Khi con bị viêm tai giữa, nhiều bậc phụ huynh đã sử dụng tăm bông để làm sạch tai của trẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng không nên dùng tăm bông ngoáy tai cho trẻ em. Vậy đâu mới là cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa chính xác?

Lợi ích và rủi ro khi vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Vào năm 2018, Bhutta MF và cộng sự đã từng thực hiện một đánh giá về lợi ích và rủi ro của việc vệ sinh tai đối với những người bị viêm tai giữa. Các tác giả đã tìm thấy 2 nghiên cứu quan sát về hiệu quả của việc lau tai hàng ngày được thực hiện trên 351 bệnh nhân.
Song, Bhutta MF cho biết, 2 nghiên cứu này chưa chứng minh được việc vệ sinh tai có giúp cải thiện hay gây tác dụng phụ không mong muốn ở người bệnh viêm tai giữa hay không.
Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng, việc vệ sinh tai hàng ngày ở bệnh nhân viêm tai giữa là cần thiết. Trước hết, nó giúp loại bỏ dịch dư thừa ở hõm tai. Dịch tai dư thừa có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Tiếp đến, lau tai mỗi ngày giúp bé cảm thấy sạch sẽ và thoải mái hơn.
Sai lầm nhiều mẹ mắc phải khi vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa

Cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa rất đơn giản, song nhiều bậc phụ huynh đang thực hiện sai cách khiến tình trạng bệnh của con trở nên nghiêm trọng hơn.
Mẹ có đang sử dụng tăm bông để lấy ráy tai cho con? Hãy dừng việc này lại! Các nhà khoa học cho biết, thay vì hút ráy tai, tăm bông lại đẩy ráy tai xuống sâu hơn và gây tắc nghẽn ống tai. Không chỉ thế, nó còn có thể gây tổn thương tới màng nhĩ mỏng manh của trẻ.
Cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa chính xác, an toàn

Cách làm sạch tai cho trẻ bị viêm tai giữa rất đơn giản. Bạn chỉ cần:
- Chuẩn bị 2 chiếc khăn mềm, sạch và một chậu nước ấm.
- Rửa tay với xà bông trước khi vệ sinh tai cho con.
- Nhúng một chiếc khăn vào chậu nước và vắt khô.
- Dùng khăn ẩm lau nhẹ nhàng vành tai và hõm tai.
- Giặt sạch khăn, vắt khô nước và lau tai còn lại theo cách tương tự.
- Sử dụng khăn còn lại thấm khô nước quanh tai con.
Để làm sạch tai sau khi tắm, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ nghiêng đầu sang một bên, sau đó nghiêng đầu sang bên còn lại để nước tự chảy ra ngoài. Cuối cùng, dùng khăn mềm, sạch lau nhẹ bên ngoài tai.
Cha mẹ cần lưu ý:
- Không đưa khăn vào sâu trong ống tai, điều đó có thể khiến con bị chảy máu.
- Tuyệt đối không dùng tay, bông tăm, hay bất kì một vật dụng gì khác đưa vào tai của trẻ nhỏ.
- Hạn chế dùng tăm bông ngoáy tai, đặc biệt là trước mặt con. Trẻ em thích bắt chước những gì người lớn làm và bạn chắc chắn không muốn dạy con mình cách đưa một thứ gì đó vào tai.
Bao lâu cần vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa?
Bạn có thể nghĩ rằng trẻ cần được vệ sinh tai nhiều lần trong ngày khi mắc các bệnh về tai. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng tồi. Lau tai thường xuyên có thể gây hại nhiều hơn lợi. Nó làm mất đi lớp màng bảo vệ của tai (một lớp màng mỏng, trơn có tác dụng hỗ trợ đưa ráy tai, da chết,… ra ngoài) và tạo đường cho vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi.
Vì vậy, nếu trẻ bị viêm tai giữa, không có dịch tràn, bạn có thể lau tai cho con một ngày một lần. Với những đứa trẻ bị viêm tai giữa tràn dịch*, bạn có thể dùng khăn giấy thấm khô dịch tụ ở hõm tai nhiều lần trong ngày (nhưng chỉ lau bằng khăn ẩm một lần/ ngày).
(*) Viêm tai giữa tràn dịch: Xuất hiện chất lỏng màu vàng, nâu hoặc trắng không phải là ráy chảy ra từ tai. Điều này có thể có nghĩa là màng nhĩ đã bị rách.
Nên kết hợp vệ sinh mũi họng khi con bị viêm tai giữa

Cảm lạnh, cảm cúm là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em bị viêm tai giữa. Vì vi khuẩn, virus gây bệnh có thể từ mặt sau của cổ họng di chuyển vào tai thông qua ống eustachian. Lúc này, chúng sẽ làm cho ống eustachian sưng lên. Tình trạng sưng tấy này có thể khiến chất lỏng tích tụ trong tai và gây ra tình trạng viêm tai giữa.
Chính vì thế, bên cạnh việc vệ sinh tai, cha mẹ nên kết hợp vệ sinh mũi họng cho con.
Kết luận
Vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa không có hiệu quả điều trị. Do đó, khi nghi ngờ con bị viêm tai giữa, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được thăm khám và điều trị kịp thời.