Nội dung chính

Bệnh sởi ở trẻ em: Hình ảnh, nguyên nhân và dấu hiệu

Bệnh sởi ở trẻ em có khả năng lây truyền nhanh chóng, dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Đặc biệt, nếu không được điều trị đúng cách, trẻ sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Theo dõi bài viết dưới đây để nắm những thông tin cần biết về bệnh sởi nhé!

benh soi o tre em

Giới thiệu về bệnh sởi

Bệnh sởi ở trẻ em là gì?

Sởi là bệnh lý lây truyền cấp tính qua đường hô hấp. Bệnh đặc trưng bởi các biểu hiện như sốt, phát ban, viêm kết mạc mắt, viêm đường tiêu hóa, viêm long hô hấp,… Bệnh sởi có tính lưu hành rộng, vì thể bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan rất nhanh nên rất dễ bùng phát trong cộng đồng. Đặc biệt, virus gây bệnh có thể lây lan ngay khi người bệnh chưa có biểu hiện ra ngoài, kéo dài từ thời gian ủ bệnh đến khi phát ban hoàn toàn.

Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là các bé chưa tiêm đủ các mũi vacxin là đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất.

Nguyên nhân trẻ bị sởi

Bệnh sởi ở trẻ em được gây ra bởi virus sởi. Loại virus này thuộc họ Paramyxoviridae có dạng cầu, đường kính khoảng 120 – 250nm, sức sống yếu, dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời và các thuốc khử trùng thông thường.

Nguyên nhân trẻ bị sởi

Virus sởi có hai kháng nguyên: kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin) và kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin). Virus sởi sau khi tấn công niêm mạc đường hô hấp hoặc kết mạc nó sẽ bắt đầu nhân lên ở tế bào biểu mô, sau đó lan ra các hạch bạch huyết và lưới nội mô khác. Sự phổ biến của virus sởi trong máu, cùng với sự lây nhiễm liên quan của các tế bào nội mô, biểu mô, đại thực bào và bạch cầu đơn nhân có thể giải thích sự đa dạng của các biểu hiện lâm sàng, cũng như các biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh sởi.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh sởi

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sởi nhất, hơn nữa các biến chứng mà sởi gây ra lại vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, ba mẹ nên hận biết các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em để chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Thể điển hình

Thông thường, trẻ bị sởi sẽ tiến triển theo 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Bệnh sởi không bộc phát ngay mà có thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 8 – 11 ngày
  • Giai đoạn khởi phát (viêm long): Trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh sởi như ho, viêm xuất tiết mũi, họng, sốt nhẹ, viêm kết mạc, mắt sưng, mắt có gỉ, đỏ mắt, nước mắt và nước mũi chảy nhiều, hạch ngoại biên sưng to,… Giai đoạn này thường sẽ kết thúc trong khoảng 3 – 4 ngày
  • Giai đoạn toàn phát: Lúc này, trẻ bắt đầu có dấu hiệu phát ban, với các vết ban màu đỏ, sần, nhỏ, hơi nổi, mọc thành từng đốm hoặc rải rác trên các vùng da như tay, lưng, ngực, cổ và khắp mặt. Giai đoạn này thường kéo dài trong 4 – 6 ngày
  • Giai đoạn lui bệnh: Trẻ bắt đầu hết sốt, phát ban bay dần và để lại thâm trên da. Trong một số trường hợp, trẻ hết phát ban nhưng vẫn còn sốt thì bệnh có thể đã chuyển biến thành bệnh nguy hiểm hơn.  Ba mẹ cần hết sức lưu ý, theo dõi sẽ sát sao để đưa đi cấp cứu kịp thời

Triệu chứng thường gặp ở bệnh sởi

Thể không điển hình

Trong một số trường hợp, trẻ không được phát hiện sớm do bệnh xuất hiện với các triệu chứng không điển hình bao gồm:

  • Phát ban ít
  • Sốt nhẹ
  • Viêm long nhẹ
  • Tình trạng sức khỏe của bé không có sự thay đổi rõ rệt

Đây là những triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác nên rất khó để phân biệt. Do đó, ba mẹ nên lưu ý và đưa trẻ đến bác sĩ để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị sớm nếu:

  • Trẻ dưới 1 tuổi và chưa tiêm đủ các mũi vacxin phòng bệnh sởi
  • Trẻ trên 1 tuổi nhưng mới chỉ tiêm 1 mũi vacxin phòng sởi
  • Sống trong khu vực đang có dịch sởi
  • Trẻ đã tiếp xúc với người bệnh hoặc đến những nơi có dịch sởi

Bên cạnh đó, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau, ba mẹ nên thông báo cho bác sĩ và đưa bé đến bệnh viện càng sớm, càng tốt:

  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Đau mắt khi ánh sáng chiếu vào
  • Ngủ li bì, hôn mê,…

Bệnh sởi có lây không?

Thủ phạm gây nên sởi là virus, chúng sinh sống trong chất dịch ở mũi và họng. Virus có khả năng lây lan khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,… Do đó, bệnh sởi ở trẻ em có khả năng lây lan nhanh chóng.

Không chỉ vậy, virus sởi còn có khả năng tồn tại trong không khí và trên các bề mặt ở môi trường bên ngoài lên đến 2 giờ. Vì vậy, khi trẻ tiếp xúc hoặc vô tình chạm vào các giọt bắn chứa virus sởi, sau đó đưa lên miệng, mũi thì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi. 

Trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm sởi cao, đặc biệt khi mắc, bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu trẻ nằm trong các trường hợp sau:

  • Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm do mắc các bệnh lý như ung thư
  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi
  • Trẻ chưa được tiêm vacxin
  • Mẹ mắc bệnh sởi trong giai đoạn mang thai

Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em

hinh anh benh soi o tre em 1

hinh anh benh soi o tre em 2

hinh anh benh soi o tre em 3

hinh anh benh soi o tre em 4

hinh anh benh soi o tre em 5

hinh anh benh soi o tre em 6

Nguy cơ và tác hại của bệnh sởi đối với trẻ em

Những nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ mắc bệnh sởi

Như ba mẹ biết, sởi là bệnh lây nhiễm cấp tính, lây từ người bệnh sang người lành qua còn đường tiếp xúc. Vì vậy, bệnh dễ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhất là những nơi đông người như trường hợp, khu dân cư,…

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi, do hệ miễn dịch còn non yếu. Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em chưa có thuốc đặc trị. Các biện pháp điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng, kết hợp với vệ sinh thân thể sạch sẽ và cải thiện chế độ dinh dưỡng.

nhung nguy co tiem an khi tre mac benh soi

Tác hại của bệnh sởi đối với sức khỏe trẻ em

Mặc dù là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Viêm phế quản, viêm tai giữa cấp: Đây là những biến chứng thường gặp nhất khi trẻ bị bệnh sởi
  • Viêm phổi nặng: Trẻ có thể bị sốt cao, nhiễm trùng, bạch cầu tăng, nghe phổi thấy ran nổ, hình ảnh x-quang hiển thị các nốt mờ rải rác ở hai trường phổi
  • Viêm não – màng não: Đây là biến chứng ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh trung ương có thể đi lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Các biểu hiện bao gồm: co giật, sốt cao, đái dầm, bí đái, rối loạn ý thức, hôn mê
  • Biến chứng tiêu hóa: Viêm cam tẩu mã, niêm mạc miệng gây hoại tử, hơi thở có mũi. Viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các loại tiêu chảy khác
  • Suy dinh dưỡng hậu sởi
  • Biến chứng mắt – loét giác mạc, có thể gây mù vĩnh viễn
  • Sinh non, sảy thai khi phụ nữ đang mang thai

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh sởi cho trẻ em

Điều trị bệnh sởi cho trẻ

Bệnh sởi ở trẻ em có thể điều trị khỏi nếu chăm sóc đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sợi chuẩn khoa học, ba mẹ có thể tham khảo:

Các biện pháp giúp giảm triệu chứng sởi

Cách ly trẻ

Ngay khi nghi ngờ trẻ mắc sởi, ba mẹ cần cách ly trẻ ở phòng riêng để tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác và những người thân trong gia đình.

Vệ sinh thân thể và môi trường sống

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định từ bác sĩ, ba mẹ cần chăm sóc răng miệng, tay chân cho bé hàng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cần vệ sinh nhẹ nhàng tránh bị nhiễm khuẩn, lở loét. Sử dụng khăn mềm, lau cho bé bằng nước ấm, dùng khăn mặt riêng và khăn lau người riêng. Mỗi ngày nên cho bé súc miệng bằng nước muối 1 – 2 lần và nhỏ mắt thường xuyên 3 – 4 lần.

Ngoài ra, ba mẹ nên cho bé nghỉ ngơi trong phòng riêng, kín gió, thoáng mát, sạch sẽ. Chăn, gối bé cùng cần được giặt giũ và phơi khô. Đồ dùng cá nhân của bé cũng nên được vệ sinh thường  xuyên.

Chế độ dinh dưỡng

Khi bị sởi, bé thường mệt mỏi nên có thể lười ăn. Vì vậy, mẹ nên cho bú nhiều với trẻ nhỏ hoặc ưu tiên cho bé ăn những món ăn dạng lỏng như cháo, súp để con dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Trong chế độ của của trẻ bị sởi, mẹ nên chú trọng đến những thực phẩm giàu caroten và protid. Nên cho trẻ uống nhiều nước để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước. Ba mẹ có thể thay thế bằng các loại nước ép trái cây hoặc dung dịch oresol trong trường hợp trẻ sốt cao và bị tiêu chảy.

Bên cạnh đó, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt dê, hải sản, trứng, thịt gia cầm, các loại rau thơm và gia vị cay nóng.

che do dinh duong cho tre bi soi

Sử dụng thuốc

Bệnh sởi ở trẻ em có thể gây sốt nhẹ hoặc cao. Vì vậy, ba mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp để giúp con hạ sốt. Khi thấy trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp thì có thể kết hợp dùng các loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Trẻ bị sởi kiêng gì?

Nhiều ba mẹ có băn khoăn trẻ bị sởi có cần kiêng nước, kiêng gió không. Trên thực tế, trẻ bị sởi không cần kiêng nước, bởi nguyên nhân gây bệnh là virus nên việc không vệ sinh cơ thể sạch sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng. Vì vậy, ba mẹ cần tắm cho bé thường xuyên bằng nước ấm. Trong quá trình vệ sinh, ba mẹ nên dùng khăn mềm lau cho bé nhẹ nhàng, tránh chà xát, gây tổn thương da.

Dù không kiêng nước nhưng trẻ bị sởi cần kiêng gió tự nhiên. Nếu sợ trẻ bị nóng, mẹ có thể sử dụng quạt hoặc máy lạnh cho bé.

Trẻ bị sởi tắm lá gì?

Mẹ có thể tham khảo một số loại lá sau để tắm cho bé nhằm giúp giảm ngứa, khó chịu mà lại sạch da:

  • Trà xanh
  • Lá và vỏ bưởi
  • Lá và trái mướp đắng
  • Lá và vỏ quả chanh
  • Lá sầu đâu
  • Lá me rừng

Phòng ngừa bệnh sởi

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

Hiện nay, phương pháp phòng ngừa cho trẻ hiệu quả và an toàn nhất đó là tiêm vắc xin. Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm phòng ngừa sởi đơn hoặc vắc xin 3in1, kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella sớm.

Thông thường, mũi 1 sẽ được tiêm vào giai đoạn trẻ từ 9 – 11 tháng tuổi, mũi 2 vào giai đoạn 18 tháng tuổi. Trường hợp trẻ không may tiếp xúc với nguồn bệnh có thể sử dụng globulin miễn dịch nhằm kìm hãm sự phát triển của bệnh.

tiem vac xin phong benh soi

Vệ sinh cá nhân và môi trường sống

Bên cạnh việc tiêm vắc xin sởi, để ngăn ngừa trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh, ba mẹ cần lưu ý vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh trẻ thật sạch sẽ. Vì môi trường sống ẩm thấp là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, khi đưa trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc. Vệ sinh mắt, mũi cho bé thường xuyên, vì đây là con đường virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Những lưu ý khi trẻ bị sởi mà ba mẹ cần biết

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sởi, ba mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Thường xuyên theo dõi thân nhiệt trẻ, nếu đã sử dụng thuốc hạ sốt mà cơn sốt của trẻ không có dấu hiệu hạ thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện
  • Thông thường, trẻ bị sởi sẽ sốt khoảng 3 ngày, đồng thời các nốt phát ban cũng bay dần và mất hẳn. Tuy nhiên, nếu thấy nốt sởi đã hết nhưng cơn sốt vẫn chưa dứt thì nguy cơ gặp biến chứng là rất cao. Lúc này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt
  • Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng vì giai đoạn này mắt của trẻ rất nhanh cảm, đau nhức và ra nhiều gỉ
  • Không mặc đồ quá kín, quá dày khiến trẻ không thể hạ sốt, dẫn đến sốt cao co giật
  • Sử dụng nước ấm để vệ sinh cơ thể nhằm giúp da trẻ sạch sẽ, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng
  • Cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe
  • Chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đang bị thiếu hụt cho trẻ, nhất là vitamin và khoáng chất
  • Đeo khẩu trang khi chăm sóc cho trẻ và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ
  • Không cho trẻ gãi khiến da bị tổn thương, tốt nhất ba mẹ nên cắt móng tay cho bé để phòng trừ

Bệnh sởi ở trẻ em nếu được chăm sóc đúng cách thì hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sau 7 – 10 ngày. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên, ba mẹ sẽ chủ động phát hiện, chăm sóc và điều trị cho bé kịp thời.

Chia sẻ bài viết này