Viêm phế quản là một trong những bệnh lý về đường hô hấp dễ gặp phải ở trẻ. Bố mẹ cần nắm rõ nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản để có cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm đường ống dẫn khí tới phổi. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy khó thở, ho, thậm chí là sốt cao. Căn bệnh này phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy mẹ có biết nguyên nhân vì sao trẻ thường bị viêm phế quản vậy không? Dưới đây là những “thủ phạm” gây viêm phế quản ở trẻ:
Trẻ bị viêm phế quản do nhiễm khuẩn hoặc virus
Vi khuẩn và virus là những tác nhân gây viêm phế quản phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Song, trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị viêm phế quản thường do virus nhiều hơn là vi khuẩn.
Virus gây viêm phế quản cùng loại với virus gây cảm cúm và cảm lạnh. Những loại virus này thường trú ẩn trong tuyến nước bọt của người bệnh. Khi người bệnh ho hoặc hắt xi, hàng triệu giọt nước bọt li ti mang theo virus sẽ được phát tán trong khí. Chúng lơ lửng trong không khí một khoảng thời gian ngắn, sau đó đáp xuống các bề mặt như lan can cầu thang, mặt bàn,… Lúc này, virus gây bệnh có thể tồn tại trong 24h và lây nhiễm với bất cứ ai chạm vào bề mặt.

Viêm phế quản do vi khuẩn hoặc virus có khả năng lây lan nhanh chóng. Nhất là trong môi trường đông người như nhà trẻ, công viên, bệnh viện,… Cha mẹ, người thân, người chăm sóc bị nhiễm virus viêm phế quản có thể lây bệnh cho trẻ trong suốt quá trình mắc.
Trẻ bị viêm phế quản do tiếp xúc với các chất kích thích
Nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản tiếp theo phải kể đến đó chính là do tiếp xúc với các chất kích thích. Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, bởi vậy bất kỳ tác nhân bên ngoài nào cũng có thể trở thành “nguồn gây bệnh”. Dưới đây là một số các chất kích thích gây nguy cơ viêm phế quản:
- Khói bụi
- Khói thuốc lá
- Sợi vải
- Phấn hoa
- Lông vật nuôi
- Hóa chất trong các đồ dùng gia dụng
- Clo
- Axit mạnh
- Amoniac

Có thể nhiều người chưa biết, hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản ở người lớn. Trẻ nhỏ khi hít phải khói thuốc lá cũng có thể gây nguy cơ mắc bệnh. Bởi vậy, gia đình nào đang nuôi con nhỏ, người thân nên hạn chế tối đa việc hút thuốc tại nhà. Điều đó không những góp phần đảm bảo sức khỏe của bạn mà còn bảo vệ người thân trong gia đình.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm phế quản
Dưới đây đối tượng trẻ có nguy cơ cao mắc viêm phế quản:
- Trẻ bú sữa mẹ hoặc không được bú trong độ tuổi dưới 2 tháng
- Trẻ sinh thiếu tháng (trước tuần 37 của thai kỳ)
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, do trong gia đình có người thân hút thuốc lá
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính
- Trẻ có người thân có khả năng cao tiếp xúc với virus, vi khuẩn từ môi trường ngoài (anh chị em đi học)
- Trẻ bị suy giảm hệ thống miễn dịch
✔️✔️✔️ Cách chữa viêm phế quản ở trẻ em: Xử lý nhanh để phòng biến chứng
Cách phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ
Biết được nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản, bố mẹ sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh lý. Dưới đây là một số lưu ý trong cách chăm sóc trẻ để hạn chế nguy cơ mắc viêm phế quản:

- Tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh
- Thường xuyên lau chùi những đồ vật hoặc bề mặt mà trẻ có thể chạm phải, chẳng hạn như đồ chơi, đồ dùng học tập, tay nắm cửa
- Dạy bé thói quen che tay khi ho và hắt hơi
- Cho bé dùng ly uống nước riêng
- Rửa tay bằng xà phòng cho bé thường xuyên để tránh nguy cơ lây nhiễm
- Nên cho bé bú sữa mẹ tối thiếu trong 6 tháng đầu đời để xây dựng được hàng rào bảo vệ cơ thể kiên cố. Thực tế cho thấy, trẻ bú sữa mẹ có ít nguy cơ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp hơn so với những đối tượng còn lại
Trên đây là nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản. Thông thường, khi nhiễm bệnh, trẻ sẽ có thể bình phục sau 5 – 7 ngày chăm sóc. Vì vậy, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng. Trường hợp triệu chứng của bé ngày càng thêm nghiêm trọng, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.