Nội dung chính

Giúp mẹ phân biệt bệnh Viêm họng cấp và Viêm họng mủ ở trẻ

Viêm họng là khái niệm không còn xa lạ gì đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là những khi thời tiết thay đổi hoặc khi trở lạnh. Nhưng có nhiều loại viêm họng như viêm họng cấp, viêm họng mạn, viêm họng loét, viêm họng mủ…khiến cha mẹ rất khó nhận biết và phân biệt. Vậy viêm họng cấp và viêm họng mủ khác nhau như thế nào? Cha mẹ phải làm gì khi bé nhà mình mắc một trong hai loại bệnh lý này? Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Xem thêm mẹ nhé:

Thế nào là viêm họng cấp?

Hình ảnh viêm họng cấp ở trẻ
Hình ảnh viêm họng cấp ở trẻ

Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc ở vùng họng, tình trạng viêm xuất hiện đột ngột và khởi phát rầm rộ. Đây là bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em và chủ yếu vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi. Viêm họng cấp thường đi kèm với viêm amidan hoặc viêm VA.

Thế nào là viêm họng mủ?

Hình ảnh viêm họng mủ ở trẻ
Hình ảnh viêm họng mủ ở trẻ

Viêm họng mủ là một dạng viêm họng kéo dài, niêm mạc ở vùng họng bị viêm nhiễm và sưng lên có những hạt đỏ hoặc xuất hiện mủ. Các tế bào lympho không còn khả năng chống lại vi khuẩn xâm nhập từ đó gây bệnh. Trẻ bị viêm họng mủ thường có mùi hơi thở khó chịu hơn những trẻ viêm họng khác. Bệnh tương đối nghiêm trọng, nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn cho trẻ.

Phân biệt viêm họng cấp và viêm họng mủ

Tác nhân gây bệnh

Viêm họng cấp

Viêm họng cấp tính có thể do virus (virus cúm, adenovirus, virus sởi…) hoặc vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu, H.influenzae…) gây ra. Trong đó nguyên nhân chủ yếu, thường gặp nhất là do virus. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ như thời tiết quá lạnh, thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường, nhiều khói bụi, khói thuốc lá…cũng làm khởi phát viêm họng cấp ở trẻ.

Viêm họng mủ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng mủ là do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm nhất trong số những vi khuẩn gây viêm họng ở trẻ, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị viêm họng mủ như:

  • Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Khi trẻ không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển. Các loại vi khuẩn này sẽ tấn công vào các niêm mạc hầu họng, vào các vị trí tổn thương gây viêm họng, chảy mủ.
  • Môi trường ô nhiễm: khi trẻ sống trong điều kiện sống không đảm bảo, thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, khói bụi, khí thải sẽ dễ bị kích ứng vùng hầu họng, từ đó dễ bị viêm nhiễm.
  • Cơ địa dị ứng: với những trẻ bị dị ứng với các chất kích ứng như phấn hoa, lông vật nuôi, bụi, nấm…dễ bị kích ứng mũi và họng, từ đó có thể bị viêm họng và nguy cơ cao bị viêm họng mủ.
  • Trẻ có tiền sử viêm họng cấp: Trẻ bị viêm họng cấp do vi khuẩn nếu không điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến viêm họng mủ.
  • Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị viêm họng mủ do virus gây ra, đặc biệt là sau một đợt cảm cúm hoặc cảm lạnh do virus…
Liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A là tác nhân chủ yếu gây viêm họng mủ
Liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A là tác nhân chủ yếu gây viêm họng mủ

Triệu chứng

Giữa viêm họng cấp và viêm họng mủ có một số triệu chứng tương tự nhau và một số triệu chứng khác nhau.

Viêm họng cấp

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng cấp
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng cấp

Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng rầm rộ như:

  • Sốt cao 39 – 40 độ C do niêm mạc họng bị viêm nhiễm. Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, khát nước.
  • Đau họng, rát họng. Ban đầu chỉ là cảm giác khô nóng trong vùng họng, sau chuyển sang đau rát họng, đặc biệt là khi nói, khi ho và cả khi nuốt.
  • Đôi khi, trẻ thấy đau lan lên tai, tai đau nhói khi nuốt.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Khàn giọng, ho khan, cảm thấy vướng họng, trẻ sẽ có phản xạ cố ho để giải tỏa cảm giác khó chịu. Ban đầu trẻ sẽ bị ho khan, sau chuyển sang ho đờm.
  • Amidan và hạch góc hàm sưng đỏ, phù nề.
  • Viêm họng cấp thường diễn ra từ 3 đến 4 ngày sau đó sẽ cải thiện nếu sức đề kháng tốt. Nếu không bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành viêm mũi, viêm tai giữa hoặc viêm họng mạn tính.

Viêm họng mủ

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng mủ
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng mủ

Trẻ bị viêm họng mủ có những triệu chứng tương đối dễ nhận biết. Cha mẹ hãy theo dõi tình trạng của trẻ để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm hơn có thể xảy ra:

  • Sốt: đây là phản ứng của cơ thể khi có sự tấn công của vi khuẩn. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, thậm chí không sốt tùy thuộc vào sức đề kháng của từng trẻ. Trẻ có sức đề kháng kém thì sốt càng cao.
  • Ho khan hoặc ho đờm: Tùy thuộc vào từng trẻ mà trẻ sẽ có biểu hiện ho khan hoặc ho đờm. Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi bé bị viêm họng mủ nói riêng và viêm họng nói chung.
  • Đau họng, rát họng: Tương tự như viêm họng cấp, trẻ sẽ có cảm giác đau họng, ngứa họng, rát họng do amidan bị tổn thương và nhạy cảm. Tình trạng này sẽ tăng lên khi trẻ ăn, uống hoặc thậm chí là nuốt nước bọt.
  • Nổi mủ trắng trong cổ họng: Thông thường, trẻ bị viêm họng mủ sẽ xuất hiện mủ có màu trắng đục hoặc đôi khi có màu xanh.
  • Hơi thở có mùi hôi: Khi trẻ bị viêm họng mủ, vi khuẩn phát triển và răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến hơi thở của trẻ có mùi hôi.
  • Ngoài ra, trẻ còn có một số dấu hiệu khác như ho kéo dài liên tục, đặc biệt là ban đêm, chảy nhiều đờm dãi. Trẻ ho nhiều khiến trẻ mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc và chán ăn, lười ăn…

Cách điều trị

Viêm họng cấp

Với những trẻ viêm họng cấp do vi khuẩn, có thể điều trị bằng kháng sinh nhưng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Vì kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây kháng thuốc nên cha mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

Tuy nhiên, phần lớn trẻ viêm họng cấp do virus nên kháng sinh hầu như không có tác dụng. Khi đó, trẻ chủ yếu sẽ được chăm sóc tại nhà với các biện pháp như:

  • Cho bé uống nhiều nước để giúp bù lại lượng nước bị mất do trẻ bị sốt, đồng thời giúp làm dịu cổ họng, làm loãng đờm (nếu có) ở trẻ.
  • Cho bé uống các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen nếu trẻ bị sốt hoặc đau đầu. Lưu ý cần sử dụng thuốc theo liều lượng theo cân nặng, không dùng quá liều.
  • Cho bé sử dụng một số loại siro ho hoặc kẹo ngậm ho có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cho bé uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất
Cho bé uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất

Viêm họng mủ

Viêm họng mủ chủ yếu nguyên nhân là do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra, do đó, trẻ cần uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ để giảm viêm và giảm nhanh các triệu chứng như sốt, đau đầu và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

  • Nếu trẻ bị sốt, hãy cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen theo đúng liều lượng theo cân nặng.
  • Cho bé uống nước ấm để giảm đau rát họng.
  • Vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Nếu bé có quá nhiều đờm hoặc nước mũi thì có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho bé.

Phòng ngừa viêm họng ở trẻ như thế nào?

Dù là viêm họng cấp hay viêm họng mủ, thì cha mẹ cũng cần có những biện pháp chăm sóc đúng đắn để hạn chế viêm họng ở trẻ có thể xảy ra. Cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để phòng ngừa viêm họng cho trẻ:

  • Tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách cho bé một chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng và lành mạnh, hạn chế cho bé ăn các đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng… Tăng cường thêm trái cây và rau xanh – đây là nguồn dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
  • Luôn giữ ấm cho bé: đặc biệt là vùng cổ, ngực, bụng. Tránh để bé nhiễm lạnh có thể là yếu tố nguy cơ gây viêm họng ở trẻ.
  • Luôn cho bé đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng ngừa lây lan các bệnh lý đường hô hấp, hạn chế khói bụi hoặc các tác nhân gây ô nhiễm không khí.
  • Hạn chế cho bé đến những nơi đông người, hoặc nhiều người bị bệnh hô hấp để hạn chế lây lan.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh răng miệng và tai mũi họng để hạn chế viêm tai, mũi, họng có thể xảy ra.
  • Tiêm chủng vắc xin cho bé đúng lịch.
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bé để tăng cường sức đề kháng
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bé để tăng cường sức đề kháng

Lời kết

Bài viết trên đây đã giải đáp cho cha mẹ câu hỏi: Viêm họng cấp và viêm họng mủ khác nhau như thế nào. Hy vọng với những thông tin này cha mẹ đã nhận biết được bé nhà mình đang mắc bệnh lý gì để từ đó có cách điều trị cho phù hợp. Cùng là viêm họng nhưng mỗi loại viêm họng khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Nhưng dù là viêm họng nào đi chăng nữa thì cha mẹ cũng cần chăm sóc trẻ một cách hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để bé cải thiện nhanh chóng.

Chia sẻ bài viết này