Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em thường có sự khác nhau và không phải bố mẹ nào cũng hiểu rõ. Hãy cùng Fitobimbi tìm hiểu chi tiết về những triệu chứng thường gặp, triệu chứng nguy hiểm khi trẻ bị chảy máu cam và cần đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
>>> Xem ngay: Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em và biện pháp phòng ngừa

Khái quát về chảy máu cam ở trẻ em
Chảy máu cam (chảy máu mũi) là hiện tượng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ ra gây chảy máu ở một hoặc cả hai bên. Thông thường, nếu chảy máu cam ở mức độ nhẹ có thể xử lý tại chỗ, máu chỉ chảy trong một khoảng thời gian ngắn nếu được sơ cứu kịp thời.

Hiện tượng này xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ từ 2 – 10 tuổi. Không ít trẻ bị chảy máu cam vài lần trong tuần, điều đó khiến bố mẹ lo lắng, thậm chí hoảng sợ. Chảy máu cam là hiện tượng bình thường, thế nhưng, khi trẻ bị chảy máu cam liên tục và trong thời gian dài thì có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.
Có rất nhiều nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em: Nguyên nhân thường gặp (dị vật ở mũi, ngoáy mũi mạnh, chấn thương, máu nhạy cảm, viêm mũi, u mũi, thời tiết, thiếu vitamin C,…); nguyên nhân ít gặp (rối loạn đông máu, dị dạng mạch máu, suy tủy xương, lệch vách ngăn mũi,…); chảy máu cam vô căn.
Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em thường gặp
Chảy máu cam được chia thành 2 loại: chảy máu cam trước (chảy máu mũi trước) và chảy máu cam sau (chảy máu mũi sau). Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em sẽ có sự khác nhau tùy theo từng loại.
Triệu chứng chảy máu mũi trước
Chảy máu mũi trước là hiện tượng phổ biến, chiếm đến khoảng 90% trường hợp chảy máu mũi. Khi trẻ bị chảy máu mũi trước, bố mẹ để ý sẽ thấy máu chảy ra từ vị trí vách ngăn 2 lỗ mũi. Đó là nơi chứa hệ thống mạch máu dày đặc và rất dễ bị vỡ khi có tác động.

Với trường hợp này, máu thường chảy ra với một lượng ít và từ một bên mũi. Tuy nhiên, thời gian chảy máu mũi trước có thể kéo dài. Máu sẽ ngừng chảy nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách.
Trẻ có nguy cơ cao bị chảy máu mũi trước đó là khi sống ở nơi có khí hậu khô hanh, lạnh lẽo, sử dụng điều hòa trong thời gian dài và điều chỉnh nhiệt độ quá thấp. Nếu nơi trẻ sinh sống thường xuyên sử dụng lò sưởi/máy sưởi cũng dễ khiến trẻ dễ bị chảy máu mũi.
Bởi vì, khi trẻ sinh sống ở nơi khí hậu khô hanh, nhiệt độ thấp hay sử dụng điều hòa, lò sưởi/máy sưởi trong một thời gian dài có thể làm cho niêm mạc mũi của trẻ bị khô hơn, độ đàn hồi kém, dần dần bị nứt nẻ, đóng vảy và cuối cùng là chảy máu.
Triệu chứng chảy máu mũi sau
Chảy máu mũi sau chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số trường hợp chảy máu mũi. Hiện tượng này thường xảy ra ở những trẻ bị chấn thương vùng mặt, mũi, sọ não hoặc mắc một số bệnh lý nguy hiểm.
Chảy máu mũi sau sẽ bắt đầu chảy từ các phần sau bên trong mũi. Triệu chứng chảy máu mũi sau ở trẻ em khó nhận biết hơn. Trường hợp này, máu sẽ chảy với một lượng khá nhiều và ở cả hai bên mũi, về phía sau rồi xuống cổ họng.
Chảy máu mũi sau ở trẻ em khó kiểm soát, cho nên, nó nguy hiểm hơn nhiều so với chảy máu mũi trước. Nếu không được phát hiện kịp thời và can thiệp đúng cách có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ. Vì vậy, nếu thấy những triệu chứng cảnh báo nguy hiểm, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em cảnh báo nguy hiểm
Để tránh tình trạng mất quá nhiều máu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khi thấy triệu chứng chảy máu cam dưới đây, bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và điều trị kịp thời, đúng cách. Cụ thể:
- Chảy máu cam liên tục, không thể cầm máu sau khi sơ cứu (bóp mũi trong 20 phút)
- Chảy máu cam và chấn thương ở vùng đầu mặt, trẻ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi
- Chảy nhiều máu do dị vật trong mũi và chưa lấy được ra hoặc chảy máu nặng mặc dù trẻ bị chấn thương nhẹ
- Trẻ bị mất khoảng hơn một cốc máu đầy, máu mũi chảy nhanh và lặp lại mà không xác định được nguyên nhân cụ thể
- Khi bị chảy máu cam trẻ còn cảm thấy choáng váng, tim đập nhanh, khó thở, khạc/nôn ra máu, máu có cả trong phân và nước tiểu
- Máu chảy nhiều xuống cổ họng nhưng không chảy ra phía trước mũi. Đây là trường hợp chảy máu mũi sau, cần đến sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa
- Trẻ bị chảy máu cam sau khi sử dụng một loại thuốc, mới trải qua xạ trị, hóa trị để điều trị bệnh ung thư
- Trẻ bị chảy nhiều máu cam trong một thời gian dài, ăn kém, cơ thể gầy yếu, xanh xao hơn những trẻ khác
- Trẻ bị chảy máu cam, kèm sốt cao trong khoảng 2 – 7 ngày, mặt đỏ, da xung huyết, đau khớp, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, buồn nôn và nôn (sốt xuất huyết)
- Trẻ bị chảy máu cam và đang mắc một số bệnh lý khác ảnh hưởng đến chức năng đông máu như thận, gan, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, máu khó đông (Hemophilia A, Hemophilia B, Hemophilia C)
Chẩn đoán và điều trị chảy máu cam ở trẻ em tại cơ sở y tế
Trẻ bị chảy máu cam là hiện tượng bình thường, tuy nhiên, khi thấy triệu chứng chảy máu cam bất thường và có thể nguy hiểm đến tính mạng, bố mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ sẽ tiến hành sơ cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán chảy máu cam ở trẻ em
Để xác định rõ nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ và có biện pháp điều trị phù hợp, sau khi cầm máu, các bác sĩ sẽ có thể tiến hành nội soi mũi, chụp CT Scan mũi, công thức máu, xét nghiệm đông máu, X-quang mặt và mũi.

Nội soi mũi: Nếu nghi ngờ có bất thường ở vùng mũi của trẻ bị chảy máu cam (dị vật trong mũi), bác sĩ sẽ tiến hành nội soi mũi (khoang mũi và các lỗ thông xoang). Thủ thuật này còn giúp bác sĩ phát hiện sớm các bệnh liên quan đến mũi, họng của trẻ bị chảy máu cam.
CT Scan mũi: Chụp CT Scan (MSCT) là quá trình kiểm tra không xâm lấn. Kỹ thuật này sử dụng sóng X và công nghệ hiện đại của máy tính để tạo ra hình ảnh các mặt cắt của mũi. Nhờ những hình ảnh đó mà bác sĩ hiểu rõ về xương, mô và mạch máu của trẻ bị chảy máu cam.
Công thức máu: Công thức máu hay còn được gọi là huyết đồ, tức là, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích các thành phần trong máu, từ đó đánh giá sức khỏe tổng quát của trẻ. Nếu trẻ có bất thường về công thức máu (nhiễm trùng, rối loạn tạo máu, bệnh bạch cầu, suy giảm chức năng gan,…) đều có thể phát hiện ra.
X-quang mặt và mũi: Chụp X-quang mặt và mũi cũng có thể được các bác sĩ áp dụng khi trẻ bị chảy máu cam. Qua đó, bác sĩ sẽ phát hiện được những bệnh lý liên quan đến mũi và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp với trẻ.
Xét nghiệm đông máu: Thực hiện các xét nghiệm đông máu chuyên sâu sẽ giúp các bác sĩ biết chính xác tình trạng đông máu của trẻ có hoạt động tốt hay không. Đối với trẻ cần phải cầm máu hay làm phẫu thuật thì xét nghiệm đông chảy máu vô cùng cần thiết.
Điều trị chảy máu cam ở trẻ em
Việc điều trị chảy máu cam ở trẻ em tại cơ sở y tế cũng dựa trên nguyên tắc sơ cứu ban đầu. Nhân viên y tế sẽ xác định bên mũi chảy máu cam và thực hiện việc cầm máu – bóp chặt 2 bên cánh mũi của trẻ (phần chóp mũi mềm) trong khoảng 10 phút.
Nếu máu không ngừng chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu. Tiếp theo, bác sĩ có thể:
Bôi thuốc cầm máu: Sau khi sơ cứu cho trẻ bị chảy máu cam, bác sĩ sẽ tiến hành bôi thuốc cầm máu vào trong mũi của trẻ. Sau khi bôi thuốc, trẻ cần ngồi tại chỗ trong khoảng 10 – 15 phút để máu không chảy và giảm sưng niêm mạc.
Nhét bấc mũi: Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi sau nếu máu chảy nhanh và nhiều do vỡ các nhánh động mạch lớn. Nếu không nhét bấc mũi kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Đốt mạch máu: Ngoài bôi thuốc cầm máu, nhét bấc mũi, bác sĩ còn có thể điều trị cho trẻ bằng phương pháp đốt mạch máu mũi. Khi mạch co, máu ngưng chảy và thấy rõ vết chảy máu, bác sĩ sẽ đốt điện, laze, dùng nitrat bạc hoặc hóa chất khác để đốt mạch máu mũi.
Truyền tiểu cầu: Nếu số lượng tiểu cầu trong máu của trẻ bị chảy máu cam giảm mạnh hay đang diễn tiến chảy máu, bác sĩ sẽ chỉ định truyền tiểu cầu. Đây là một loại chế phẩm máu được lấy từ những người chỉ hiến tiểu cầu hay hiến máu toàn phần.
Hóa trị, xạ trị: Nếu trẻ bị chảy máu cam và mắc bệnh bạch cầu mạn tính (ung thư máu), bạch cầu cấp sẽ được chỉ định hóa trị, xạ trị. Sau khi thực hiện hóa trị, xạ trị, trẻ sẽ gặp nhiều tác dụng phụ, vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt chú ý khi chăm sóc, nhất là chế độ dinh dưỡng và tinh thần.
Thuốc ức chế miễn dịch: Trẻ sẽ được uống thuốc ức chế miễn dịch nếu trẻ bị chảy máu cam và mắc bệnh lý giảm tiểu cầu tự miễn. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi cho trẻ uống loại thuốc này.
Truyền yếu tố đông máu: Nếu trẻ bị chảy máu cam và mắc một trong những bệnh lý: thiếu yếu tố XIII, Hemophilia A, Hemophilia B,… sẽ được các bác sĩ truyền yếu tố đông máu.
Chăm sóc sau điều trị cho trẻ bị chảy máu cam
Sau khi điều trị chảy máu cam tại cơ sở y tế, trẻ cần có thời gian nhất định để nghỉ ngơi, thư giãn. Bố mẹ có thể cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng như vẽ tranh, đọc sách, xem hoạt hình, nghe nhạc,… Trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam, KHÔNG cho trẻ tắm nước nóng hay ăn uống đồ nóng.
Động viên và chú ý để kịp thời ngăn cản nếu trẻ xì mũi, ngoáy mũi trong vòng 24 giờ sau khi chảy máu cam và một tuần nếu trẻ đã được đốt điểm mạch. Trong khoảng 1 tuần, bố mẹ không nên cho trẻ mang vác nặng hay tham gia thể thao như chạy, bơi, bóng rổ, bóng đá, đạp xe, chạy bộ, thể dục dụng cụ,…
Nếu trẻ bị táo bón, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn. Nếu cần thiết, bố mẹ có thể gặp bác sĩ và lấy thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý một số vấn đề quan trọng sau:
Bảo vệ mũi: Cho trẻ đeo khẩu trang để bảo vệ mũi khi ra ngoài, nhất là vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc với khói bụi, chất thải công nghiệp,… Hướng dẫn trẻ không dụi mũi, ngoáy mũi hay tác động mạnh đến vùng mũi.
Giữ ẩm cho mũi: Nếu màng nhầy của mũi khô do bất cứ nguyên nhân nào cũng có thể gây kích ứng, khiến mũi nhạy cảm và dễ chảy máu cam. Vì vậy, giữ ẩm cho mũi là việc làm cần thiết. Bố mẹ có thể bôi vaseline vào phần trước vách mũi của trẻ hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Vệ sinh mũi: Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh đường hô hấp. Nếu mũi của trẻ có dịch lỏng, khi vệ sinh bố mẹ có thể dùng khăn mềm để lau rửa sạch sẽ. Trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi, bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý, nhỏ 2 – 3 giọt mỗi bên, nhẹ nhàng xoa để bong gỉ mũi.
Chế độ ăn, uống: Sau khi điều trị chảy máu cam, bố mẹ nên chú ý đến chế độ ăn, uống của trẻ. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, vitamin K, Kali, sắt,… Cho trẻ uống đủ nước lọc mỗi ngày, ngoài ra, bố mẹ nên bổ sung cho trẻ sữa, sinh tố hay nước ép trái cây, rau, củ.
Môi trường sống: Nếu sử dụng điều hòa, bố mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để tránh tổn hại cho da và mũi. Để giữ độ ẩm trong phòng khi bật điều hòa hay thời tiết lạnh và giúp cho mũi của trẻ thoải mái, bớt đau rát, bố mẹ nên mua máy tạo độ ẩm. Cho trẻ tắm bằng nước nóng, hơi tỏa ra từ nước nóng sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khô mũi.
Khám sức khỏe: Bố mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để khám sức khỏe định kỳ. Đây là việc làm cần thiết giúp bố mẹ hiểu rõ tình hình sức khỏe của con, đồng thời có thể phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Thông qua bài viết đã giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về các triệu chứng chảy máu cam ở trẻ em. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chảy máu cam ở trẻ em, bố mẹ hãy bình luận bên dưới bài viết để chúng tôi kịp thời giải đáp. Thường xuyên truy cập https://fitobimbi.vn/ để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bé yêu bố mẹ nhé!