Tắm lá khế là mẹo dân gian được nhiều mẹ bỉm sử dụng khi con bị nổi mề đay, mẩn ngứa. Thế nhưng, liệu biện pháp này có thực sự hiệu quả hay không, cần lưu ý gì khi thực hiện? Hãy cùng điểm qua cách tắm lá khế cho trẻ sơ sinh dưới đây để hiểu hơn mẹ nhé.
- Các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh tốt và an toàn hiện nay
- Cách tắm lá chè xanh cho trẻ sơ sinh trị rôm sảy, mẩn ngứa
Tắm lá khế cho trẻ sơ sinh có tác dụng gì?
Khế vốn là cây thuộc họ me chua có lá bầu dục, tính bình, vị chua mang đến tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc rất tốt. Vào mùa hè, mẹ có thể dùng lá khế để chữa các bệnh rôm sảy, đỏ ngứa cho bé tại nhà. Sở dĩ có tác dụng này là bởi lá khế chứa nhiều hoạt chất như vitamin C, kẽm, sắt, magie, chất chống oxy hóa. Dưới đây những tác dụng mà việc tắm lá khế mang đến cho con.
- Loại bỏ rôm sảy, mẩn ngứa: Nhờ có tác dụng thanh nhiệt, khi phong nên lá khế chua được dùng nhiều để trị chứng rôm sảy, mẩn ngứa trên da. Không chỉ thế, loại lá này đặc biệt an toàn nên rất phù hợp với làn da mỏng, mẫn cảm của bé
- Làm sạch và bảo vệ da: Tắm lá khế là cách tốt nhất để giúp loại bỏ bụi bẩn, chất nhờn bám dính trên da, giúp lỗ chân lông khô thoáng. Ngoài ra, lá khế còn chứa thành phần kháng sinh tự nhiên và các tinh dầu với tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt. Có thể bảo vệ làn da của bé khỏi sự tấn công của các vi khuẩn gây hại
- Khắc phục bệnh lý về da: Sở hữu một loạt dưỡng chất có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa nên lá khế có thể chữa trị các bệnh về da hiệu quả
Có thể thấy lá khế là loại lành tính, phù hợp với da nhạy cảm. Do đó, khi con xuất hiện rôm sảy, mẩn ngứa mẹ có thể sử dụng lá khế để tắm. So với việc dùng sữa tắm thì lá khế an toàn hơn nhiều. Không chỉ thế mẹ cũng đỡ phải lo ngại về các thành phần hóa học bên trong.
Nên dùng lá khế chua hay ngọt để tắm cho bé?
Khế có hai loại là chua và ngọt. Vì vậy khi muốn sử dụng lá khế để tắm cho con các mẹ thường băn khoăn rằng không biết sử dụng khế nào.
Theo như kinh nghiệm dân gian, đa phần các mẹ thường truyền tai nhau lá khế chua mang đến công hiệu nhanh hơn khế ngọt. Thế nhưng, quan điểm này đến nay vẫn là góc nhìn chủ quan. Bởi theo bác sĩ, cả khế chua và ngọt đều có công dụng điều trị mẩn ngứa, mề đay hiệu quả. Các thành phần của chúng tương tự như nhau, có vitamin C, sắt, kẽm, chất chống oxy hóa. Nên mẹ sử dụng một trong hai loại đều được.
Để chắc chắn hơn mẹ có thể áp dụng cách tắm lá khế cho trẻ sơ sinh để tự kiểm chứng, đánh giá chính xác.
Hướng dẫn cách tắm lá khế cho bé
Để tắm lá khế cho bé đạt hiệu quả cao mẹ nên tuân thủ các bước dưới đây.
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Để tắm lá khế cho trẻ sơ sinh trước tiên mẹ cần chuẩn bị 1 nắm lá khế còn tươi. Tránh loại vàng úa, bị sâu, quá già hoặc non. Đặc biệt mẹ nên lưu ý chọn lá khế nhà, không có thuốc trừ sâu
- Ngoài ra cần chuẩn bị thêm: Quần áo, bao tay, bao chân, khăn mặt, khăn xô, kem dưỡng ẩm và những vật dụng cần thiết khi bé tắm xong
- Một chậu nước trắng, nhiệt độ vừa phải để tráng lại người cho con
Bước 2: Nấu lá khế tắm cho bé
- Trước tiên, mẹ cần rửa sạch lá khế với nước nhiều lần. Để đảm bảo an toàn hơn, có thể ngâm lá khế với nước muối loãng khoảng 10-15 phút. Sau đó rửa lại lần nữa với nước sạch.
- Tuốt lá ra khỏi cuống gân, vò nhẹ để lá mềm ra tuy nhiên không được quá nát
- Sau đó cho hết lá khế vào nồi, đun sôi với nước trong khoảng 5 phút
- Để một lúc cho nước nguội bớt rồi lấy một chiếc khăn xô, đổ nước đã đun qua khăn lọc bã
- Mẹ có thể pha thêm một ít nước sạch, sao cho nhiệt độ nước tắm ở mức 35-38 độ C là hợp
Bước 3: Tắm lá khế cho trẻ sơ sinh
- Mẹ hãy đặt bé vào chậu và bắt đầu tắm, rửa sạch thật kỹ các khu vực bị rôm sảy, nổi mụn hoặc hăm tã
- Thời gian thích hợp để tắm cho con là khoảng 5-7 phút, không nên tắm lâu vì sẽ khiến con bị lạnh
- Sau khi tắm với lá khế, mẹ hãy cho con tráng người bằng chậu nước ấm đã chuẩn bị trước. Mục đích của việc làm này là giúp loại bỏ cặn bã trên người của con
- Tiếp đó, đặt bé vào chiếc khăn tắm, lau sạch nước đọng trên người
- Có thể massage nhẹ nhàng, bôi kem dưỡng ẩm rồi nhanh mặc quần áo, bao tay, bao chân giữ ấm cho con
Một số bài thuốc trị bệnh ngoài da cho bé từ lá khế
Nếu bé đang gặp vấn đề ngoài da, mẹ có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian dưới đây.
Lá khế trị ngứa, mụn nhọt, nước ăn chân
Cách tắm lá khế cho bé mang lại hiệu quả đáng kể tuy nhiên mẹ cũng có thể tham khảo biện pháp dưới đây để trị mụn nhọt, lở loét cho con.
Nguyên liệu: Lá thanh hao, lá long não, lá khế
Cách làm:
- Rửa sạch nguyên liệu, cho vào nồi, nấu sôi 5 phút rồi mang đi tắm
- Với trường hợp nước ăn chân, mẹ có thể nấu nước lá khế đậm đặc rồi để nguội bớt và ngâm chân vào
Chữa phong nhiệt, mẩn ngứa
Ngoài việc sử dụng lá khế để tắm, mẹ có thể áp dụng biện pháp sau để trị chứng phong nhiệt, mẩn ngứa cho con
Nguyên liệu:
- Vỏ cây khế
- Lá khế rửa sạch, sao thơm
Cách làm:
- Cạo lớp vỏ ngoài của cành khế, sắc uống
- Đồng thời dùng lá khế tươi đã sao xoa lên vùng da thường xuyên bị ngứa
Lá khế chữa mề đay
Ngoài cách tắm lá khế, mẹ có thể sử dụng nguyên liệu này để chữa mề đay theo cách dưới đây.
Nguyên liệu: Lá khế tươi 20-40g
Cách làm:
- Lá khế rửa sạch, nấu nước uống
- Đồng thời dùng lá khế tươi, giã nát và đắp ngoài da. Hoặc mẹ có thể vắt nước để thoa lên da, kết hợp với việc tắm nước lá khế mỗi ngày để tăng hiệu quả
Một số lưu ý khi tắm lá khế cho con
Ngoài việc bỏ túi cách tắm lá khế cho trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý những điều dưới đây.
- Lá khế chỉ phù hợp với bé bị rôm sảy nhẹ. Trường hợp da bị viêm loét, nhiễm trùng mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ
- Không phải bé nào cũng phù hợp tắm lá khế. Làn da của trẻ vô cùng nhạy cảm vì thế mẹ hãy thử trước xem bé nhà mình có hợp hay không. Lấy một ít nước lá khế, xoa lên cánh tay hoặc chân của con, đợi khoảng 1-2 tiếng. Nếu bé không có dấu hiệu dị ứng thì mẹ có thể sử dụng để tắm cho con
- Đối với những bé sơ sinh chưa rụng rốn mẹ không nên tắm lá khế cho con, tránh bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng không tốt
- Khi nấu nước tắm lá khế cho bé mẹ nên chọn loại lá sạch, an toàn, không có thuốc trừ sâu
- Để đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi tuần mẹ nên cho bé tắm 2-3 lần, ngày tối đa tắm 1 lần bằng lá khế
- Chỉ nên cho bé tắm với một lượng lá khế vừa đủ, không nấu quá đặc. Vì trong nước tắm đặc sẽ có bột của lá, khi tắm có thể gây bít chân lông
- Sau khi áp dụng mà bé không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí rôm sảy còn lan sang chỗ khác thì mẹ nên đưa con đi khám
Tắm lá khế cho trẻ sơ sinh nhìn chung an toàn, lành tính. Tuy nhiên nó chỉ thích hợp cho những trường hợp mẩn ngứa và nổi mề đay thể nhẹ. Trường hợp đã có dấu hiệu nhiễm trùng mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để có phác đồ tốt hơn.
Nguồn tham khảo tổng hợp