Răng vĩnh viễn là bộ răng phát triển từ khi trẻ còn bé đến độ tuổi trưởng thành. Cùng tìm hiểu sơ đồ răng vĩnh viễn để chăm sóc răng miệng đúng cách nhé!
Răng vĩnh viễn là gì?
Con người có 2 hệ răng cơ bản là răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa là những chiếc răng mọc đầu tiên. Một đứa trẻ sẽ bắt đầu mọc răng vào khoảng từ 4 – 6 tháng tuổi và hoàn thành đủ 20 chiếc răng lúc 2 tuổi rưỡi. Từ 6 tuổi trở đi, những chiếc răng sữa sẽ rụng và thay thế bằng răng vĩnh viễn. Chúng tồn tại đến già, nếu rụng sẽ không thể mọc lại.
Răng sữa không rụng cùng lúc mà dựa trên nguyên tắc răng nào mọc trước thì rụng trước. Vì vậy, trong giai đoạn này, trên hàm của trẻ sẽ mọc lẫn lộn răng sữa với răng vĩnh viễn. Nếu chú ý, toàn bộ răng vĩnh viễn đều to hơn răng sữa. Đến khoảng 12 tuổi, răng sữa của trẻ sẽ được thay thế hết, trẻ có 28 – 32 chiếc răng vĩnh viễn, bao gồm:
- 4 răng cửa giữa
- 4 răng cửa bên
- 4 răng nanh
- 4 răng cối nhỏ
- 8 – 12 răng cối lớn.
Sơ đồ răng vĩnh viễn
Như mẹ đã biết, sơ đồ răng vĩnh viễn của trẻ sẽ từ 28 – 32 chiếc răng. Chúng được sắp xếp vào 4 phần của cung hàm, từ 1 – 4 theo chiều kim đồng hồ. Trong đó, cung hàm (I) là hàm trên bên phải, cung hàm (II) là hàm trên bên trái, cung hàm (III) là hàm dưới bên trái và cung hàm (IV) là hàm dưới bên phải. Tương ứng với chúng là 8 chiếc răng vĩnh viễn trên góc 1/4 cung hàm. Bắt đầu từ vị trí răng cửa sẽ được đánh số từ 1 – 8. Có nghĩa là 4 chiếc răng cửa sẽ đại diện cho 4 chiếc răng đầu tiên của mỗi cung hàm, được gọi là răng số 1. Theo đó, số thứ tự của răng vĩnh viễn dựa theo vị trí của răng cửa như sau:
- Răng cửa chính giữa là răng số 1: Răng có hình xẻng, nằm giữa cung hàm, giữ chức năng cắn và xé thức ăn
- Răng cửa bên là răng số 2: Răng nằm ngay bên răng cửa chính, giữ vai trò hỗ trợ răng số 1 cắn xé thức ăn
- Răng nanh là răng số 3: Là chiếc răng dài và nhọn nhất trên cung hàm
- Răng hàm nhỏ là răng số 4, 5: Chức năng chủ yếu cũng là cắn xé thức ăn
- Răng hàm lớn là răng số 6: Răng có diện tích lớn, nhiều hố rãnh nên có vai trò nghiền nát thức ăn
- Răng hàm lớn tiếp theo là răng số 7: Hỗ trợ răng số 6 nghiền nát thức ăn
- Răng khôn là răng số 8: Loại răng này có thể mọc hoặc không tùy vào cơ địa của từng người. Răng khôn không có bất kỳ vai trò gì, thậm chí nó còn gây nhiều vấn đề răng miệng nên thường được bác sĩ khuyên nên nhổ
Lịch mọc và thời gian mọc răng vĩnh viễn
Bên cạnh tìm hiểu sơ đồ răng vĩnh viễn của bé, nhiều mẹ cũng quan tâm đến lịch mọc và chu trình thay răng diễn ra như thế nào? Dưới đây là giải đáp chi tiết cho bạn:
- Trẻ từ 6 – 7 tuổi: Trẻ thay 2 chiếc răng cửa giữa hàm dưới
- 7 tuổi: Thay 2 răng cửa giữa hàm trên
- Trẻ từ 7 – 8 tuổi: Thay hai răng cửa bên hàm dưới
- 8 tuổi: Thay 2 răng cửa bên hàm trên
- Trẻ từ 9 – 10 tuổi: Thay 2 răng hàm số 4 hàm dưới
- Trẻ từ 10 – 11 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm dưới
- 11 tuổi: thay 2 răng hàm trên số 5
- Trẻ từ 11 – 12 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm dưới và 2 răng hàm trên
- 12 tuổi: Thay 2 răng hàm số 5 trên
Trẻ khoảng 6 – 7 tuổi sẽ bắt đầu mọc chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên. Do đó, cha mẹ cần chú ý mốc thời gian này để có phương án chăm sóc và nhổ răng sữa đúng hạn. Sau khi răng sữa rụng, khoảng 1 – 2 tháng thì răng vĩnh viễn sẽ mọc. Để hoàn tất quá trình mọc răng sẽ mất khoảng vài tháng, tùy vị trí và kích thước của răng mọc. Riêng đối với răng khôn, quá trình mọc sẽ rắc rối hơn nên thường mất khoảng 4 – 5 năm.
Cách chăm sóc để bé có hàm răng xinh
Khi đã nắm được sơ đồ răng vĩnh viễn của bé, ba mẹ sẽ biết cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách cho bé một nụ cười xinh. Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ nhi khoa dành cho bé:
- Chải răng cho bé 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm. Chú ý các mặt răng và phần răng hàm trong cùng
- Thay vì dùng tăm xỉa răng, mẹ nên sử dụng chỉ nha khoa cho bé sau mỗi bữa ăn để tránh làm tổn thương các mô mềm và men răng
- Thăm khám răng miệng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh lý và có cách điều trị phù hợp
- Hạn chế cho bé ăn đồ ăn cứng, nước ngọt có gas, bánh, kẹo, socola,…
Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu về sơ đồ răng vĩnh viễn của trẻ. Hy vọng chia sẻ này sẽ giúp ích cho ba mẹ trong hành trình chăm sóc sức khỏe bé nói riêng và sức khỏe răng miệng nói chung.