Sau sinh, mẹ sẽ bắt đầu học cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Điều này, khiến cho không ít phụ huynh bỡ ngỡ, nhất là khi con quấy khóc, ốm vặt. Vậy có bí quyết gì để trẻ sơ sinh khỏe mạnh? Cùng theo dõi và bỏ túi cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi trong bài viết sau!
- Trẻ 2 tháng tuổi: Sự phát triển, nhu cầu ăn, ngủ, vận động
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi
Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu
7 ngày đầu là thời kỳ chu sinh có vai trò quan trọng với bé. Nếu không biết cách chăm sóc, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Chú ý giữ ấm cho bé
Việc đầu tiên và quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là phải giữ ấm. Nếu trẻ bị rét và hạ thân nhiệt trong thời gian dài vi khuẩn sẽ có điều kiện tấn công.
Vì vậy, tốt nhất sau sinh mẹ nên nằm chung với bé. Điều này sẽ giúp hơi ấm mẹ truyền sang cho con. Đồng thời quan sát, kịp thời xử lý khi có vấn đề bất thường xảy ra với con.
2. Cho bé bú liên tục
Ở trong bụng mẹ, trẻ được cung cấp dinh dưỡng liên tục qua nhau thai. Vì vậy sau khi chào đời, bé có nhu cầu ăn uống rất cao. Mẹ nên cho con bú sớm mà không cần phải tuân theo giờ giấc.
Theo chuyên gia, sữa non là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn này. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trong 7 ngày đầu sau sinh hàm lượng IgA trong sữa mẹ cao hơn nghìn lần so với sữa thường, có khoảng 4.000 bạch cầu trong 1cm3 sữa non với chức năng loại bỏ vi khuẩn đường ruột. Trẻ được bú sữa non ngay khi chào đời có tỉ lệ viêm phổi và tiêu chảy thấp. Chính vì thế, mẹ không nên vắt bỏ sữa non mà cho bé uống càng sớm càng tốt.
3. Chú ý các biểu hiện sinh lý của bé
Thông thường sau sinh bé sẽ đi ngoài phân su có màu xanh đậm, dạng lỏng, không mùi. Đây được coi là chất thải lấp đầy ruột khi trong bụng mẹ. Nó sẽ được thải ra ngoài trong vòng 6-12 tiếng sau sinh.
Nếu bé không đi phân xu sau 48 tiếng kể từ khi chào đời hoặc bị vàng da, thở rên, quấy khóc và ngủ li bì mẹ cần đưa đi khám. Đây là những dấu hiệu bất thường cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn.
Với trường hợp đầu trẻ xuất hiện cục bướu huyết thanh, gia đình tuyệt đối không chọc hút mà theo dõi thêm. Việc chọc hút có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi được 1 tháng tuổi
Giai đoạn chu sinh sẽ kéo dài đến khi trẻ được 1 tháng tuổi. Vì vậy trong giai đoạn này việc chăm sóc vẫn đòi hỏi mẹ hết sức tỉ mỉ.
1. Cách chăm sóc trẻ khi ăn
Khi mới chào đời, phản xạ bú mút của trẻ vẫn còn non nớt, cần tới hỗ trợ từ mẹ. Chưa kể đến việc dạ dày của bé nằm ngang nên rất dễ sặc và nôn. Nếu mẹ không biết chăm sóc, thực hiện thao tác cho ăn đúng, bé có thể sặc sữa, tím tái. Fitobimbi gợi ý cách mẹ chăm bé khi ăn như sau để đảm bảo an toàn.
- Cho bú khoảng 30-90ml sữa/ lần bởi vì dạ dày của bé còn nhỏ
- Tuyệt đối không nên cho bé bú nằm, điều này dễ gây sặc và ọc sữa ra ngoài. Mẹ nên bế bé trên tay, sao cho phần thân và đầu nằm trên đường thẳng, nghiêng góc 45 độ. Một tay đỡ thân và đầu, một tay kẹp chặt núm ti, tránh sữa chảy mạnh khiến bé bị sặc
- Không để bé nằm ngay sau ăn. Mẹ nên bế đứng vài phút, khum tay vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi
2. Cách vệ sinh rốn và tắm cho bé
Quá trình chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mẹ đừng bao giờ ngó lơ việc vệ sinh rốn. Chăm sóc rốn và tắm cho bé sạch sẽ là một trong những yếu tố hạn chế bệnh.
Cách tắm cho bé:
- Trước khi tắm rửa cho bé, mẹ cần chuẩn bị 2 chiếc chậu tắm, bông gòn, quần áo, tất, mũ, khăn lau,….
- Sau đó tiến hành tắm theo thứ tự từ trên xuống. Bắt đầu từ việc gội đầu, sau đó bao khô. Rồi lau đến cổ, lòng bàn tay, ngực, bụng, lưng, đùi, vệ sinh bộ phận sinh dục rồi tráng lại nước, lau khô và mặc quần áo cho con
- Lưu ý, nơi tắm cho bé phải là phòng kín, tránh gió lùa vào
- Nếu như không sử dụng các loại lá để tắm mẹ hãy chọn loại xà phòng chuyên dùng cho trẻ sơ sinh với thành phần tự nhiên
- Khi thời tiết lạnh, không nhất thiết phải tắm cho bé mỗi ngày, tuần có thể tắm 1-2 lần tùy vào sức khỏe
Cách vệ sinh rốn:
- Sau khi tắm xong, mẹ hãy vệ sinh vùng rốn cho bé bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Sau đó thấm khô bằng băng gạc hoặc tăm bông, để rốn khô thoáng.
- Tuyệt đối không băng bó lại vì điều này khiến rốn lâu khô và dễ nhiễm trùng.
3. Cách quấn tã và đội mũ đúng cách cho bé
Lo sợ trẻ lạnh nên nhiều gia đình hay có thói quen đội mũ cả ngày và đêm. Tuy nhiên, điều này không hề tốt cho các bé sơ sinh. Theo các chuyên gia, trẻ dưới 1 tuổi chưa tự điều chỉnh thân nhiệt, các con chủ yếu thoát nhiệt qua đầu. Do đó nếu che chắn kỹ trẻ dễ bị nóng và toát mồ hôi. Điều này kéo dài không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu mà còn tăng thân nhiệt khiến trẻ sốt cao hoặc bị cảm lạnh do ngấm mồ hôi.
Giống như đội mũ, nhiều người cho rằng việc quấn tã chặt có thể giúp bé ngủ ngon, ít quấy và không giật mình. Tuy nhiên, trên thực tế việc làm này không được chuyên gia khuyến cáo. Hành động, quấn tã chặt có thể làm khớp háng của bé phải hướng ra trước và duỗi thẳng, làm chân bí bách, khó chịu, ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
4. Chăm sóc da, mắt, lưỡi, mũi cho bé
Trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi thì các bộ phận như da, mắt, mũi, miệng cần phải đặc biệt chú ý. Việc chăm sóc da và mắt cần phải tuân thủ theo nguyên tắc sau:
- Không để bé tiếp xúc với mỹ phẩm, xà phòng có chất kích thích
- Thay tã ngay khi bị ướt và sử dụng kem chống hăm để giảm kích thích của phân, nước tiểu đến khu vực bẹn
- Vệ sinh mắt cho bé thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Tránh việc đổ ghèn nhiều, khiến con khó chịu
- Sử dụng khăn riêng để lau mặt cho bé
- Lựa chọn quần áo, khăn tắm có chất liệu mềm mịn, mỏng thoáng, tránh gây kích ứng làn da
- Hàng ngày mẹ dùng gạc chấm nước muối sinh lý rồi rơ sạch lưỡi cho con để tránh nấm, khuẩn
5. Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi không thể thiếu được việc đo nhiệt độ hàng ngày. Sức khỏe của bé nhạy cảm nên mẹ cần chuẩn bị chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ thường xuyên, nhất là khi thấy chân tay của bé bị nóng hoặc lạnh. Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36.5 đến 37 độ C.
- Nếu nhiệt độ cao hơn 37.5 mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng, thoáng mát, loại bỏ bớt chăn và cho con bú nhiều hơn.
- Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C có nghĩa là bé bị sốt. Lúc này mẹ cần lau mát cho con nếu tình trạng sốt vẫn kéo dài thì nên đưa bé tới viện kiểm tra. Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mẹ tuyệt đối không nên theo dõi sốt ở nhà, khi tình trạng này kéo dài hơn 24 tiếng.
6. Lưu ý khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Ngoài việc bỏ túi cách chăm sóc cho từng bộ phận mẹ đừng quên những lưu ý dưới đây:
- Một điều đặc biệt khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mà mẹ nhất định phải nhớ đó là không để người khác ôm, hôn vào miệng của bé. Việc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, thủ phạm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ như viêm phổi (rsv), viêm màng não, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi,…
- Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mẹ đừng quên tiêm phòng những mũi vắc xin quan trọng như vitamin K, viêm gan B, vắc xin lao,… Điều này giúp bé có một nền tảng miễn dịch khỏe mạnh để chống tác nhân gây bệnh.
- Ngoài ra trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi nhu cầu ngủ sẽ rất cao. Con có thể dành khoảng 18-20 tiếng trong ngày để ngủ. Vì vậy nếu bé vẫn ăn uống đủ mẹ không nên làm ảnh hưởng giấc ngủ của con. Trẻ sẽ lớn rất nhanh trong quá trình ngủ mẹ nhé.
Lời kết:
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đã được Fitobimbi tổng hợp ở đây. Hy vọng với kiến thức này, mẹ bỉm có thể chăm sóc các bé khỏe mạnh trong giai đoạn đầu, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo.