Chăm sóc trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi không phải là công việc đơn giản. Bởi lúc này, cơ thể trẻ rất mỏng manh nên cần sự nâng niu, cẩn thận từ người chăm sóc. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho ba mẹ những lời khuyên hữu ích để bé yêu ngày một cứng cáp và phát triển.
Mẹ quan tâm thêm: Trẻ 2 tháng tuổi: Sự phát triển, nhu cầu ăn, ngủ, vận động
Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi
Vậy là sau 9 tháng “mang nặng”, cuối cùng hai mẹ con đã được gặp nhau, da kề da. Sẽ không còn là sự suy đoán về sự phát triển hay những hành động của bé trong bụng mẹ. Giờ đây mẹ có thể thấy được sự thay đổi của bé cưng qua từng tháng. Với trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi, con sẽ chạm được các cột mốc nào trong giai đoạn này?
Về thể chất
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ lúc sinh ra đến 10 tuổi, bé cần được theo dõi các chỉ số tăng trưởng một cách chặt chẽ. Việc này sẽ giúp ba mẹ biết bé có nằm trong phạm vi chiều cao và cân nặng khỏe mạnh hay không, từ đó có sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp. Theo bảng cân nặng chuẩn của WHO, mức cân nặng của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi dao động từ 4.2 – 4.5kg và của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi là từ 5.1 – 5.6kg. Chiều dài trung bình của trẻ 1 tháng tuổi là từ 53.7 – 54.7cm. Với trẻ 2 tháng tuổi là 57.1 – 58.4cm.
Càng về giai đoạn sau của năm đầu tiên, mức tăng cân của trẻ sẽ giảm dần. Khi bé đến 3 tháng giữa, tốc độ tăng giảm 50% còn 500 – 600g/tháng và nửa năm cuối là 200 – 300g/tháng. Lý do cho sự thay đổi này là bởi các giai đoạn sau bé sẽ tập trung phát triển chiều cao, trí não nhiều hơn so với cân nặng. Vì vậy, nếu thấy bé không tăng cân nhiều thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng nhé!
Khả năng vận động
- Bé ít nôn trớ và vặn mình hơn so với tháng đầu
- Khi đặt nằm sấp, bé có thể ngẩng đầu, nghiêng sang trái, sang phải, thậm chí là nâng ngực lên
- Bé thích thú với động tác đá chân, khua tay
- Bé có thể xòe những ngón tay và nắm vật nhỏ
Nhận thức
- Trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi đã có thể duy trì sự tập trung vào các vật cách xa khoảng 45cm. Đồng thời đưa mắt nhìn theo khi vật đó chuyển động
- Khi thấy ti mẹ hoặc bình sữa, né biết là đã đến giờ ăn bằng cách há miệng
Ngôn ngữ
- Ngoài tiếng khóc, bé có cách giao tiếp riêng thông qua những âm thanh như “a”, “o”, ọ”, “ẹ”,…
- Bé cảnh giác với âm thanh có âm lượng lớn
Việc đạt được các mốc phát triển quan trọng từ sớm tạo nền tảng cho trẻ học hỏi và phát triển trong tương lai. Tuy vậy, trẻ cần được chăm sóc đúng cách trong tình yêu thương và giáo dục của ba mẹ để có thể phát triển tối ưu về cả thể chất và trí tuệ.
Cách chăm sóc trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi rất mỏng manh và cần được nhận sự chăm sóc đặc biệt từ ba mẹ. Dưới đây là một số lời khuyên từ bác sĩ giúp bé có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện:
Chế độ ăn
Trẻ sơ sinh 1 – 2 tháng tuổi thường không bú nhiều, thay vào đó sẽ ngủ rất lâu và rất dài. Với những ai lần đầu làm mẹ hẳn sẽ không khỏi lo lắng trước tình huống này. Mẹ chỉ lo bé đói hoặc có vấn đề bất thường. Thực tế, bé yêu đang làm rất tốt đó mẹ ạ! Ăn và ngủ là hai công việc quan trọng nhất trong những tháng đầu đời. Những giấc ngủ xen kẽ cữ bú đang giúp bé phát triển nhanh chóng.
Nhu cầu ăn
Trong tháng đầu tiên, trẻ cần bú 8 – 12 cữ/ngày, mỗi cữ cách nhau khoảng 2 – 3 giờ và kéo dài khoảng 10 – 20 phút. Lượng sữa lý tưởng cho trẻ sơ sinh là từ 45 – 88ml mỗi lần bú. Bước sang tháng thứ 2, lượng sữa cho trẻ sơ sinh có thể đạt ít nhất 118 – 148ml, cách nhau 3 – 4 giờ mỗi lần bú. Khi bé đã quen dần với cách bú, lượng sữa nhận được có thể nhiều hơn. Tuy vậy, mẹ vẫn cần đảm bảo bé nhận được đủ lượng sữa cần thiết. Nếu trẻ không thể tự thức dậy để ăn, bạn nên đánh thức bằng cách lay nhẹ người và cho bé bú đúng giờ.
Lịch ăn của trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi
Với trẻ bú sữa công thức:
- 5 giờ: Mẹ đánh thức bé dậy và ăn với khoảng 120 – 180ml sữa công thức. Sau khi ăn xong, bé có thể ngủ trở lại
- 8 – 9 giờ: Bé tỉnh dậy và ăn cữ tiếp theo
- 9 – 12 giờ: Mẹ dành thời gian tương tác với con
- 12 giờ 30: Bé ăn trưa. Mẹ cho bé bú sữa, sau đó tiếp tục ngủ trưa
- 16 giờ: Giờ chơi. Mẹ có thể đưa bé ra ngoài để thay đổi không khí
- 18 – 19 giờ: Bé bú bình và ngủ
- 24 giờ: Bé ăn cữ đêm
- 3 giờ sáng: Tiếp tục cho bé bú
Lịch ăn của trẻ bú sữa mẹ:
- 7 – 8 giờ: Bé thức dậy
- 8 giờ: Mẹ cho bé bú. Cho bé ngậm vú đúng cách, bú hết sữa ở từng bầu
- 9 giờ: Cho bé ngủ giấc ngắn
- 13 giờ: Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Nếu sữa mẹ tiết ra quá nhiều mà bé lại bú ít thì có thể vắt bớt sữa ra bình và bảo quản trong tủ lạnh
- 16 giờ: Tiếp tục cho bé bú sữa. Đây là khoảng thời gian bé khóc nhiều nếu không được ngủ
- 17 – 18 giờ: Tắm cho bé, mẹ có thể cho bé thư giãn trong nước hoặc sử dụng xà phòng. Sau khi tắm, bé được massage với kem dưỡng da
- 19 giờ – 20 giờ: Bé được bú thêm sữa. Sau khi bú xong, bé cần được vỗ ợ hơi để đẩy hết khí dư trong dạ dày ra ngoài
Chế độ ngủ
Trẻ sơ sinh 1 – 2 tháng tuổi có tổng thời gian ngủ trung bình từ 9 – 18 tiếng mỗi ngày, chia thành nhiều giấc, mỗi giấc kéo dài từ 1 – 3 tiếng. Bé có dấu hiệu buồn ngủ sau khi được bú no, 30 phút – 1 tiếng và thường chỉ tỉnh giấc khi muốn ăn. Trong những tháng đầu đời, giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển não bộ, thể chất và tinh thần của trẻ. Những bé ngủ ít thường xuyên có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ so với bạn bè cùng trang lứa. Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, sâu giấc mà ba mẹ có thể tham khảo:
- Hạn chế tiếng ồn và ánh sáng làm phiền khi bé ngủ
- Trước khi bé ngủ nên kiểm tra bỉm và thân nhiệt của bé, đảm bảo bé luôn được khô ráo và ấm áp
- Cho bé bú no trước khi ngủ. Đói sẽ khiến bé dễ tỉnh, ngủ không sâu giấc. Tuy nhiên, một giấc ngủ quá dài mà không bú cũng không tốt. Vì vậy, mẹ nên đánh thức bé khi ngủ đến 5 tiếng, sau đó cho bú nhé!
- Bổ sung canxi cũng là cách giúp bé ngủ tốt hơn
Vệ sinh cho bé
Không chỉ là công việc vệ sinh thông thường mà còn là những khoảnh khắc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Làn da trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi rất mong manh và nhạy cảm. Bởi vậy nếu không được làm sạch thường xuyên, làn da chính là “mục tiêu” của các vi khuẩn, virus nhắm tới.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
- Nên tắm cho bé ở nơi ấm áp, kín gió
- Chuẩn bị 2 chậu lớn, 1 lớn và 1 nhỏ
- Nhiệt độ lý tưởng cho nước tắm là khoảng 38 độ C. Mẹ có thể kiểm tra bằng cách chạm khuỷu tay xuống nước để cảm nhận nhiệt độ
- Dùng khăn mỏng vệ sinh phần mặt, mặt và cổ bé trước tiên
- Sau đó, mẹ cho bé vào chậu lớn, đặt bé nằm ngửa cho thoải mái
- Trong khi tắm, mẹ nên vừa massage vừa trò chuyện để bé đỡ sợ hãi
- Lau khô người, ủ ấm bé trong khăn rồi đưa vào phòng
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt và mũi cho sạch sẽ
Cách vệ sinh mắt cho bé
Dùng khăn mềm lau phần đầu và đuôi mắt từ trong ra ngoài theo chiều ngang. Việc này cần được thực hiện mỗi ngày khoảng 3 lần vào sáng, tối và sau khi tắm.
Cách vệ sinh mũi cho bé
Với trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi, để vệ sinh mũi trước tiên mẹ hãy đặt bé nằm nghiêng, lót miếng vải xuống dưới cổ để thấm nước. Đặt đầu ống dẫn nước muối sinh lý vào một bên mũi rồi bóp nhẹ để nước mũi chảy vào. Giữ bé nằm yên 1 – 2 phút để dịch mũi tan và chảy ra ngoài.
Trò chuyện với bé
Bước sang giai đoạn 2 tháng tuổi, giờ ngủ của trẻ bắt đầu giảm dần, vì vậy cha mẹ sẽ có nhiều thời gian để trò chuyện và chơi đùa với trẻ. Hơn nữa, con cũng bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn và sẵn sàng để khám phá mọi thứ xung quanh. Ba mẹ sẽ là những nhân vật đầu giúp bé đến gần hơn với những điều mới lạ phía trước. Bạn có thể cùng con đọc sách, nghe nhạc hay chơi những món đồ phát ra âm thanh.
Hoặc cũng có thể treo các đồ vật nhỏ trên nôi đung đưa để bé nhìn theo. Ba mẹ sẽ thấy bất ngờ khi nhận được sự phản hồi từ bé đấy. Bé có thể phản ứng lại thông qua các âm thanh bập bẹ, nụ cười, thậm chí là tiếng khóc. Ba mẹ càng giao tiếp với con nhiều, trẻ càng có cơ hội phát triển ngôn ngữ và nhanh biết nói hơn.
Dỗ dành bé khi quấy khóc
Chăm sóc trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi cực kỳ vất vả. Bởi con đang trong khoảng “tuần khủng hoảng” nên sẽ khóc rất nhiều. Khi thấy trẻ khóc, mẹ nên bế con vào lòng, âu yếm và vỗ về. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy an toàn, yên tâm và sẽ bớt khóc lại.
Đảm bảo lịch tiêm phòng
Tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng. Bởi vài tháng đầu sau sinh, hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện nên tiêm phòng giống như việc “trang bị” cho trẻ tấm áo giáp, bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh.
Một số các mũi tiêm phòng quan trọng của trẻ mà mẹ cần nhớ:
- Vaccine phòng bệnh viêm gan B
- Vaccine phòng bệnh bại liệt
- Vaccine 5 trong 1
Tìm hiểu về các bệnh lý xuất hiện
Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe mà trẻ từ 1 – 2 tháng tuổi thường gặp phải:
- Tình trạng mất nước: Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như môi và miệng khô, nước tiểu sậm màu, tiểu ít,… ba mẹ cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh gây tổn thương tới não, thậm chí là gây tử vong
- Hen suyễn: Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc ở trong không gian có nhiều bụi bẩn sẽ gây kích thích niêm mạc hô hấp của bé, dẫn đến nguy cơ mắc hen suyễn
- Chứng thoát vị bẹn: Khi bé khóc hoặc nín thở, phần trong háng sẽ có nốt lồi. Lúc này, ba mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa để được phẫu thuật kịp thời
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi chưa phát triển hoàn thiện các giác quan. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, ba mẹ cần tránh tác động mạnh, gây ảnh hưởng tới trẻ:
- Tránh các tác động mạnh lên cơ thể của bé
- Không sử dụng camera có đèn flash chiếu vào mắt của con
- Giữ cho nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ sơ sinh
- Tránh các âm thanh có cường độ lớn hơn 65db
- Tuyệt đối không cho con uống nước trà, nước ngọt có gas, sữa bò,…
Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh từ 1 đến 2 tháng tuổi. Ba mẹ hãy ghi nhớ thật kỹ để cho bé điều kiện phát triển tốt nhất!