Trẻ đau bụng từng cơn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù phần lớn các trường hợp đều không nguy hiểm, nhưng phụ huynh không thể coi thường khi thấy bé đau quặn bụng từng cơn. Tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để nắm được những thông tin hữu ích về tình trạng này nhé!
- Đau bụng bên trái ở trẻ em: Nguyên nhân, cách trị
- Đau bụng bên phải ở trẻ: Xem thường coi chừng nguy hiểm

Phân biệt các cơn đau bụng ở trẻ
Trước tiên, cha mẹ cần phân biệt được vị trí và mức độ cơn đau bụng ở trẻ:
- Đau bụng khu trú là hiện tượng cơn đau xuất hiện ở một vùng cụ thể trên bụng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang có vấn đề về dạ dày, ruột thừa hoặc xoắn ruột
- Đau bụng dữ dội là cơn đau khởi phát đột ngột, khiến trẻ rất khó chịu. Đau bụng dữ dội có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng như tắc ruột, lồng ruột,…
- Đau toàn vùng bụng là không khu trú tại một vùng cụ thể mà lan ra toàn bụng. Triệu chứng này thường gặp khi trẻ bị táo bón, đầy hơi, khó tiêu,…
- Đau bụng từng cơn là hiện tượng đau vùng bụng quanh rốn. Cơn đau thường kéo dài vào phút và có chu kỳ lặp đi lặp lại

Nguyên nhân trẻ đau bụng từng cơn
Trẻ bị đau quặn bụng từng cơn thường được coi là biểu hiện của bệnh lý tiêu hóa. Cụ thể như sau:
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như sử dụng thuốc kháng sinh, chế độ ăn uống không hợp lý hoặc nhiễm khuẩn đường ruột,… Ngoài biểu hiện đau bụng từng cơn, trẻ còn có thể nôn trớ, táo bón hoặc tiêu chảy.
Ngộ độc thức ăn
Trẻ đau bụng từng cơn có thể là biểu hiện của ngộ độc thực phẩm. Trẻ bị ngộ độc thường bị đau bụng vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn hay uống thực phẩm nhiễm độc. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều lần và sốt.
Trẻ bị ngộ độc sẽ dễ rơi vào trạng thái mất nước, dẫn đến nguy cơ sốc nhiễm khuẩn. Vì vậy, cha mẹ cần theo sát trẻ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường và có phương pháp xử lý kịp thời.

Hội chứng ruột kích thích
Trẻ bị hội chứng ruột kích thích rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thực thể, chẳng hạn như táo bón và tiêu chảy. Một số trẻ mắc hội chứng ruột kích thích sẽ thường xuyên phải đi toilet. Ngược lại, một số trẻ lại rất khó đi tiêu, có cảm giác phân bị mắc kẹt. Ngoài ra, trẻ đau bụng từng cơn cũng là dấu hiệu thường thấy.
Hội chứng ruột kích thích gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tâm lý của trẻ. Vì vậy, cha mẹ đưa trẻ đi khám để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đau bụng giun
Đau bụng từng cơn ở trẻ em có thể là do nhiễm giun. Đây là tình trạng rất hay gặp ở trẻ. Để đẩy lùi triệu chứng, cha mẹ cần tẩy giun định kỳ cho trẻ. Đồng thời giữ gìn vệ sinh xung quanh môi trường sống.

Viêm loét dạ dày
Nếu trẻ đau bụng từng cơn, có thể do viêm loét dạ dày. Cơn đau bụng của trẻ thường tái phát, nhất là sau khi ăn hoặc lúc nửa đêm. Đi kèm với cơn đau có thể là cảm giác buồn nôn, nôn và bỏng rát ở thượng vị.
Viêm ruột thừa
Cơn đau đặc trưng của viêm ruột thừa thường là đau bụng quặn bụng từng cơn. Cơn đau sẽ khu trú quanh vùng rốn hay phần bụng dưới bên phải. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn và sốt nhẹ.
Lồng ruột
Lồng ruột là bệnh lý xảy ra khi một đoạn ruột phía trên chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới. Điều này làm tắc nghẽn đường ruột, nếu không được điều trị kịp thời, đoạn ruột đó sẽ bị hoạt tử, dẫn đến thủng ruột.
Khi bị lồng ruột, trẻ đau bụng từng cơn, khóc thét, ưỡn người, xoắn vặn. Ngoài ra, trẻ còn gặp các triệu chứng khác như mất nước, sốt, môi khô, nôn, đại tiện dịch vàng hoặc ra máu.

Bé bị đau bụng từng cơn khi nào cần đi khám?
Khi trẻ đau bụng từng cơn, cha mẹ cần theo dõi để biết chính xác thời điểm cần phải đưa đi khám để tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo trẻ cần sự can thiệp của bác sĩ ngay lập tức:
- Trẻ bị đau bụng dữ dội, cơn đau khu trú tại một vùng
- Cơn đau có xu hướng ngày càng nặng hoặc kéo dài hơn 24h
- Bé đau bụng từng cơn dưới bên phải có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa
- Ấn vào bụng thấy đau, bụng mềm
- Bụng cứng hoặc sưng lên khi chạm vào
- Sốt không rõ nguyên nhân
- Tiêu chảy hoặc nôn nhiều
- Có chấn thương vùng trong thời gian gần đây
Cách xử lý trẻ đau bụng từng cơn
Khi trẻ bị đau bụng từng cơn kèm theo ói hoặc tiêu chảy sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mất nước. Lúc này, mẹ có thể bổ sung cho trẻ dung dịch Oresol, nước đun sôi để nguội, nước gạo rang, các loại cháo, nước cháo,… Mẹ nên cho bé uống từng thía, từng ngụm nhỏ chứ không uống liền một lúc quá nhiều.
Ngoài ra, mẹ cần xây dựng cho bé chế độ ăn uống hợp lý. Nên ưu tiên nấu các món ăn dễ tiêu, dạng lỏng. Đồng thời tránh các thực phẩm khó tiêu, dễ gây kích ứng dạ dày như:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa chứa lactose
- Đồ uống có gas
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên xào
- Các loại trái cây có tính axit mạnh như cam, quýt,…
- Thực phẩm giàu chất béo

Đặc biệt, phụ huynh không tự ý cho bé sử dụng thuốc giảm đau hay thuốc cầm tiêu chảy khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Đồng thời đưa trẻ đi khám ngay nếu cơn đau bụng có xu hướng gia tăng và không thuyên giảm.
Cách phòng tránh trẻ đau bụng từng cơn
Để ngăn ngừa các cơn đau bụng ở trẻ tái phát, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Bổ sung nước đều đặn mỗi ngày
- Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên
- Cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, tránh ăn quá no một lúc
- Rèn luyện thói quen ăn uống khoa học: ăn chậm, nhai kỹ, tránh vận động hoặc nằm ngay sau ăn
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng, giàu chất xơ
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, sử dụng nguyên liệu thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng
- Sơ chế nguyên liệu cẩn thận, rửa kỹ bằng nước sạch
- Bổ sung cho trẻ trái cây tươi vào các bữa phụ
- Hạn chế sử dụng nước có gas, thực phẩm giàu chất béo
Trên đây là nguyên nhân trẻ đau bụng từng cơn và cách xử lý phù hợp. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc bé!