Trẻ mấy tháng ăn dặm? Trong hầu hết các trường hợp, việc lựa chọn thời điểm cho trẻ ăn dặm là một quyết định cá nhân. Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: việc quay trở lại làm việc, sức khỏe của mẹ hoặc mong muốn của chính trẻ,…

- >>> Bé 8 tháng ăn được cá gì? 5+ loại cá tốt nhất cho trẻ cha mẹ không nên bỏ qua
- >>> 9 loại trái cây cho bé 7 tháng tuổi mẹ cần biết
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là quá trình chuyển chế độ ăn của trẻ sơ sinh từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang các loại thực phẩm và chất lỏng khác.
Trẻ mấy tháng ăn dặm?
WHO khuyến cáo, sau tháng thứ 6, cha mẹ có thể cho trẻ ăn dặm với ngũ cốc, rau củ, thịt,… để cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển của các con (who.int). WHO cũng nhấn mạnh rằng, trẻ ở độ tuổi này đã sẵn sàng tiếp nhận các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Nếu trẻ không được ăn dặm hoặc ăn dặm không đúng cách khi được 6 tháng tuổi, sự phát triển của trẻ có thể bị chậm lại.
Trong khi đó, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, trẻ em có thể ăn dặm ngay từ khi 4 tháng tuổi (nichd.nih.gov).

Ngoài độ tuổi, cha mẹ cũng có thể biết đã đến lúc cho con ăn dặm khi nhận thấy những dấu hiệu sau:
- Trẻ có thể giữ vững được phần đầu khi được đặt ở tư thế ngồi
- Trẻ có thể ngồi với sự hỗ trợ
- Trẻ ngậm tay hoặc đồ chơi
- Trẻ có thể phối hợp mắt, tay và miệng để nhìn thức ăn, cầm và đưa lên miệng
Tại sao ăn dặm lại quan trọng?
Như vậy, bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ mấy tháng ăn dặm?”. Nhưng tại sao cần cho trẻ ăn dặm sớm đến thế (ngay từ khi trẻ được khoảng 4 – 6 tháng tuổi)? Thực tế, ăn dặm có vai trò quan trọng, giúp ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh
Theo nhiều nghiên cứu, trọng lượng của một đứa trẻ tăng gấp đôi khi được 5 tháng tuổi và tăng gấp ba lần sau khoảng một năm kể từ khi sinh ra.
Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ thức ăn với giá trị dinh dưỡng phong phú cho trẻ là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển này.
Mặc dù sữa mẹ đáp ứng hầu hết các yêu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu của một đứa trẻ đang lớn. Chính vì vậy, để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, việc cho trẻ làm quen với các loại thức ăn khác khi được 6 tháng tuổi là điều cần thiết.
Phát triển các kỹ năng vận động
Thức ăn giúp trẻ khám phá các chuyển động của lưỡi, môi và hàm. Thông qua quá trình ăn dặm, trẻ cũng sẽ học được cách nhai và nuốt trước khi lên 2 tuổi. Cùng với đó, chúng cũng sẽ học được cách phối hợp tay – miệng, tay – mắt khi cầm nắm thức ăn và bắt đầu tự ăn.

Phát triển nhận thức và xã hội
Trong quá trình ăn dặm, trẻ sẽ được làm quen với việc ăn cùng với những người khác trong gia đình. Điều này cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển nhận thức và xã hội của trẻ.
Phát triển các sở thích
Trong thời gian ăn dặm, trẻ được làm quen với một thế giới thực phẩm hoàn toàn mới. Và đây là thời điểm trẻ bắt đầu phát triển cảm giác thích và không thích. Điều này giúp trẻ có ý thức cao hơn về vấn đề lựa chọn và sở thích, giúp phát triển nhân cách.
Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm
Dưới đây là nguyên tắc cho trẻ ăn dặm được hướng dẫn bởi WHO.
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên, theo yêu cầu cho đến khi trẻ được 2 tuổi trở lên
- Cho trẻ ăn từ từ và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn nhưng không ép trẻ, nói chuyện với trẻ và duy trì giao tiếp bằng mắt
- Chọn thực phẩm tươi sạch, sơ chế và chế biến thực phẩm đúng cách
- Bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng với lượng thức ăn nhỏ và tăng dần khi trẻ lớn hơn
- Tăng dần độ đặc và đa dạng của thức ăn
- Tăng số lần cho trẻ ăn: 2 – 3 bữa mỗi ngày cho trẻ 6 – 8 tháng tuổi và 3 – 4 bữa mỗi ngày cho trẻ 9 – 23 tháng tuổi, với 1 – 2 bữa phụ bổ sung theo yêu cầu
- Bổ sung vitamin – khoáng chất khi cần thiết
- Trong thời gian trẻ bị bệnh, hãy cho trẻ bú nhiều hơn và cho con ăn những loại thức ăn mềm mà con thích
3 giai đoạn của quá trình ăn dặm ở trẻ em
Ăn dặm là một hành trình dài lâu liên quan đến việc cho trẻ làm quen với các hương vị, các loại thực phẩm mới. Dù khác nhau ở mỗi đứa trẻ; song quá trình này thường được chia thành 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 – Làm quen với thực phẩm
Thời gian: Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, thức ăn của trẻ cần được nghiền mịn như bột và tăng dần từ loãng tới đặc.
Để bắt đầu, cha mẹ hãy cho trẻ ăn một lượng nhỏ mỗi ngày một lần vào thời điểm con đã được nghỉ ngơi đầy đủ. Mẹ nên cho trẻ ăn giữa các lần bú sữa khi con còn tỉnh táo, vui tươi và không quá đói hoặc quá no.
Cha mẹ có thể cho con ăn mỗi ngày một loại thức ăn mới để giúp con học về nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Giai đoạn 2 – Thêm mùi vị và tăng độ đặc của thức ăn
Thời gian: Khi trẻ được khoảng 7 tháng tuổi
Ở giai đoạn này cha mẹ có thể trộn lẫn bột với các “viên” thức ăn nhỏ mềm để con tập nhai. Hãy thử kết hợp các nhóm thực phẩm khác nhau trong mỗi bữa ăn (rau + ngũ cốc + thịt).
Giai đoạn 3 – Đa dạng hơn và thức ăn gia đình
Thời gian: Khi trẻ được khoảng 9 – 12 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, cha mẹ có thể cho trẻ ăn những thức ăn cứng hơn một chút. Cố gắng cho trẻ ăn càng nhiều loại thực phẩm càng tốt để con làm quen với nhiều hương vị và kết cấu khác nhau.
Cha mẹ nên cho con ăn các món ăn gia đình (kích thước và độ cứng phù hợp, không thêm muối hoặc đường) vào khoảng 12 – 15 tháng.
Kết luận
Bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi “trẻ mấy tháng ăn dặm?” rồi đúng không? Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn nuôi con khỏe, dạy con ngoan.