Mẹ lo lắng căn bệnh viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh? Đây bệnh lý phổ biến ở trẻ có đề kháng yếu và cấu tạo ống tai nhỏ hơn. Mặc dù triệu chứng của bệnh không quá nghiêm trọng, nhưng điều đáng nói là nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thính lực ở trẻ. Phụ huynh nên tìm hiểu những thông tin cần thiết về bệnh dưới đây để chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị cho bé!
Viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm tai ngoài đề cập đến tình trạng nhiễm trùng trong ống tai, nối tai ngoài của trẻ với tai giữa. Đây cũng là đường dẫn mang âm thanh từ bên ngoài cơ thể đến màng nhĩ. Viêm tai ngoài ở trẻ em có thể được phân loại tùy thuộc vào thời gian và mức độ nhiễm trùng ống tai:
- Viêm tai ngoài cấp tính xảy ra đột ngột và thường khỏi trong vòng 3 tuần
- Viêm tai ngoài mãn tính có triệu chứng không rõ ràng, nhưng thường kéo dài trong nhiều ngày. Nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách có thể gây nguy hại đến khả năng nghe
- Viêm tai ngoài khu trú là khi chỉ một nang lông ở lối vào tai bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể gây ra mụn nhọt
- Viêm tai ngoài lan tỏa, đây là hiện tượng nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan lân cận, thậm chí đến tận màng nhĩ
Nguyên nhân viêm ống tai ngoài ở trẻ sơ sinh
Viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh thường do vi khuẩn gây ra, nhưng nó cũng có thể do nấm như nấm men và virus. Viêm tai ngoài còn được coi là bệnh tai của những người bơi lội. Bởi vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập vào ống tai khi đang bơi. Nhưng đối khi, phản ứng dị ứng có thể dẫn đến viêm tai ngoài. Loại nhiễm trùng tai này ở trẻ thường nhẹ và khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể lây lan sang các mô lân cận.
Vì sao trẻ sơ sinh không đi bơi, tắm thường xuyên nhưng vẫn bị viêm tai ngoài?
Nước không phải là “thủ phạm” duy nhất dẫn đến viêm tai ngoài, đó có thể là những yếu tố sau:
- Bị tổn thương ống tai do mẹ vệ sinh tai cho bé không đúng cách
- Ráy tai tích tụ hoặc trong quá trình vệ sinh tai vô tình đẩy ráy tai vào trong
- Có quá ít ráy tai, thường do làm sạch quá nhiều. Một số ráy tai có lợi cho sức khỏe, vì nó bảo vệ niêm mạc ống tai của trẻ khỏi bụi bẩn và nhiễm trùng
- Để tai dính nước trong quá trình tắm, vì điều này có thể đưa vi khuẩn vào tai của trẻ
- Trẻ có cấu tạo ống tai hẹp khiến nước đi vào khó thoát ra ngoài. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển
- Trẻ mắc các vấn đề về da như vẩy nến. Điều này khiến trẻ có nguy cơ mắc viêm tai ngoài hơn
Dấu hiệu viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai ngoài bao gồm:
- Đau tai – tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi trẻ liên tục kéo tai mình
- Chảy dịch trong tai
- Ống tai đỏ, sưng và ngứa
- Xuất hiện những mảng da khô sần xung quanh ống tai của trẻ
- Tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn ống tai
- Sưng hạch bạch huyết quanh tai
- Sốt nhẹ
Một biến chứng rất hiếm gặp nhưng nguy hiểm của bệnh lý này đó chính là viêm tai ngoài ác tính. Đây là sự lây lan của nhiễm trùng đến xương ống tai và phần dưới hộp sọ của trẻ. Nếu trẻ bị viêm tai ngoài và gặp các triệu chứng lạ, chẳng hạn như chóng mặt hoặc yếu cơ ở mặt, cha mẹ hãy tìm sự trợ giúp của bác sĩ ngay lập tức.
Trẻ sơ sinh bị viêm tai ngoài phải làm sao?
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều khỏi nhanh chóng với phương pháp điều trị thích hợp, nhưng đôi khi có thể mất vài tháng để loại bỏ hoàn toàn. Với viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch tai bị ảnh hưởng, kê đơn thuốc nhỏ và khuyến nghị bạn thực hiện các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
Trong một số trường hợp, viêm tai ngoài là biểu hiện của các bệnh lý về da như vẩy nến, viêm da hoặc bệnh chàm, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp để điều trị triệt để tình trạng này.
Hướng dẫn cha mẹ tự chăm sóc khi trẻ bị đau và sưng tai ngoài:
- Cố gắng giữ cho tai trẻ luôn khô ráo. Nếu nước vào tai khi tắm, bạn hãy quay đầu trẻ sang một béo và kéo dài tai về các hướng khác nhau để giúp nước thoát ra ngoài
- Nhẹ nhàng lau sạch chất dịch chảy ra từ tai bằng bông gòn. Tuyệt đối không được nhét bông ngoáy tai vào tai trẻ
- Cho trẻ uống thuốc giảm đau như paracetamol nếu cần thiết và theo lời khuyên của bác sĩ
- Chườm ấm để giúp bé giảm đau
- Trong trường hợp viêm tai ngoài nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc steroid hoặc kháng sinh. Cha mẹ nên tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng của bác sĩ để tránh gây ra tác dụng phụ không đáng có.
Phòng ngừa viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh bằng cách nào?
Những lời khuyên sau để có thể giúp bé giảm nguy cơ bị viêm tai ngoài, cha mẹ hãy lưu ý nhé!
- Lau khô tai cho bé thật kỹ bằng khăn để loại bỏ nước, mồ hôi hoặc hơi ẩm. Sử dụng máy sấy tóc ở chế độ thấp để nhẹ nhàng làm khô ống tai. Không sử dụng khăn tắm cứng để lau tai cho bé, điều này dễ làm tổn thương ống tai
- Tránh làm tổn thương tai của bé bằng cách không đưa bất cứ thứ gì vào trong ống tai, kể cả bông ngoáy tai.
- Khi tắm cho bé, để hạn chế nước vào tai, mẹ có thể sử dụng mũ bơi che tai hoặc dùng nút tai, nhét nhẹ nhàng để tránh bị tổn thương
- Điều trị và ngăn ngừa các tình trạng khác có thể gây ra viêm tai ngoài, chẳng hạn như dị ứng, viêm da, bệnh vẩy nến và bệnh chàm.
Viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh là căn bệnh thường gặp. Tuy không quá nghiêm trọng, nhưng nếu cha mẹ chủ quan trì hoãn việc điều trị có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý dấu hiệu của viêm tai ngoài để có phương pháp điều trị phù hợp.