Wonder Week – tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh là nỗi ám ảnh của nhiều mẹ bỉm khi mà cô, cậu “thiên thần” bỗng nhiên “nổi giận” vô cơ. Để chuỗi ngày “bão tố” này nhanh chóng kết thúc mẹ cần trang bị cho mình kiến thức hữu ích dưới đây.
Dấu hiệu nhận biết tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bố mẹ không chỉ sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe mà sự phát triển tâm lý của bé cũng sẽ gây ra không ít phiền toái. Người ta gọi đây là tuần khủng hoảng- Wonder weeks. Giai đoạn mà trẻ có sự phát triển vượt bậc cả về thể chất, tinh thần.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà mẹ sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi mà “tính nết” của bé xoay chiều “khó ở”.
- Thay đổi trong hành vi ngủ: Bình thường trẻ ngủ một mạch đến sáng thì ở trong tuần khủng hoảng giấc ngủ của con chập chờn, bé không ngủ sâu, thường xuyên giật mình, quấy khóc. Thậm chí một số em bé khó tính còn sẽ bắt mẹ bế ngủ cả ngày,
- Khóc nhiều hơn: Nếu một ngày bé yêu của mẹ bỗng nhiên khóc nhiều khi không ốm đau thì hãy nghĩ ngay đến week wonder. Trẻ có thể khóc nhiều, khóc mọi thời điểm, ngay cả khi không có lý do.
- Thái độ cáu kỉnh, khó chịu: Thiên thần của mẹ trong tuần khủng hoảng có thể cáu gắt, khó chịu và dễ bực tức hơn. Tâm trạng của bé thay đổi tùy ý. Có thể đang vui vẻ bỗng dưng chuyển sang cáu gắt, khó chịu.
- Thay đổi trong ăn uống: Các ông hoàng, bà chúa lúc này có thể chán ăn, biếng ăn, không chịu tiếp nhận thức ăn như trước. Bé có thể giảm 1/3-1/2 lượng sữa thông thường.
- Bám mẹ hơn: Ở tuần khủng hoảng trẻ có thể không thoải mái khi tiếp xúc với người lạ nhưng lại cực kỳ bám mẹ. Con thích được mẹ âu yếm, vỗ về và cực kỳ ghét ai đó dành sự chú ý từ mẹ.
Theo các chuyên gia, để kỳ khủng hoảng của trẻ diễn ra êm ái mẹ cần học cách hiểu và giải mã tiếng khóc của con. Điều này sẽ giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu mà bé mong muốn, giảm thiểu khó chịu trong người.
Bảng tính tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh
Trong 2 năm đầu, trẻ sẽ trải qua tổng cộng 10 tuần khủng hoảng ở các tuần như 5-8-12-19-26-37-46-55-64-75. Việc theo dõi và cập nhật bảng “wonder week” dưới đây sẽ giúp bố mẹ chủ động và không còn thấy lo lắng bởi sự “khó ở” của con.
Diễn biến chi tiết các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh
Vào các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh mẹ sẽ thấy bé khóc và quấy nhiều hơn bình thường. Nhưng đừng lo lắng quá nhé! Vì đây là hiện tượng tâm lý hết sức bình thường của con. Khi trẻ học được các kỹ năng mới tình trạng này sẽ tự chấm dứt. Dưới đây là diễn biến chi tiết từng tuần khủng hoảng của bé để mẹ có thêm cái nhìn khách quan.
Wonder week 1 – 5 tuần tuổi
Đây là tuần khủng hoảng đầu tiên của trẻ sơ sinh. Mẹ sẽ thấy em bé của mình đang ăn ngon, ngủ kỹ bỗng quấy khóc, lười ăn. Tuy nhiên điều kỳ diệu đang chờ mẹ ở phía trước. Vượt qua tuần khủng hoảng này, bé sẽ sẽ bắt đầu biết nhìn mọi thứ chăm chú, có cảm giác muốn chạm vào mọi vật, biết cười và nhạy cảm hơn với mùi hương.
Wonder week 2 – 8 tuần tuổi
Ở lần khủng hoảng thứ 2 này, sau khi vượt qua trẻ sẽ có sự thay đổi đáng kể về mặt thể chất. Cụ thể con có thể giữ đầu ổn định hơn. Biết quay về phía âm thanh và tăng sự chú ý. Con cũng bắt đầu học cách khám phá bộ phận trên cơ thể mình. Mẹ có thể thấy em yêu thường xuyên dơ tay lên xem và bắt đầu biết làm âm thanh gầm gừ nho nhỏ.
Wonder week 3 – 12 tuần tuổi
Wonder week lần thứ 3 là cột mốc đánh dấu sự phát triển “nhảy vọt” về thể chất. Sau chuỗi ngày đầy “giông tố” trẻ sẽ biết lẫy, lật, ngóc đầu lên cao và cười “khanh khách”. Bé ở giai đoạn này thường thích nghe những âm thanh với tần số khác nhau. Mẹ có thể sẽ phải chuẩn bị tinh thần thức đêm cùng con. Bởi bé sẽ lật mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi còn đang ngủ.
Wonder week 4- 19 tuần tuổi
Ở tuần 19, sau khi trải qua chuỗi ngày khủng hoảng mẹ sẽ thấy bé yêu của mình tiến bộ vượt bậc. Con biết cho tay lên mồm để mút, cầm nắm mọi vật trong tầm với để đưa vào mồm. Lúc này bé cũng đã biết nhìn theo mẹ và đẩy núm ti ra khi đã no.
Wonder week 5- 26 tuần tuổi
Ở tuần Wonder Week 5, trẻ bắt đầu thể hiện cảm xúc mãnh liệt như hét hoặc cười rất to. Con bắt đầu ngồi dậy và nhổm người lên, thậm chí xác định được khoảng cách xa hay gần.
Wonder week 6 – 37 tuần tuổi
Giai đoạn này trẻ có thể bắt chước biểu cảm của người khác và hiểu một số từ đơn giản. Con cũng thích chơi trò đung đưa theo những bài nhạc quảng cáo.
Wonder week 7- 46 tuần tuổi
Sau khi wonder week 7 kết thúc bé sẽ bắt đầu nói được một vài từ đơn như bà, ba, a,…. . Trẻ có thể trả lời một vài câu hỏi ngắn, biết chỉ tay vào đồ vật mình muốn cầm và thích chơi xếp chồng đồ vật lên cao.
Wonder week 8- 55 tuần tuổi
Đây cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu bước đi đầu đời của con. Giai đoạn này bé có thể đứng vịn vào tường hoặc thành giường, tự học cách mặc và cởi quần áo. Con rất thích cầm đồ vật rồi đưa ra xa để nhìn, đặc biệt hứng thú với bộ môn vẽ và màu sắc.
Wonder week 9- 64 tuần tuổi
Em bé của mẹ lúc này đã lớn thật rồi. Từ một cô bé nũng nịu con đã biết nịnh và giúp mẹ làm mọi việc. Bé cũng có thể bắt chước mọi biểu cảm, hành động của người lớn nên mẹ đừng ngạc nhiên nhé.
Wonder week 10- 75 tuần tuổi
Ở wonder week cuối, bé đã có thể đi vững, chạy nhảy khắp nơi. Tâm lý của con cũng đã phát triển, có sự đồng cảm và ít ích kỷ hơn. Bé có thể tự thay đổi hành vi để phù hợp hơn với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn từ một cô bé nghịch ngợm ở nhà thì khi ra ngoài lại bẽn lẽn hơn.
Tuần khủng hoảng của trẻ kéo dài bao lâu?
Giai đoạn khủng hoảng của trẻ sơ sinh thường sẽ kéo dài 5 tuần, bao gồm hai trạng thái là bão tố và nắng đẹp.
- Giai đoạn bão tố: Là thời điểm bé bắt đầu học các kỹ năng mới nên đôi khi hướng sự tập trung, chú ý vào điều thích thú mà quên đi việc ăn uống, ngủ nghỉ. Vì vậy, nếu có bất kỳ điều gì làm gián đoạn sự chú ý, con sẽ nổi cơn thịnh lộ với các biểu hiện thường thấy như cáu kỉnh, khóc lóc, ăn vạ, khó chịu.
- Giai đoạn “nắng đẹp”: Đây là giai đoạn trẻ học xong kỹ năng mới và có sự phát triển về khả năng nhận thức hiệu quả.
Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế rất khó để xác định được tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu? Bởi mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy, cha mẹ hãy căn cứ vào biểu hiện cụ thể của bé để đưa ra các biện pháp chăm sóc phù hợp.
Mẹ nên làm gì trong tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh?
Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh diễn ra không giống nhau. Có thể đến đúng theo mốc, có thể đến muộn hoặc sớm hơn. Tuy nhiên với mọi trường hợp thì bí quyết dành riêng cho các ông bố bà mẹ là hãy kiên trì với con. Bởi đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường mà bé nào cũng phải trải qua. Một vài biện pháp giúp tuần khủng hoảng của bé vượt qua dễ dàng như:
- Cho bé ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30-45 phút. Mẹ có thể cắt đi 1 giấc ban ngày với các tuần khủng hoảng 12, 36, 37, 55, 64. Tuy nhiên trước khi thực hiện mẹ nên xem xét bé có bị mệt hay thiếu ngủ không.
- Tuyệt đối không ép bé ăn. Bởi điều này có thể biến bé từ biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Hãy đợi lúc con đói rồi cho ăn mẹ nha.
- Quan tâm, vỗ về bé nhiều hơn bởi lúc này con cần cảm nhận được sự gần gũi từ mẹ. Có thể cùng bé chơi các trò chơi để luyện tập các kỹ năng bò, đi, đứng,…
- Nếu bé quấy khóc nhiều mẹ có thể giúp con quên đi sự khó chịu này bằng cách thực hiện các hoạt động mà bé thích chẳng hạn như cho bé đi dạo, chơi đồ chơi cùng con, massage,….
- Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sỉnh rồi cũng sẽ sớm kết thúc. Nó chỉ kéo dài khoảng vài ba ngày rồi sẽ trở lại quỹ đạo ban đầu. Con sẽ ăn ngon, ngủ đủ nên mẹ đừng vội lo lắng mà cáu gắt với trẻ ở giai đoạn này.
Lời kết:
Tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh thực chất là một giai đoạn phát triển tự nhiên của bé mà mẹ không có cách nào ngăn chặn. Điều mẹ cần làm lúc này là hãy đồng hành cùng con, để bé phát triển một cách tự nhiên. Hãy để trẻ được khóc, được quấy và phát triển theo cách của mình mẹ nhé!