Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau, khi đó, cha mẹ nên bình tĩnh và xử lý đúng cách. Hãy theo dõi bài viết sau của Fitobimbi để biết được nguyên nhân cụ thể, đồng thời có được đáp án chi tiết cho câu hỏi “Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ phải làm sao”.
- Bé nóng đầu nhưng không sốt là hiện tượng gì? Xử lý ra sao?
- 11 mẹo hạ sốt cho trẻ bằng phương pháp dân gian tại nhà
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sốt
Sốt một hiện tượng thường gặp ở trẻ em, do hệ thống miễn dịch chống lại sự tấn công của virus hay vi khuẩn. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác thường được đề cập đến khi trẻ bị sốt đó là tiêm vacxin, mọc răng, tác dụng phụ của một số loại thuốc…
Trẻ bị sốt sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình sau đây:
- Da nóng: Chạm vào da sẽ thấy nóng hơn bình thường.
- Rùng mình: Có thể là dấu hiệu ban đầu của sốt.
- Đổ mồ hôi: Phản ứng của cơ thể trẻ nhằm hạ sốt.
- Nôn trớ: Dạ dày trẻ có thể bị kích thích dẫn đến nôn trớ.
- Tiêu chảy: Khi sốt trẻ có thể bị đau bụng và tiêu chảy.
- Đau họng: Đây là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị sốt.
- Chảy nước mũi: Trẻ có thể bị chảy rất nhiều nước mũi khi bị sốt.
- Quấy khóc: Trẻ bị sốt thường đau nhức cơ thể, khó chịu và quấy khóc.
- Biếng ăn: Khi bị sốt trẻ sẽ bị giảm cảm giác thèm ăn, không muốn ăn.
- Khó ngủ: Trẻ cảm thấy bứt rứt từ đó dẫn đến khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Nhiệt độ: Từ 37,5 – 38 độ C sốt nhẹ; 38,5 – 39 độ C sốt vừa; từ 39 độ C sốt cao.
- Mệt mỏi: Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, mất nước, tiêu hao năng lượng khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi.
- Triệu chứng khác: Trẻ bị sốt da thường nhợt nhạt, mắt trũng, môi khô, đi tiểu ít hơn bình thường và nước tiểu có màu sẫm.
Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ?
Sốt là phản ứng bình thường để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn… Khi trẻ bị sốt, cha mẹ sẽ thực hiện đủ biện pháp để hạ sốt, trong đó có uống thuốc. Tuy nhiên, không ít trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ, nguyên nhân có thể liên quan đến thuốc, trẻ mắc bệnh nguy hiểm, cách chăm sóc của cha mẹ…
Thuốc
Liều lượng không phù hợp: Để thuốc phát huy hết tác dụng hạ sốt thì cha mẹ cần cho trẻ uống đúng liều lượng, nếu không sẽ dẫn đến việc trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ, khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Thậm chí, có trường hợp uống thuốc không đúng liều lượng (quá liều) còn gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Uống thuốc sai thời điểm: Có những loại thuốc phải uống trước hoặc sau khi uống để thuốc được hấp thu tốt nhất. Nếu cha mẹ cho trẻ uống thuốc không đúng thời điểm mà bác sĩ đã chỉ định thì thuốc cũng khó có thể mang lại hiệu quả hạ sốt như mong muốn.
Loại thuốc không phù hợp: Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ có thể do loại thuốc đó không phù hợp. Cha mẹ cũng biết rằng, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt, nếu cha mẹ tự mua và loại thuốc đó không phù hợp sẽ khó có tác dụng hạ sốt, đôi khi còn khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Cơ thể không thể hấp thu thuốc qua đường uống: Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ có thể do cơ thể không hấp thu thuốc qua đường uống do trẻ mắc bệnh lý đường tiêu hóa hay nôn ói quá nhiều. Khi đó, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chuyển sang loại thuốc hạ sốt đường hậu môn hoặc tiêm, truyền.
Thuốc hết hạn hay bảo quản không tốt: Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ. Khi thuốc hết hạn, các thành phần trong thuốc có thể bị phân hủy hoặc thay đổi cấu trúc, từ đó giảm hiệu quả, có khi còn trở nên độc hại. Ngoài ra, thuốc bị nhiễm khuẩn hay nấm mốc do không được bảo quản tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Bệnh nguy hiểm
Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể mắc một số bệnh nguy hiểm như suy tim, suy thận, thiếu máu, lao, ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh tự miễn… Một số trẻ bị nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng máu, viêm phổi…), thuốc thông thường có thể không đủ mạnh để hạ sốt.
Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ (từ 2 – 7 ngày) cũng có thể do bị sốt xuất huyết. Virus xâm nhập vào cơ thể, tấn công và phá vỡ hàng loạt tế bào hồng cầu, trong khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể trẻ sẽ sản sinh kháng thể tạo ra chất sốt nội sinh, tác động đến trung tâm điều khiển nhiệt làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao và rất khó hạ.
Chăm sóc không đúng cách
Trẻ còn rất nhỏ để có thể chăm sóc cho mình khi bị sốt mà sẽ cần đến sự chăm sóc của người lớn. Cho nên, nếu người lớn chăm sóc không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả giảm sốt sau khi uống thuốc, dẫn đến tình trạng trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Chẳng hạn, không ít cha mẹ sợ trẻ lạnh cho nên mặc quần áo quá dày, đi tất hay ủ ấm quá mức cho trẻ khi bị sốt. Tuy nhiên, các lớp vải dày có thể sẽ cản trở quá trình khuếch tán nhiệt của cơ thể ra bên ngoài môi trường, quá trình hạ nhiệt diễn ra chậm hơn dẫn đến việc trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ.
Trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ phải làm sao?
Trường hợp trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ, cha mẹ nên thực hiện những biện pháp sau để cải thiện và đảm bảo an toàn cho trẻ:
Tăng cường bổ sung nước: Bổ sung nước là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa thiếu nước khi trẻ bị sốt, nhất là sốt cao không hạ. Bổ sung nước cũng sẽ giúp cơ thể trẻ có thể làm mát khi nhiệt độ tăng cao. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa mẹ, nước trái cây…
Lau cơ thể cho trẻ bằng khăn ấm: Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên lau cơ thể trẻ bằng khăn ấm và mềm. Lau khắp người và tập trung vào các vùng da có nhiều mạch máu như nách, trán, bẹn, lòng bàn tay và chân. Tuyệt đối không thêm rượu vào nước lau rửa, tránh nguy cơ trẻ hít phải hơi rượu và bị hôn mê.
Mặc cho trẻ quần áo mềm mỏng: Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên lựa chọn quần áo mềm mỏng, thoáng mát, dễ chịu để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt qua da. Không nên mặc đồ quá dày và đắp chăn khi trẻ bị sốt cao, như vậy sẽ cản trở quá trình hạ nhiệt tự nhiên của cơ thể, thậm chí có khả năng khiến trẻ bị co giật.
Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát: Khi trẻ bị sốt thường cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người. Cha mẹ nên cho trẻ nằm nghỉ ở nơi sạch sẽ, không khí lưu thông tốt và điều chỉnh nhiệt độ phòng sao cho phù hợp.
Cha mẹ nên kiểm tra lại hướng dẫn sử dụng thuốc để đảm bảo rằng đã cho trẻ uống đúng và đủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ kèm một số triệu chứng sau đây thì cha mẹ không nên chủ quan, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cụ thể:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Đo nhiệt độ cơ thể trẻ thấy vượt quá 40 độ C
- Trẻ bị sốt cao và liên tục trong vòng 3 ngày
- Uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ sau 2 tiếng
- Trẻ biểu hiện như lừ đừ, mệt mỏi, khó thở, đau đầu, cứng cổ, chóng mặt, nổi hồng ban, không muốn uống nước
Trong vòng 24 giờ, cha mẹ nên cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để gặp bác sĩ chuyên khoa, thăm khám và điều trị kịp thời nếu:
- Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi (trừ trường hợp trẻ vừa đi tiêm phòng)
- Sốt kéo dài hơn 24 giờ mà không rõ nguyên nhân, nhất là trẻ dưới 2 tuổi
- Trẻ hạ sốt trong vòng 24 giờ, tuy nhiên, trẻ bị tái sốt, sốt cao hơn ngay sau đó
Một vài lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt
Chăm sóc trẻ bị sốt là điều quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như sự thoải mái cho trẻ. Sau đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt mà cha mẹ nên biết:
- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ để kịp thời phát hiện sự thay đổi bất thường.
- Mặc cho trẻ quần áo thoải mái, thoáng mát và đảm bảo phòng ngủ thông thoáng, không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Cho trẻ uống nước đầy đủ, nước trái cây hoặc dung dịch bù nước để tránh mất nước khi bị sốt.
- Cho trẻ ăn đồ mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp và đồ ăn có tính mát, tốt cho cơ thể như trái cây, rau củ…
- Giữ vệ sinh cơ thể trẻ và môi trường xung quanh, chú ý rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ.
- Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ (đảm bảo liều lượng và thời gian giữa các lần uống thuốc).
- Chú ý đến các biểu hiện của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Không nên chườm lạnh cho trẻ vì có thể cản trở quá trình điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
- Không nên ủ ấm quá mức cho trẻ khi sốt cao, điều đó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây phản ứng phụ.
Như vậy, thông qua bài viết này của Fitobimbi, cha mẹ đã có được đáp án cho câu hỏi trẻ uống thuốc hạ sốt không đỡ phải làm sao. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến trẻ bị sốt, hãy bình luận bên dưới bài viết và đừng quên chia sẻ đến bạn bè, người thân nếu thấy bài viết thực sự hữu ích.