Khi trẻ được 3 tháng tuổi, bạn có thể đã quen với tín hiệu đói của con và bắt đầu biết tần suất bú của con. Nhưng những người phụ nữ lần đầu làm mẹ vẫn có thể băn khoăn “trẻ 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ?“, “liệu con có đang bú quá ít hoặc quá nhiều hay không?”.
- 📌📌📌 9 cách bế trẻ 3 tháng tuổi an toàn, đơn giản kèm hình ảnh chi tiết
- 📌📌📌 Trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình có đáng lo không?
Đặc điểm của trẻ 3 tháng tuổi
Khi được 3 tháng tuổi, cha mẹ có thể thấy rất nhiều thay đổi thú vị ở bé. Bên cạnh những thay đổi về ngoại hình, bé yêu của bạn sẽ cười nhiều hơn, sử dụng tay thường xuyên hơn và nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh. Khi bú, bé có thể quay đầu hoặc nhả núm vú để quan sát những gì đang diễn ra xung quanh. Vì lý do này, bạn có thể cần cho bé bú ở một nơi yên tĩnh, đảm bảo rằng bé tập trung ăn uống.
Ngoài ra, trẻ 3 tháng tuổi có thể ngủ trong thời gian dài hơn vào ban đêm.
Trẻ 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ?
Trẻ 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ được 3 tháng tuổi, bé sẽ cần bú khoảng 60 – 120ml sữa/cữ, khoảng 5 – 6 cữ/ngày để đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Mặc dù vậy, tùy thuộc vào cân nặng mà trẻ có thể cần bú ít hơn hoặc nhiều hơn mức trung bình. Theo đó, mẹ có thể tự tính lượng sữa bé cần dựa trên cân nặng thực tế của con bằng các công thức sau.
Công thức tính tổng lượng sữa con cần bú mỗi ngày:
Tổng lượng sữa 1 ngày = Cân nặng của con (kg) x 150ml |
Công thức tính lượng sữa con cần bú mỗi cữ:
Lượng sữa 1 cữ bú = 2/3 x cân nặng của con (kg) x 30ml |
Ví dụ: Con bạn nặng 6kg thì:
- Tổng lượng sữa mà con cần là: 6 x 150 = 900ml sữa/ngày
- Lượng sữa 1 cữ bú mà con cần là: 2/3 x 6 x 30 = 120ml sữa/cữ bú
Dấu hiệu cho thấy trẻ 3 tháng bú đủ no và bú quá ít
Để biết con đã bú đủ chưa, còn đói hay không, cha mẹ nên quan sát các biểu hiện của con.
Biểu hiện trẻ đói
Nhiều mẹ thường bắt đầu cho con bú khi thấy bé khóc. Tuy nhiên, khóc là biểu hiện muộn của đói. Mẹ không nên chờ tới lúc này mới cho bé bú vì đói quá có thể khiến bé trở nên bực bội, khó dỗ.
Các dấu hiệu cho thấy bé đói và cần được cho bú bao gồm:
- Ngọ nguậy đầu
- Há miệng
- Thè lưỡi
- Cho tay vào miệng
- Chụm môi khi đang bú
- Cố gắng rúc vào ti mẹ
- Bé quay về phía có vật chạm vào má (phản xạ tìm kiếm)
Biểu hiện trẻ đã bú đủ
Mẹ có thể biết được rằng con đã no khi thấy các biểu hiện sau:
- Bé nhả núm vú và quay đi
- Con tỏ ra thoải mái và hài lòng sau khi bú
- Bé ngậm miệng khi được cho ăn
- Bàn tay của con mở ra một cách thư giãn
Nếu mẹ lo lắng rằng bé yêu không bú đủ, mẹ có thể quan sát tã của con. Khi được bú đủ sữa, bé sẽ làm ướt và bẩn khoảng 6 – 8 tã ướt mỗi ngày. Nếu con đi phân mềm thì cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm rằng con đang bú đủ lượng sữa cần thiết.
Trẻ không tăng cân là dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ không bú đủ sữa
Tất cả trẻ sơ sinh đều phát triển với tốc độ riêng, nhưng quá trình tăng cân có xu hướng tuân theo một mô hình khá nhất quán. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể giảm cân trong 5 ngày đầu đời. Nhưng sau khoảng 10 – 14 ngày tuổi, bé sẽ lấy lại được số cân nặng đã mất và tiếp tục tăng cân.
Từ 0 – 3 tháng, trẻ sẽ tăng khoảng 100 – 200g/tuần. Từ 3 – 6 tháng, con tăng khoảng 100 – 140g/tuần.
Khi trẻ bị ốm, tình trạng sụt cân là bình thường. Nhưng nếu bé sụt cân quá nhiều hoặc tăng cân chậm hơn dự kiến, điều đó đó có nghĩa là con đang không bú đủ lượng sữa cần thiết.
Dưới đây là bảng chiều cao – cân nặng của trẻ từ 0 – 10 tuổi theo chuẩn WHO để mẹ tham khảo:
Cần lưu ý rằng, bé yêu của bạn có thể nhẹ hoặc nặng cân hơn mức cân tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu con vẫn khỏe mạnh, bú và tăng cân đều, thì đó không phải là điều đáng ngại.
Trẻ 3 tháng tuổi lười bú phải làm sao?
Trẻ bú ít trong thời gian dài sẽ không nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển, dễ bị mệt mỏi, hay ốm vặt. Đặc biệt, bú ít trong thời gian đầu đời có thể khiến con bị suy giảm khả năng miễn dịch. Khi nhận thấy trẻ bú ít, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, tránh để tình trạng kéo dài.
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho mẹ có con bú ít.
- Tập cho trẻ thói quen bú đúng cách: Mẹ nên tạo cho con cữ bú hợp lý. Với trẻ 3 tháng tuổi, mỗi lần bú nên cách nhau khoảng 3 – 4 giờ. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên quá máy móc về mặt thời gian, tránh phản tác dụng
- Không để sữa có mùi lạ: Trẻ có thể không muốn bú khi sữa có mùi lạ (do mẹ ăn đồ ăn có mùi, cách bảo quản sữa không đúng, bình sữa/núm vú không được vệ sinh đúng cách,…). Mẹ cần tìm ra nguyên nhân và khắc phục chúng
- Tạo trạng thái thoải mái cho con khi bú: Mẹ không nên mặc quần áo quá nóng hoặc quấn tã quá chặt, điều này khiến con khó chịu và không muốn bú. Ngoài ra, trẻ 3 tháng đã có thể tò mò về những điều xảy ra xung quanh, nên mẹ cũng cần chọn không gian yên tĩnh khi cho con bú
- Thay đổi tư thế bú: Mẹ hãy thử các tư thế cho con bú khác nhau để tìm ra tư thế khiến con thoải mái nhất. Nếu con bị ngạt mũi do ốm, mẹ nên hút mũi trước khi cho con ăn
- Đưa bé đến các cơ sở y tế nếu tình trạng con bú ít liên quan đến các vấn đề bệnh lý
Trẻ 3 tháng bú quá nhiều cũng không tốt
Bú ít khiến con chậm phát triển, nhưng việc cho con bú nhiều hơn lượng cần thiết cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con:
- Tăng cân quá nhanh, gây thừa cân, béo phì
- Gây rối loạn tiêu hóa, biểu hiện phân lỏng, có mùi
- Trẻ dễ bị trướng bụng, ợ hơi hoặc nôn trớ
Cha mẹ nên chú ý đến tình trạng sức khỏe của con để có chế độ cho ăn hợp lý, giúp con phát triển khỏe mạnh.
Thông tin thêm: Lượng sữa bé cần trong 6 tháng đầu đời
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được cho bú bất cứ khi nào chúng tỏ ra đói. Điều này được gọi là cho ăn theo yêu cầu.
Trong 7 ngày đầu đời, hầu hết trẻ sơ sinh khỏe mạnh bú khoảng 2 – 3 giờ một lần. Khi con được 1 tháng tuổi và dạ dày có thể chứa nhiều sữa hơn, khoảng cách giữa mỗi cữ bú là 3 – 4 giờ. Từ 2 tháng tuổi trở đi, trẻ sẽ bú khoảng 4 – 5 tiếng một lần. Khi trẻ lớn hơn, thói quen bú sữa của con sẽ ổn định hơn.
Dưới đây là lượng sữa mà trẻ cần bú ở từng giai đoạn tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý rằng, thông tin dưới đây chỉ có giá trị tham khảo. Con yêu của bạn có thể cần bú nhiều hơn hoặc ít hơn số liệu được cung cấp trong phần này.
Lượng sữa cho trẻ 7 ngày đầu tiên
Lượng sữa cho trẻ 7 ngày đầu tiên | ||
Ngày tuổi của trẻ | Lượng sữa mỗi cữ bú | Số cữ bú/ngày |
Ngày 1 | 5 – 7ml | 8 – 12 cữ |
Ngày 2 | 14ml | 8 – 12 cữ |
Ngày 3 | 22- 27ml | 8 – 12 cữ |
Ngày 4, 5, 6 | 30ml | 8 – 12 cữ |
Ngày 7 | 35ml | 8 – 12 cữ |
Lượng sữa cho trẻ từ 2 tuần tuổi đến 3 tháng tuổi
Lượng sữa cho trẻ từ 2 tuần tuổi đến 3 tháng tuổi | ||
Ngày tuổi của trẻ | Lượng sữa mỗi cữ bú | Số cữ bú/ngày |
Ngày thứ 7 đến 1 tháng tuổi | 35 – 60ml | 6 – 8 cữ |
2 tháng tuổi | 60 – 90ml | 5 – 7 cữ |
3 tháng tuổi | 60 – 120ml | 5 – 6 cữ |
Lượng sữa cho trẻ từ 4 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi
Lượng sữa cho trẻ từ 2 tuần tuổi đến 3 tháng tuổi | ||
Ngày tuổi của trẻ | Lượng sữa mỗi cữ bú | Số cữ bú/ngày |
4 tháng tuổi | 90 – 120ml | 5 – 6 cữ |
5 tháng tuổi | 90 – 120ml | 5 – 6 cữ |
6 tháng tuổi | 120 – 180ml | 5 cữ |
Trẻ 3 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ? Trẻ 3 tháng tuổi nên bú từ 60 – 120ml sữa/cữ, mỗi ngày 5 – 6 cữ. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sức khỏe của con mà mẹ có thể cho con bú nhiều hoặc ít hơn mức trung bình. Mẹ có thể tự tính lượng sữa mà con cần bú mỗi ngày bằng công thức “Cân nặng của con (kg) x 150ml”.