Méo đầu hay hội chứng đầu phẳng là tình trạng hình dạng đầu của trẻ không đối xứng do tác động của lực làm biến dạng hộp sọ. Có những dạng méo đầu nào? Cách chữa méo đầu cho trẻ 3 tháng tuổi ra sao? Cùng Fitobimbi tìm hiểu mẹ nhé.
- 📌📌📌 Trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì? Dinh dưỡng và phát triển thế nào
- 📌📌📌 Trẻ 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ?
Nguyên nhân trẻ 3 tháng bị méo đầu
Có nhiều nguyên nhân có thể gây biến dạng hộp sọ của trẻ, chẳng hạn như:
- Tư thế ngủ: Khi trẻ liên tục nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sang một bên, áp lực sẽ tạo một bề mặt phẳng phía trên hộp sọ
- Sinh non: Trẻ sinh non thường dễ bị méo đầu hơn vì hộp sọ của con mềm hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Ngoài ra, trẻ sinh thiếu tháng cũng phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh trong thời gian dài vì sức khỏe không cho phép di chuyển, bế ẵm
- Biến chứng khi sinh: Trẻ có thể bị méo đầu do trong quá trình sinh phải chịu áp lực từ xương chậu của mẹ
- Do vẹo cổ: Tình trạng vẹo cổ khiến trẻ khó quay đầu, khi đó trẻ có xu hướng giữ đầu ở cùng một vị trí khi nằm dẫn đến méo đầu
Hướng dẫn nhận biết trẻ bị méo đầu
Thời điểm thích hợp để kiểm tra hình dạng đầu của bé là sau khi tắm, lúc này tóc bé vẫn còn ướt nên hình dạng hộp sọ hiển thị rõ ràng hơn. Trẻ bị méo đầu thường có các dấu hiệu như:
- Đầu có 1 vùng bị phẳng (có thể phẳng ở phía sau đầu hoặc phẳng ở một bên)
- Tai không đều, đầu bị bẹt có thể khiến tai bị lệch
- Trẻ thường có ít tóc trên phần đầu bị phẳng
Trong những trường hợp nghiêm trọng, trán bé có thể lồi ra trước và có thể không đồng đều. Nếu nguyên nhân của chứng méo đầu là do vẹo cổ thì cổ, hàm và mặt của con cũng có thể không đều.
Các dạng méo đầu thường gặp
Hình dạng đầu của trẻ thường liên quan đến tư thế mà trẻ hay nằm nhất. Các dạng méo đầu thường gặp nhất ở trẻ 3 tháng tuổi bao gồm:
Đầu ngắn và rộng
Ở tình trạng này, đầu của trẻ dường như có một bề mặt phẳng phía sau đầu, khiến đầu trẻ có vẻ rộng hơn bình thường. Phần xương phía bên tai dường như nhô ra ngoài. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ nằm ngửa trong thời gian dài.
Đầu ngắn, rộng và không đối xứng
Trong tình trạng này, đầu trẻ sẽ phẳng ở phía sau, nhưng không đều mà bị lệch sang một bên. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ thích ngủ nghiêng đầu sang một bên và những trẻ bị tật vẹo cổ.
Đầu hình thuyền
Trong tình trạng này, đầu của trẻ sẽ dài và hẹp nhưng trán rộng. 2 bên đầu phẳng trông giống hình chiếc thuyền. Dị tật này thường là bẩm sinh và dễ gặp ở trẻ sinh non.
Méo đầu có ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ không?
Méo đầu ảnh hưởng đến cấu trúc hộp sọ, nhưng thường không có tác động có hại nào đối với sự phát triển não bộ, trí thông minh của trẻ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng biến dạng sẽ tiếp diễn ngay cả khi con bạn đã trưởng thành và nó có thể dẫn đến những vấn đề như:
- Khuôn mặt mất cân đối, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, dẫn đến tâm lý lo lắng, tự ti,…
- Lệch khớp cắn làm giảm khả năng nhai, cắn xé thức ăn, gây khó khăn cho quá trình ăn uống,…
- Khó lựa chọn mũ bảo hiểm, mũ bảo hộ phù hợp
Ngoài ra, méo đầu mức độ nặng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như: loạn thị, khó ăn, khó học tập, khó nói, mất tầm nhìn, nghe kém, vẹo cột sống,…
Cách chữa méo đầu cho trẻ 3 tháng ngay tại nhà
Có một số biện pháp mà cha mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà để cải thiện hình dáng đầu cho trẻ 3 tháng tuổi.
Thay đổi tư thế ngủ của bé
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên cho bé nằm ngửa khi ngủ. Đây là tư thế ngủ an toàn nhất, giúp ngăn ngừa mắc hội chứng Đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Với trẻ bị méo đầu, cha mẹ vẫn phải để cho con tiếp tục nằm ngửa khi ngủ. Song, cha mẹ nên thường xuyên điều chỉnh tư thế đầu cho con khi ngủ.
Nếu giấc ngủ đầu tiên, con nằm ngửa, đầu hơi nghiêng sang trái; thì sang giấc ngủ thứ 2, cha mẹ nên điều chỉnh để con ngủ hơi nghiêng sang phải và ngược lại.
Mẹ không nên cho con ngủ trên gối cứng hay gối quá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến xương cổ, gây áp lực lên đầu khiến đầu trẻ dễ bị méo.
Nếu trẻ chỉ thích nằm nghiêng một bên, mẹ có thể lấy khăn mềm và lót dưới gối bên trẻ thường nghiêng đầu.
Cho trẻ nằm sấp dưới sự giám sát của người lớn
Bé cần nằm ngửa khi ngủ, nhưng nên có thời gian nằm sấp dưới sự giám sát của cha mẹ để chơi. Nằm sấp không chỉ là biện pháp giúp cải thiện tình trạng méo đầu mà còn cho phép bé vận động cổ, lưng, vai, cánh tay và hông.
Khi mới bắt đầu, cha mẹ hãy cho con nằm sấp trên chăn trong khoảng 3 – 5 phút, vài lần mỗi ngày. Khi con đã quen, cha mẹ có thể cho con nằm sấp thường xuyên hơn hoặc trong thời gian dài hơn. Khi được 3 tháng tuổi, con nên nằm sấp khoảng 1 giờ mỗi ngày, chia thành nhiều lần trong ngày.
Xoa đầu trẻ một cách nhẹ nhàng
Để cải thiện tình trạng méo đầu ở trẻ 3 tháng tuổi, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp xoa đầu. Việc xoa đầu cho con giúp điều chỉnh hộp sọ và hạn chế việc bị bẹp méo nặng hơn.
Ôm trẻ thường xuyên hơn
Khi trẻ 3 tháng tuổi bị méo đầu do nằm ngửa quá lâu, cha mẹ nên hạn chế thời gian bé nằm ngửa, thay vào đó hãy bế trẻ thường xuyên hơn. Điều này giúp làm giảm áp lực lên đầu, giúp hộp sọ phát triển đồng đều hơn.
Có nên đội mũ bảo hiểm để điều trị tật méo đầu cho trẻ?
Việc sử dụng liệu pháp đội mũ bảo hiểm để giảm sự bất đối xứng của hộp sọ đã gây ra tranh cãi ở một số quốc gia vì tiếp thị trực tiếp đến cha mẹ thông qua các nguồn Internet. Nhiều chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh rằng, phương pháp này tốn kém và tiềm ẩn những tác dụng phụ. Theo đó, việc đội mũ bảo hiểm 23 giờ/ngày có thể gây viêm da tiếp xúc, vết loét do tì đè và kích ứng da tại chỗ.
Trong trường hợp các biện pháp điều chỉnh tư thế ngủ, tăng thời gian nằm sấp khi trẻ thức, xoa bóp không giúp cải thiện tình trạng méo đầu ở trẻ; thay vì tự ý cho trẻ đổi mũ bảo hiểm, cha mẹ nên đưa con đến gặp các bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu. Chuyên gia có thể hướng dẫn cha mẹ các bài tập phù hợp, giúp chữa méo đầu cho trẻ 3 tháng tuổi hiệu quả hơn.
Cách phòng tránh méo đầu cho trẻ
Các biện pháp hàng đầu giúp phòng ngừa hội chứng đầu phẳng thường liên quan đến việc thay đổi tư thế ngủ, hướng nằm và tăng thời gian “nằm sấp”.
- Thay đổi hướng nằm: Giường ngủ của trẻ thường được đặt dựa vào tường, vì thế, các chuyên gia khuyến khích cha mẹ đặt trẻ nằm với đầu hướng vào chân tường hoặc đầu giường, xen kẽ cách ngày. Điều này giúp khuyến khích trẻ nằm nghiêng đầu để có thể nhìn vào phòng
- Luân phiên các tư thế nằm: Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế đầu của trẻ khi ngủ. Tức là có khi cha mẹ để bé nghiêng đầu qua trái, có khi nghiêng đầu qua phải; nhưng cần ghi nhớ là luôn luôn để trẻ nằm ngửa khi ngủ
- Tăng thời gian nằm sấp: Lượng thời gian nằm sấp lý tưởng là ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài 10 đến 15 phút. Ngoài việc giúp trẻ không bị bẹp đầu, thời gian nằm sấp còn khuyến khích con học hỏi, khám phá thế giới; tăng cường sức mạnh cơ cổ và học cách đẩy tay – nền tảng của việc bò và ngồi dậy
Có nhiều cách chữa méo đầu cho trẻ 3 tháng tuổi mà cha mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà. Những phương pháp này thường liên quan đến việc thay đổi vị trí đầu khi ngủ, tăng thời gian nằm sấp, tăng thời gian bế ẵm,… nên rất đơn giản. Trong trường hợp trẻ bị méo đầu nặng hơn, hoặc bị méo đầu do vẹo cổ, cha mẹ có thể sẽ cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia vật lý trị liệu.