Bé lên 2 những vẫn chưa có dấu hiệu biết nói? Bé biết nói nhưng không một ai có thể hiểu ngôn ngữ của chúng? Bé nhà bạn có rơi vào những tình huống như này không? Đây là những dấu hiệu điển hình của trẻ chậm nói. Nếu bạn còn khá mơ hồ về tình trạng này, hãy theo dõi thông tin dưới đây nhé!
Tổng quan về chậm nói ở trẻ
Tình trạng chậm nói ở trẻ đang có dấu hiệu ngày một gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ chậm nói ở trẻ 2 tuổi chiếm 15% trong tổng số. Và trẻ ở độ tuổi đi học là 5%. Vì vậy, đây là vấn đề cấp thiết mà phụ huynh nên quan tâm để sớm có biện pháp can thiệp phù hợp.
Bình thường trẻ mấy tháng biết nói?
Ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ đã biết “tập tành” học những thứ âm thanh từ bên ngoài. Khi chào đời, kỹ năng này được nâng cấp hơn. Không chỉ là nghe mà trẻ còn có thể nhận biết được thứ âm thanh quen thuộc. Tuy chưa biết nói, nhưng bằng cử chỉ, điệu bộ, bố mẹ có thể hiểu trẻ đang cảm thấy hạnh phúc hay cáu giận.
Sau đó là giai đoạn nói “lảm nhảm”, bắt chước tiếng kêu hoặc âm thanh gần gũi. Trẻ bắt đầu biết dùng cử chỉ, hành động như “chào tạm biệt”, “lắc đầu”,… Đến mốc 1 tuổi, trẻ mới thực sự nói được tiếng có nghĩa đầu tiên. Chẳng hạn như “ba, mẹ, bế, bà,…”.
3 năm đầu là quãng thời gian để bộ não của trẻ tập trung phát triển kỹ năng nói và giao tiếp. Khi lên 3, mẹ sẽ thấy bé nói như “cỗ máy” và có thể tự tin giao tiếp được với bạn bè và bố mẹ.
Trẻ chậm nói là gì?
Trẻ được coi là chậm nói là khi biết nói chậm hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. Mặc dù vậy, các cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ vẫn diễn ra theo trình tự bình thường.
Lời nói là phương tiện biểu đạt mong muốn và nhu cầu của bản thân. Đây cũng là nền tảng cơ bản để trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết trong đời sống: nhận thức, giải quyết vấn đề, tập trung, ghi nhớ và học tập.
Trẻ chậm nói sẽ bị hạn chế trong giao tiếp. Điều này khiến trẻ ngại trò chuyện, tâm sự với mọi người. Thậm chí là đây còn là rào cản lớn cho các mối quan hệ bạn bè của trẻ. Điều này trái với quy luật tự nhiên, trẻ sống trong môi trường này một thời gian dài sẽ gây ra tâm lý tự ti, dần trở lên cô lập. Nếu không được can thiệp sớm, trẻ có thể phát sinh những hành vi tâm lý nguy hiểm.
Trẻ chậm nói đơn thuần là gì?
Trẻ chậm nói đơn thuần được hiểu là những đứa trẻ có vốn từ vựng ít ỏi, không thể nói một câu hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chúng lại có thể nghe và hiểu được lời của người lớn nói. Điều đó cho thấy, trẻ có nhu cầu giao tiếp, mong muốn được nói lên suy nghĩ của mình nhưng lại không biết diễn đạt như thế nào.
Mặc dù trẻ em chậm nói đơn thuần gặp hạn chế về mặt giao tiếp. Nhưng về mặt thể chất, tâm lý thì trẻ hoàn toàn bình thường. Do đó, bố mẹ chỉ cần nói chuyện với trẻ thường xuyên, đọc sách cho chúng nghe,… để gia tăng vốn từ vựng là có thể sớm cải thiện được tình trạng chậm nói.
Nguyên nhân vì sao trẻ chậm nói
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Cụ thể như sau:
Trẻ chậm nói do bệnh lý
Bệnh lý được cho là “thủ phạm” gây nguy cơ chậm nói hàng đầu ở trẻ. Cụ thể hơn là bệnh lý liên quan đến tai – mũi họng.
Trẻ gặp vấn đề về tai như viêm tai giữa sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nghe. Vì vậy, trẻ sẽ khó có thể bắt chước và phát âm đúng được. Bên cạnh đó, một số trẻ bị khuyết tật về vòm họng, miệng như là triệu chứng dính lưỡi, hở hàm ếch cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tập nói ở trẻ.
Trẻ chậm nói do tâm lý
Trong quá trình khôn lớn, có thể trẻ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ hoặc gặp một biến cố nào đó khiến tâm lý bị ảnh hưởng. Lúc này trẻ sẽ trở lên thu mình, tự ti, sợ giao tiếp và tiếp xúc với mọi người. Theo thời gian, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc học nói và các kỹ năng khác của trẻ.
Trẻ xem tivi nhiều chậm nói
Thay vì tham gia những hoạt động vui chơi ngoài trời, trẻ nhỏ ngày nay dành rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình tivi. Người lớn thay vì trò chuyện, chơi đùa với con thì lại dí cho trẻ chiếc smartphone để chúng khỏi khóc lớn, hay ăn ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không biết rằng, đây hoàn toàn là thói quen không hề tốt với trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến quá trình học nói của một đứa trẻ.
Nếu chỉ xem tivi hay dùng điện thoại, không có sự tương tác qua lại, trẻ sẽ rơi vào tình huống giao tiếp “một chiều”. Theo thời gian, chúng dần trở lên bị động, lười nói, lười giao tiếp, thiếu tập trung và ghi nhớ kém.
Bên cạnh đó, tốc độ nói của các chương trình trên TV thường nhanh hơn rất nhiều so với khả năng hiểu của bé. Nếu bé xem nó suốt trong một thời gian dài sẽ có thể gây lên tật nói ngọng, nói lắp.
Trẻ chậm nói do thiếu dinh dưỡng
Khả năng ngôn ngữ không phải điều hiển nhiên trẻ có được khi đạt đến độ tuổi nào đó. Nó cần phải trải qua quá trình tiếp thu, học hỏi và rèn luyện. Bên cạnh đó, thiếu dinh dưỡng cũng có thể làm trì hoãn quá trình phát triển ngôn ngữ. Vậy trẻ chậm nói thiếu chất gì?
Theo các nhà khoa học Viện Y tế Công cộng Nauy, những đứa trẻ sinh ra thiếu chất axit folic sẽ có nguy cơ cao mắc chứng chậm nói. Đây là một hoạt chất có liên quan đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Bên cạnh đó, nếu trẻ thiếu hụt những dưỡng chất sau thì sẽ là rào cải rất lớn cho quá trình học nói:
- Vitamin A: Trẻ có thể bị viêm tai nếu chế độ ăn thiếu vitamin A. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nghe, từ đó gây nguy cơ chậm nói ở trẻ
- Omega 3: Đây là acid béo có số lượng lớn trong não bộ. Nó đóng vai trò kiểm soát mọi chức năng và hoạt động của cơ quan này. Bao gồm cả việc học ngôn ngữ. Do đó, trẻ thiếu chất béo sẽ rất khó để phát triển toàn diện
- Protein: Thiếu protein, trẻ sẽ không có năng lượng để cơ thể hoạt động. Từ đó khiến não bộ bị đình trệ, cải trở quá trình học hỏi và ghi nhớ
- Chất xơ: Hệ tiêu hóa có vai trò rất lớn cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu cơ quan này gặp vấn đề, trẻ khó có thể tập trung học bất kỳ một kỹ năng nào. Trong khi đó, chất xơ là nhóm chất mà cơ thể rất cần để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh
- Các nguyên tố vi lượng: Sắt, iốt, kẽm,… là những nhóm chất cần thiết để giúp trẻ thêm năng lượng, nhanh nhẹn, hoạt bát, tập trung để sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới
Dấu hiệu trẻ chậm nói
Dưới đây là một số dấu hiệu nghi ngờ con chậm nói:
Trẻ 3 – 4 tháng tuổi
- Không phản ứng hoặc bắt chước với những âm thanh quen thuộc
- Không phát ra âm thanh gừ gừ
Trẻ 12 tháng tuổi
- Không nói được những từ đơn giản như “mama” hoặc “dada”
- Ít sử dụng cử chỉ như bye bye hoặc lắc đầu
- Không chia sẻ với bố mẹ điều trẻ quan tâm, chẳng hạn như chỉ tay vào những thứ bé thích
- Không nói một từ nào sau 15 tháng
- Không bập bẹ hoặc nói lảm nhảm
Trẻ 18 tháng tuổi
- Khi được hỏi về các cơ quan trên cơ thể, trẻ không thể chỉ tay để nhận biết
- Không nói ít nhất 6 từ
- Không hiểu những mệnh lệnh đơn giản như “nhặt quả bóng đằng sau”
- Khi được hỏi những câu đơn giản như “đây là cái gì?”, trẻ thường không phản ứng hoặc đáp lại bằng lời
Trẻ 24 tháng tuổi
- Không phản hồi các hướng dẫn đơn giản
- Không thích chơi trò nhập vai, chẳng hạn như chăm sóc búp bê, cho búp bê ăn, chải tóc
- Không có khả năng nhại lời nói hoặc bắt chước hành động của người khác
- Không thể chỉ đến các ảnh đã đặt tên trong sạc
- Không thể ghép 2 từ đơn thành 1 câu
- Hầu như trẻ không có khái niệm về các đồ dùng quen thuộc trong gia đình
Trẻ 25 tháng tuổi:
- Không thể ghép 2 – 4 từ thành câu hoàn chỉnh
- Trẻ không gọi tên được các bộ phận trên cơ thể
- Gặp khó khăn khi ghi nhớ các bài hát mẫu giáo quen thuộc
- Không hỏi những câu đơn giản
Trẻ 3 tuổi:
- Khi giao tiếp thường không sử dụng đại từ
- Cực kỳ khó khăn khi tách ra khỏi mẹ
- Trẻ có thể bị rối loạn ngôn ngữ. Tình trạng này có những biểu hiện đặc trưng sau: Không nói được những cụm từ ngắn, người lạ thường không hiểu được bé nói, trẻ nói sai ngữ pháp, nói đảo lộn, nói nhại, trẻ hay nói linh tinh những câu vô nghĩa, không thể kể hoàn chỉnh một câu chuyện đã trải qua,…
- Trẻ không tập trung hoặc không quan tâm khi được người khác đọc sách hoặc đọc truyện cho nghe
- Ngoài ra, một số trẻ còn có dấu hiệu đi nhón chân. Đây là tư thế đi yêu thích của trẻ. Tuy nhiên, nếu trong mọi hoàn cảnh, bé đều đi nhón chân thì bạn có thể nghi ngờ bé bị chậm nói do tự kỷ
Trẻ 4 tuổi:
- Khó khăn trong việc đánh vần những phụ âm đơn: a, ă, â, e, ê,…
- Không kể ra được điểm giống và khác nhau của đồ vật
- Dùng sai cách các đại từ. Ví dụ, thay vì xưng “con”, trẻ lại xưng “mẹ”
- Trẻ hay khóc đêm, la hét, cáu gắt,… ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bộ não. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học nói mà còn khiến trẻ kém thông minh, lanh lợi như những đứa trẻ bình thường
Cách điều trị trẻ chậm nói
Nếu nghi ngờ trẻ chậm nói, đừng bỏ lỡ thời điểm vàng cải thiện bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Qua đó, bố mẹ sẽ nhận được lời khuyên hữu ích để hướng dẫn và tương tác với trẻ đạt hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hãy tham khảo thêm những giải pháp can thiệp dưới đây nhé!
Phương pháp dạy trẻ tập nói
- Nói chuyện với bé thường xuyên: Tận dụng mọi không gian, thời gian để trò chuyện, tương tác với bé. Ngay cả khi đang nấu ăn, hãy hỏi bé rằng “mẹ đang làm bữa tối, nay con muốn ăn gì nào?”. Khi có cơ hội nói chuyện với bé, mẹ hãy giao tiếp bằng mắt và sử dụng cử chỉ nhiều hơn. Qua đó thu hút sự chú ý của bé về phía mình, chúng sẽ nắm được nhiều từ vựng, cũng như cách biểu đạt cảm xúc khi trò chuyện với người thân đó
- Đọc sách: Hoạt động này nên được khuyến khích, không chỉ giúp trẻ nhanh biết nói mà còn khơi gợi khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Sách là kho tàng của tri thức, bé sẽ như mở ra được thế giới của riêng mình qua những câu chuyện thần thoại, cổ tích mà mẹ đọc. Từ đó chúng sẽ có niềm cảm hứng với những con chữ và việc tập nói hơn. Lưu ý, khi đọc sách cho bé, mẹ hãy cố gắng mô tả những hình vẽ trên trang sách để bé có “khái niệm” về chúng nhé
- Tập nói bằng bài hát: Hát những giai điệu vui tươi, dễ nghe, dễ thuộc là “bài tập” nói lý tưởng cho bé chậm nói. Đảm bảo cách học này sẽ “mặn mà”, thú vị hơn việc đọc bảng chữ cái thông thường. Không những thế, trẻ có thể học thuộc dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn. Mẹ hãy áp dụng nhé!
Trong quá trình dạy nói, bạn nên kiên trì, hướng dẫn lặp lại cho bé nhiều lần. Tuyệt đối không được la mắng hoặc tỏ ra thất vọng. Thay vào đó, hãy nói lại câu nói đúng cho trẻ nghe để con biết mình đã sai ở đâu. Đồng thời, dành lời khen, động viên, những cử chỉ âu yếm khi con hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ”. Chỉ là những hành động đơn giản thôi cũng đủ tiếp thêm cho bé động lực.
Cho trẻ đi châm cứu
Châm cứu chữa chậm nói là phương pháp trị liệu ngày càng phổ biến. Khi trị liệu, bác sĩ sẽ sử dụng kim châm chuyên dụng, đâm vào vị trí huyệt đạo đã xác định. Tác động này giúp cải thiện lưu thông minh, cân bằng cơ thể, mang lại hiệu quả tích cực đến hệ thần kinh: Trẻ ngủ ngon hơn, bớt cáu gắt, bứt rứt và quấy khóc. Từ đó cho trẻ có thể lực và trí tuệ tốt nhất để tiếp thu kiến thức mới.
Mẹo chữa trẻ chậm nói
Không ai biết rõ nguồn gốc hay cơ sở để người xưa có thể phát minh ra những mẹo chữa trẻ chậm nói. Tuy nhiên, nó đã tồn tại rất lâu và vẫn được nhiều người áp dụng đến tận ngày nay.
- Mẹo chữa chậm nói bằng đậu đỏ: Đậu đỏ xay mịn thành bột, trộn với rượu trắng sau đó bôi lên vùng dưới lưỡi của trẻ
- Mẹo chữa chậm nói giật đồ: Cách này có thể hiểu là “cướp” đồ ăn trên tay của người lạ và cho bé ăn
Hiện nay, hiệu quả của những mẹo chậm nói này chưa được khoa học kiểm chứng. Do đó, bố mẹ nên coi đây như một biện pháp tham khảo, không nên quá kỳ vọng.
Trẻ chậm nói khám ở đâu? Khoa nào?
Việc thăm khám là điều cần thiết khi bố mẹ phát hiện trẻ có dấu hiệu chậm nói. Dưới đây là những địa chỉ tin cậy tại 3 thành phố lớn của Việt Nam:
Trẻ chậm nói khám ở đâu Hà Nội?
Bệnh viện NHi TW – Khoa tâm bệnh
- Địa chỉ: Số 18 ngõ 879 đường La Thành, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec – Khoa Tâm lý Nhi
- Địa chỉ: Số 458 đường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
Trung tâm phục hồi chức năng Vinahealth
- Địa chỉ: Số 29/40 đường Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội
Phòng khám Việt An
- Địa chỉ: Số 19 đường Trương Hán Siêu, Quận Hoàn Kiếm, TP. HN
Trẻ chậm nói khám ở đâu Đà Nẵng?
Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng – Khoa phục hồi chức năng
- Địa chỉ: Số 402 đường Lê Văn Hiến, Phường Khuê Mỹ, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Trung tâm Hướng Dương Đà Nẵng
- Địa chỉ: Số 144A Ông Ích Khiêm, Phường Tam Thuận, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng
Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Đà Nẵng
- Địa chỉ: Số 95 Quang Trung, Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu, Đà Nẵng
Trẻ chậm nói khám ở đâu TP Hồ Chí Minh?
Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Địa chỉ: Số 341 đường Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Bệnh viện Tâm thần TP.HCM – Khoa tâm lý tâm thần trẻ em
- Địa chỉ: Số 165B Phan Đăng Lưu, Phường 1, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Bệnh viện Tân Phú
- Địa chỉ: Số 609-611 Âu Cơ, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, TP.HCM
Dinh dưỡng cho trẻ chậm nói
Như đã đề cập ở trên, một số trường hợp chậm nói ở trẻ là do thiếu chất gây nên. Do đó, bố mẹ đừng quên bổ sung cho bé những dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển toàn diện nhé!
Bé chậm nói nên bổ sung gì vào khẩu phần ăn?
- Thực phẩm giàu axit folic: Cải bó xôi, đậu lăng, đậu cô ve, đậu phộng, súp lơ, dưa vàng, bơ, cam,…
- Omega 3: Cá hồi, cá trích, cá bơn, hạt chia, hạnh nhân, hạt óc chó, hạt lạnh, các loại dầu cá, súp lơ, cải xanh,…
- Vitamin A: Gan cá, cà rốt, rau bina, ớt chuông, bí ngô, bông cải xanh, cà chua,…
- Protein: Thịt bò, trứng gà, sữa, các loại đậu,…
- Nguyên tố vi lượng: Nấm, thịt màu đỏ, hải sản, vừng, đậu đen, đậu nành, hàu, hến,…
Trẻ chậm nói nên uống sữa gì?
Sữa cũng là nguồn dinh dưỡng giàu DHA – Một acid béo Omega 3 tốt cho trí não của trẻ. Vì thế, mẹ đừng bỏ qua thức ăn này cho trẻ nhỏ nhé!
Những loại sữa được khuyên dùng cho trẻ chậm nói là:
- Sữa nguyên kem Nutifood
- Sữa nguyên kem Vinamilk dinh dưỡng
- Sữa tươi nguyên kem dạng bột Devondale
- Sữa nguyên kem Cô gái Hà Lan
- Sữa bột nguyên kem Kanny
Trẻ học nói ở đâu?
Trẻ đến độ tuổi mẫu giáo những kỹ năng ngôn ngữ vẫn chưa đáp ứng, bố mẹ nên cho trẻ theo học tại môi trường giáo dục đặc biệt. Dưới đây là những địa chỉ uy tín tại Hà Nội mà bạn nên tham khảo:
Trung tâm Nắng Mai
Địa chỉ:
- Số A20, ngách 3/11 Liên Cơ, Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội
- Số 36/47 đường Lưu Hữu Phước, KĐT Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội
Trung tâm giáo dục đặc biệt Thiên Thần Thỏ
- Địa chỉ: Số 55 ngõ 109 đường Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, TP.Hà Nội
Trung tâm Hoa Anh Đào
- Địa chỉ: Số 66 ngõ 80 đường Hoa Lâm, Phường Việt Hưng, Quận Long Biên, TP.Hà Nội
Trường chuyên biệt Ánh Sao
Địa chỉ:
- Số 18 ngõ 219 đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội
- Tòa nhà C12, TT15, Khu đô thị Văn Quán, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội
- Số 69 ngõ 255 Phố Vọng, Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội
Tài liệu dạy trẻ chậm nói
Những cuốn tài liệu dạy trẻ chậm nói sẽ là công cụ hữu ích giúp hỗ trợ bố mẹ trong quá trình học nói của con yêu. Một vài cuốn sách sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích là:
- Dạy con học nói – Tác giả An Khánh Nhung
- Kế hoạch dạy trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ – Tác giả An Khánh Nhung
- Cùng con học nói – Tác giả Sally Ward
- Cùng con vượt qua hàng rào giao tiếp – Tác giải Lê Khanh
- Mẹ hỏi bé trả lời – Nhà xuất bản Kim Đồng
- 100 ký hiệu giao tiếp với trẻ – Nathanaëlle Bouhier và Charles Flavie Augereau
Đồ chơi cho trẻ chậm nói
Đồ chơi thông minh không chỉ là công cụ giải trí giúp trẻ tránh xa thời gian ngồi trước màn hình TV, hoặc điện thoại. Nó còn là “sợi dây” liên kết giữa bạn và bé. Qua đó trẻ có thể tương tác với đồ vật và bố mẹ. Đồng thời phát triển nhiều kỹ năng cần thiết khác:
- Đồ chơi bằng tranh ảnh: Thị giác của trẻ bị thu hút bởi những bức tranh đầy màu sắc. Vì vậy, chúng sẽ dành sự tập trung vào hoạt động này hơn. Từ đó dễ dàng học hỏi và tiếp thu những từ vựng mới, giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ
- Đồ chơi truyền thống: Búp bê, nông trại, đồ chơi nấu ăn,… Tuy đây chỉ là những món đồ chơi đã quá “cũ kỹ”, thế nhưng nó lại góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của bé yêu đâu. Nghiên cứu cho thấy, trẻ tham gia vào những trò chơi có tính chất “nhập vai” này có thể giúp cải thiện sự tập trung, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Bố mẹ hãy cùng tham gia vào câu chuyện của bé nhé!
- Đồ chơi âm thanh: Gấu bông phát nhạc, đàn piano, chú cừu tinh nghịch,… đây đều là những món đồ chơi sở hữu vẻ ngoại ngộ nghĩnh, đáng yêu. Không chỉ vậy nó còn giúp khơi gợi khả năng sáng tạo và tưởng tượng của bé. Từ đó hỗ trợ quá trình học ngôn ngữ ở trẻ
Trên đây là những thông tin xoay quanh trẻ chậm nói. Bố mẹ cần quan sát trẻ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường. Qua đó không bỏ lỡ cơ hội để trẻ phát triển toàn diện.