Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Cha mẹ thường cảm thấy lo lắng khi con có các biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, theo webmd. com, không phải cứ nghẹt mũi, sổ mũi là nguy hiểm, cần điều trị. Nếu tình trạng này không “làm phiền” tới con (con vẫn ăn ngon, ngủ tốt, chơi vui), thì bạn không cần phải làm bất cứ điều gì.

Triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, chính vì vậy, để nhận biết con có bị nghẹt mũi hay không, cha mẹ cần theo dõi để nhận biết các triệu chứng bất thường. Trẻ bị nghẹt mũi thường có biểu hiện sau:
- Thở ồn ào
- Ngáy khi ngủ
- Ho khan
- Sụt sịt
- Thở nhanh, thở gấp
- Bú khó hơn bình thường
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Theo trang medicalnewstoday. com, trẻ sơ sinh dễ bị nghẹt mũi, sổ mũi hơn so với các đối tượng khác. Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này. Dưới đây là những lý do phổ biến nhất:
- Nước ối thường tồn tại trong mũi và nó có thể dẫn đến nghẹt mũi trong vài ngày đầu sau khi sinh
- Nước bọt, sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng có thể xâm nhập vào mũi của trẻ, khiến trẻ bị nghẹt mũi hoặc liên tục hắt hơi để đẩy chúng ra ngoài
- Các chất có trong không khí như bụi, lông thú cưng, nước hoa, khói thuốc lá,.. đều có thể gây kích ứng đường mũi, dẫn đến nghẹt mũi
- Không khí khô, cảm lạnh, virus, dị ứng,… cũng là các nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Mặc dù không phổ biến, nhưng tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh cũng có thể do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn như:
- Hen suyễn
- Viêm phổi
- Xơ nang
- Viêm tiểu phế quản
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao?
Bé bị nghẹt mũi phải làm sao? Nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và không kèm theo các triệu chứng khác hoặc tình trạng nghẹt mũi không cản trở việc ăn uống, hô hấp, thì mẹ không cần quá lo lắng. Mẹ có thể giúp con thoải mái hơn bằng cách áp dụng các biện pháp dưới đây.
>>> Tham khảo thêm: Trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi tại sao?
Nhỏ nước muối sinh lý
Nhỏ nước muối sinh lý là một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để giúp thông mũi. Cách nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh cũng rất đơn giản, mẹ chỉ cần:
- Để trẻ nằm, đầu hơi ngửa ra sau
- Nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi và đợi khoảng 30 giây để dung dịch phát huy tác dụng
- Bóp bầu để đẩy hết không khí trong bầu ra ngoài trước khi đặt ống hút vào lỗ mũi của con (quan sát hình dưới đây). Bằng cách này, khi bạn thả bầu hút ra, nó sẽ hút ra chất nhầy từ trong mũi. Nếu bạn đặt ống hút vào mũi, sau đó mới bóp bầu hút, nó sẽ tạo ra một luồng không khí có thể đẩy chất nhầy vào sâu hơn trong khoang mũi

- Khi bầu hút căng ra, bạn rút ống hút ra khỏi mũi trẻ và bóp để đẩy chất nhầy bên trong lên khăn giấy
- Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại
Mẹ nên hút mũi cho con trước khi cho con ăn hoặc ngủ 15 – 20 phút. Điều này giúp con dễ thở hơn khi bú.
Làm ẩm đường mũi
Có nhiều cách khác nhau mà mẹ có thể áp dụng để làm ẩm đường mũi, giúp làm loãng chất nhầy trong mũi con:
- Sử dụng máy phun sương để làm ẩm không khí trong phòng. Khi con hít thở trong môi trường không khí ẩm, niêm mạc mũi của con cũng được làm ẩm theo. Tuy nhiên, nếu mẹ sử dụng máy phun sương, mẹ cần vệ sinh máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu không nó sẽ trở thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Khi vi khuẩn, nấm mốc được khuếch tán ra môi trường theo hơi nước, nó có thể khiến tình trạng bệnh của con trở nên nặng hơn.
- Cho con tắm nước ấm: Ngâm mình trong làn nước ấm giúp cơ thể con được xoa dịu. Cùng với đó, hơi nước ấm bốc lên cũng được con hít vào, qua đó làm ẩm niêm mạc và loãng chất nhầy trong mũi.
Làm sạch mũi cho con
Khi con bị nghẹt mũi, chất nhầy thường đặc và dễ cứng lại thành một cục hoặc dính xung quanh mũi làm con khó thở. Để làm sạch nó, bạn hãy làm ướt một miếng gạc bông với nước ấm và nhẹ nhàng lau khu vực đó.
Ngăn ngừa nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Trong một số trường hợp, nghẹt mũi là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Nhưng có những điều mà bạn có thể làm để giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Để trẻ tránh xa chất kích ứng mũi
Một trong những cách ngăn ngừa nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh hàng đầu là để trẻ tránh xa các chất kích ứng mũi phổ biến như:
- Khói thuốc lá
- Thuốc xịt tóc
- Bụi
- Sơn, khói xăng
- Nước hoa, kem dưỡng thể có mùi thơm
- Phấn hoa
- Lông thú cưng

Không để con tiếp xúc với người có biểu hiện ho, cảm cúm
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần để con tránh xa bất cứ ai có biểu hiện ho, cảm cúm. Việc hạn chế để con tiếp xúc với đám đông đặc biệt hữu ích trong mùa đông khi có nhiều người bị cảm lạnh, cảm cúm. Hãy nhớ rằng, một loại virus gây bệnh nhẹ cho người lớn cũng có thể gây nguy hiểm với trẻ sơ sinh.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ khi tiếp xúc với con
Cha mẹ, người chăm sóc, người thân trong gia đình cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất khử khuẩn có cồn trước khi tiếp xúc với con. Nếu bạn mới đi ra ngoài về, hãy tắm gội, thay quần áo trước khi ôm con yêu của mình.
Khi nào trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh ở mức độ nhẹ và tự hết trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu con có các biểu hiện sau, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp hỗ trợ kịp thời:
- Nhịp thở nhanh hơn 60 nhịp/phút, cản trở việc bú hoặc ngủ
- Thở nhanh và khó bú
- Lỗ mũi loe ra, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ gặp khó khăn khi hít thở không khí
- Trẻ rên rỉ sau mỗi hơi thở
- Da trẻ có màu xanh lam, đặc biệt là xung quanh môi hoặc lỗ mũi
- Trẻ nôn mửa, sốt
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Tình trạng nghẹt mũi nhẹ đến trung bình thường gặp ở trẻ sơ sinh và chỉ kéo dài trong vài ngày. Nếu con có biểu hiện khó thở hoặc con dưới 3 tháng tuổi, đồng thời có triệu chứng sốt, cha mẹ nên tìm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt. Nếu tình trạng nghẹt mũi cản trở khả năng bú hoặc ngủ của con, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được hỗ trợ. Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp để tình trạng bệnh của con không chuyển biến nặng hơn.