Ở trẻ sơ sinh, ngoài bú mẹ giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển. Vậy mà, không ít trường hợp trẻ lại quấy khóc và ngủ không ngon. Vậy trẻ sơ sinh ngủ ít không sâu giấc có sao không? Nguyên nhân của tình trạng này là gì, cách khắc phục ra sao? Theo dõi bài viết sau để bỏ túi ngay giải pháp an toàn, hiệu quả cho con!
Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?
Trẻ sơ sinh dành hầu hết thời gian trong ngày để ngủ, bé chỉ thức dậy khi cần đòi ăn. Trung bình một ngày con sẽ ngủ khoảng 16-18 tiếng, chia đều cả ngày và đêm. Tức là nếu ban ngày trẻ ngủ 8-9 tiếng thì ban đêm cũng vậy. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường gắn, chỉ khoảng 1-2 tiếng một lần. Ban đêm con sẽ thức dậy nhiều lần để ăn.
Từ tháng thứ 3 trở đi, khi cân nặng được khoảng 6kg, bé sẽ bắt đầu tập ngủ xuyên đêm, khoảng 6-8 tiếng/ lần mà không thức dậy. Lúc này thời gian ngủ chỉ còn khoảng 14 -16 tiếng một ngày. Trong đó bao gồm 8-9 tiếng ngủ đêm và 4-6 tiếng ngủ ngày.
Ở trẻ sơ sinh, do chưa làm quen với môi trường ngoài tử cung của mẹ nên thường gặp phải tình trạng vặn mình, rặn è è, giật mình, quấy khóc. Tuy nhiên mẹ không phải lo, khoảng 4-6 tháng tuổi tình trạng này sẽ tự hết.
Vì sao bé ngủ ít và không sâu giấc?
Trẻ sơ sinh ngủ ít không sâu giấc có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Bao gồm yếu tố chủ quan và khách quan. Cụ thể:
- Đặc điểm sinh lý: Giấc ngủ của trẻ được chia làm 2 giai đoạn là giấc ngủ nông (cử động) và giấc ngủ sâu (không cử động). Trẻ sẽ dành khoảng 50% thời gian ngủ cho giấc ngủ nông. Vì vậy con dễ đánh thức bởi các tác nhân bên ngoài. Nếu mẹ để ý sẽ thấy, ở những tháng đầu đa số các bé đều ngủ không sâu, dễ bị giật mình.
- Trẻ có vấn đề sức khỏe: Các bệnh nội khoa như viêm tai giữa, trào ngược dạ dày, các bệnh liên quan đến thần kinh cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng xấu giấc ngủ của con. Khiến bé khó ngủ, trằn trọc, không sâu.
- Trẻ thiếu vi chất: Thiếu canxi, magie, kẽm, vitamin D3 cũng là nguyên nhân thường gặp ở trẻ sơ sinh rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, ở những bé thiếu sắt nguy cơ mắc hội chứng chân không yên cũng sẽ gặp tình trạng này. Vì chân hoạt động liên tục ngay khi trẻ không có ý thức.
- Môi trường xung quanh tác động: Trẻ sơ sinh nhạy cảm với môi trường ngoài vì vậy giấc ngủ của con dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ. Bé thường ngủ ít, ngủ không sâu giấc nếu trong phòng ngủ có nhiều tiếng ồn, ánh sáng, không gian bí bách, nóng nực, hoặc có các thiết bị điện tử đang hoạt động.
- Sự gián đoạn thói quen: Những thói quen khi ngủ của bé như massage, ôm ấp, vỗ về hoặc “bện” hơi mẹ nếu bị gián đoạn có thể khiến bé khó ngủ và ngủ không ngon.
- Bỏ lỡ thời gian ngủ của bé: Khi trẻ có các dấu hiệu buồn ngủ như chớp mắt, ngáp, quấy khóc, nhăn nhó nếu không được cho vào giấc con sẽ cáu gắt, mệt mỏi và ngủ ít hơn.
- Ngủ ngày cày đêm: Trẻ sơ sinh chưa thể phân biệt được ngày và đêm. Do đó, phần lớn các giấc ngủ của bé đều xuất phát từ nhu cầu. Trường hợp nếu trẻ ngủ ngày quá nhiều sẽ dẫn đến việc ban đêm ít ngủ, quấy khóc. Tình trạng này kéo dài vô tình hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến bé và những người thân.
Tác hại khi trẻ ngủ ít kéo dài
Với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là thời gian hoạt động chính của não bộ. Trong giấc ngủ, các tế bào não sẽ phát triển nhanh chóng, đạt khoảng 80% kích thước não của người trưởng thành khi 3 tuổi và khoảng 90% khi 5 tuổi. Do đó, nếu trẻ ngủ ít hoặc ngủ không ngon con sẽ có thể đối mặt với các vấn đề dưới đây:
- Ảnh hưởng phát triển não bộ: 80% tế bào sẽ được sản sinh trong 3 năm đầu. Vì vậy, việc trẻ sơ sinh không sâu giấc có thể đối mặt với các vấn đề như suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng khả năng học tập cũng như ngôn ngữ trong tương lai.
- Ảnh hưởng tinh thần: Trẻ thiếu ngủ thường hay quấy khóc, khó chịu. Điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của bé và các thành viên trong gia đình.
- Suy giảm miễn dịch: Khi ngủ, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ sản xuất ra các kháng thể chống lại bệnh tật. Vì vậy nếu trẻ sơ sinh nhất là các bé sinh non ngủ ít và ngủ không sâu thường sẽ mắc bệnh viêm nhiễm, ốm vặt.
- Chậm phát triển thể chất: Với trẻ sơ sinh, giấc ngủ không chỉ là quãng thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng mà đây còn là cách để hormone tăng trưởng tiết ra. Theo thống kế, lượng hormon tăng trưởng tiết ra khi ngủ cao hơn 4 lần khi thức. Trong đó 22-1h được xem là thời điểm vàng khi lượng hormone này đạt đỉnh. Người ta thấy, ở trẻ sơ sinh ngủ ít chiều cao cân nặng thường sẽ kém hơn những bé ăn ngon, ngủ kỹ.
- Ảnh hưởng cuộc sống gia đình: Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe bản thân, việc trẻ sơ sinh ngủ ít không sâu giấc còn khiến gia đình xáo trộn. Mẹ có nguy cơ stress, trầm cảm, ít hoặc mất sữa sau sinh vì phải thức đêm nhiều. Ngoài ra, các mối quan hệ giữa các thành viên cũng có thể căng thẳng, dễ xung đột.
Biện pháp để bé sơ sinh ngủ ngon và đủ giấc
Để cải thiện tình trạng ngủ ít và không sâu giấc ở trẻ sơ sinh mẹ có thể làm theo những cách sau:
1. Dạy bé phân biệt ngày đêm
Trẻ sơ sinh chưa thể phân biệt ngày, đêm vì vậy để bé ăn ngủ khoa học mẹ nên dạy con kỹ năng này.
Ban ngày:
- Cho bé hoạt động, chơi đùa thỏa thích
- Nói chuyện, tương tác với bé nhiều hơn
- Đảm bảo phòng ngủ có nhiều ánh sáng
- Cho con tiếp xúc với những âm thanh thông thường như tiếng tivi, radio,…
Ban đêm:
- Tạo không gian yên tĩnh
- Hạn chế tối đa ánh sáng, tiếng ồn
- Có thể sử dụng ánh sáng nhẹ và tiếng ồn trắng cho con
2. Cho bé ăn no trước giờ ngủ
Cho trẻ bú no trước giờ đi ngủ không chỉ cung cấp dưỡng chất để cơ thể bé hoạt động mà còn giúp con ngủ ngon và sâu giấc hơn. Do đó, hãy nhớ đảm bảo một chiếc bụng “no” cho bé mẹ nhé.
3. Mặc quần áo thoải mái
Làn da của bé nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi tác nhân lạ. Do đó, để bé ngủ ngon, hạn chế vặn mình quấy khóc mẹ nên chọn bộ quần áo tự nhiên, thoáng mát, tránh mặc nhiều lớp khiến trẻ khó chịu và không ngủ sâu.
4. Thay tã bỉm sạch sẽ
Trẻ sơ sinh ngủ ít ngủ không sâu giấc đôi khi là vì tã bẩn. Điều này khiến con khó chịu, cựa quậy liên tục. Do đó, nếu thử mọi cách mà bé vẫn không ngủ ngon mẹ nên kiểm tra lại tã. Ưu tiên những loại khô thoáng, có độ thấm hút tốt để bé dễ chịu.
5. Tạo thói quen tự ngủ cho bé
Mẹ có thể dạy con thói quen tự ngủ khi được 6-8 tuần tuổi. Phương pháp này khá hiệu quả, không chỉ giúp bé vào giấc nề nếp mà còn hạn chế tình trạng quấy khóc, giật mình khi không có mẹ kề bên.
6. Tạo không gian ngủ thoải mái
Muốn trẻ sơ sinh ngủ ngon, sâu giấc điều đầu tiên và quan trọng nhất là hãy tạo dựng cho bé không gian dễ chịu. Nhiệt độ phòng ngủ cần để vừa phải, không nóng, không lạnh, ánh sáng dịu nhẹ, không có tiếng ồn. Điều này có thể giúp bé vào giấc và ngủ tốt hơn.
7. Hát ru, vỗ về bé
Trẻ nhỏ thích được ôm ấp vỗ về. Vì vậy khi con khó ngủ mẹ hãy áp dụng tuyệt chiêu này hết hợp với việc hát ru. Điều này không chỉ sẽ giúp bé ngủ ngon mà còn kích thích não bộ phát triển mang đến lợi ích về mặt tinh thần. Trường hợp không biết hát ru mẹ có thể bật tiếng ồn trắng, kết hợp massage để bé chìm vào giấc ngủ tốt hơn.
8. Chú ý chế độ dinh dưỡng của mẹ
Trẻ sơ sinh chủ yếu nhận dinh dưỡng thông qua sữa mẹ. Vì vậy giai đoạn nuôi con bú nên đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn của mình, nhất là khi con ngủ ít hoặc ngủ không ngon. Một số thực phẩm mẹ nên thêm vào chế độ ăn của mình khi bé khó ngủ như hạt sen, hoa tam thất, ý dĩ,…
Lời kết:
Trẻ sơ sinh ngủ ít ngủ không sâu giấc có thể bắt nguồn từ các yếu tố khách và chủ quan. Việc phát hiện sớm nguyên nhân và có biện pháp khắc phục phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Vì vậy, bố mẹ hãy theo dõi thường xuyên, kịp thời có những biện pháp can thiệp để khắc phục sớm tình trạng này.