Nội dung chính

11 nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở trẻ và cách xử lý

Đau bụng phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ, đây là một trong số những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp tình trạng liên quan đến hệ tiêu hóa. Đôi khi cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ đau bụng quanh rốn kèm theo những biểu hiện như nôn ói, sốt cao, đầy bụng, ăn không tiêu nhưng không thể xác định được bé đang mắc bệnh gì. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho cha mẹ về 11 nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở trẻ và cách xử lý.

Các vị trí đau quanh rốn ở trẻ

Có thể bạn chưa biết? Có 2 cách phân chia vùng bụng đó là chia thành 4 vùng hoặc chia thành 9 vùng, tuy nhiên cách chia 9 vùng phổ biến và dễ nhận biết hơn cả. Khi đó vùng bụng được chia thành các phần:

  • Hạ sườn phải, hạ sườn trái
  • Thượng vị, hạ vị
  • Hông phải, hông trái
  • Vùng rốn
  • Hố chậu phải, hố chậu trái

Mỗi vùng bụng khác nhau chứa những cơ quan khác nhau, vì thế khi trẻ bị đau bụng ở mỗi vị trí sẽ biểu hiện một số những bệnh lý khác nhau. Đau bụng quanh rốn là tình trạng trẻ bị đau vùng rốn hoặc các khu vực lân cận. Đau bụng quanh rốn có thể do các cấu trúc xung quanh hoặc hệ tiêu hóa của trẻ có vấn đề.

Vị trí đau bụng của trẻ nói lên điều gì?
Vị trí đau bụng của trẻ nói lên điều gì?

Đặc điểm chung của đau bụng quanh rốn

Trẻ đau bụng quanh rốn ngoài đau bụng một cách âm ỉ, dữ dội, hoặc đau quặn thắt thì các triệu chứng liên quan có thể là:

  • Sốt
  • Đau di chuyển xuống bụng dưới bên phải
  • Đầy hơi hoặc chướng bụng
  • Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đau nặng hơn khi cử động như ho hoặc di chuyển

Đau quanh rốn thường do một số vấn đề ở vùng bụng dưới. Các cơ quan của trẻ có liên quan đến vùng bụng này bao gồm:

  • Manh tràng: đoạn cuối cùng của ruột già có chức năng hấp thụ chất lỏng và muối còn sót lại sau khi tiêu hóa.
  • Ruột thừa: là một ống nhỏ gắn vào manh tràng, ruột thừa đóng vai trò trong hệ miễn dịch và giúp phục hồi hệ tiêu hóa.
  • Đại tràng đi lên: thuộc ruột già
  • Niệu quản phải: là một ống dài và mỏng giúp vận chuyển nước tiểu từ thận đến bàng quan
Cấu trúc hệ tiêu hóa của trẻ
Cấu trúc hệ tiêu hóa của trẻ

Những nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng quanh rốn và cách xử lý

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ em bị đau bụng quanh rốn:

Đầy bụng, khó tiêu

Trẻ đầy hơi khó tiêu gây đau bụng quanh rốn ở trẻ
Trẻ đầy hơi khó tiêu gây đau bụng quanh rốn ở trẻ

Đau bụng do đầy bụng, khó tiêu là tình trạng thường gặp ở trẻ em ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân này chủ yếu do chế độ ăn uống của trẻ. Trẻ ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, trẻ ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc quá cay, trẻ uống nhiều đồ uống có gas. Các thực phẩm như đậu hay cam, quýt, caffein (socola) cũng có thể gây ra khí gây đầy hơi, chướng bụng. Ngoài việc điều trị bằng thuốc kháng sinh cho trẻ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ là đau bụng râm ran quanh rốn kèm theo khó chịu và chướng bụng ngay sau khi ăn. Mẹ dùng tay vỗ nhẹ vào bụng bé thấy có âm vang như tiếng trống. Ngoài ra bé cũng có thể buồn nôn hoặc hay ợ hơi, xì hơi nhiều lần.

Cách xử lý

Thay đổi chế độ ăn: chia nhỏ bữa ăn hàng ngày của trẻ, ít hơn nhưng thường xuyên hơn. Hãy cho trẻ ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, hạn chế ăn các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, hạn chế uống nước có gas.

Giúp bé giảm đầy hơi: Massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ, chườm nóng bụng bé là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ giảm đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra cho trẻ ợ hơi, xì hơi cũng là cách khá hiệu quả.

Táo bón

Trẻ bị táo bón thường bị đau bụng quanh rốn hoặc phần dưới bên trái của bụng
Trẻ bị táo bón thường bị đau bụng quanh rốn hoặc phần dưới bên trái của bụng

Có thể mẹ không biết, táo bón là một trong những nguyên nhân chính gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em. Chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, ít hoạt động, vận động là lý do chính khiến bé bị táo bón.

Triệu chứng

Trẻ bị táo bón thường bị đau bụng quanh rốn hoặc phần dưới bên trái của bụng, ngoài ra trẻ sẽ còn có thêm một số dấu hiệu dễ nhận biết như:

  • Tần suất đi cầu ít hơn 3 lần một tuần
  • Phân cứng, hoặc nứt mặt, nhỏ như phân dê
  • Trẻ phải gồng mình, rặn đỏ mặt khi đi cầu

Cách xử lý

Thay đổi chế độ ăn: cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ, quả, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.

Thay đổi chế độ sinh hoạt: tăng cường vận động cho trẻ, tập cho trẻ thói quen đi cầu

Sử dụng thuốc: khi tình trạng táo bón của bé không cải thiện, các bác sĩ có thể kê cho bé các loại thuốc làm mềm phân, hoặc thuốc nhuận tràng để giúp bé dễ dàng đi cầu hơn.

Stress

Tin được không, trẻ bị stress cũng có thể gây đau bụng
Tin được không, trẻ bị stress cũng có thể gây đau bụng

Khi trẻ căng thẳng hoặc lo lắng, trẻ có thể cảm thấy đau bụng. Những cơn đau bụng thường xuất hiện không rõ nguyên nhân, trẻ chỉ có thể biết là bụng của trẻ đang rất đau. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ gặp xáo trộn về mặt tâm lý, dễ nhạy cảm hoặc gặp phải áp lực.

Triệu chứng

Đau bụng khởi phát ở xung quanh rốn sau đó lan rộng ra từ thượng vị đến hạ vị. Cơn đau thường âm ỉ và râm ran.  Ngoài ra trẻ còn có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, bồn chồn, lo lắng hoặc thậm chí trẻ sẽ chóng mặt, nôn mửa.

Cách xử lý

Cách tốt nhất để xử lý đau bụng ở trẻ trong trường hợp này đó là giúp trẻ cảm thấy thoải mái và giải tỏa căng thẳng, lo lắng ở trẻ. Cha mẹ hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết triệt để những yếu tố khiến trẻ bị stress thì tự khắc đau bụng cũng sẽ biến mất.

Viêm ruột thừa

Hình ảnh ruột thừa bị viêm
Hình ảnh ruột thừa bị viêm

Viêm ruột thừa thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi, nhất là ở trẻ lớn. Viêm ruột thừa ban đầu dễ bị nhầm lẫn với đau bụng thông thường nên điều quan trọng nhất là cha mẹ cần quan sát và nhận biết sớm để có thể xử lý kịp thời.

Triệu chứng

Đầu tiên, trẻ sẽ có cơn đau bắt đầu từ vị trí quanh rốn sau đó lan dần xuống vùng hố chậu phải. Cơn đau thường dữ dội, liên tục, thậm chí chỉ một cử động nhẹ cũng khiến trẻ đau đớn. Tuy nhiên, nhiều trẻ không thể nhận biết được vị trí đau mà chỉ quấy khóc và kêu đau. Do đó, cần quan sát thêm một số triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ để dễ nhận biết:

  • Vùng bụng của trẻ sưng lên
  • Trẻ chán ăn, không muốn ăn trong nhiều ngày liền
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Thường xuyên buồn đi tiểu

Cách xử lý

Viêm ruột thừa bắt buộc phải điều trị bằng phẫu thuật. Cắt bỏ ruột thừa hiện nay là thủ thuật đơn giản và nhanh hồi phục do đó cha mẹ không cần quá lo lắng. Điều quan trọng nhất là phải nhận biết sớm để tránh ruột thừa bị vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thức ăn
Triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng xảy ra sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc các chất gây ngộ độc. Tình trạng này rất hay gặp ở trẻ em vì trẻ thường không kiểm soát và nhận biết được những gì mình đang ăn.

Triệu chứng

Bé đau bụng quanh rốn dữ dội, đôi khi đau đến mức gập bụng vì cảm thấy co rút trong ruột kèm theo triệu chứng buồn nôn hoặc nôn mửa. Thông thường ngộ độc thực phẩm sẽ gây tiêu chảy kéo dài gây mất nước và khô niêm mạc. Ngoài ra trẻ sẽ thấy chóng mặt, mệt mỏi, đôi khi còn sốt cao đến 40 độ C.

Cách xử lý

Biện pháp xử lý đầu tiên khi trẻ bị ngộ độc thức ăn đó là gây nôn cho trẻ. Nếu bé tự nôn được thì sẽ rất tốt, còn nếu không cha mẹ hãy cố gắng gây nôn cho trẻ. Sau đó, hãy bổ sung thêm nước và điện giải bằng oresol để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Cho trẻ uống từng ít một để trẻ đỡ buồn nôn và nôn.

Lưu ý không dùng thuốc cầm đi ngoài cho trẻ trong trường hợp này vì đôi khi vi khuẩn hoặc độc tố gây ngộ độc vẫn còn lưu lại trong hệ tiêu hóa của bé khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Viêm dạ dày, ruột

Viêm dạ dày, ruột hay còn gọi là bệnh cúm dạ dày. Bệnh thường khởi phát do bé bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Viêm dạ dày ruột ở trẻ
Viêm dạ dày ruột ở trẻ

Triệu chứng

Ngoài việc đau bụng quanh rốn, trẻ còn có thể xuất hiện triệu chứng như sau:

  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Da đổ mồ hôi
  • Buồn nôn, nôn mửa

Cách xử lý

Viêm dạ dày, ruột thường không cần phải điều trị y tế. Các triệu chứng bệnh sẽ tự biến mất chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp kéo dài trẻ sẽ mất nước nghiêm trọng. Vì vậy mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm hơn.

Viêm loét dạ dày

Trẻ bị đau bụng quanh rốn có thể là do viêm loét dạ dày. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori hoặc dùng aspirin trong thời gian dài. Loét dạ dày không chỉ gây ra các cơn đau quanh rốn mà còn kéo dài đến tận xương ức.

Triệu chứng

Một vài triệu chứng có thể nhận biết được bệnh gồm:

  • Ợ hơi
  • Ăn không ngon
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Cách xử lý

Với bệnh viêm loét dạ dày mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm phương án điều trị phù hợp. Một số loại thuốc có thể sẽ được chỉ định trong trường hợp này gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc chẹn thụ thể histamin
  • Chất bảo vệ, chẳng hạn như sucralfate

Viêm tụy cấp

Trẻ em đau bụng quanh rốn cũng không loại trừ nguyên nhân viêm tụy. Theo các chuyên gia, tình trạng này khởi phát là do tuyến tụy bị viêm dẫn đến tổn thương ở tế bào nang. Bệnh nếu kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng bé. Vì vậy mẹ cần chú ý phòng ngừa và điều trị sớm cho con.

Trẻ bị viêm tụy cấp có thể nguy hiểm tính mạng
Trẻ bị viêm tụy cấp có thể nguy hiểm tính mạng

Dấu hiệu

Ngoài đau bụng, trẻ viêm tụy cấp còn có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Nhịp tim nhanh
  • Người mệt mỏi
  • Ớn lạnh

Cách xử lý

  • Viêm tụy nhẹ thường được điều trị bằng cách cho bé nghỉ ngơi, truyền dịch tĩnh mạch hoặc dùng các thuốc giảm đau
  • Đối với những trường hợp nặng bé sẽ có thể nhập viện và đặt ống vào dạ dày rút dịch. Bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn, nuôi qua đường dẫn tĩnh mạch hoặc đặt ống xông đặc biệt ở trong dạ dày trong thời gian này.

Thoát vị rốn

Thoát vị rốn ở trẻ là hiện tượng mô bụng phình ra thông qua lỗ hở quanh rốn của bé. Theo các chuyên gia, thoát vị rốn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh đôi khi cũng sẽ xuất hiện ở các bé lớn. Khi trẻ mắc phải thoát vị rốn sẽ gây ra hiện tượng đau bụng quanh rốn hoặc tại vị trí thoát vị.

Dấu hiệu

Ngoài bị đau bụng quanh rốn, trẻ còn có những dấu hiệu như sau:

  • Bụng to, tròn, đầy hơn bình thường
  • Vùng da thoát vị sưng phù và đỏ
  • Trẻ sốt
  • Nôn
  • Khó đi ngoài

Xử lý

Hầu hết thoát vị rốn nhẹ sẽ tự cải thiện khi trẻ lên 2. Khi bé lớn lên, cơ thành bụng khỏe có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng vì vậy thoát vị sẽ tự biến mất. Tuy nhiên với trường hợp nặng bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, tiến hành rạch một đường nhỏ tại cơ của khối thoát vị.

Tắc ruột non

Tắc ruột non là tình trạng một phần hoặc toàn bộ ruột non của bé bị tắc. Tình trạng này có thể khiến cho thức ăn không tiến sâu được vào đường tiêu hóa. Nếu không điều trị có thể chuyển biến nghiêm trọng. Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tắc ruột ở trẻ bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Thoát vị
  • Khối u
  • Viêm ruột
  • Mô sẹo từ lần phẫu thuật bụng trước
Tắc ruột non gây nhiều khó chịu cho bé
Tắc ruột non gây nhiều khó chịu cho bé

Triệu chứng

Ngoài tình trạng trẻ đau bụng quanh rốn, bé còn có thể xuất hiện triệu chứng như sau:

  • Sốt
  • Tăng nhịp tim
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Đầy hơi
  • Mất nước
  • Ăn không ngon
  • Táo bón nặng

Xử lý

Nếu mắc phải chứng tắc ruột, mẹ cần cho bé nhập viện. Tùy vào tình trạng từng bé mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc để giảm buồn nôn. Ngoài ra, giải nén ruột cũng là thủ thuật được áp dụng nhiều, giúp giảm áp lực trong ruột của con, từ đó cải thiện cơn đau hiệu quả.

Phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau bụng quanh rốn ở trẻ em. Tình trạng này khởi phát là do động mạch chủ suy yếu hoặc bị phình ra. Theo các chuyên gia đây là tình trạng hết sức nguy hiểm có thể đe dọa tình mạng của con nếu như động mạch bị vỡ, khiến máu chảy vào nội tạng.

Dấu hiệu

Khi động mạch chủ phình lớn, ngoài việc xuất hiện cơn đau ở vùng quanh rốn bé còn có những triệu chứng khác như:

  • Khó thở
  • Huyết áp thấp
  • Tăng nhịp tim
  • Ngất xỉu
  • Yếu một bên cơ thể

Cách xử lý

Với những trường hợp bệnh nhẹ bác sĩ có thể đề nghị điều trị nội khoa. Tuy nhiên với trường hợp nặng bé sẽ có thể phải làm các phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật mổ mở
  • Đặt giá đỡ stent graft động mạch chủ

Cách chẩn đoán tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Để xác định tình trạng trẻ bị đau bụng quanh rốn, bác sĩ sẽ phải tiến hành xem xét tiền sử bệnh lý và làm một số kiểm tra thể chất như sau:

Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh
Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh
  • Xét nghiệm máu để đánh giá số lượng tế bào máu và độ điện giải
  • Phân tích nước tiểu để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu hoặc sỏi thận
  • Xét nghiệm mẫu phân để kiểm tra bệnh
  • Xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, CT để đánh giá các cơ quan trong bụng của bé

Trẻ bị đau bụng quanh rốn mẹ nên làm gì?

Đau bụng quanh rốn ở trẻ em không thể xem thường. Bởi nó có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy ngay khi thấy trẻ đau bụng quanh rốn kèm theo triệu chứng đi ngoài lẫn máu, lười ăn, đầy hơi mẹ cần nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ.

Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho bé mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định từ phía chuyên gia. Việc dùng thuốc trước khi thăm khám có thể sai lệch kết quả, đặc biệt với những trường hợp đau bụng quanh rốn cần phải cấp cứu như lồng ruột, tắc ruột, thoát vị,…

Bên cạnh đó, mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp khi phát hiện chúng.

Trên đây là 11 nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cha mẹ cũng không nên chủ quan và coi thường vì rất đôi khi tình trạng của trẻ có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ cha mẹ nhé.

Chia sẻ bài viết này