Trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình là phản xạ sinh lý bình thường. Tuy vậy, trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết nhiều thông tin về tình trạng này ở trẻ nhé!
- 12 cách cho bé ngủ xuyên đêm giúp mẹ “nhàn tênh”
- Mẹo hay cho mẹ khi trẻ 3 tháng tuổi ngủ ít vào ban ngày?
Nguyên nhân trẻ 3 tháng ngủ giật mình
Phản xạ moro được kích hoạt bởi bất kỳ thay đổi đột ngột nào gây kích thích giác quan trẻ. Có rất nhiều tác nhân gây ra điều này. Chẳng hạn như:
Trẻ ngủ giật mình do tác động của môi trường
- Âm thanh ồn ào: Trẻ nhỏ dễ bị kích thích bởi những âm thanh lớn. Tuy vậy, đây không hẳn là yếu tố quyết định phản xạ moro xảy ra. Tiếng ồn lớn và đột ngột có nhiều khả năng làm bé bị giật mình khi ngủ
- Thay đổi ánh sáng đột ngột: Cường độ ánh sáng thay đổi đột ngột cũng là yếu tố có thể kích hoạt phản xạ moro ở trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như mở rèm hoặc bật đèn trong căn phòng đang tối
- Chuyển động đột ngột: Bé đang được ẵm trên tay sau đó đặt nằm giường đột ngột khiến bé giật mình và tỉnh giấc
- Tâm lý sợ hãi: Cảm giác căng thẳng, bất an cũng khiến bé gặp ác mộng khi ngủ. Lúc này bé sẽ biểu hiện ra ngoài bằng những cử động giật tay, chân và đầu
Nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình
Trong một số ít trường hợp, trẻ 3 tháng ngủ giật mình là dấu hiệu của những bệnh lý sau:
- Trào ngược dạ dày: Bé nuốt phải nhiều khí dư trong quá trình bú mẹ sẽ gây nguy cơ trào ngược dạ dày. Tình trạng này khiến bé khó chịu, ngủ không sâu giấc và hay giật mình
- Thiếu canxi: Ngủ giật mình là một trong những biểu hiện của tình trạng thiếu canxi. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh lý này còn kèm theo các triệu chứng khác như ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, chậm mọc răng
- Bé bị ốm: Viêm amidan, sốt, viêm tai giữa,… khiến bé khó chịu. Điều này dễ khiến bé quấy khóc, giật mình, ngủ không ngon giấc
- Các bệnh lý khác: Các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, thiếu máu, suy dinh dưỡng,… cũng khiến trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình
Trẻ 3 tháng ngủ giật mình thường xuyên có đáng lo?
Phản xạ giật mình khi ngủ vốn bảo vệ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu diễn ra liên tục và thường xuyên, trẻ ngủ giật mình có thể gây ra khá nhiều hệ lụy như sau:
- Chậm tăng cân: Giấc ngủ có vai trò kích thích cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng tại tuyến yên cao hơn 4 – 5 lần so với bình thường, giúp trẻ phát triển chiều và cân nặng. Vì vậy, nếu trẻ 3 tháng hay giật mình khi ngủ, chất lượng giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển bình thường của trẻ
- Giảm khả năng nhận thức: Não bộ của trẻ nhỏ rất dễ bị kích thích, nhất là những năm đầu đời. Trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình thường kém nhanh nhạy hơn so với những đứa bé ngủ ngon. Hơn nữa, phản xạ giật mình khi ngủ còn là nguyên nhân gây suy giảm hormone tăng trưởng, ức chế hệ thống miễn dịch và tiêu hóa. Theo đó, trẻ sẽ dễ bị ốm vặt và mắc các bệnh nhiễm trùng hơn
- Tăng nguy cơ đột tử: Trẻ ngủ giật mình liên tục, khóc thét, không dỗ được dễ gây ức chế hô hấp, làm tăng nguy cơ đột tử
- Giảm phản xạ bú: Trẻ giật mình liên tục gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Từ đó ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ
Phản xạ ngủ giật mình khi nào hết?
Mẹ có thể an tâm vì phản xạ giật mình chỉ là tạm thường và sẽ dần mất đi khi trẻ trở nên cứng cáp. Nhìn chung, phản xạ moro sẽ hết khi bé được 6 tuần tuổi, nhưng thường kéo dài 9 – 12 tuần tuổi. Nếu trẻ 6 tháng tuổi vẫn bị giật mình khi ngủ, mẹ hãy báo cho bác sĩ để chắc chắn rằng không có bất kỳ vấn đề nào đang xảy ra với bé.
Mẹo giúp trẻ hết giật mình, khóc đêm
Trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình khi nghe tiếng động lớn hay ánh sáng nhiều là điều bình thường. Do đó, mẹ không cần làm gì vào lúc này. Nếu giật mình ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bé, hãy thử áp dụng một số mẹo sau:
Vỗ về, an ủi bé
Bằng những cái chạm, ôm, hôn hay trò chuyện, hát ru, em bé sẽ cảm thấy dễ chịu và an tâm hơn. Vì vậy, khi thấy bé giật mình, mẹ chỉ cần xoa dịu, âu yếm, đơn giản như vậy là đủ đưa bé trở lại giấc ngủ.
Hạ thấp độ cao của cũi
Bé đang ngủ ngon vẫn có thể giật mình thức giấc khi mẹ chuyển “địa bàn ngủ” đột ngột từ trên tay, sang cũi, nôi hoặc giữa. Bởi lúc đó, trẻ sẽ có cảm giác như bị ngã và phản xạ lại. Vì vậy, mẹ cố gắng hạ thấp chiều cao của cũi để đầu bé không bị nghiêng về phía sau.
Gữ bé sát người mẹ
Trong quá trình đặt bé xuống giường hay nôi, mẹ nên giữ cơ thể sát với bé nhất. Chỉ thả bé xuống khi người đã chạm vào nệm. Đây là mẹo khá hay mà mẹ nên áp dụng.
Tạo môi trường ngủ lý tưởng
Đảm bảo phòng ngủ tối, yên tĩnh, nhiệt độ phù hợp. Ngoài ra, mẹ nên thường xuyên thay ga, nệm giường để tạo cho bé không gian ngủ thoáng mát, sạch sẽ.
Quấn khăn
Quấn khăn hoặc tã lót là cách giúp cải thiện tình trạng trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình. Việc quấn khăn sẽ cho bé cảm giác như được bao bọc, bảo vệ, như thể được quay về “ngôi nhà xưa”, nơi bé đã phát triển trong suốt 9 tháng 10 ngày.
Để quấn khăn cho bé, mẹ hãy thực hiện theo các bước sau:
- Trải chăn ra sàn, gấp một góc lại
- Đặt trẻ ở đầu mép của góc gấp. Đưa một góc chăn lên cơ thể bé và nhét vừa khít bên dưới
- Gấp mảnh chăn cuối cùng, chừa chỗ cho tay và chân bé cử động
- Đưa góc cuối cùng của khăn lên người bé và nhét vào bên dưới chúng, chỉ để hở đầu và cổ
Hỗ trợ bé vận động
Vận động giúp bé cải thiện sức mạnh cơ bắp và linh hoạt hơn trong mọi cử động. Mẹ có thể giữ bé ngồi trong lòng để tập bài vận động cổ và kiểm soát đầu. Hoặc thử cho nằm sấp để bé tự ngóc đầu.
Bổ sung canxi
Canxi có tác động đến hệ thần kinh của con người. Trẻ thiếu canxi dễ bị kích động, quấy khóc, sợ hãi. Mẹ nên bổ sung canxi cho trẻ thông qua sữa mẹ bằng cách ăn nhiều các loại thực phẩm lành mạnh như cá hồi, lòng đỏ trứng gà, sữa và chế phẩm từ sữa,…
Nhìn chung, trẻ 3 tháng ngủ hay giật mình không quá đáng lo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bé giật mình có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Cha mẹ cần theo dõi cảm xúc, biểu hiện của trẻ để biết con cần gì và đang gặp vấn đề gì nhé!