Nội dung chính

Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì? Phòng ngừa nấm miệng ra sao?

Bệnh nấm miệng phổ biến ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi dùng răng giả. Bệnh này không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi hoặc được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc bôi. Điều trị nấm miệng như thế nào? Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì? Cùng Fitobimbi tìm hiểu nhé!

Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì?
Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì?

Bệnh nấm miệng ở trẻ nhỏ là gì?

Nấm miệng là một bệnh nhiễm trùng nấm ở cổ họng, lưỡi hoặc niêm mạc họng. Bệnh này thường bắt nguồn từ sự phát triển quá mức của loại nấm có tên là Candida Albicans.

Hầu hết mọi người (kể cả trẻ sơ sinh) đều có nấm Candida trong miệng và đường tiêu hóa. Thông thường, khi hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, các vi khuẩn tốt sẽ kiểm soát lượng nấm này ở mức độ phù hợp. Nhưng nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu (do bệnh hoặc do thuốc), hoặc chưa phát triển hoàn thiện (trường hợp của trẻ sơ sinh), nấm Candida có thể phát triển quá mức, dẫn đến nhiễm trùng.

Sự phát triển của nấm Candida cũng là nguyên nhân dẫn đến hăm tã. Trẻ sơ sinh có thể bị nấm miệng và hăm tã cùng một lúc.

Nếu trẻ không được điều trị bệnh nấm miệng, nhiễm trùng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Những đối tượng trẻ em nào dễ bị nấm miệng?

Trẻ em thuộc một trong những nhóm sau có nguy cơ bị nấm miệng cao hơn:

  • Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện
  • Trẻ không vệ sinh răng miệng tốt sau khi bú, ăn
  • Trẻ bị HIV, ung thư,… có sức đề kháng kém
  • Trẻ bị hen suyễn thường sử dụng thuốc corticoid đường hít
  • Trẻ thường dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn tốt, tạo điều kiện cho nấm Candida  phát triển
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng dễ bị nấm miệng
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng dễ bị nấm miệng

Triệu chứng của bệnh nấm miệng ở trẻ nhỏ

Khi bị nấm miệng, bạn có thể nhận thấy ở con những triệu chứng sau:

  • Xuất hiện đốm và mảng trắng trên lưỡi, má trong, môi, nướu hoặc vòm miệng
  • Có thể bị viêm và nứt ở khóe miệng

Ngoài ra, con cũng có thể có các biểu hiện như:

  • Khó chịu, không muốn ăn
  • Chảy nước dãi
  • Đau, khó nuốt nếu nhiễm trùng lan đến thực quản

Lưu ý: Nếu trẻ sơ sinh đang bú mẹ bị nấm miệng, nấm có thể lây lan sang núm vú của mẹ; khiến núm vú bị viêm, nhạy cảm, nứt. Mẹ có thể cảm thấy bị đau khi cho con bú.

>>> Xem thêm: Hình ảnh nấm lưỡi ở trẻ và nguyên nhân, dấu hiệu

Phương pháp điều trị nấm miệng cho trẻ

Một số trẻ em bị nấm miệng có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của con không được cải thiện sau 1 tuần, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì?

Với trẻ bị nhiễm nấm nhẹ, bác sĩ có thể sẽ không kê đơn thuốc; nhưng đối phương sẽ hướng dẫn bạn chăm sóc con tại nhà đúng cách để con nhanh khỏi bệnh.

Khi trẻ bị nhiễm nấm nặng, bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng nấm như Nystatin hay Miconazole.

  • Miconazole: Đây là một trong những loại thuốc kháng nấm phổ biến với phổ kháng nấm rộng. Thuốc này có thể được dùng cho trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi đến 2 tuổi. Miconazole được bào chế dưới dạng gel có nồng độ 2%. Cha mẹ cần cẩn trọng khi bôi thuốc dạng gel cho con, nếu không nó có thể khiến trẻ bị tắc nghẽn cổ họng
  • Nystatin: Loại thuốc này cũng có thể dùng được ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nystatin có dạng dung dịch, dùng để rơ lưỡi cho trẻ với liều dùng 4 lần/ngày, thời gian điều trị ít nhất 7 ngày

Trong trường hợp trẻ bị nấm miệng nặng và dùng thuốc bôi không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm mạnh hơn bằng đường uống như Amphotericin B, Fluconazole hoặc Itraconazole.

Cha mẹ chỉ cho con sử dụng thuốc điều trị nấm khi có hướng dẫn của bác sĩ. Tự ý cho con sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Thuốc kháng nấm nếu sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ sinh vật trong cơ thể trẻ.

Miconazole là một trong những loại thuốc bôi trị nấm miệng phổ biến
Miconazole là một trong những loại thuốc bôi trị nấm miệng phổ biến

Cách bôi thuốc trị nấm miệng cho trẻ

Để bôi thuốc điều trị nấm miệng cho con, cha mẹ hãy thực hiện lần lượt các bước sau:

  • Bước 1: Rửa tay sạch và lau khô bằng khăn sạch
  • Bước 2: Quấn gạc quanh ngón tay hoặc sử dụng loại gạc bọc vừa đầu ngón tay
  • Bước 3: Làm mềm miếng gạc bằng cách để ngón tay quấn gạc vào một chén nước ấm sạch
  • Bước 4: Cho thuốc lên gạc theo liều lượng được bác sĩ chỉ định
  • Bước 5: Đưa ngón tay có quấn gạc (đã tẩm thuốc) vào miệng con và chà nhẹ vào hai má trong, sau đó đến vòm miệng rồi rà lưỡi từ ngoài vào trong. Nếu mẹ rà lưỡi từ trong ra ngoài, con sẽ cảm thấy khó chịu và có thể nôn trớ

>>> Nếu không dùng thuốc mẹ có thể tham khảo mẹo: 4 mẹo chữa nấm miệng cho trẻ hiệu quả tại nhà

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc bôi nấm miệng trẻ em?

Khi bôi thuốc trị nấm miệng cho con, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Không tự ý sử dụng thuốc bôi trị nấm trẻ em mà không có hướng dẫn của bác sĩ
  • Sử dụng đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc để đảm bảo thuốc có hiệu quả tốt nhất
  • Trong vòng 20 phút sau khi bôi thuốc chữa nấm, cha mẹ không nên cho trẻ bú hoặc ăn uống
  • Nên bôi thuốc cho trẻ trước bữa ăn để tránh tình trạng trẻ nôn trớ
  • Một số loại thuốc trị nấm miệng trẻ em có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mẩn,… Vì vậy, sau khi cho con dùng thuốc, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của con để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường
  • Thuốc điều trị nấm miệng có thể tương tác với các thuốc khác. Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần cho con sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau
  • Không cạy các chấm trắng trên lưỡi trẻ vì nó có thể gây chảy máu và nhiễm trùng
  • Không rơ lưỡi cho bé bằng các biện pháp dân gian như mật ong, rau ngót, cỏ mực,… Vì trong những thứ này có thể tồn tại bào tử nấm gây bệnh lý khác cho trẻ. Không chỉ thế, chúng còn có thể làm xước khiến vết loét lan rộng
Không tự ý mua và cho con sử dụng thuốc trị nấm mà không có sự chỉ định của bác sĩ
Không tự ý mua và cho con sử dụng thuốc trị nấm mà không có sự chỉ định của bác sĩ

Hướng dẫn cách phòng ngừa nấm miệng tái phát ở trẻ

Có một số điều bạn có thể làm để ngăn ngừa bệnh nấm miệng ở trẻ em.

  • Nếu bạn đang cho con bú bình, hãy khử trùng núm vú và bình sữa sau mỗi lần sử dụng
  • Nếu bạn đang cho con bú, hãy nhẹ nhàng làm sạch núm vú giữa các lần cho bú
  • Nếu con đã ăn dặm, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng của bé: bát, đũa, thìa, cốc,…
  • Thường xuyên khử trùng núm vú giả và vòng ngậm mọc răng
  • Chỉ cho con sử dụng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác khi cần thiết và theo sự chỉ định của bác sĩ
  • Giặt quần áo ở nhiệt độ 60°C để diệt nấm
  • Vệ sinh khoang miệng cho con ít nhất 2 lần mỗi ngày (sáng sau khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ)
  • Cho con ăn với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng để hệ miễn dịch khỏe mạnh
  • Nếu con bạn bị hen suyễn, hãy hướng dẫn con súc miệng bằng nước sau khi dùng thuốc ngăn ngừa hen suyễn

Trẻ bị nấm miệng bôi thuốc gì? Miconazole và Nystatin là 2 loại thuốc bôi thường được sử dụng để điều trị nấm miệng ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý mua và cho con sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ bài viết này