Nội dung chính

Thai máy là gì? Thai máy thế nào là bình thường?

Thai máy là gì? Thai máy là những cử động của thai nhi trong suốt quá trình ở trong bụng mẹ như vươn vai, vặn mình, đạp chân, khua tay, thậm chí là nấc cụt,…

Thai máy là gì?
Thai máy là gì?

Một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong thai kỳ là khi bạn cảm nhận được những chuyển động của con. Những cử động nhỏ này giúp bạn yên tâm rằng em bé đang phát triển, khỏe mạnh và giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với sinh linh bé nhỏ mà bạn đang mang trong mình.

Có thể nhận biết thai máy từ tuần bao nhiêu?

Thai nhi bắt đầu có những cử động nhỏ ngay từ tuần thứ 7 – 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, lúc này, bào thai còn rất nhỏ; do đó, mẹ khó có thể cảm nhận được các cử động của con.

Với mẹ mang thai lần đầu, phải đến tuần thứ 20 thì cử động của thai nhi mới rõ ràng, cho phép mẹ cảm nhận một cách dễ dàng. Với mẹ mang thai lần 2 trở đi, thai máy có thể được nhận biết ngay từ khoảng tuần 16 – 17.

Tuy nhiên, thời điểm mẹ cảm nhận được thai máy có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào vị trí của nhau thai. Nếu nhau thai bám mặt trước, mẹ bầu thường sẽ cảm nhận thấy các chuyển động của con muộn hơn bình thường.

Trong trường hợp mẹ không cảm nhận thấy thai máy vào tuần 24 của thai kỳ, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Mẹ thường có thể nhận thấy thai máy khi ở tuần 20 của thai kỳ
Mẹ thường có thể nhận thấy thai máy khi ở tuần 20 của thai kỳ

Dấu hiệu thai máy

Cảm nhận về thai máy ở mỗi mẹ bầu là khác nhau và cũng khác nhau ở từng thời điểm của thai kỳ cũng như sức khỏe của mẹ và bé.

Một số mẹ chia sẻ khi con cử động mẹ có cảm giác như bướm bay trong bụng. Một số bà mẹ khác nói rằng, họ thấy bụng sôi lục bục.

Có thời điểm con chỉ cử động nhẹ nhàng một chút xíu rồi thôi, nhưng cũng có những thời điểm con cử động rõ khiến bụng mẹ gồ lên.

Nhìn chung, thai nhi có xu hướng vận động nhiều hơn vào một vài thời điểm nhất định trong ngày khi con tỉnh táo. Chuyển động của bé cũng thường tăng dần trong ngày với hoạt động mạnh nhất vào đêm khuya, ngay khi bạn đang cố gắng đi vào giấc ngủ. Sự gia tăng hoạt động này là do lượng đường trong máu của bạn thay đổi.

Em bé cũng có thể phản ứng với âm thanh hoặc sự đụng chạm. Vì vậy bạn có thể thấy bé cử động khi chồng bạn âu yếm bụng và nói chuyện với bé.

Hiện tượng thai máy diễn ra như thế nào trong suốt thai kỳ?

Hiện tượng thai máy không cố định mà thay đổi theo thời gian:

  • Tuần 8: Với hệ thống thần kinh, chân, ngón tay, ngón chân, xương và cơ đang phát triển; em bé đã có thể bắt đầu cử động. Tuy nhiên, những cử động này rất nhẹ và mẹ khó có thể nhận thấy
  • Tuần 16: Những người lần đầu làm mẹ có thể không cảm thấy gì trong khoảng thời gian từ tuần 16 đến tuần 20 của thai kỳ; nhưng điều này là bình thường. Nếu bạn đã từng mang thai trước đây, thì đây là lúc bạn có thể bắt đầu cảm thấy các chuyển động nhỏ
  • Tuần 20: Vào thời điểm này, bạn có thể bắt đầu thực sự cảm nhận được những cử động đầu tiên của bé
  • Tuần 24: Chuyển động của bé sẽ dễ nhận thấy hơn vào khoảng 24 tuần. Các chuyển động sẽ vẫn rời rạc, nhưng bạn có thể thấy bé xoay người và đá một cách rõ ràng
  • Tuần 28: Vào thời điểm này, bác sĩ có thể đề nghị bạn đếm số lần thai máy. Đây cũng là thời điểm con bắt đầu mơ khi chúng trải qua giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh)
  • Tuần 32: Tử cung của bạn ngày càng chật chội hơn khi em bé lớn lên. Lúc này, bạn có thể thấy các chuyển động của con chậm lại một chút. Bạn có thể cảm thấy ít cú đá, cú thọc hơn

Số lần cử động của bé thường tăng đều đặn cho đến khoảng tuần thứ 32 của thai kỳ và sau đó ít thay đổi cho đến khi bé chào đời. Và từ tuần 28 trở đi, nếu có một khoảng thời gian bạn thấy con không cử động, đừng lo lắng, rất có thể con đang nghỉ ngơi.

Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ nên để ý kỹ hơn hiện tượng thai máy. Một số người lần đầu làm mẹ có thể nhầm lẫn hiện tượng gò tử cung với thai máy. Thông thường, hiện tượng thai máy chỉ tác động tới một vùng bụng; còn với gò tử cung, mẹ sẽ thấy toàn bộ vùng bụng cứng lên. Khi thấy toàn bộ vùng bụng cứng lên, mẹ cần đi khám ngay.

Tại sao mẹ bầu nên theo dõi thai máy?

Theo dõi thai máy có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về chuyển động của bé. Khi bạn biết cách bé hoạt động hàng ngày, bạn sẽ dễ dàng phát hiện điều bất ổn khi nó xảy ra. Nhìn chung, cảm giác bé di chuyển trong tử cung theo một quy luật nhất định cho thấy em bé đang phát triển và khỏe mạnh. Trẻ tự nhiên cử động ít hơn có thể là là một điều đáng lo ngại. Và khi phát hiện ra điều đó, bạn nên đi khám để chắc chắn rằng con yêu vẫn khỏe mạnh.

Nhìn chung, các bác sĩ sản khoa thường khuyên mẹ theo dõi thai máy như một cách để theo dõi sức khỏe, mặc dù việc tự đếm các lần bé cử động có thể không chính xác. Và theo dõi thai máy khi mang thai đôi cũng khó hơn rất nhiều; bạn sẽ không biết được em bé nào đang cử động.

Theo dõi thai máy giúp phát hiện các bất thường
Theo dõi thai máy giúp phát hiện các bất thường

Thai máy như thế nào là bình thường?

Trong thời gian đầu của thai kỳ, thỉnh thoảng bạn sẽ cảm nhận được thai máy. Đến khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ, bạn sẽ thấy thai máy rõ hơn và thường xuyên hơn. Đến tuần 28 của thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị bạn đếm thai máy.

Có nhiều ý kiến khác nhau về cách đếm thai máy, nhưng Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ nên lưu ý về thời gian bé thực hiện 10 cử động. Theo đó, tốt hơn hết bạn nên cảm thấy bé cử động ít nhất 10 lần trong khoảng 2 giờ, khi bạn nằm nghiêng và tập trung vào theo dõi thai máy.

Thai máy thế nào là bất thường?

Dấu hiệu thai máy bất thường

Thai máy được coi là bất thường khi:

  • Bé cử động ít hơn bình thường
  • Thời gian giữa các cử động của bé lâu hơn bình thường

Thai máy giảm có đáng lo?

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn thấy thai máy giảm. Một vài trong số đó là vô hại. Chẳng hạn như bạn có thể đã vô tình chọn đếm thai máy khi bé đang ngủ. Bạn có thể thử đếm vào một thời điểm khác khi bé có vẻ năng động hơn. Khi bạn vận động nhiều hơn, con cũng có thể hoạt động ít hơn; vì chuyển động lắc lư nhẹ nhàng của mẹ có thể ru bé ngủ.

Nhưng cũng có những lý do khác đáng lo hơn đằng sau hiện tượng thai máy giảm, chẳng hạn như:

  • Em bé phát triển chậm hơn
  • Nhau thai của bé hoặc tử cung của bạn đang có vấn đề
  • Con đang bị dây rốn quấn cổ
  • Ít nước ối (vào những tháng cuối thai kỳ)
  • Suy thai
Thai máy giảm có thể là biểu hiện của một số điều đáng lo
Thai máy giảm có thể là biểu hiện của một số điều đáng lo

Thai máy có biểu hiện như thế nào thì mẹ cần đi khám bác sĩ?

Bạn cần liên hệ với bác sĩ khi:

  • Mất nhiều hơn 2 giờ để cảm nhận được 10 cử động của thai nhi
  • Da trên bàn tay, bàn chân và quanh mắt của bạn sưng hơn bình thường
  • Bạn bị đau đầu trong 24 giờ
  • Trên da của bạn xuất hiện những chấm đỏ màu đỏ
  • Bạn ấn vào bụng và cảm thấy bụng mềm
  • Bạn có thắc mắc hoặc quan tâm về tình trạng hoặc chăm sóc của bạn

Bạn nên đi khám ngay lập tức khi:

  • Không thấy thai nhi cử động trong 12 giờ
  • Bạn cảm thấy bị chuột rút hoặc đau liên tục ở bụng
  • Bạn bị chảy máu âm đạo
  • Bạn bị đau đầu dữ dội và không thể nhìn rõ
  • Bạn khó thở hoặc nôn mửa
  • Bạn bị co giật

Điều gì có thể ảnh hưởng đến chuyển động của thai nhi?

  • Em bé thường cử động nhiều hơn khi bạn ăn hoặc sau khi bạn uống các loại nước có chứa caffein
  • Bé có thể cử động ít hơn khi bạn hoạt động nhiều hơn
  • Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tần suất vận động của bé

Hướng dẫn cách theo dõi thai máy

Dưới đây là cách để bạn số lần cử động của con:

  • Chọn thời điểm mà bạn ít bị phân tâm nhất hoặc khi bạn cảm thấy em bé cử động. Khi đếm thai máy, bạn nên ăn no và đi tiểu để làm trống bàng quang
  • Bạn có thể nằm nghiêng hoặc ngồi ngả lưng ra sau, miễn sao bạn cảm thấy thoải mái
  • Đặt tay lên bụng và xem thời điểm đó là mấy giờ
  • Đếm số lần chuyển động của bé và sử dụng đồng hồ bấm giờ hoặc ứng dụng điện thoại để ghi lại thời điểm mỗi lần con cử động.
  • Kiểm tra giờ, sau đó tính toán khoảng thời gian mà bé vận động được 10 lần và ghi vào sổ. Bạn nên ghi lại cả khoảng thời gian giữa các lần con vận động
  • Bạn nên thực hiện 2 – 3 lần mỗi ngày trong thời gian cố định. Sau vài ngày, bạn sẽ biết được tần suất và thời gian hoạt động của con
Bạn cần theo dõi khoảng thời gian để con thực hiện 10 cử động
Bạn cần theo dõi khoảng thời gian để con thực hiện 10 cử động

Hi vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ “thai máy là gì?”. Và bạn đừng quên thực hiện cách đếm thai máy mà Fitobimbi đã hướng dẫn trên đây nhé. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ để chắc chắn bé yêu của mình vẫn khỏe mạnh.

Chia sẻ bài viết này