Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ, nhất là trong mùa đông lạnh. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến bé nhập viện và gây tử vong. Để có thể phòng ngừa và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây.
>>> Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì? Kiêng gì để nhanh phục hồi
Viêm phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi khi virus, vi khuẩn tấn công tạo ra những ổ nhiễm trùng. Theo thống kê của của WHO, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ mỗi năm. Số ca tử vong vì bệnh còn cao hơn do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ nhỏ tử vong vì bệnh. Điều này có nghĩa là cứ 20s trôi qua trên thế giới sẽ có 1 bé tử vong vì viêm phổi.
Vi khuẩn chủ yếu gây bệnh viêm phổi là phế cầu khuẩn. Bệnh thường khởi phát sau khi trẻ bị cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đối với hầu hết các bé khỏe mạnh, viêm phổi sẽ khỏi sau 2-3 tuần. Nhưng trong một số trường hợp trẻ sẽ ốm nặng và phải nhập viện. Đối với trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc các tình trạng sức khỏe khác viêm phổi có thể là một bệnh lý nghiêm trọng.
Viêm phổi ở trẻ em có mấy dạng?
Bệnh viêm phổi ở trẻ em được chia thành hai thể cơ bản:
- Viêm phổi thùy: Là tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong các mô phổi, ống phế nang, túi phế nang và phế quản tận cùng. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ có đề kháng yếu như suy dinh dưỡng, có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào đông xuân
- Viêm phổi phế quản: Là tình trạng viêm nhiễm cấp xảy ra trong phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ. Bệnh thường phát triển rất nhanh và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không phát hiện và trị đúng cách. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là sơ sinh dưới 2 tháng dễ mắc bệnh này
Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ em
Theo tổ chức y tế thế giới, các nước Đông Nam Á có tỉ lệ viêm phổi cao gấp 7 lần các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus, vi khuẩn gây ra. Cụ thể:
- Ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi thường do vi khuẩn như Streptococcus nhóm B, Listeria monocytogenes, H.influenza.s, Branhamella Catarrhalis, S.aureus. Ở trẻ dưới 2 tháng, thông thường là do vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae. Coli, vi khuẩn gram âm. Viêm phổi do vi khuẩn tiến triển rất nhanh, triệu chứng cũng sẽ nặng hơn so với virus. Bởi sau khi xâm nhập, vi khuẩn sẽ di chuyển tới các thùy phổi và khu trú ở đây. Sau đó, bắt đầu quá trình phát triển, nhân lên
- Đối với nhóm trẻ từ 5-15 tuổi, viêm phổi chủ yếu do virus như RSV, H.influenzae,… So với các yếu tố gây bệnh viêm phổi khác, viêm phổi do virus xảy ra chậm và ít nghiêm trọng hơn. Có khoảng 50% trường hợp viêm phổi là do virus gây ra. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh lại dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường. Đó cũng là lý do vì sao nhiều bé bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị, dẫn đến mất nhiều thời gian
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì viêm phổi ở trẻ em còn do ký sinh trùng, lao, nấm, môi trường sống ô nhiễm, có nhiều khói bụi, thường xuyên hít phải khí độc dẫn đến phản ứng viêm ở cơ quan hô hấp hoặc do trẻ dùng chung đồ với người bệnh.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi thường gặp
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là bệnh phức tạp. Triệu chứng mỗi bé có thể khác nhau. Do đó, việc nhận biết sớm cần đến kiến thức đầy đủ và sự chăm sóc quan sát tình trạng sức khỏe thường xuyên. Dưới đây là triệu chứng viêm phổi ở trẻ em.
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
- Sốt cao trên 39 độ
- Mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục
- Tình trạng khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường. Thậm chí một số bé còn phải co bóp vùng bụng để cố gắng lấy nhiều oxy
- Ho khan vào thời gian đầu, sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh
- Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do thiếu oxy
- Nôn trớ hoặc tiêu chảy
- Bỏ bú hoặc bú ít
Hình ảnh trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nhỏ
- Thở rất nhanh
- Thở rít hoặc thở khò khè, thở khó khăn
- Sốt
- Ho
- Nghẹt mũi
- Ớn lạnh
- Nôn ói
- Đau tức ngực
- Đau bụng, tiêu chảy
- Mệt mỏi, ít vận động
- Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon
- Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám
Ở hầu hết các trường hợp viêm phổi, trẻ đều sẽ có triệu chứng thở nhanh. Dưới đây là cách xác định trẻ có thở nhanh hay không.
- Trẻ <2 tháng: Nhịp thở >=60l/phút
- Trẻ 2 tháng đến <12 tháng: Nhịp thở >=50l/ phút
- Trẻ 12 tháng đến <5 tuổi: Nhịp thở >=40l/ phút
- Trẻ lớn hơn 5 tuổi: Nhịp thở >=30l/ phút
Không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều phải nhập viện. Trẻ có thể được thăm khám và theo dõi điều trị tại nhà nếu mức độ nhẹ. Trường hợp có các dấu hiệu như đột nhiên bỏ bú/bú kém/bỏ ăn/không ăn uống được, co giật, ngủ li bì,… bố mẹ cần quan sát kỹ. Nếu bé xuất hiện triệu chứng thở rút lõm lồng ngực thì nhanh chóng đưa con tới viện kiểm tra. Bởi đây là triệu chứng cho thấy cơ quan hô hấp đã bị ảnh hưởng rất nặng.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có nguy hiểm không?
Viêm phổi là bệnh vô cùng nguy hiểm. Có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho bé trên nhiều cơ quan. Cụ thể như:
- Nhiễm trùng máu: Đây là biến chứng được xếp vào hàng nguy hiểm. Tình huống nghiêm trọng nhất có thể xảy ra là sốc nhiễm trùng, gia tăng nguy cơ đột tử do tim không đủ khả năng bơm máu tới các cơ quan
- Tràn dịch màng phổi: Trẻ bị viêm phổi nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến sưng màng phổi, gặp cơn đau nhói khi hít vào. Nếu lượng dịch trong khoang phổi nhiều quá mức sẽ làm tràn dịch
- Áp xe phổi: Cũng là biến chứng có thể xảy ra ở trẻ viêm phổi khi có hiện tượng tích tụ túi mủ. Mặc dù biến chứng này ít gặp nhưng vẫn cần phải cảnh giác nhất là những bé sinh non, suy yếu miễn dịch
- Suy hô hấp nặng: Khi bị viêm phổi trẻ sẽ không đủ oxy trong máu. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bé bị suy hô hấp, rất dễ đe dọa tính mạng do không có đủ oxy cho các cơ quan duy trì hoạt động
- Suy thận: Viêm phổi một khi gây sốc nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn huyết sẽ khiến cho tim không thể bơm máu cho thận. Kết quả là suy thận. Mặc dù đây là biến chứng không mấy phổ biến nhưng nó lại rất nghiêm trọng vì nếu không đủ máu, khả năng hoạt động của thận sẽ dừng
- Viêm màng não: Khi viêm phổi chuyển nặng, các loại vi khuẩn tấn công mạnh mà cơ thể bé không đủ đề kháng chống cự. Vì thế để lâu có thể gây ra di chứng không thể phục hồi như rối loạn thần kinh, tổn thương não, bị mù, điếc, không khả năng vận động,…
Cách chẩn đoán bệnh viêm phổi ở trẻ em
Có nhiều trường hợp viêm phổi không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy bác sĩ sẽ phải dựa vào tình trạng của bệnh để chỉ định xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Cụ thể:
Khám lâm sàng
- Bác sĩ tiến hành thăm hỏi bệnh lý, nhất là các dấu hiệu như ho, khó thở, sốt,…
- Đếm nhịp thở của bé để xem nhanh hay chậm
- Nghe phổi để tìm âm thanh bất thường
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng phổi thông qua số lượng bạch cầu
- Nuôi cấy đờm: Tìm vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng phổi. Từ đó để kê kháng sinh phù hợp
- Chụp X quang ngực: Để kiểm tra tổn thương tại các nhu mô của phế quản, mô kẽ phổi
- Chụp CT: Phương pháp này có vai trò đặc biệt quan trọng để chẩn đoán đám mờ ở phổi. Tìm ra tổn thương dù là nhỏ nhất mà phim X quang không thấy
- Nội soi phế quản: Đây là thủ thuật giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp bằng ống nội soi để chẩn đoán các bệnh về phổi. Ngoài ra, thủ thuật này cũng cho phép lấy mẫu mô, tế bào hoặc dịch của phổi
Điều trị viêm phổi ở trẻ em thế nào?
Viêm phổi nếu được điều trị đúng cách có thể hạn chế được các biến chứng nguy hiểm. Nhìn chung, đa số các ca viêm phổi hiện nay đều được điều trị nội khoa kết hợp với việc chăm sóc tại nhà. Cụ thể:
Điều trị nội khoa
Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, khí dung, long đờm, hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu cho bé. Thuốc điều trị thường được sử dụng trong thời gian dài, tùy vào chỉ định của bác sĩ theo mức độ bệnh của trẻ. Một số loại thuốc thường được kê cho bệnh nhân viêm phổi bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ sẽ phải mất một thời gian để xác định được vi khuẩn gây ra tình trạng viêm phổi và chọn kháng sinh tốt nhất để trị. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bác sĩ sẽ đề nghị một loại kháng sinh khác
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Bác sĩ có thể cho bé dùng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và acetaminophen (Tylenol, những loại khác) để hỗ trợ giảm đau, hạ sốt hiệu quả
Điều trị tại nhà
Ngoài việc điều trị bằng thuốc, mẹ cũng có thể chăm sóc tại nhà để bé cải thiện triệu chứng.
- Hạ sốt cho trẻ: Mẹ nên tích cực chườm ấm để giúp bé hạ sốt nhanh. Trường hợp sốt trên 38,5 thì hãy cho con uống thuốc. Ngoài ra, khoảng thời gian này mẹ nên cho bé uống nhiều nước hơn để làm loãng đờm
- Vỗ đờm: Vỗ lưng khi trẻ bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn lượng máu trong phổi. Từ đó giúp đờm long ra và thải ra ngoài. Cha mẹ nên thực hiện biện pháp này trước ăn hoặc sớm hơn 1 giờ sau ăn để tránh gây nôn bằng cách khum bàn tay lại. Vỗ trái rồi phải khoảng 3-5 phút
- Hướng dẫn trẻ ho: Với trẻ lớn hơn mẹ nên hướng dẫn các bé tập ho để thông đường thở, đẩy chất xuất tiết ra ngoài. Đầu tiên hãy cho bé ngồi dậy, ngả đầu nhẹ về phía trước. Sau đó hít vào, mở miệng ra và thót cơ bụng để ho thật sâu. Trẻ nên hít vào lần nữa và tiếp tục ho đến khi khạc đờm ra ngoài
Một số câu hỏi thường gặp
Xét nghiệm máu có biết trẻ bị viêm phổi không?
Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng thông qua số lượng bạch cầu. Bác sĩ có thể lấy máu từ ven nuôi cấy, xác định vi khuẩn gây bệnh trong trường hợp có biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, để xác định loại vi khuẩn gây bệnh phải cần dùng đến xét nghiệm dịch đờm
Trẻ sơ sinh bị ho có phải viêm phổi?
Các triệu chứng viêm phổi phổ biến ở trẻ sơ sinh là ho và ho có đờm. Tuy nhiên các triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Thông thường để xác định trẻ có bị viêm phổi hay không bác sĩ thường sẽ dựa vào các dấu hiệu như bú kém, sốt cao, hạ thân nhiệt, thở nhanh/ 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở.
Viêm tiểu phế quản có phải viêm phổi?
Viêm tiểu phế quản và viêm phổi có một số triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Viêm phế quản sẽ gây viêm ở các ống nhỏ trong phổi. Còn viêm phổi là nhiễm trùng bên trong phế nang.
Viêm phổi có phải nằm viện không?
Không phải tất cả trường hợp trẻ bị viêm phổi đều phải nằm viện. Bé vẫn có thể điều trị tại nhà nếu mức độ nhẹ để tránh lây nhiễm thêm nhiều vi khuẩn, virus trong viện.
Viêm phổi có phải uống kháng sinh không?
Thông thường các đợt viêm phổi cấp đều do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây ra. Vì vậy bé cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn triệu chứng trong vòng 7-14 ngày. Đối với bệnh nhân viêm phổi nặng kèm theo biểu hiện khó thở, thở rút thì phải dùng thuốc trong vòng 15-20 ngày.
Viêm phổi có thể tự khỏi không?
Bệnh viêm phổi có thể tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp tử vong. Vì thế, bế bé có triệu chứng bệnh bố mẹ không nên chủ quan. Cách tốt nhất là đưa bé tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chỉ định phương pháp điều trị.
Bệnh viêm phổi có chữa được không?
Bệnh viêm phổi có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên trong một số trường hợp khi bệnh đã chuyển biến nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Bệnh viêm phổi có tái phát không?
Viêm phổi là bệnh tái đi tái lại nhiều lần nếu mẹ không biết cách nâng đề kháng cũng như hạn chế tác nhân gây bệnh cho con. Trường hợp tái phát nhiều lần bé có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Trẻ bị viêm phổi có nên nằm quạt?
Trẻ bị viêm phổi thường có triệu chứng nóng sốt kèm theo. Vì vậy bé hoàn toàn có thể nằm quạt để tăng tốc độ bay mồ hôi trên da, gián tiếp mang đến lợi ích hạ sốt. Tuy nhiên việc nằm quạt này cần phải tuân theo những nguyên tắc như: không cho quạt chĩa thẳng người, mức độ gió vừa phải,…
Viêm phổi ở trẻ em có lây không?
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan. Bệnh chủ yếu lây từ người sang người thông qua giọt bắn khi nói chuyện và tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây truyền giáp tiếp thông qua việc dùng chung đồ cá nhân với người bị bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo,…
Triệu chứng ban đầu của viêm phổi ở trẻ em thường khó phân biệt với bệnh viêm đường hô hấp. Do đó, dẫn đến không ít trường hợp bỏ qua khoảng thời gian vàng trong việc điều trị. Đến khi phát hiện thì các triệu chứng của bệnh đã nặng và để biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cách tốt nhất là mẹ tiêm phòng đầy đủ cho con theo khuyến cáo của Bộ y tế để hạn chế tác nhân gây bệnh.