Nội dung chính

Tai trẻ có mùi hôi, ra dịch vàng là biểu hiện của bệnh gì?

Bé nhà bạn đang ăn ngoan, ngủ tốt, phát triển tốt. Bỗng nhiên một ngày mẹ phát hiện tai bé có mùi hôi kèm theo ra dịch vàng, bé quấy khóc và lười ăn hẳn đi. Vậy tai trẻ có mùi hôi, ra dịch vàng là biểu hiện của bệnh gì? Liệu có nguy hiểm không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Vì sao tai trẻ có mùi hôi?

Nguyên nhân tai trẻ có mùi hôi
Nguyên nhân tai trẻ có mùi hôi

Có nhiều nguyên nhân khiến tai trẻ có mùi hôi. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là:

Trẻ có quá nhiều ráy tai

Việc tích tụ quá nhiều ráy tai trong tai bé trong một thời gian dài là một trong những nguyên nhân khiến tai trẻ có mùi hôi. Nếu cha mẹ không thường xuyên lấy ráy tai, vệ sinh tai cho bé sạch sẽ, thì có thể khiến ráy tai trong tai bé bị tắc nghẽn, từ đó trở thành nơi phát triển cho các vi khuẩn gây bệnh…

Trẻ bị viêm tai giữa

Viêm tai giữa là nguyên nhân chính khiến tai trẻ có mùi hôi. Viêm tai giữa chủ yếu là do sự tấn công của các vi khuẩn hoặc virus khu trú ở trong mũi, họng của trẻ, hoặc bệnh tiến triển sau một đợt cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên khác.  Viêm tai giữa được chia thành 3 loại: viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa thanh dịch và viêm tai giữa mạn tính.

Trẻ bị dị vật rơi vào tai

Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong quá trình chơi, cầm nắm đồ vật, trẻ có thể nhét các hạt cườm, viên bi hay thậm chí là thức ăn vào tai. Những dị vật này mắc kẹt trong tai khiến cho tai có mùi hôi và nhiễm trùng tai, đau tai…

Khi nào tai bé ra dịch vàng?

Bình thường, tai của trẻ sẽ tiết dịch không màu giúp ngăn cản bụi hoặc các dị vật khác hay thậm chí là cả vi khuẩn không thể xâm nhập vào sâu bên trong tai. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dịch từ tai tiết ra bất thường, có màu vàng, hoặc thậm chí mưng mủ. Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Tai trẻ có dịch vàng là dấu hiệu của bệnh gì?
Tai trẻ có dịch vàng là dấu hiệu của bệnh gì?

Trẻ vị viêm tai giữa

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây chảy dịch tai, có màu vàng ở trẻ nhỏ. Cấu trúc tai gồm có 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó tai giữa là phần nằm giữa tai ngoài và tai trong, phía sau màng nhỉ. Tại đây chứa rất nhiều các xương nhỏ đóng vai trò trong việc nghe của trẻ. Khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào đây, hoặc có các yếu tố nguy cơ khiến cho các tác nhân khu trú sẵn ở đây hoạt động mạnh mẽ hơn làm cho tai giữa bị nhiễm trùng, từ đó tích tụ dịch vàng ở phía sau màng nhĩ. Khi dịch trong tai giữa quá nhiều có thể gây thủng màng nhĩ và chảy ra ngoài.

Viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài là bệnh lý thường hay gặp ở những trẻ lớn thường xuyên bơi lội. Khi ống tai tiếp xúc với nước lâu ngày, các virus hoặc vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng từ đó gây chảy dịch vàng.

Tai trẻ có mùi hôi, ra dịch vàng có phải là biểu hiện của viêm tai giữa không?

Vậy dựa vào những thông tin trên đây thì tai trẻ có mùi hôi, ra dịch vàng là biểu hiện của bệnh gì? Khi tai trẻ có mùi hôi kết hợp với ra dịch vàng thì rất có thể đây là biểu hiện của viêm tai giữa. Dưới đây là một số triệu chứng giúp nhận biết thêm bé nhà bạn có đang bị viêm tai giữa hay không:

  • Đau tai: triệu chứng này rất dễ nhận thấy ở những trẻ lớn. Ở trẻ quá nhỏ chưa biết nói và diễn đạt trạng thái thì trẻ sẽ có dấu hiệu kéo tai, ngoáy tai, quấy khóc nhiều hơn bình thường, cáu kỉnh và khó ngủ hơn
  • Chán ăn, lười ăn: biểu hiện này thường rất dễ nhận thấy ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn bú bình. Áp lực trong tai giữa thay đổi khi trẻ nuốt, vì thế gây đau nhiều hơn, khiến trẻ không muốn ăn
  • Trẻ cáu kỉnh, khó chịu: do cơn đau kéo dài liên tục
  • Khó ngủ, ngủ không sâu: Cơn đau tai có thể nặng hơn khi trẻ nằm xuống vì áp lực trong tai nặng nề hơn
  • Sốt: Viêm tai giữa có thể gây ra sốt ở trẻ, từ 38 đến 39 độ C. Có tới 50% trẻ sẽ bị sốt do viêm tai giữa
  • Nghe kém, khó nghe: do các xương nhỏ trong tai giữa có liên kết với các dây thần kinh truyền tín hiệu âm thanh đến não. Do đó, dịch tiết phía sau màng nhĩ sẽ làm chậm sự chuyển động của các tín hiệu này, gây nghe kém hoặc khó nghe
Trẻ hay kéo tai là biểu hiện điển hình của trẻ nhỏ khi bị viêm tai giữa
Trẻ hay kéo tai là biểu hiện điển hình của trẻ nhỏ khi bị viêm tai giữa

Cách điều trị viêm tai giữa cho trẻ

Nếu trẻ bị đau hoặc sốt, cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol hoặc ibuprofen.

Khuyến khích bé uống nhiều nước. Bổ sung nước rất quan trọng khi bé bị viêm tai giữa, đặc biệt nếu bé bị sốt hoặc tiêu chảy.

Với trẻ bú mẹ có thể cho bé bú nhiều hơn. Hầu hết trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn sau 1 đến 2 ngày.

Do viêm tai giữa chủ yếu là do virus gây ra nên thuốc kháng sinh rất ít khi có tác dụng đối với viêm tai giữa cấp tính. Đối với viêm tai giữa có tràn dịch, trẻ có thể cần phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên cha mẹ không được tự ý sử dụng mà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Hãy đưa trẻ đi khám nếu trẻ có những biểu hiện sau đây:

  • Trẻ không cải thiện sau 48 giờ
  • Trẻ bị đau dữ dội
  • Trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa
  • Trẻ bị sốt cao trên 39 độ
  • Trẻ gặp vấn đề về thính giác

Phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ như thế nào?

Để hạn chế mắc viêm tai giữa và tái phát viêm tai giữa ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện biện pháp sau:

  • Tăng cường sức đề kháng cho bé để giảm tỷ lệ mắc cảm lạnh thông thường và các bệnh viêm đường hô hấp trên khác. Dạy bé rửa tay thường xuyên, sạch sẽ và không dùng chung đồ dùng ăn uống với các trẻ khác. Hạn chế cho trẻ đi học hoặc đến những nơi đông người khi trẻ bị ốm.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc và đảm bảo rằng cha mẹ, ông bà không hút thuốc ngay trong nhà.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng, trong đó có viêm tai giữa.
  • Nếu bé bú bình, hãy bế bé ở tư thế thẳng đứng, tránh cho bé ngậm bình sữa khi đang nằm, không cho bé bú bình trong nôi.
  • Tiêm chủng cho bé theo đúng quy định của bộ Y tế.
Cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời
Cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời

Lời kết

Vậy là bài viết trên đây đã giải đáp được cho cha mẹ câu hỏi tai trẻ có mùi hôi, ra dịch vàng là biểu hiện của bệnh gì? Hy vọng với những kiến thức này, cha mẹ đã có những thông tin hữu ích để có thể nhận biết sớm bệnh lý của bé nhà mình và có cách chăm sóc cho bé đúng đắn, hợp lý để bé mau chóng khỏi bệnh và khỏe mạnh hơn nhé.

Chia sẻ bài viết này