Theo một số báo cáo khoa học, tình trạng chậm nói, kém tập trung có mối tương quan đến hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Vậy trẻ chậm nói kém tập trung có phải bị ADHD không?
Trẻ chậm nói kém tập trung – Biểu hiện của trẻ ADHD?
Khi nghiên cứu trẻ ADHD (tăng động giảm chú ý), các nhà khoa học thường chẩn đoán dựa trên mô hình DSM-5. Đây là một công cụ giúp phát hiện và nhận biết các rối loạn tâm thần, được ứng dụng trên toàn thế giới.
Theo DSM-5, ADHD có 3 dạng phổ biến: tăng động/bốc đồng, giảm chú ý, loại cuối cùng là phối hợp cả tăng động và giảm chú ý. Chẩn đoán ADHD sẽ dựa trên 9 triệu chứng điển hình. Trong đó, kém tập trung là một dấu hiệu được đề cập. Tuy nhiên, mô hình này lại không hề nhắc đến “chậm nói”.
Mặc dù vậy, khi nghiên cứu về hội chứng tăng động giảm chú ý, các nhà khoa học cũng có những đánh giá về sự phát triển của trẻ trên mọi khía cạnh, bao gồm kỹ năng ngôn ngữ. Theo đó, họ phát hiện ra, đa phần trẻ ADHD đều biết nói rất muộn. Ngoài ra các kỹ năng về vận động thô và vận động tinh cũng bị hạn chế.
Trong một nghiên cứu khác của A Ornoy, ông cho rằng, chậm nói, kém tập trung và tăng động là những dấu hiệu nhận biết sớm của chứng ADHD. Tác giả chỉ ra, 80% số trẻ chậm nói có những biểu hiện của tăng động giảm chú ý khi bước vào độ tuổi đi học.
Vì vậy, mặc dù không được đề cập trong 9 triệu chứng chẩn đoán ADHD theo mô hình DSM-5, nhưng chậm nói cũng là tình trạng khá phổ biến ở nhóm trẻ này.
Mối liên hệ giữa trẻ chậm nói và tăng động giảm chú ý
Theo nghiên cứu, cấu tạo não là “mẫu số chung” của trẻ chậm nói và tăng động giảm chú ý, cụ thể là vùng thùy trán. Cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong ADHD, ngoài ra nó cũng quyết định đến việc tạo ra lời nói.
Theo các nhà khoa học, trẻ mắc ADHD có kích thước thùy trán nhỏ hơn, lượng máu được vận chuyển đến thủy trán cũng ít hơn.
Trong cấu tạo vỏ não, thùy trán là thùy lớn nhất. Nó là nơi điều khiển cảm xúc, tâm trạng. Ngoài ra, thùy trán cũng kiểm soát các chức năng khác như hành vi, lập kế hoạch, động lực, tổ chức, trí nhớ ngắn hạn, duy trì sự tập trung,… Và đặc biệt, thùy trán cũng là cơ quan hình thành ngôn ngữ.
Trẻ chậm nói kém tập trung có phải bị ADHD không?
Với những nhận định trên, mặc dù trẻ chậm nói, kém tập trung có thể là dấu hiệu sớm của ADHD. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa rằng những trẻ chậm nói kém tập trung là bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Ngoài ra, cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ chậm nói thường có tốc độ tập trung tương ứng với mức độ phát triển ngôn ngữ. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ 7 tuổi có khả năng nói tương đương cấp độ 4 tuổi, thì khoảng thời gian duy trì sự chú ý của chúng sẽ được so với trẻ 4 tuổi, chứ không phải đứa trẻ cùng tuổi. Điều này không có nghĩa là trẻ bị ADHD.
Bên cạnh đó, do bị hạn chế trong giao tiếp, trẻ chậm nói thường khó bày tỏ mong muốn và nhu cầu của mình. Vì vậy, chúng sẽ có những cảm xúc, hành vi giống như trẻ ADHD.
Do đó, nếu một đứa trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ và ngôn ngữ, cần phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng để xác định xem “các dạng ADHD” của trẻ (về cả sự chú ý và hành vi) có liên quan đến sự chậm phát triển ngôn ngữ hay không, hay thực tế đứa trẻ cũng bị ADHD.
Trên đây là giải đáp “trẻ chậm nói kém tập trung có phải là bị tăng động giảm chú ý không?”. Với những chia sẻ này, mong rằng bố mẹ chớ đưa ra kết luận vội vàng mà cần đưa trẻ đi khám để có đánh giá chính xác hơn về tình trạng của trẻ.