Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt là cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ em có thể được chỉ định cho uống thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Viêm tai giữa xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa – không gian phía sau màng nhĩ.
Dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Đau tai là dấu hiệu chính của bệnh viêm tai giữa. Tuy nhiên, những đứa trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể phàn nàn với cha mẹ vấn đề này bằng lời nói; trong khi đó trẻ nhỏ hơn chỉ có thể giật tai hoặc quấy khóc nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra, khi bị viêm tai giữa, trẻ có thể có một số biểu hiện như:
- Sốt.
- Bú/ ăn hoặc ngủ kém. Nhai, mút và nằm có thể gây áp lực cho tai khiến trẻ cảm thấy đau hơn.
Áp lực từ chất lỏng tích tụ trong tai giữa đủ cao có thể làm vỡ màng nhĩ. Lúc này, cha mẹ sẽ thấy dịch màu vàng, nâu hoặc trắng không phải ráy chảy ra từ tai con. Một đứa trẻ bị thủng màng nhĩ có thể cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn và bị ù trong tai.
✔️✔️✔️ Xem thêm: Những thông tin cần thiết về bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa xảy ra như thế nào?
Viêm tai giữa thường xảy ra do một hoặc cả hai ống eustachian (nối tai giữa với phía sau cổ họng) bị sưng tấy. Các ống này cho phép chất nhầy chảy từ tai giữa vào cổ họng.
Khi bị sưng, chất lỏng trong tai sẽ bị tích tụ. Sau đó, virus, vi khuẩn sẽ phát triển tạo thành mủ và dẫn đến tình trạng viêm tai giữa ở trẻ em.
Nguyên nhân trẻ em dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn?

Trẻ em (đặc biệt trong 1 đến 4 năm đầu đời) bị viêm tai giữa nhiều hơn người lớn vì một số lý do:
- Ống eustachian của trẻ em ngắn hơn và nằm ngang cho phép vi khuẩn và virus xâm nhập vào tai giữa dễ dàng hơn. Các ống này cũng hẹp hơn, do đó dễ bị tắc hơn. Ống eustachian có thể bị sưng hoặc bị tắc vì một số lý do: dị ứng, cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng xoang, khói thuốc lá,…
- Adenoids – khối tổ chức nằm ở trần vòm họng quá lớn có thể che kín cửa loa vòi eustachian khiến chất nhầy trong tai không thể thoát ra và dẫn đến tích tụ.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đề xuất cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em phù hợp.
✔️✔️✔️ Xem nhiều hơn: 7 biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ: có 3 dấu hiệu có thể bạn chưa biết
Viêm tai giữa kéo dài bao lâu?
Viêm tai giữa thường tự khỏi trong vòng 2 hoặc 3 ngày, thậm chí không cần điều trị đặc hiệu.
Trong một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng có thể kéo dài hơn 6 tuần hoặc lâu hơn (với dịch trong tai giữa), ngay cả sau khi điều trị bằng kháng sinh.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm trùng tai?
Trước khi đưa ra phương án điều trị viêm tai giữa ở trẻ em, các bác sĩ sẽ thăm hỏi tình trạng bệnh và tiến hành khám tai. Họ sử dụng kính soi tai, một dụng cụ nhỏ tương tự như đèn pin, để quan sát màng nhĩ của trẻ.
Cách chữa bệnh viêm tai giữa cho trẻ em
Để chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, bác sĩ sẽ cân nhắc các vấn đề sau:
- Loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Số lần trẻ bị bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tình trạng bệnh đã kéo dài bao lâu.
- Tuổi của trẻ và các yếu tố nguy cơ.
- Tình trạng bệnh có ảnh hưởng tới thính giác của trẻ không.
Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc là cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường thấy nhất. Vì hầu hết các trường hợp bệnh viêm tai giữa có thể tự khỏi, nên nhiều bác sĩ áp dụng phương pháp “chờ và xem”. Theo đó, trẻ sẽ được dùng thuốc giảm đau mà không cần sử dụng kháng sinh trong vài ngày để xem tình trạng nhiễm trùng có thuyên giảm hay không.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh không phải là lựa chọn đầu tiên khi cần chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em vì:
- Không phải tất cả các trường hợp viêm tai giữa đều được điều trị bằng kháng sinh. Chúng không có tác dụng điều trị viêm tai giữa do virus gây ra.
- Không giúp dịch tai giữa thoát ra ngoài.
- Có thể gây tác dụng phụ.
- Thường không giảm đau trong 24 giờ đầu và chỉ có tác dụng tối thiểu sau đó.
Ngoài ra, lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến kháng thuốc. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, liệu trình điều trị thường kéo dài 10 ngày. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên bị viêm tai giữa dạng nhẹ có thể dùng một đợt điều trị ngắn hơn từ 5 đến 7 ngày.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Dù được điều trị bằng kháng sinh hay không, trẻ vẫn có thể được chỉ định uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt khi cần thiết. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn cho con sử dụng thuốc nhỏ tai giảm đau miễn là màng nhĩ của trẻ không bị vỡ.
Phẫu thuật

Phẫu thuật là cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em ít gặp hơn. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu trẻ không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc trẻ bị viêm tai giữa tái phát. Các lựa chọn phẫu thuật cho trẻ em bị viêm tai giữa bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ adenoid: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ adenoid của con nếu chúng to ra hoặc bị nhiễm trùng và con bị viêm tai giữa tái phát.
- Mở thượng nhĩ: Thường được chỉ định đối với trường hợp viêm tai giữa mãn tính, túi co kéo, có cholesteatoma chưa lan sâu vào sào bào.
- Mở thượng nhĩ – sào bào: Thường được chỉ định đối với viêm tai giữa mãn tính khu trú ở sào bào thượng nhĩ.
- Phẫu thuật xương chũm: Được chỉ định trong trường hợp trẻ bị viêm tai xương chũm hoặc có cholesteatoma ở xương chũm.
- Phẫu thuật rạch màng nhĩ và chèn ống thông tai: Sau khi thực hiện phẫu thuật rạch màng nhĩ, bác sĩ chèn ống thông vào để dẫn lưu chất dịch ra ngoài liên tục.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Rất hiếm khi viêm tai giữa không khỏi hoặc tái phát nặng dẫn đến biến chứng. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên cẩn thận, quan sát tình trạng bệnh của con và đưa con đến gặp bác sĩ khi:
- Trẻ đau tai nghiêm trọng.
- Trẻ bị sốt cao, sốt dài ngày.
- Trẻ mệt mỏi quá mức.
- Tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc nặng hơn sau 2 – 3 ngày.
Kết luận
Bằng cách đánh giá nguyên nhân, tình trạng bệnh,… các bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em phù hợp nhất. Khi đó, cha mẹ và con cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị để nhanh chóng khỏi bệnh.