cháo, cốc nấu cháo bằng lò vi sóng và cốc nấu cháo bằng nồi cơm điện. Cat hai loại đều là công cụ hỗ trợ hữu ích, giúp mẹ tiết kiệm thời gian đứng bếp khi chế biến đồ ăn dặm cho bé.

Bộ dụng cụ nghiền thức ăn

Trong những ngày đầu tập tành ăn dặm, bé sẽ được “thử nghiệm” với các món cháo nghiền nhuyễn. Vì thế, mẹ không thể thiếu sự trợ giúp các dụng cụ nghiền thức ăn, bao gồm máy sinh tố, kéo, dụng cụ mài và rây lọc.

Bộ dụng cụ ăn dặm cho bé
Bộ dụng cụ ăn dặm cho bé

Ghế ăn

Mẹ nên chọn loại ghế có thể điều chỉnh linh hoạt, độ ngả lưng để bé có tư thế thoải mái nhất khi ăn. Ngoài ra, ghế ăn dặm cho bé nên đi liền với bàn ăn.

Bát và muỗng

Tốt nhất nên chọn bát và muỗng ăn dặm cho bé có chất liệu nhựa an toàn, không dùng đồ thủy tinh, sành, sứ dễ gây nguy hiểm.

Hộp bảo quản thức ăn

Đôi lúc bận rộn, mẹ có thể nấu nhiều một lúc để cho bé ăn trong ngày. Sau đó, đến bữa ăn, mẹ chỉ cần mang ra đun nóng lại là được. Để giúp bảo quản thức ăn tốt hơn, mẹ nên mua những hộp nhựa hoặc thủy tinh có chất lượng tốt, không bị biến dạng bởi nhiệt độ.

Các giai đoạn cơ bản cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Theo chia sẻ của các mẹ từng trải, giai đoạn đầu cho bé ăn dặm Nhật bản sẽ là những ngày tháng vất vả của cả hai mẹ con. Để bé thích nghi với kiểu ăn dặm này, mẹ cần kiên trì, chuẩn bị thực đơn đa dạng phù hợp với từng giai đoạn phát triển:

Ăn dặm kiểu Nhật 5 – 6 tháng tuổi (Gokkun)

Độ cứng của thức ăn: giống súp

Trẻ sơ sinh ở giai đoạn này được khuyến nghị ăn thức ăn xay nhuyễn, gồm từ một đến hai thành phần. Trong tuần đầu, mẹ nên cho bé ăn cháo loãng, được nấu theo tỷ lệ 1:10, 1 phần gạo và 10 phần nước. Về khẩu phần ăn cho bé trong tuần đầu là:

  • 5ml cháo trong 2 ngày đầu tiên
  • 10ml cháo trong 3 ngày tiếp theo
  • 15ml trong 3 ngày cuối tuần

Một số chú ý trong giai đoạn ăn dặm 5 – 6 tháng tuổi:

  • Các thực phẩm được sử dụng trong giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi chủ yếu là: khoai lang, khoai tây, tinh bột, bánh mì, gạo, cà chua, củ cải, bí đỏ, rau chân vịt, chuối, cà rốt
  • Khi chế biến thức ăn dặm cho bé, mẹ không nên nêm nếm thêm gia vị
  • Nên cho bé ăn vào một khung giờ để giúp con hình thành nhịp sinh lý ổn định
  • Cho bé uống sữa và ăn dặm liền mạch, không nghỉ giữa chừng
  • Nên cho bé ăn từng ít một, không nên cho bé ăn quá nhiều ngay giai đoạn đầu

Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 7 – 8 tháng (MoguMogu)

Độ cứng của thức ăn: Giống đậu phụ

Độ thô của thức ăn:

  • Cháo tỉ lệ 1 phần gạo, 7 phần nước
  • Củ quả: Nửa đầu giai đoạn cần nghiền qua rây 8 phần, 2 phần còn lại nghiền vào thìa. Nửa sau giai đoạn chỉ cần nghiền bằng thìa, rau củ nên được luộc mềm để có thể nghiền nát bằng 1 lực nhỏ
  • Cá, thịt: Băm nhuyễn, 8 phần rây, phần còn lại giữ nguyên cấu trúc. Sau đó, từ từ giảm dần lượng rây

Giai đoạn này, kỹ năng nhai và nuốt của trẻ được cải thiện một cách đáng nể. Bé đã có thể “thử nghiệm” với những thức ăn có nhiều kết cấu hơn để vận dụng tối đa hoạt động của lưỡi và nướu. Trong quá trình cho bé ăn dặm, mẹ nên quan sát xem bé có nhai hay là nuốt chửng. Nếu bé chưa thực hiện thành thạo kỹ năng này, mẹ không nên quá hấp tấp, hãy kiên trì cho bé ăn dặm ở giai đoạn 1 rồi từ từ làm đồ ăn sệt dần lại.

Số lượng bữa ăn cần duy trì trong một ngày là 2. Các thức ăn phù hợp để bổ sung cho bé trong giai đoạn này  là: cháo, mỳ, bún, yến mạch, thịt, trứng, đậu hũ, ức gà, cà ngừ, cá hồi, sữa chua, phô mai, nấm, rong biển, cà tím, hành lá, cải cúc, măng tây tươi, dưa leo, rau dền, ớt chuông, xà lách.

Lượng thức ăn cho từng giai đoạn ở trẻ
Lượng thức ăn cho từng giai đoạn ở trẻ

Giai đoạn ăn dặm 9 – 11 tháng tuổi (KamiKami)

Độ cứng của thức ăn: giống chuối

Độ thô của thức ăn: 

  • Cháo: nấu 1 phần gạo, 5 phần nước, sau đó dần chuyển sang nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật 1 phần gạo, 3 phần nước
  • Củ quả: sơ chế với kích thước khoảng 5 – 6mm, sau đó hấp hoặc luộc đến khi đạt được độ cứng có thể nghiền nát bằng ngón tay
  • Rau: Hấp hoặc luộc mềm, cắt vừa phải để bé có thể cầm nắm được
  • Cá, thịt: Hấp hoặc luộc, bỏ xương và da, cắt miệng khoảng 5 – 8mm

Bước vào giai đoạn này, bé yêu có thể sử dụng nướu để nhấm nháp và dùng răng cửa để gặm thức ăn. Do đó, mẹ có thể chuyển dần sang thức ăn dặm kiểu Nhật có độ cứng như chuối. Ngoài ra, trong giai đoạn này, mẹ sẽ thấy bé có sự thay đổi rõ rệt về “nếp ăn”, bé biết nhè ra phần ăn không thích, mím chặt miệng hay lấy tay xua.

Bên cạnh đó, nếu quan sát, mẹ sẽ thấy bé bắt đầu có những hành động thể hiện sự khám phá, tìm hiểu kết cấu, hình dáng của thức ăn rõ rệt hơn như bốc cơm, cầm thịt hoặc tự tay cầm rau ăn mà không dùng đến thìa. Mẹ nên cho bé tự do phát triển, để bé tự làm điều mình thích.

Mẹ nên duy trì cho bé ăn dặm 3 bữa/ngày. Trong lúc ăn nên tạo không khí vui vẻ để kích thích bé ăn ngon hơn.

Giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật 12 – 18 tháng tuổi (Paku Paku)

Độ cứng của thức ăn: như thịt viên

Độ thô của thức ăn:

  • Cơm: cơm hơi nát, nhiều nước hơn so với bình thường
  • Củ quả: Độ mềm vừa phải có thể cắt bằng thìa
  • Rau: Hấp hoặc luộc mềm, độ rộng khoảng 1cm
  • Cá, thịt: Luộc hoặc hấp, lọc xương và bỏ da. Mẹ có thể cắt miếng to hơn giai đoạn 2 để bé cảm nhận được rõ hơn mùi vị của thịt

Ở giai đoạn này, những chiếc răng hàm đầu tiên của bé bắt đầu nhú lên và bé có thể sử dụng để nhai nát thức ăn. Bên cạnh đó, khả năng cử động của cằm và lưỡi của bé cũng được thể hiện một cách thuần thục hơn. Tuy nhiên, tiến độ ăn của mỗi bé không giống nhau nên mẹ đừng quá nóng lòng, mà hãy quan sát để điều chỉnh cách nấu phù hợp với kỹ năng ăn dặm kiểu Nhật của bé. Ngoài 3 bữa chính, trong giai đoạn này bé sẽ cần ăn thêm 1 bữa phụ nữa mỗi ngày.

Đây là giai đoạn chuyển giao giữa các bữa ăn dặm bị động và bữa ăn dặm chủ động. Do đó, việc dọn dẹp sau bữa ăn của bé cũng sẽ vất vả hơn rất nhiều. Cho tới khi bé tìm được sở thích trong chuyện ăn uống, mẹ hãy cứ để bé tự do. Lúc này, điều mẹ cần làm là nghiên cứu và tìm tòi nhiều menu ăn dặm kiểu Nhật để đáp ứng nhu cầu phát triển của bé.

Trọn bộ thực đơn ăn dặm kiểu nhật 30 ngày đầu tiên, mẹ khỏi lo nghĩ ngợi

Ngày 1:

– Cháo rây. Nấu 1 thìa gạo, 10 thìa nước

Ngày 2:

– Cháo rât. Nếu 1 thìa gạo, 10 thìa nước

Ngày 3:

– Cà rốt nghiền

– Cháo rây

Nước dashi

Ngày 4:

– Cà rốt nghiền

– Cháo rây

– Nước dashi

Ngày 5, 6:

– Khoai lang hấp chín, nghiền nhuyễn rồi trộn sữa

Ngày 7:

– Cháo rây, tỷ lệ 1:10

– Khoai lang hấp chín, nghiền nhuyễn rồi trộn sữa

Ngày 8:

– Cháo yến mạch mix chuối

– Trà hoa quả wakodo

Ngày 9:

– Cà rốt nghiền

– Cà chua nghiền

– Cháo rây, tỷ lệ 1:10

– Nước dashi

Ngày 10:

– Cháo khoai lạnh mix súp lơ xanh

Ngày 11:

– Cháo rây, tỷ lệ 1:10

– Ngô ngọt nghiền

– Hành tây nghiền

– Khoai mật mix sữa mẹ

Ngày 12:

– Súp ngô ngọt khoai lang

Ngày 13:

– Súp cà rốt mix đậu đũa

– Cải thảo nghiền

Ngày 14:

– Cháo khoai lang cải thảo

– Đậu đũa nghiền

Ngày 15:

– Cháo rây, tỷ lệ 1:10

– Cháo bánh mỳ sữa

– Cải bó xôi nghiền

4 dau hieu be san sang an dam

Ngày 16:

– Bột hipp chuối đào

Ngày 17:

– Cháo cải bó xôi mix ngô ngọt

Ngày 18:

– Cháo yến mạch, tỷ lệ 1:10

– Khoai lang nghiền

– Xoài nghiền

Ngày 19:

– Cháo cải bó xôi, dầu óc chó

– Mướp hương nghiền

Ngày 20:

– Súp bí đỏ

– Trà lúa mạch

Ngày 21:

– Cháo ngô nếp

– Khoai tây nghiền

– Trà hoa quả

Ngày 22:

– Cháo bí đỏ mồng tơi mix bột chùm ngây

Ngày 23:

– Cháo yến mạch hạt sen khoai tây

– Trà lúa mạch

Ngày 24:

– Cháo gạo lứt vàng cà rốt bí đỏ

Ngày 25:

– Cháo mướp hương, dầu oliu

Ngày 26:

– Súp cà rốt bí đỏ

– 1/2 lòng đỏ trứng gà nghiền

– Đậu hũ và đậu gà nghiền

Ngày 27:

– Cháo yến mạch táo mix phô mai

– Cải ngọt nghiền

Ngày 28:

– Cháo gạo lứt cải ngọt phomai rắc

Ngày 29:

– Cháo rây nguyên hạt, tỷ lệ 1:10

– Cà rốt, bí xanh, bí đỏ, hạt sen, quinoa 3 màu mix phomai

Ngày 30:

– Soup yến mạch ngô ngọt khoai lang

– Trà hoa quả

Những nguyên tắc cần lưu ý khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Dưới đây là những lưu ý cần ghi nhớ khi mẹ cho bé ăn dặm theo phương pháp Nhật Bản:

  • Nấu cháo ăn dặm cho bé theo đúng tỷ lệ. Độ đặc, sánh của cháo thay đổi dần theo độ tuổi của trẻ
  • Bữa ăn dặm của bé cần đảm bảo cung cấp đủ 3 nhóm chất, bao gồm vitamin, đạm và tinh bột
  • Thay đổi thực đơn ăn dặm thường xuyên để bé làm quen với được nhiều món ăn mới, cũng như nạp được nhiều dưỡng chất
  • Không nêm nếm gia vị vào đồ ăn dặm của bé
  • Khi bé ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn cùng bàn với cả nhà
  • Cho bé ăn đúng bữa, không ăn bù
  • Dạy cho bé cách tự dùng thìa xúc thức ăn để rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt
  • Không ép bé, hãy để con ăn theo tốc độ và số lượng của riêng mình
  • Khi cho bé thử những món ăn mới, mẹ cần kiên trì trong 3 – 4 ngày để bé có thể làm quen với mùi vị lạ

Trên đây là trọn bộ kinh nghiệm ăn dặm kiểu Nhật cho bé mà mẹ cần biết. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc các mẹ thành công!

Chia sẻ bài viết này