Nội dung chính

Dấu Hiệu Nhận Biết Thiếu Vitamin K Ở Trẻ Sơ Sinh

Bên cạnh những loại vitamin phổ biến như vitamin A, B, C, D, trẻ sơ sinh còn đặc biệt cần bổ sung vitamin K. Sở dĩ nhiều bố mẹ không biết tới loại vitamin này là bởi vitamin K thường được bổ sung bằng đường tiêm chứ không phải uống hàng ngày. Hầu hết trẻ sơ sinh sau khi ra đời đều được tiêm vitamin K tại cơ sở y tế. “Vì sao vitamin K lại quan trọng như vậy?”, “trẻ sơ sinh thiếu vitamin K có nguy hiểm không?” sẽ là nội dung mà Fitobimbi muốn chia sẻ với bạn hôm nay.

Vitamin K là gì?

Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu, có vai trò quan trọng với sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vitamin K tham gia quá trình đông máu, giúp hình thành cục máu đông, phòng ngừa chảy máu, đặc biệt là chảy máu não. Ngoài ra, vi chất này còn hiệp đồng với vitamin D để hình thành và thúc đẩy hệ xương, răng của trẻ phát triển vững chắc.

Vitamin K ngăn ngừa chảy máu và giúp hệ xương của trẻ chắc khỏe
Vitamin K ngăn ngừa chảy máu và giúp hệ xương của trẻ chắc khỏe

Vì sao trẻ sơ sinh thiếu vitamin K?

Tất cả trẻ sơ sinh, không phân biệt giới tính, chủng tộc, vùng miền đều có nguy cơ cao thiếu vitamin K. Nguy cơ này không chỉ xuất hiện trong 1 tháng đầu sau sinh mà sẽ kéo dài tới tận lúc trẻ 6 tháng tuổi.

Sở dĩ như vậy vì bình thường trẻ tiếp nhận vitamin K từ hai nguồn: thức ăn và do vi khuẩn ở đại tràng sản xuất. Tuy nhiên, hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ chưa đầy đủ và chưa có khả năng tổng hợp vitamin K hiệu quả. Sữa mẹ cũng chứa hàm lượng vitamin K rất thấp nên trẻ bú mẹ hoàn toàn chắc chắn không nhận đủ vitamin K. Khi bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ mới bắt đầu thu nhận thêm vitamin K từ thức ăn và hệ vi khuẩn ở đại tràng mới sản xuất vitamin K hiệu quả.

Bên cạnh đó, chỉ có một lượng nhỏ vitamin K truyền từ mẹ sang trẻ qua nhau thai nên dự trữ vi chất này trong cơ thể con sau khi sinh gần như bằng không. Đó chính là những lý do khiến trẻ sơ sinh là đối tượng thiếu vitamin K trầm trọng.

Đặc biệt, thiếu vitamin K nghiêm trọng sẽ xảy ra ở trẻ em bị tiêu chảy kéo dài hoặc mắc các bệnh lý gan mật, viêm ruột, xơ nang. Vì những bệnh lý này cản trở trẻ sơ sinh hấp thu vitamin K từ sữa mẹ và hạn chế dự trữ vi chất quan trọng này tại gan.

Trẻ sơ sinh thiếu vitamin K có nguy hiểm không?

Hậu quả nặng nề nhất của thiếu vitamin K ở trẻ em là ảnh hưởng tới quá trình đông máu. Khi không có đủ vitamin K, các mạch máu của trẻ sơ sinh vốn đã dễ tổn thương nay còn không có khả năng cầm máu. Từ đó trẻ dễ bị xuất huyết liên tục, khó cầm. Trẻ có thể chảy máu ở mọi vị trí, mọi cơ quan trong cơ thể như ngoài da, niêm mạc mắt, mũi, đường tiêu hóa và nguy hiểm nhất là não bộ…

Não bộ của trẻ bị chảy máu (vùng màu trắng) do thiếu vitamin K
Não bộ của trẻ bị chảy máu (vùng màu trắng) do thiếu vitamin K

Chảy máu não không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển khỏe mạnh của trẻ mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ có thể chậm phát triển trí tuệ, liệt vận động, mắc bệnh lý động kinh, bại não, teo não, não úng thủy… Thậm chí nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong vì xuất huyết não ồ ạt hoặc đến bệnh viện quá muộn.

Tại Hà Nội, từ trước những năm 2000, khi chương trình tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh chưa được phổ biến rộng rãi, cứ 100.000 trẻ ra đời thì có 142 trẻ bị xuất huyết não do thiếu vitamin K. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh xuất huyết não do thiếu vitamin K rất cao, khoảng 25 – 40%. Tỷ lệ bất thường về chức năng thần kinh không hồi phục cũng nhiều không kém cạnh, khoảng 40 – 50%.

Rõ ràng, vitamin K rất quan trọng với trẻ sơ sinh. Thiếu vitamin K để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống của trẻ và cả gia đình.

Tham khảo thêm:

Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu vitamin K

Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ xuất huyết não

Xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra đột ngột, âm thầm bên trong hộp sọ. Vì vậy, phần lớn trẻ sơ sinh xuất huyết não do thiếu vitamin K không có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát thấy trẻ có một trong các dấu hiệu dưới đây thì rất có giá trị gợi ý là do thiếu vitamin K.

  • Trên da trẻ xuất hiện các vết bầm tím, đặc biệt xung quanh đầu và mặt
  • Trẻ bị chảy máu mũi hoặc rốn khó cầm
  • Phân trong bỉm của trẻ có dính máu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc phân màu đen như nhựa đường, kèm theo có mùi khó chịu
  • Trẻ nôn trớ ra máu
  • Bạn quan sát thấy da mặt, môi, lòng bàn tay, bàn chân của trẻ xanh xao, nhợt nhạt hơn trước đây

Khi phát hiện những triệu chứng bất thường này, bạn cần cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Trẻ thiếu vitamin K có thể đi ngoài phân máu hoặc phân đen do xuất huyết tiêu hóa
Trẻ thiếu vitamin K có thể đi ngoài phân máu hoặc phân đen do xuất huyết tiêu hóa

Triệu chứng khi trẻ đã xuất huyết não

Xuất huyết não do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh được chia làm 3 loại: sớm, cổ điển và muộn. Xuất huyết não sớm xảy ra ngay trong 24h đầu sau sinh với biểu hiện rất dữ dội. Trong khi đó, loại cổ điển thường diễn ra khi trẻ được 1 – 7 ngày tuổi và có những dấu hiệu gợi ý như trên. Tuy nhiên, 30 – 60% trẻ sơ sinh bị xuất huyết não thuộc nhóm muộn, tức là diễn biến từ tuần 2 – 12 sau sinh và thường ở nhóm trẻ bú mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp này, dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng chảy máu rất mơ hồ và hiếm gặp.

Xuất huyết não vốn đã khó nhận biết, phát hiện xuất huyết não ở trẻ sơ sinh lại càng khó khăn hơn gấp bội. Bạn cần theo dõi trẻ thật sát để phát hiện những triệu chứng bất thường sau:

  • Trẻ ngủ nhiều, mệt lả, thờ ơ và kém đáp ứng khi bố mẹ lay gọi
  • Trẻ cáu gắt, khóc thét không thể dỗ nín
  • Co giật toàn thân hoặc tay chân, mắt, miệng
  • Một bên tay, chân của trẻ ít vận động hơn bên còn lại
  • Một bên mắt của trẻ bị lác hoặc sụp mi
  • Trẻ nôn liên tục
  • Phần thóp trên đầu trẻ sưng to, sờ vào thấy căng cứng
Khóc thét từng cơn, không dỗ được là dấu hiệu nguy hiểm báo động xuất huyết não ở trẻ sơ sinh
Khóc thét từng cơn, không dỗ được là dấu hiệu nguy hiểm báo động xuất huyết não ở trẻ sơ sinh

Khi phát hiện những triệu chứng này, bạn cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện. Tính mạng của trẻ được tính bằng từng giây, từng phút. Đừng chần chừ bạn nhé!

Phòng ngừa thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Chắc hẳn bạn sẽ tò mò rằng nếu trẻ sơ sinh không bú mẹ mà sử dụng sữa công thức thì có bị thiếu vitamin K không. Và liệu có nên cho trẻ ăn sữa công thức để ngăn ngừa thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh không?

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã xác định được nồng độ vitamin K trong sữa mẹ là 2,1 – 2,3 mcg/ lít, thấp hơn rất nhiều so với sữa công thức (4,2 – 4,9 mcg/ lít). Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ sở sinh ăn sữa công thức để ngăn ngừa thiếu hụt vitamin K. Lý do là bởi sữa mẹ mặc dù không có đủ vitamin K nhưng lại dồi dào kháng thể và nhiều loại vi chất khác. Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ cũng ở dạng dễ hấp thu chứ không khó tiêu như sữa công thức. Nếu chỉ vì muốn bổ sung vitamin K mà tước đi nguồn dinh dưỡng quý báu là bầu sữa mẹ thì trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Vì vậy, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa thiếu vitamin K là bổ sung bằng cách tiêm bắp. Cho dù trẻ bú mẹ hoàn toàn hay có sử dụng sữa công thức thì tất cả trẻ sơ sinh vẫn cần tiêm 1 mũi vitamin K ngay sau khi sinh.

Vậy là bạn đã hiểu được lý do vì sao vitamin K quan trọng và cần thiết với trẻ sơ sinh. Để đảm bảo trẻ không bị thiếu hụt vi chất này dẫn đến xuất huyết não, bạn cần chú ý cho trẻ tiêm vitamin K. Bạn có thể hỏi nhân viên y tế về gói sinh đẻ của bệnh viện có bao gồm mũi tiêm vitamin K không, trẻ sau khi sinh đã được tiêm vitamin K chưa. Kèm theo đó, bạn nên chú ý theo dõi trẻ để nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời.

Chia sẻ bài viết này