Nội dung chính

Cách Vỗ Long Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Đơn Giản Mà Hiệu Quả

Trẻ mắc các vấn đề về hô hấp thường xuất hiện cơn ho kéo dài, kèm theo đó là hiện tượng đờm đặc quánh tích tụ bên trong khí quản. Điều này khiến bé cảm thấy vô cùng khó thở, quấy khóc liên tục, thậm chí là bỏ bú, bỏ ăn. Với cách vỗ rung long đờm cho trẻ sơ sinh dưới đây, mẹ có thể nhanh chóng giúp bé chấm dứt sự khó chịu này!

Vỗ rung long đờm cho trẻ là gì?

Vỗ long đờm là phương pháp hỗ trợ cải thiện các bệnh đường hô hấp ở trẻ, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là cách dùng lực từ tay tác động vào thành ngực giúp đẩy đờm ra khỏi khí quản.

Vỗ rung long đờm cho bé có thể tác động bằng tay hoặc dụng cụ đều được. Đây là tác động giúp mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như: giãn nở phổi, tăng cường trao đổi hô hấp, bài trừ đờm nhớt, chất tiết ra khỏi khí quản giúp thông thoáng đường thở và giảm bớt sự khó chịu.

Thực tế, phương pháp này hoạt động dựa theo tính chất vật lý của khí, làm tăng đường khí thở ra từ phổi. Đồng thời thay đổi áp suất trong đường dẫn khí theo nhịp thở của bé. Từ đó giúp bé giảm khò khè, khó chịu, bú sữa và ăn được tốt hơn.

Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi. Thế nhưng, tùy thuộc vào bé nhỏ hay bé lớn mà lực tác động cần phù hợp để không làm đau bé.

Khi nào cần vỗ long đờm cho bé?

Bố mẹ nên thực hiện phương pháp vỗ rung đờm khi trẻ gặp các vấn đề như:

  • Trẻ ho đờm kèm theo hiện tượng thở khò khè
  • Đờm mắc lại nhiều trong cổ họng khi bị viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp mãn tính.
  • Trẻ có vấn đề về đờm sau phẫu thuật.
  • Trẻ có đờm nhưng không có khả năng tự khạc.
Khi nào cần vỗ long đờm cho bé
Khi nào cần vỗ long đờm cho bé

Vỗ long đờm cho bé được đánh giá là phương pháp khá hiệu quả, tuy nhiên không phải mọi đối tượng đều có thể áp dụng. Cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh không phù hợp cho những trường hợp sau:

  • Trẻ bị chấn thương lồng ngực
  • Trẻ mắc bệnh tim mạch
  • Tràn khí màng phổi, tràn dịch
  • Dị tật đường thở
  • Ung thư phổi

Cách vỗ rung đờm cho bé theo đúng kỹ thuật

Hướng dẫn cách lấy đờm cho trẻ sơ sinh
Hướng dẫn cách lấy đờm cho trẻ sơ sinh

Thông thường, sau một đêm, đờm sẽ bị ứ đọng nhiều hơn trong khí quản. Đó là lý do vì sao trẻ sẽ bị ho nhiều vào buổi sáng sớm. Vì vậy, cách long đờm cho trẻ sơ sinh nên được bố mẹ áp dụng vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ. Trường hợp trẻ bị đờm nhiều, bố mẹ có thể thực hiện thêm vào buổi trưa.

Nếu vỗ rung đờm được thực  hiện đúng cách sẽ giúp giảm lượng đờm đáng kể cho bé. Từ đó con sẽ bớt ho và ngủ ngoan hơn.

Trước khi tìm hiểu cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần chọn đúng tư thế sao cho phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ nhé!

  • Với trẻ dưới 2 tháng tuổi: Mẹ hãy đặt bé trên cánh tay, sao cho phần bàn tay đỡ lấy ngực bé, hướng đầu bé hơi cúi xuống để đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Tư thế này tuyệt đối không được áp dụng với bé có độ tuổi lớn hơn vì lực tay không đủ có thể làm bé bị ngã.
  • Với trẻ có thể ngồi vững: Để trẻ nằm nghiêng được coi là tư thế vỗ long đờm hiệu quả nhất giúp dễ dàng đẩy được đờm ra khỏi cổ họng, đặc biệt là không làm con bị sặc.
  • Ngoài ra, còn 2 tư thế vỗ rung đờm nữa đó là cho em bé ngồi và bế vác bé quay mặt ra sau lưng sao cho cằm tựa vào vai.
Kỹ thuật vỗ rung long đờm
Kỹ thuật vỗ rung long đờm

Nhưng nhìn chung, dù vỗ rung đờm cho bé với tư thế nào, trong quá trình thực hiện mẹ cần điều chỉnh linh động để đờm long ra được tống hết ra ngoài mà không khiến bé khó thở. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, mẹ nên quan sát biểu hiện của bé để có thể kịp thời xử lý, tránh trường hợp bé bị tím tái, khó thở mà không phát hiện kịp.

Sau khi đã chuẩn bị đúng tư thế, hãy tiếp tục tìm hiểu cách lấy đờm cho trẻ theo hướng dẫn dưới đây:

  • Bàn tay: Khum bàn tay lại sao cho không nhìn thấy kẽ hở. Thao tác đúng kỹ thuật khi vỗ vào lưng trẻ sẽ tạo ra tác động vừa phải giúp bé long đờm, đồng thời không làm đau hoặc tổn thương xương trẻ.
  • Chỉ sử dụng lực từ cổ tay: Trong quá trình vỗ rung đờm cho trẻ, mẹ tuyệt đối không được cử động cánh tay, tức là chỉ dùng lực từ cổ tay mà thôi. Động tác này khá khó, vì thế cần được tập dượt trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Vỗ tay từ dưới lên trên: Để đẩy đờm từ phế quản lên trên, bạn cần vỗ từ vị trí gần phổi lên dần tới nách.

Vỗ rung đờm nên được thực hiện đều từ hai bên. Bạn có thể duy trì cách vỗ đờm cho bé trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 phút. Tuy nhiên, cứ sau 3 phút, bạn nên bế trẻ trên tay với tư thế an toàn, đồng thời gây ho cho trẻ bằng cách ray nhẹ ngón tay vào cổ bé. Tác động này sẽ làm bật đờm ra ngoài và giúp bé dễ thở hơn.

Lưu ý khi vỗ rung đờm cho bé sơ sinh

Trong quá trình vỗ rung đờm cho bé, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Bố mẹ cần ghi nhớ nên thực hiện động tác này khi bé đói, tránh làm khi bé vừa ăn xong. Điều này sẽ khiến bé bị nôn, ói hết thức ăn ra ngoài.
  • Trước khi vỗ rung đờm bố mẹ nên tháo hết phụ kiện trang sức ra để tránh làm tổn thương cho da bé.
  • Bạn cần vệ sinh sạch sẽ tay trước và sau khi thực hiện vỗ rung đờm cho bé.

Kỹ thuật vỗ rung long đờm là một phương pháp hỗ trợ điều trị khó và phức tạp. Bởi vậy việc làm này cần được thực hiện dưới sự chỉ đạo của kỹ thuật viên hoặc bác sĩ có chuyên môn. Do đó, nếu bố mẹ chưa có kinh nghiệm hoặc chưa tự tin vào kỹ năng sơ cứu của mình, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đứa trẻ, tuyệt đối không nên áp dụng biện pháp này tại nhà.

Khi thấy con có những dấu hiệu khó thở, khò khè, vướng đờm trong họng, bố mẹ lập tức đưa trẻ tới bác sĩ chuyên gia để được khám và chẩn đoán chính xác. Từ đó có hướng điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả tối ưu.

Ngoài cách lấy đờm cho trẻ sơ sinh kể trên, mẹ cần lưu ý những điều sau để tình trạng của bé không nặng thêm:

  • Với trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung cho bé nhiều nước. Nước cho trẻ phải là nước ấm, tuyệt đối không được dùng nước lạnh. Còn trẻ dưới 6 tháng chưa uống được nước nhiều, mẹ nên tăng cường cữ bú để làm loãng đờm và dịu cổ họng.
  • Vệ sinh họng và mũi cho bé thường xuyên bằng dung dịch muối sinh lý để loại bỏ đờm nhanh chóng. Nên thực hiện trước giờ ăn hoặc ngủ để bé ăn ngoan và ngủ ngoan hơn.
  • Khăn giấy lau mũi cho trẻ nên sử dụng loại dùng 1 lần. Không nên dùng khăn sữa bởi có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
  • Cho trẻ ngủ ở tư thế nằm nghiêng hoặc kê gối cao hơn thông thường để giảm bớt sự khó chịu.
  • Mẹ không nên hút mũi cho trẻ bằng miệng bởi trong khoang miệng có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.
  • Hạn chế cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế cơn ho mà chưa có ý kiến chỉ định từ bác sĩ.

Trên đây là hướng dẫn cách vỗ rung đờm cho trẻ sơ sinh đúng kỹ thuật. Hy vọng với phương pháp này, bố mẹ sẽ giúp con giảm ho, đờm nhợt mà không cần dùng tới thuốc kháng sinh. Trong trường hợp, nếu bố mẹ đã áp dụng đúng theo hướng dẫn của cách vỗ rung đờm mà tình trạng của trẻ vẫn không được cải thiện thì hãy đưa trẻ tới bệnh viện khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể nhé!

Chia sẻ bài viết này