Tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn xác định được con mình đang thiếu hay đủ chất dinh dưỡng. Nhưng làm sao để biết bé thiếu chất gì? Fitobimbi sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn trong bài viết dưới đây.
Vì sao bố mẹ cần biết bé thiếu chất dinh dưỡng gì?
Trẻ em cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, từ chất đa lượng như tinh bột, protein, lipid, chất xơ tới các vi chất như vitamin A, B, C, D, canxi, sắt, kẽm… Bố mẹ nên biết trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng gì để tăng cường bổ sung cho trẻ. Có như vậy, cơ thể trẻ mới nhận đủ các chất để phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
Bên cạnh đó, biết trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng gì cũng giúp bố mẹ nhanh chóng đưa trẻ đi khám kịp thời. Phần lớn trẻ thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn không đầy đủ. Tuy nhiên, có một số bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải các chất dinh dưỡng. Ví dụ như viêm ruột, suy giảm chức năng thận, tổn thương gan, tụy hoặc các bệnh lý bẩm sinh…

Cách phát hiện thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ em
Vậy làm sao để bố mẹ nhận biết bé đang thiếu hụt chất gì? Bạn có thể dựa vào 3 yếu tố dưới đây.
Thói quen ăn uống của trẻ
Trẻ em thu nhận chất dinh dưỡng từ chế độ ăn. Nếu trẻ ăn tốt và chế độ ăn cân bằng thì nhu cầu chất dinh dưỡng của trẻ sẽ được đáp ứng đầy đủ. Nhưng khi trẻ biếng ăn hoặc không chịu ăn một nhóm thực phẩm nào đó, trẻ có nguy cơ cao thiếu hụt dinh dưỡng. Cụ thể là:
- Trẻ biếng ăn thường thiếu tất cả các chất dinh dưỡng, bao gồm chất đa lượng và vi lượng. Trẻ không có đủ tinh bột để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, không có protein để tăng cường hệ xương và cơ bắp. Trí não của trẻ cũng không thể phát triển thông minh, nhanh nhẹn vì không có đủ lipid. Bên cạnh đó, trẻ cũng thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin A, B, C, D, canxi, sắt, kẽm, đồng…
- Với những trẻ lười ăn thịt hoặc ăn chay cùng gia đình, thiếu chất đạm, vitamin B và kẽm rất phổ biến. Mặc dù một số loại đậu đỗ, rau củ, hoa quả có chứa protein, vitamin B và kẽm nhưng không dồi dào và dễ hấp thu như thịt, cá.
- Trẻ lười ăn rau và hoa quả thường thiếu nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất xơ. Rau củ quả chứa rất nhiều chất xơ, giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp vi chất cần thiết cho trẻ. Mặc dù chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu hụt, trẻ không thể phát triển bình thường.
- Trẻ ít uống sữa có thể thiếu canxi và vitamin D3. Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai rất giàu hai vi chất này. Dạng canxi và vitamin D3 trong sữa cũng dễ hấp thu và phù hợp với trẻ em.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dựa vào các chế phẩm uống bổ sung của trẻ. Nếu trẻ được uống vitamin D3 ngay sau khi sinh, trẻ ít có nguy cơ bị thiếu hụt vi chất này. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra xem trẻ có nhận đủ nhu cầu theo lứa tuổi không. Ví dụ, trẻ trên 1 tuổi cần 600 IU vitamin D3, nhưng bạn chỉ cho trẻ uống 400 IU như giai đoạn sơ sinh. Nếu thế, trẻ vẫn có nguy cơ thiếu hụt vi chất này.

Dấu hiệu trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng
Khi thiếu hụt vi chất kéo dài và nặng nề, cơ thể trẻ sẽ có những dấu hiệu bất thường. Nếu bạn theo dõi và quan sát kỹ, bạn có thể phát hiện được những biểu hiện thiếu vi chất ở trẻ.
- Trẻ biếng ăn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng nên sẽ có biểu hiện nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Bạn sẽ thấy trẻ chậm tăng cân và nhỏ bé hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
- Với trẻ nhỏ thiếu canxi và vitamin D3, trẻ sẽ có triệu chứng còi xương: chậm mọc răng, men răng xấu, cẳng tay, cẳng chân biến dạng, cột sống gù vẹo, chậm phát triển chiều cao. Ở những trẻ lớn hơn, trẻ có thể kêu đau cẳng chân, thường xuyên bị chuột rút, móng tay, móng chân dễ gãy.
- Thiếu vitamin A và C thường ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Trẻ hay ốm vặt và lâu hồi phục sau khi bị ốm. Ngoài ra, trẻ thiếu vitamin A còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
- Thiếu sắt ở trẻ em dẫn tới bệnh lý thiếu máu dinh dưỡng. Bạn sẽ quan sát thấy da trẻ xanh xao, môi và lòng bàn tay nhợt nhạt. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung, kết quả học tập giảm sút.
- Trẻ em thiếu kẽm thường có biểu hiện rụng tóc, viêm da, tiêu chảy kéo dài, chậm liền vết thương.

Đi khám và xét nghiệm
Thói quen ăn uống và biểu hiện trẻ thiếu vi chất là những dấu hiệu gợi ý để bố mẹ nhanh chóng nhận biết. Tuy nhiên, cách chính xác nhất để chẩn đoán là đi khám bác sĩ và tiến hành xét nghiệm. Với kinh nghiệm lâm sàng lâu năm, bác sĩ sẽ phát hiện các dấu hiệu thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em tốt hơn bố mẹ. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu sẽ thể hiện thể hiện rõ ràng mức độ thiếu hụt dinh dưỡng của trẻ.
Cách phòng tránh thiếu chất dinh dưỡng ở trẻ em
Để giúp trẻ không bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, bạn hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cho trẻ uống chế phẩm bổ sung và khuyến khích trẻ thường xuyên tắm nắng.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 tiếng. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn vẫn tiếp tục cho bú mẹ vừa tập cho trẻ ăn thức ăn thô. Sau đó, khi trẻ đã nhai tốt hơn, bạn sẽ chuyển hẳn sang ăn cơm với 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày.
Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần có đủ tinh bột (cơm, cháo, bánh mỳ, bún, miến, mỳ, phở, ngũ cốc…), chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng…) và lipid (dầu, bơ, các loại hạt…). Ngoài ra, bạn cũng cần cho trẻ uống thêm sữa, nước và ăn đầy đủ rau xanh, hoa quả.
Bổ sung thực phẩm chức năng phù hợp với trẻ
Cho trẻ uống các chế phẩm bổ sung cũng là một biện pháp hữu ích để phòng ngừa thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ em. Bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm chức năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn cần cho trẻ uống bổ sung vitamin D3 để phòng ngừa bệnh lý còi xương. Mặc dù sữa mẹ chứa đủ hầu hết các chất dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng vitamin D3 rất thấp. Vì vậy, bạn cần bổ sung thêm vi chất này cho trẻ nhỏ thông qua thực phẩm chức năng.
Sau này, tùy theo thói quen ăn uống và tình trạng sức khỏe của trẻ, bạn có thể lựa chọn bổ sung cho trẻ các loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Ví dụ, trẻ hay ốm vặt nên uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Trẻ trong độ tuổi 1 – 3 tuổi và giai đoạn dậy cần được bổ sung canxi để tăng trưởng chiều cao vượt trội.

Cho trẻ tắm nắng
Cơ thể trẻ có thể tự tổng hợp vitamin D3 khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, bạn nên tận dụng nguồn vi chất tự nhiên này, đặc biệt khi nước ta có ánh nắng mặt trời quanh năm. Bạn có thể khuyến khích trẻ vui chơi hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Cách này vừa giúp trẻ tự tổng hợp vitamin D3 vừa tạo cơ hội cho trẻ vận động để phát triển cơ bắp và chiều cao tốt hơn.
Làm sao để biết bé thiếu chất gì là mối quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Cách tốt nhất để bố mẹ phát hiện được điều này là dựa vào thói quen ăn uống của trẻ. Sau đó kết hợp quan sát, theo dõi các biểu hiện thiếu vi chất trên cơ thể trẻ. Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác mức độ thiếu hụt, bạn nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm cần thiết. Khi đó, các bác sĩ có thể tư vấn kỹ hơn cho bố mẹ về chế độ ăn và chế phẩm uống bổ sung để bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ.
Xem thêm: