Bé nhà mình nhỏ quá, có thể đợi bé cứng cáp hơn rồi mới tiêm vitamin K1 được không? Có cần hoãn mũi tiêm vitamin K1 giống như vắc-xin với các bé sinh non không? Ngoài tiêm ra thì còn có cách nào để bổ sung vitamin K1 cho trẻ sơ sinh không? Nếu bạn cũng có thắc mắc như vậy, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Fitobimbi nhé!
Vì sao trẻ sơ sinh cần bổ sung vitamin K1?
Vitamin K1 là một trong hai loại của vitamin K. Vi chất này là thành phần không thể thiếu của hoạt động đông cầm máu. Đông cầm máu là quá trình khép miệng các tổn thương mạch máu trên da và trong nội tạng, giúp máu ngừng chảy. Đây là một phản ứng bảo vệ có lợi cho cơ thể. Vitamin K1 mặc dù không trực tiếp tham gia hàn gắn vết thương nhưng lại đóng vai trò sản xuất và kích hoạt nhiều yếu tố đông máu, bao gồm yếu tố II (prothrombin), VII, IX và X cũng như protein C và protein S. Như vậy, vitamin K1 đóng vai trò sống còn đối với mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin K1 cao nhất. Trong quá trình mang bầu, vitamin K1 có thể truyền từ mẹ sang cho qua nhau thai nhưng với lượng rất nhỏ. Vì vậy, dự trữ vi chất này trong cơ thể trẻ sơ sinh không cao.
Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thu nhận vitamin K1 từ 2 nguồn: thức ăn và tự tổng hợp. Các loại rau có màu xanh như rau cải, rau ngót, súp lơ… rất giàu vitamin K1. Hơn nữa, hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ lớn đã hoàn thiện và có thể tự tổng hợp vitamin K1. Nhưng trẻ sơ sinh thì khác. Trẻ sơ sinh chưa bắt đầu ăn dặm, chỉ có thể bú mẹ mà sữa mẹ lại có hàm lượng vitamin K1 rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ. Hệ vi khuẩn tại ruột già của trẻ sơ sinh cũng chưa phát triển và không có khả năng tự sản xuất vitamin K1.
Điều đó có nghĩa là trẻ sơ sinh phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vi chất này rất cao. Đó cũng chính là lý do cần bổ sung vitamin K1 cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt và tốt nhất là ngay sau khi ra đời.
Hậu quả nếu không bổ sung vitamin K1 cho trẻ sơ sinh
Bạn hãy thử tưởng tượng, khi cơ thể trẻ thiếu vitamin K1, các yếu tố đông máu ngừng hoạt động thì sẽ thế nào? Một vết xước trên da có thể chảy máu nhiều giờ đồng hồ. Một vết bầm tím do va đập có thể tiếp tục loang rộng. Và nguy hiểm nhất là chảy máu các tạng sâu bên trong cơ thể như não bộ và đường tiêu hóa.
Xuất huyết não là hậu quả nghiêm trọng nhất ở trẻ sơ sinh thiếu vitamin K1. Khi xuất huyết não, trẻ phải đối mặt với nguy cơ tử vong lên đến hơn 60%. Nếu may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trẻ vẫn phải gánh chịu nhiều di chứng thần kinh nặng nề như động kinh, bại não, não úng thủy, teo não, liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ… Một đứa trẻ ốm yếu không thể hồi phục chắc chắn là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai của các bậc phụ huynh.
Thêm nữa, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh rất khó phát hiện. Trẻ có thể bị chảy máu nội sọ tự nhiên chứ không phải do va đập. Trẻ có thể chẳng có vị trí chảy máu hay bầm tím ngoài da trước đó. Triệu chứng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh cũng rất mơ hồ nên nhiều bố mẹ thường bỏ qua, dẫn đến phát hiện muộn và không thể cứu chữa trẻ kịp thời.
Bên cạnh đó, xuất huyết não có thể xuất hiện từ rất sớm, ngay trong 7 ngày đầu sau sinh. Trẻ đẻ non và trẻ có cân nặng lúc sinh thấp còn có nguy cơ xuất huyết não cao hơn nhiều lần so với những trẻ sơ sinh khỏe mạnh khác. Do đó, chắc chắn không thể trì hoãn bổ sung vitamin K1 cho những đối tượng này.
Bổ sung vitamin K1 cho trẻ sơ sinh bằng cách nào?
Có 4 cách bổ sung vitamin K1 cho trẻ. Đó là tiêm bắp, uống bổ sung, sữa mẹ và sữa công thức. Trong đó, tiêm bắp là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Sữa mẹ và sữa công thức chỉ là nguồn bổ sung vitamin K1 kèm thêm, không thể thay thế biện pháp tiêm bắp và uống bổ sung.
Tiêm bắp
Tiêm bắp vitamin K1 cho trẻ sơ sinh là biện pháp đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt là hiệu quả và an toàn nhất. Chỉ cần 1 liều duy nhất, trẻ sẽ được bảo vệ suốt giai đoạn sơ sinh và tới tận lúc 6 tháng tuổi. Thông thường trẻ sẽ được tiêm vitamin K1 ngay tại phòng sinh hoặc phòng đẻ. Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành quy định này tới tất cả các cơ sở y tế địa phương lẫn trung ương, bệnh viện công lập lẫn tư nhân.
Uống bổ sung 3 liều
Thay vì tiêm bắp, bạn có thể bổ sung vitamin K1 cho trẻ bằng đường uống. Nhưng điều bạn cần lưu ý là phải phân biệt đúng vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K2 cũng thuộc nhóm vitamin K nhưng tác dụng chủ yếu là xây dựng và phát triển hệ xương, răng bền chắc. Bạn có thể tự mua vitamin K2 trong các cửa hàng thuốc và cho trẻ uống hàng ngày. Trong khi đó, với vitamin K1, bạn cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để uống và chỉ cần uống đủ 3 liều theo quy định.
Sữa mẹ
Mặc dù hàm lượng vitamin K1 trong sữa mẹ rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của trẻ nhưng đây vẫn là một nguồn bổ sung đơn giản, rẻ tiền, sẵn có mà bạn tận dụng. Bà mẹ đang cho con bú có thể tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin K1 vào chế độ ăn để tăng hàm lượng vi chất này trong sữa mẹ, nhưng nhất định không được bỏ qua mũi tiêm vitamin K1 nhé!
Sữa công thức
Các công ty sữa đã nhân đôi hàm lượng vitamin K1 trong thành phần của sữa công thức so với sữa mẹ. Dẫu vậy, sữa công thức vẫn không thể thay thế mũi tiêm bắp và 3 liều uống bổ sung vitamin K1.
Vitamin K1 cần thiết với tất cả mọi người, từ lúc sinh ra tới khi về già. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh non nớt là đối tượng đặc biệt cần vi chất này vì nguy cơ xuất huyết não do thiếu hụt vitamin K1 rất cao. Vì vậy, bố mẹ cần hỏi kỹ nhân viên y tế xem con bạn đã được tiêm vitamin K1 sau khi sinh chưa. Nếu chưa, hãy cho trẻ bổ sung vi chất này càng sớm càng tốt. Hãy là ông bố, bà mẹ thông thái và yêu thương con trẻ đúng cách, bạn nhé!