“Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?” là câu hỏi mà Fitobimbi thường xuyên nhận được từ các bậc phụ huynh. Trong bài viết này, Fitobimbi sẽ giải đáp chi tiết để phụ huynh tham khảo và an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.
>>> Xem nhiều hơn:
- Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em bố mẹ nên biết
- Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em và biện pháp phòng ngừa

Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?
Chảy máu cam là một dạng bệnh lý thuộc về tai – mũi – họng, thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 2 – 10 tuổi. Khi đó, máu sẽ chảy từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc mũi sau và xuống họng. Chảy máu mũi trước chiếm đến 90% trường hợp, thường chảy một bên với lượng không nhiều.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Đó có thể là do mũi trẻ chịu va đập mạnh, trẻ bị nhiễm trùng mũi – họng, khô niêm mạc do ở trong môi trường hanh khô, cấu trúc mũi của trẻ gặp vấn đề, trẻ vô tình tạo kích thích mạnh khiến niêm mạc mũi bị tổn thương,…
Khi trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ nên bình tĩnh để có thể xử lý đúng cách, đồng thời tránh làm cho con bị hoảng. Cách xử lý chảy máu cam ở trẻ em được thực hiện lần lượt theo các bước sau đây: Xác định bên mũi bị chảy máu cam => Tiến hành cầm máu => Chăm sóc cho trẻ sau khi cầm máu => Dự phòng chảy máu cam ở trẻ em.
Bước 1: Xác định bên mũi bị chảy máu cam
Thông thường, trẻ em sẽ bị chảy máu ở một bên mũi. Tuy nhiên, khi thấy có máu chảy ra, đa số trẻ mất bình tĩnh, lo lắng và phản ứng bằng cách dụi mũi. Chính điều đó làm cho các bậc phụ huynh khó thể có thể nhận biết chính xác bên mũi bị chảy máu cam.

Cho nên, ngay khi phát hiện trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ hãy ngăn cản con dùng tay dụi mũi. Bố mẹ nên lấy khăn mềm và sạch để lau máu mũi. Điều chỉnh đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra, từ đó có thể nhận biết chính xác bên mũi chảy máu.
Khi chỉnh đầu của trẻ hơi cúi về phía trước còn làm cho máu không chảy ngược về phía cổ họng, tránh hiện tượng nôn ói và tiêu chảy. Không nên để trẻ ngả đầu ra phía sau hoặc nằm ngửa. Bên cạnh đó, bố mẹ đừng quên trấn an, động viên để trẻ không cảm thấy sợ hãi, khóc, la hét khi nhìn thấy máu.
Bước 2: Tiến hành cầm máu
Sau khi để trẻ ngồi thẳng, đầu, cổ hơi ngả về phía trước, bố mẹ hãy dùng ngón cái và ngón trỏ của mình bóp chặt 2 bên cánh mũi của trẻ (phần chóp mũi mềm) trong khoảng 10 phút. Trong thời gian chờ đợi, bố mẹ có thể cho trẻ xem phim hoạt hình, nghe nhạc,…

Máu cần có thời gian để đông lại, do đó, bố mẹ không nên thả tay ra quá sớm hoặc liên tục để kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa. Lưu ý rằng, không bóp phần xương sống mũi, như vậy vừa khó có thể cầm máu, vừa làm trẻ cảm thấy khó chịu. Bố mẹ cũng không nên ấn một bên cánh mũi, kể cả khi máu chỉ chảy ở bên đó.
Cho trẻ ngồi ở vị trí cố định và hướng dẫn trẻ nhổ bớt máu trong miệng. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy xuống cổ họng, hãy cho trẻ nằm nghiêng để máu chảy ra ngoài. Sau khoảng 10 phút, bố mẹ bỏ tay ra và kiểm tra xem máu ngừng chảy hay chưa.
Hướng dẫn trẻ xì mũi để tống hết các khối máu đông ra bên ngoài. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, thực hiện động tác bóp 2 cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ trong vòng 10 phút và thực hiện lặp lại các bước tiếp theo một lần nữa.
Bước 3: Chăm sóc cho trẻ sau khi cầm máu
Nếu trẻ đồng ý, bố mẹ có thể đặt khăn lạnh hay chườm khăn mềm bọc đá viên lên vùng gốc mũi và má. Việc làm này sẽ giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu.
Cho trẻ uống một chút nước mát để giảm căng thẳng và bớt mùi máu trong miệng. Không nên để trẻ nuốt máu này vì có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau bụng và nôn mửa.
Trẻ có thể bị chảy máu cam một số lần trong vài tuần, tuy nhiên, rất ít trường hợp chảy máu cam đến mức bị thiếu máu. Nếu điều đó xảy ra tức là trẻ bị mất rất nhiều máu và liên tục trong vài tuần.
Bước 4: Dự phòng chảy máu cam ở trẻ em
Khi bị chảy máu cam, mũi sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều và dễ bị chảy máu lại nếu như niêm mạc mũi chưa hoàn toàn bình phục. Nếu niêm mạc mũi bị tổn thương nặng, từ vài tuần mới chảy máu cam một lần, rất có thể trẻ sẽ bị chảy máu liên tục từ 4 – 5 lần.
Để ngăn ngừa hiện tượng đó, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất trong vòng 2 giờ. Trong thời gian đó, bố mẹ có thể cho trẻ thư giãn bằng cách nghe nhạc, xem tivi, vẽ tranh, đọc sách, xếp hình,…
Sau khi chảy máu cam, trong khoảng 24 giờ, bố mẹ nên dặn trẻ không được ngoáy hay xì mũi. Không cho trẻ ăn uống đồ nóng và không tắm nước ấm. Nếu bị táo bón, hãy tăng cường chất xơ trong chế độ ăn và cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả. Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để trẻ dùng thuốc làm mềm phân.
Ngoài ra, để làm ẩm niêm mạc mũi của trẻ, bố mẹ có thể rửa bằng nước muối sinh lý hay thoa kem dưỡng ẩm vào phần trước của vách ngăn mũi. Dùng nước muối sinh lý xịt/nhỏ để làm ẩm niêm mạc mũi. Điều đó thực sự quan trọng đối với những trẻ bị chảy máu cam và thường xuyên bị ngạt mũi.
Đối với kem dưỡng ẩm, số lần thoa còn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi trẻ. Nếu trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, bố mẹ có thể thoa 2 lần/ngày và dừng khi không còn hiện tượng chảy máu cam.
Thêm nữa, bố mẹ nên dùng máy phun sương để làm ẩm không khí trong nhà, nhất là phòng sử dụng điều hòa. Đặc biệt, trong khoảng 1 tuần kể từ khi bị chảy máu cam, bố mẹ không nên cho trẻ hoạt động mạnh như chạy, nhảy, bơi, nhấc đồ nặng,…
Trẻ bị chảy máu cam cần đến gặp bác sĩ khi nào?
Chảy máu cam là hiện tượng phổ biến ở trẻ em, đa phần là để đáp lại các kích thích từ môi trường sống. Khi trẻ bị chảy máu cam, bố mẹ có thể thực hiện lần lượt theo các bước mà Fitobimbi chia sẻ trên đây.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bố mẹ không nên chủ quan và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời, đúng cách. Vậy, khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ? Bố mẹ có thể tham khảo một số trường hợp cụ thể sau:
- Máu cam tiếp tục chảy ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp sơ cứu trong khoảng 20 phút
- Máu mũi chảy nhanh, trẻ bị mất nhiều máu (tầm hơn một cốc đầy) hoặc chảy đi chảy lại nhiều lần mà không rõ nguyên nhân
- Trẻ bị chảy máu cam, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh, nôn hay khạc ra máu, cơ thể gầy yếu, xanh xao
- Trẻ bị chảy máu cam sau khi dùng một loại thuốc mới hay do chấn thương (chẳng hạn bị đấm vào mặt, ngã,…)
- Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, xuất hiện vết bầm tím trên cơ thể, máu chảy đồng thời ở mũi và trong phân, nước tiểu,…
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành sơ cứu để máu ngừng chảy. Nếu máu không ngừng chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm điểm mạch chảy máu. Tiếp theo, bác sĩ có thể thực hiện:
- Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi
- Thoa thuốc mỡ vào trong mũi để cầm máu
- Dùng nitrat bạc hay các hóa chất khác để đốt các mạch máu
- Kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ uống, ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn
- Với trường hợp nặng (trẻ bị mất quá nhiều máu), bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để xác định lượng máu đã mất
Nếu được xử trí kịp thời và đúng cách, đa số trẻ bị chảy máu cam sẽ hồi phục nhanh và không bị ảnh hưởng lâu dài. Ngoài ra, việc chăm sóc cho trẻ sau khi bị chảy máu cam vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý để bố mẹ tham khảo:
- Dùng đầu tăm bông nhẹ nhàng thoa kem dưỡng ẩm nếu mũi của trẻ bị khô và nứt nẻ (trẻ dưới 4 tuổi không nên thực hiện)
- Trường hợp phải áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi, trong vòng 24 – 48 giờ, bố mẹ không được tự ý tháo bấc mũi cho trẻ. Sau 48 giờ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tháo bấc. Không cần gặp bác sĩ nếu bấc mũi tự rơi và trẻ hết chảy máu cam
- Nếu trẻ không được áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi, để ngăn ngừa nhiễm trùng, bố mẹ sẽ thoa thuốc kháng sinh vào trong mũi (khoảng 1 tuần) theo chỉ dẫn của bác sĩ
Bài viết đã giúp các bậc phụ huynh có được đáp án chi tiết cho câu hỏi: “Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?”. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, bạn đừng ngại cho Fitobimbi biết để chúng tôi kịp thời giải đáp. Hãy truy cập website https://fitobimbi.vn/ thường xuyên nếu không muốn bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bé yêu một cách toàn diện.