Vitamin D3 rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm tới việc bổ sung vitamin D3 cho trẻ. Tuy nhiên, tình hình trẻ thiếu vitamin D3 ở Việt Nam vẫn phổ biến. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2010 trên 19 tỉnh thành, tỉ lệ thiếu vitamin D3 ở trẻ em thành phố là 62,1% và trẻ em nông thôn là 53,7%. Triệu chứng ở giai đoạn sớm thường kín đáo nên bố mẹ dễ bỏ sót.
Vì sao trẻ thiếu vitamin D3?
Vitamin D3 có mặt trong thức ăn, các chế phẩm bổ sung và do cơ thể tự sản xuất. Trong thai kỳ, trẻ lấy vitamin D3 từ cơ thể mẹ. Sau khi sinh, trẻ nhận vitamin D3 từ sữa mẹ và/ hoặc sữa công thức. Da trẻ có thể tự tổng hợp vitamin D3 khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, trẻ có thể được uống vitamin D3 từ các chế phẩm bổ sung. Khi lớn lên, trẻ có thể thu nhận vi chất này từ nhiều loại thức ăn như: sữa, ngũ cốc, nấm, lòng đỏ trứng, gan, bơ, phomai, dầu cá, cá hồi, cá thu…
Trẻ thiếu vitamin D3 thường do:
- Trẻ không nhận đủ vitamin D3 từ sữa mẹ và chế độ ăn. Sữa mẹ tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch nhưng lại không có đủ lượng vitamin D3 trẻ cần. Do đó, dù trẻ bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn thì vẫn cần uống vitamin D3 hàng ngày. Ở trẻ lớn, nếu trẻ không chịu ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D3 thì có thể thiếu hụt vi chất này
- Đẻ non, thừa cân, béo phì, da tối màu và ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng là yếu tố nguy cơ của thiếu vitamin D3
- Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin D3 có thể do các bệnh lý của hệ tiêu hóa, nội tiết, gan thận hoặc xảy ra khi trẻ phải uống một số loại thuốc kéo dài. Crohn, celiac, suy gan, bệnh thận mạn tính, cường tuyến cận giáp… là các bệnh lý thường khiến trẻ thiếu hụt vitamin D3
Dấu hiệu báo động trẻ thiếu vitamin D3
Để xác định chắc chắn trẻ có thiếu vitamin D3 hay không, cần lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu gợi ý giúp bố mẹ dễ dàng theo dõi và nhận biết.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu vitamin D3
Trẻ sơ sinh thiếu vitamin D3 thường có biểu hiện ra mồ hôi ban đêm, kích thích, khó ngủ, hay giật mình. Kèm theo đó, tóc sau gáy của trẻ dễ rụng, tạo nên dấu hiệu rụng tóc vành khăn. Trẻ có thể nổi nhiều mụn ngứa ở lưng, ngực. Tuy nhiên, bố mẹ cần xác minh những triệu chứng này là do trẻ thiếu vitamin D3 hay do trẻ bị nóng. Nếu bố mẹ đã điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, không đắp chăn quá dày cho trẻ mà những dấu hiệu này vẫn kéo dài thì có thể nghĩ đến nguyên nhân do thiếu vitamin D3.
Trẻ sơ sinh thiếu vitamin D3 thường mắc viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi kéo dài và tái diễn. Đây có thể là dấu hiệu gợi ý mặc dù không đặc hiệu.
Trẻ thiếu vitamin D3 kéo dài thường có các triệu chứng nghiêm trọng như:
- Chậm biết lẫy, bò và đi. Thông thường trẻ biết lẫy lúc 4 – 5 tháng tuổi, ngồi vững lúc 7 – 8 tháng, bắt đầu bò và đứng vịn lúc 9 tháng, đi men lúc 10 – 12 tháng và đi vững sau 18 tháng. Trẻ thiếu vitamin D3 có hệ xương kém phát triển nên chậm vận động hơn trẻ đồng trang lứa
- Thóp rộng, chậm liền, bờ thóp mềm. Trên đỉnh đầu trẻ có thóp trước. Thông thường, thóp trước có kích thước 2×3 cm và sẽ đóng kín lúc trẻ 1 tuổi
- Chậm mọc răng, men răng xấu. Trẻ khỏe mạnh bắt đầu mọc răng lúc 6 – 12 tháng và mọc đủ 20 răng sữa trước 2 tuổi
- Lồng ngực trẻ nhô cao hình ức gà. Trẻ bị gù vẹo cột sống và biến dạng các xương dài: chân, tay cong, phần cổ tay, cổ chân to bè
- Trẻ đi lại, chạy nhảy và hoạt động thể lực yếu, chậm chạp hơn bạn bè
Dấu hiệu thiếu vitamin D3 ở trẻ lớn
Không chỉ trẻ nhỏ, trẻ em 6 – 12 tuổi cũng thường thiếu vitamin D3. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc báo cáo tỉ lệ thiếu vitamin D3 ở độ tuổi này là 59,1%. Đây là lứa tuổi học đường và dậy thì, cơ thể trẻ cần vitamin D3 để phát triển nhảy vọt. Biểu hiện thiếu vitamin D3 ở trẻ lớn thường kín đáo. Trẻ có thể đau mỏi bắp chân, bắp tay, đau nhức cẳng chân, cẳng tay nhất là khi về đêm.
Phòng ngừa thiếu vitamin D3 ở trẻ
Trong thai kỳ, mẹ bầu nên ăn các thực phẩm giàu vitamin D3 như sữa, nấm, ngũ cốc, gan, dầu cá, bơ, lòng đỏ trứng.
Bổ sung vitamin D3 hàng ngày cho trẻ. Đây là biện pháp tiện lợi và hiệu quả nhất giúp phòng tránh thiếu vitamin D3. Liều bổ sung vitamin D3 ở trẻ em dưới 1 tuổi là 400 IU/ ngày. Trẻ trên 1 tuổi có thể uống 600 IU vitamin D3 mỗi ngày.
Đối với trẻ lớn, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống sữa, ăn nấm, ngũ cốc, lòng đỏ trứng. Bổ sung thêm gan, dầu cá, bơ khi chế biến món ăn cho trẻ.
Mặc dù vitamin D3 có thể được cơ thể tổng hợp khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Tuy nhiên, chưa có khuyến cáo chính thức nào về lợi ích, thời điểm và thời gian cho trẻ tắm nắng. Da trẻ nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Vì vậy, ở trẻ nhỏ, uống vitamin D3 hàng ngày vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Ở trẻ lớn, bố mẹ nên động viên trẻ vui chơi ngoài trời. Trẻ vừa có cơ hội vận động thể lực vừa hòa đồng và yêu thiên nhiên.
Trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể thiếu vitamin D3. Bố mẹ cần theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D3 để điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung chế phẩm và đưa trẻ đi khám kịp thời.