Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là khi trời lạnh. Ngoài ho, mệt mỏi, đau đầu,… trẻ bị cảm lạnh nôn cũng rất thường gặp. Vậy trẻ cảm lạnh nôn nhiều có sao không và cách xử lý thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu nhận biết cảm lạnh
Thống kê cho thấy, mỗi năm, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường bị 8 – 10 lần cảm lạnh. Con số này ở trẻ tuổi mẫu giáo là 9 lần và ở thanh thiếu niên là từ 2 – 4 lần. Virus cảm lạnh thường bùng phát vào mùa lạnh, vì vậy đây cũng là thời gian trẻ em thường bị ốm.
Trẻ bị cảm lạnh có các biểu hiện như sau:
- Hắt hơi
- Chảy nước mũi
- Trẻ quấy khóc, mệt mỏi, kém chơi
- Sốt
- Buồn nôn, nôn trớ
- Ho
Trẻ bị cảm lạnh nếu được chăm sóc đúng cách có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị cảm lạnh có dấu hiệu nôn nhiều, không thể ăn uống thì kéo dài lâu hơn.
Tại sao trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều?
Nôn là hiện tượng thức ăn bị đẩy mạnh từ dạ dày ra khỏi đường miệng thông qua sự co thắt đột ngột của các cơ bụng. Lý do bé bị cảm lạnh nôn nhiều là:
- Sốt cao: Trẻ bị sốt thường kèm theo cảm giác buồn nôn, ói mửa. Khi trẻ bị cảm lạnh sốt cao, tình trạng nôn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, gây mệt mỏi và có thể dẫn đến nguy cơ mất nước
- Ho nhiều: Cảm lạnh khiến bé ho nhiều. Điều này khiến các cơ ở bụng và ngực co thắt mạnh, gây sức ép lên dạ dày khiến thức ăn trào lên miệng
- Cổ họng vướng đờm: Cổ họng là nơi trú ẩn lý tưởng của virus. Vì vậy, đây là nơi có nguy cơ nhiễm trùng cao. Cổ họng bị nhiễm trùng sẽ tiết ra nhiều đờm, gây vướng víu mỗi khi bú mẹ hoặc nuốt thức ăn, khiến bé nôn nhiều
- Nuốt nhiều nước mũi: Nước mũi có thể chảy ngược xuống cổ họng gây ngứa họng, buồn nôn hoặc nôn nhiều. Ngoài ra, chất nhầy sản sinh nhiều cũng có thể khiến bé bị đầy hơi, dẫn đến nôn ói
- Cha mẹ ép ăn quá no: Khi bé bị cảm lạnh, nhiều phụ huynh thường cố gắng nhồi nhét con mình ăn nhiều nhất có thể để sớm khỏe. Tuy nhiên, đôi khi điều này lại gây phản tác dụng khiến bé sợ hãi, nôn ói
- Quấy khóc: Trẻ bị cảm lạnh sẽ rất khó chịu, mệt mỏi nên con thường quấy khóc, cáu gắt. Điều làm bé dễ bị nôn trớ, nhất là những lúc ăn no

Trẻ bị cảm lạnh nôn có sao không?
Khi bị cảm lạnh, virus tấn công sẽ khiến cơ thể trẻ vốn dĩ mệt mỏi lại kèm theo nôn ói nhiều sẽ dẫn đến mất sức, chán bú, bỏ ăn, đau họng, đau bụng. Theo thời gian, trẻ cảm lạnh nôn nhiều sẽ bị suy kiệt sức khỏe, thậm chí là sụt cân.
Hơn nữa, nôn nhiều còn khiến bé dễ rơi vào trạng thái mất nước và rối loạn điện giải. Đây là biến chứng nguy hiểm của cảm lạnh, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước bao gồm:
- Ngủ gà
- Khô môi, miệng
- Chóng mặt
- Hoa mắt
- Yếu cơ
- Lơ mơ
- Mắt và má trũng
- Tần suất đi tiểu giảm, nước tiểu có màu sẫm
- Bé khóc không ra nước mắt
Nếu bé xuất hiện các triệu chứng bất thường kể trên, bạn nên đưa bé đến bệnh viện càng sớm, càng tốt để được thăm khám và xử lý kịp thời. Trẻ bị mất nước kéo dài có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mê sảng, thậm chí là mất dần ý thức. Vì vậy, cha mẹ chớ chủ quan coi thường khi bé bị cảm lạnh nhé!
Cách xử lý trẻ bị cảm lạnh nôn
Nếu trẻ bị cảm lạnh kèm nôn nhẹ, không xuất hiện thêm các triệu chứng trên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể chăm sóc bé tại nhà theo các cách sau:
Cho bé nghỉ ngơi nhiều
Trẻ cảm lạnh nôn ói nhiều sẽ dễ mất sức và mệt mỏi. Vì vậy, các bé cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Bạn có thể trò chuyện, vỗ về để tâm lý bé được thư giãn, quên đi sự khó chịu trong người. Các bé cần được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, tránh tiếng ồn hay ánh sáng mạnh. Bên cạnh đó, cần tránh cho bé vận động quá mức, nhất là các hoạt động ngoài trời nắng, gây mất sức, ra mồ hôi khiến bệnh trở nặng.

Cho bé uống nước ấm
Trẻ bị cảm lạnh sốt cần được bổ sung nước thường xuyên để bù lại lượng nước đã mất, giúp giảm nguy cơ mất nước. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp làm loãng chất lỏng, giảm tắc nghẽn đường thở, xoa dịu niêm mạc họng, cải thiện cơn ho hiệu quả. Mẹ nên cho bé uống nước ấm đã đun sôi. Các loại nước ngọt, nước có gas, nước uống trái cây đóng sẵn không được khuyến cáo sử dụng khi bé đang bị cảm lạnh, nôn nhiều. Bởi chúng có thể khiến tình trạng nôn ói ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Làm giảm các triệu chứng cảm lạnh
Khi cảm lạnh khỏi thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ hết. Vì vậy, mẹ có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc dưới đây để thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể ở trẻ:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế lây lan virus
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ
- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Trẻ bị cảm lạnh nôn cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Dưới đây là những lưu ý dành cho mẹ khi xây dựng thực đơn cho bé:
- Chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày để giúp dạ dày của bé dễ tiêu hóa, hạn chế tình trạng đầy bụng, nôn trớ sau ăn
- Tiếp tục cho bé bú mẹ bình thường nếu bé còn đang bú mẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý cho bé bú nhiều cữ trong ngày để tránh tình trạng nôn ói
- Tuyệt đối không được ép bé ăn nhiều, nhất là sau khi vừa mới nôn. Thay vì vậy, hãy khuyến khích bé uống nhiều nước và chất điện giải để bù dịch
- Trẻ lớn hơn có thể cho bé ăn các món dạng lỏng như cháo, súp, bột,…
- Hạn chế cho bé ăn thức ăn chứa nhiều chất béo, gia vị cay nóng. Chúng gây khó tiêu, buồn nôn
>>> Thực đơn 30 ngày ăn dặm kiểu Nhật giúp bé ăn ngon, tăng cân đều
Trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều khiến ba mẹ vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh để chăm sóc bé tốt nhất. Hãy tìm gặp bác sĩ khi trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào!