Mè nheo, ăn vạ, cáu gắt là những dấu hiệu đặc trưng của tuổi lên 2. Khủng hoảng tuổi lên 2 dường như là cơn ác mộng với các mẹ bỉm khi mà trong mọi tình huống, trẻ đều trả lời là “không” và có xu hướng “bạo lực”. Vậy làm thế nào để mẹ chế ngự được “cơn ăn vạ” vô lối của con. Hãy cùng Fitobimbi thảo luận trong bài viết sau mẹ nhé.
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Nếu đang có con ở tuổi lên 2, mẹ sẽ không ít lần phải điên đầu. Tuổi lên 2, trẻ mè nheo, ăn vạ, bướng bỉnh mà dù mẹ có răn đe cũng không hiệu quả. Đây được coi là giai đoạn khủng hoảng, tiếng anh gọi là “Terrible Twos”.
Giai đoạn này được đặc trưng bởi hành vi thách thức của trẻ bao gồm đánh, đá, cắn và không nghe lời. Thông thường, khủng hoảng lên 2 sẽ xuất hiện ngay sau sinh nhật đầu tiên hoặc khi 3 tuổi. Thời điểm, trẻ đã có thể giao tiếp bằng hai hoặc ba câu từ, biết yêu và ghét rõ ràng. Vì thế bé có nhu cầu thể hiện bản thân, khăng khăng đòi làm những gì mẹ không cho phép. Mẹ có thể thấy, hình ảnh một em bé bướng bỉnh, thích chọn quần áo, giày dép và làm như một người lớn.
Về cơ bản, đây là cơ hội để con khám phá, độc lập. Đồng thời cũng là cơ hội để mẹ nhận mong muốn của mình không phải lúc nào cũng đúng với bé. Do đó, thay vì bực bội, la mắng mẹ hãy thấu hiểu, đồng hành, cùng con.
Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2
Khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ được đặc trưng bởi các dấu hiệu như:
Nói “không” cả ngày
Dấu hiệu đặc trưng của tuổi khủng hoảng lên 2 là “nói không” một cách vô lý trong nhiều tình huống. Bé có thể nói “không” suốt cả ngày. Ngay cả khi mẹ đưa đồ ăn hoặc chúc bé ngủ ngon. Mẹ nên chú ý, trẻ nói không có nghĩa là phủ định mà chỉ muốn gây chú ý, tạo ra khác biệt.
Điều con muốn lúc này là sự phản hồi tương tác hoặc bộc lộ cảm xúc rõ rệt từ mẹ. Trẻ thích thú với điều này.
Có xu hướng chiếm giữ, bảo vệ lãnh thổ của mình
Giai đoạn này, trẻ đang làm quen với khái niệm “của mình”. Do đó con sẽ”nhạy cảm”, sẵn sàng la hét, chiến đấu nếu như cảm thấy “lãnh thổ” của mình đang bị xâm phạm, kể cả khi đó chỉ là cái bát hoặc chiếc ghế ngồi.
Hầu như trẻ nào cũng sẽ gặp tình trạng này trước khi 3 tuổi. Những bé càng khỏe mạnh, thông minh, hoạt bát thì mức độ “nổi loạn” càng cao. Nhiều bố mẹ nghĩ con còn nhỏ nên ích kỷ là chuyện bình thường nhưng nếu can thiệp không đúng sẽ hình thành thói quen cực xấu. Trẻ lớn lên không có ý định nhường nhịn, chia sẻ với người xung quanh.
Giận dữ vô cơ
Điều đáng sợ nhất trong các dấu hiệu khủng hoảng ở giai đoạn này là cơn giận dữ vô cớ. Những cơn giận dữ có thể bao gồm từ lời than vãn, làu bàu, giận dỗi, ăn vạ cho đến cuồng loạn. Trẻ có thể gào khóc không ngừng kèm theo đánh, đập, cắn, phá. Theo nghiên cứu năm 2003 của khoa tâm lý học, đại học Wisconsin: “75% các cơn giận dữ ở trẻ từ 18 tháng đến 60 tháng kéo dài 5 phút đổ xuống. Trong đó tỉ lệ ở các bé trai và gái bằng nhau”. (Tham khảo TẠI ĐÂY).
Bé thích tự làm mọi thứ
Nếu như mọi ngày mẹ vẫn giúp bé mặc quần áo, đeo cặp, đi giày thì ở khủng hoảng tuổi lên 2 bé sẽ đột nhiên chống đối. Bé sẽ khóc lóc, vùng vằng, lăn ra ăn vạ đòi mẹ cho làm mọi thứ mặc cho kỹ năng vẫn chưa hoàn thiện. Ví dụ: Trẻ tự xúc cơm dù cầm thìa sai cách, đi dép trái, đeo tất khác màu,… Trong quá trình đó, em bé tự lập của mẹ cũng có thể đột ngột muốn mẹ làm giúp những việc bé đã thành thạo trước đó.
Điều này, không phải là bé bướng bỉnh mẹ nhé! Bởi vì mỗi ngày con lại đạt được những kỹ năng mới nên muốn thực hành, kiểm tra những kỹ năng này.
Tâm trạng thất thường
Biểu hiện thường được nhắc đến ở tuổi khủng hoảng lên 2 là việc bộc lộ cảm xúc thất thường. Bé của mẹ có thể vừa khóc, vừa cười, vừa buồn, vừa vui. Mọi cung bậc cảm xúc diễn ra rất nhanh và khó kiểm soát. Đôi khi có thể chỉ vì không đeo được tất, không đi được giày hoặc không mở được đồ chơi bé có thể gào lên, ăn vạ.
Mẹ nên chuẩn bị tinh thần cho việc con bỗng nổi cơn “tam bành” vô cơ ở nơi công cộng. Mẹ sẽ chỉ thất vọng nếu mong đợi rằng bé kiềm chế được ở nơi đông người.
Có những hành động như cắn, đánh người
Dù mang ý nghĩa tiêu cực những hành vi này cũng nằm trong chuối nỗ lực của bé khi muốn giao tiếp, truyền đạt ý muốn. Các bé lên 2 chưa có nhiều từ ngữ để diễn đạt cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc còn kém. Vì thế, khi xúc động trẻ dễ bùng phát những hành động như đá, cắn, cào,…
Biếng ăn
Cũng là dấu hiệu đặc trưng của tuổi khủng hoảng lên 2. Trẻ có thể bỏ ăn cơm, lười ăn rau, chỉ ăn một số món nhất định. Nguyên nhân của tình trạng này là chủ yếu là do con đang ở trong quá trình học hỏi nên thường chểnh mảng với việc ăn uống.
Thức dậy giữa đêm
Một số trẻ có biểu hiện khủng hoảng lên 2 là rối loạn giấc ngủ, ngủ ngày, thức đêm, quấy khóc, đòi chơi. Rối loạn giấc ngủ xảy ra chủ yếu do trẻ tiếp nhận cảm xúc mạnh và thông tin mới vào ban ngày. Tối đến trẻ háo hức thực hiện kỹ năng mới nên không thích ngủ.
5 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng lên 2
Thay đổi tâm tâm sinh lý
Giai đoạn lên 2, trẻ có thay đổi nhanh chóng về mặt cảm xúc. Con muốn được mẹ yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu. Vì thế, trẻ luôn gây sự chú ý. Và một trong những cách được bé lựa chọn là chống đối, biểu tình, ăn vạ vô cớ.
Trẻ có nhu cầu thể hiện bản thân
Thời điểm này, trẻ có những suy nghĩ riêng của mình. Tuy nhiên với việc hạn chế vốn từ trẻ không thể nói với mẹ. Nếu mẹ không hiểu ý đồ của bé, để “kịp thời”hỗ trợ sẽ càng khiến bé khó chịu, “khủng hoảng” với chính mình và người xung quanh.
Chưa có khả năng tự giải quyết vấn đề
Khủng hoảng của tuổi lên 2 đôi khi còn xuất phát từ việc phát thể chất, cảm xúc chưa được hoàn thiện. Trẻ không thể tự giải quyết được nhu cầu bản thân, dễ dàng thất vọng khi gặp vấn đề. Vì vậy cảm xúc “bùng phát” thất thường, khó kiểm soát.
Trẻ có nhu cầu độc lập
Trẻ nhỏ luôn có nhu cầu khám phá, trau dồi, học hỏi kỹ năng. Và đôi khi, điều này khiến bé có tính phản đối những điều mẹ đang giúp đỡ mỗi ngày. Chẳng hạn như không cần mẹ nắm tay khi qua đường, không muốn mẹ đỡ khi leo cầu thang,…
Các nhà tâm lý học gọi đây là trải nghiệm khủng hoảng lên 2, khi trẻ muốn khẳng định bản thân, thể hiện tính độc lập và khả năng của mình.
Thể hiện tính sở hữu
Nếu như ở giai đoạn trước, bé có thể sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với mọi người thì giai đoạn này, trẻ đặc biệt nhạy cảm với việc sở hữu cá nhân. Con sẵn sàng “chiến đấu” với những ai có ý định xâm phạm lãnh thổ và món đồ chơi yêu thích của mình.
Cách đối phó “nhẹ nhàng” với khủng hoảng lên 2 của bé
Khi trẻ rơi vào giai đoạn khủng hoảng lên 2, vai trò của mẹ vô cùng quan trọng. Cách chia sẻ, thấu hiểu của mẹ chính là “chìa khóa” để con vượt qua cánh cửa khủng hoảng một cách nhẹ nhàng.
Hãy giữ bình tĩnh với con
Dù đang rất “muốn nổi điên” với những hành động ăn vạ của bé thì mẹ vẫn cần bình tĩnh. Hãy thử để trẻ một mình, mẹ ngồi làm việc gần đó. Dĩ nhiên là vẫn đưa mắt quan tâm nhưng giữ thái độ bình thản, lờ đi.
Mẹ càng bình thản bao nhiêu, khả năng trẻ sớm “bình thường” càng nhanh. Nếu mẹ sợ trẻ khóc lâu khàn tiếng vội vàng đáp ứng nhu cầu, mẹ sẽ thất bại. Những lần sau đó, trẻ sẽ lăn ra ăn vạ chỉ để được mẹ chiều lòng.
Nói chuyện khi trẻ bình tĩnh
Khi trẻ đang trong cơn khóc ăn vạ, mẹ không đưa ra bình luận hay quát mắng nào. Điều này sẽ cho trẻ ” khùng” mạnh hơn. Cách tốt nhất là để khi trẻ hết giận mẹ hãy nói chuyện bình thường với con. Sau 2-3 lần lặp lại trẻ sẽ tự hiểu là cơn làm mình làm mẩy của mình không có hiệu quả.
Thống nhất cách dạy bé
Nhiều gia đình, nhất là những nhà có 3 thế hệ thường bị bất đồng trong cách dạy con. Việc mẹ làm lơ, cha dỗ dành, cha mẹ đều cứng rắn nhưng ông bà lại hùa theo có thể khiến bé được đà “mè nheo”. Bởi chúng biết rằng đằng sau luôn có một người hậu thuẫn.
Vì vậy với bé đang ở giai đoạn khủng hoảng lên 2 gia đình cần phải thống nhất cách dạy. Tốt nhất là phải nghiêm khắc với con.
Nghệ thuật phớt lờ và can thiệp đúng lúc
Màn diễn mè nheo, khóc lóc, ăn vạ của trẻ sẽ tự động hết khi không có khán giả xem. Vì vậy mẹ cần biết cách phớt lờ đúng lúc đòi hỏi vô lý của con. Trường hợp bé có hành động cắn, phá, đánh đập người khác mẹ mới can thiệp. Hãy cho bé biết con có quyền biểu lộ cảm xúc nhưng không phải bằng cách làm đau người khác.
Đánh lạc hướng của bé
Khi trẻ có các biểu hiện gào khóc, ăn vạ để đòi đáp ứng nhu cầu, mẹ có thể chuyển hướng quan tâm sang một trò chơi hoặc hoạt động thú vị nào đó. Điều này có thể khiến trẻ hào hứng mà tạm thời quên đi việc không được mẹ đáp ứng yêu cầu.
Cho con không gian rèn luyện tính tự lập
Khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ sẽ càng trở nên tồi tệ bởi những câu nói như “con không được làm cái này” hay “mẹ cấm làm cái kia”. Trẻ nhỏ chưa biết hậu quả ở độ tuổi này. Vì vậy mẹ càng ngăn cấm, chúng càng tò mò.
Để con có thể phát triển toàn diện, mẹ nên trao quyền tự do cho bé trong khuôn khổ. Ví dụ: Con có thể tự do lựa chọn trò chơi con thích, trang phục trong số bố mẹ đã chọn cho con.
Dạy bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ và biểu đạt
Một trong những lý do dẫn đến khủng hoảng ở tuổi lên 2 của trẻ là do chưa hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ, biểu đạt cảm xúc. Việc không thể nói cho người lớn hiểu nhu cầu của mình khiến con trở nên cáu gắt, khó chịu, bùng nổ cảm xúc. Vì vậy, ba mẹ nên tăng cường kỹ năng này bằng cách thường xuyên trò chuyện, đọc sách và chơi cùng trẻ.
Dự đoán, ngăn ngừa cơn tức giận của trẻ
Mẹ có thể dự đoán trước thời điểm trẻ chuẩn bị kích động dựa vào thói quen quan sát hàng ngày. Từ đó, xoa dịu tâm trạng, chủ đồng đề xuất lựa chọn phù hợp sở thích của con.
Ví dụ: Khi mặc quần áo cho bé, ba mẹ hãy hỏi con thích màu gì. Bằng cách này bé sẽ đưa ra lựa chọn theo sở thích của chính mình, khó mà có thể trở nên bực tức.
Dự đoán cảm xúc, chủ động đáp ứng ngăn ngừa cơn tức của con chính là tuyệt chiêu mà chỉ có ba mẹ hiểu bé mới có thể làm được.
Một số câu hỏi thường gặp
Khủng hoảng tuổi lên 2 bắt đầu từ bao giờ?
Khủng hoảng tuổi lên 2 không nhất thiết xuất hiện khi trẻ 2 tuổi mà có thể xảy ra sớm khi trẻ được khoảng 18 tháng tuổi.
Khủng hoảng tuổi lên 2 bao giờ kết thúc?
Thông thường giai đoạn này sẽ kết thúc khi trẻ được 30 tháng nhưng cũng có thể kéo dài đến khi 3 tuổi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi trẻ có những hành vi chống đối, vượt quá tầm kiểm soát hoặc các dấu hiệu bất thường dưới đây bố mẹ nên đưa con đi khám sớm:
- Không giao tiếp bằng mắt
- Né tránh hoặc không cần sự quan tâm của người khác
- Kích động, hung hăng khi tranh luận
- Có khuynh hướng bạo lực, gây thương tích cho bản thân và người xung quanh
Khủng hoảng tuổi lên 2 không chỉ đơn thuần là cuộc “khủng hoảng” của riêng đứa trẻ. Nó còn là cuộc khủng hoảng của các phụ huynh. Nhưng với tình yêu và sự thấu hiểu của mình các mẹ có thể giúp bé vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Hãy yêu thương, tôn trọng và đừng bắt trẻ che giấu nhu cầu cá nhân. Điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho quá trình phát triển tâm lý ở trẻ.