Nội dung chính

Viêm amidan ở trẻ em: Nguyên nhân và triệu chứng

Viêm amidan là vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ em. Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị viêm amidan ở trẻ em thế nào? Cha mẹ hãy cùng Fitobimbi tìm hiểu ngay nào!

✔️✔️✔️ Trẻ bị viêm amidan nên ăn gì? – Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng

viêm amidan ở trẻ em

Triệu chứng viêm amidan ở trẻ em

Trẻ em bị viêm amidan thường có các triệu chứng phổ biến như:

  • Amidan sưng đỏ; xuất hiện lớp phủ trắng, vàng hoặc các mảng
  • Viêm họng, đau họng
  • Cảm thấy đau đớn, khó chịu khi uống nước, ăn và nuốt nước bọt
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Hạch bạch huyết sưng to, mềm
  • Khó nói, giọng khàn
  • Hơi thở có mùi hôi ngay cả khi đánh răng thường xuyên
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Đau cổ hoặc cứng cổ

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi chưa thể miêu tả cảm giác đau đớn, khó chịu bằng lời nói. Tuy vậy, cha mẹ vẫn có thể nhận biết con bị viêm amidan khi thấy các dấu hiệu như:

  • Chảy nhiều nước dãi
  • Không muốn bú
  • Quấy khóc bất thường

Các loại viêm amidan ở trẻ em

Trẻ em có thể bị một trong các loại viêm amidan sau:

  • Viêm amidan cấp tính: Các triệu chứng xảy ra đột ngột
  • Viêm amidan mãn tính: Các triệu chứng viêm amidan liên tục xuất hiện
  • Viêm amidan tái phát: Trẻ nhiều lần bị viêm amidan cấp tính trong một năm

Nguyên nhân viêm amidan ở trẻ em

Virus và vi khuẩn là 2 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị viêm họng
Virus và vi khuẩn là 2 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị viêm họng

Viêm amidan thường do virus (cúm, sởi, ho gà,…) gây ra. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể bị viêm amidan do vi khuẩn.

Streptococcus nhóm A là loại vi khuẩn gây viêm amidan ở trẻ em thường thấy nhất. Ngoài ra, vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, xoắn khuẩn,… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Có nhiều yếu tố thuận lợi dẫn đến tình trạng viêm amidan ở trẻ nhỏ:

  • Tuổi: Trẻ em dễ bị viêm amidan hơn người lớn. Trẻ trong độ tuổi đi học (5 đến 15 tuổi) tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ bị viêm amidan do vi khuẩn cao hơn
  • Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: Vi khuẩn từ các ổ sâu răng, viêm lợi, viêm xoang,… có thể xâm nhập và khiến trẻ bị viêm amidan

Trẻ cũng dễ bị viêm amidan khi:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột: khiến cơ thể suy nhược, tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh
  • Sống trong môi trường bị ô nhiễm: nhiều bụi bẩn, dễ tiếp xúc với hóa chất,…

Các biến chứng của viêm amidan ở trẻ em

Trẻ bị viêm amidan nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng:

  • Ngưng thở khi ngủ do amidan sưng to gây tắc nghẽn đường thở
  • Viêm mô tế bào amidan: Nhiễm trùng lan sâu vào các mô liên kết của amidan
  • Áp xe phúc mạc: Tình trạng tụ mủ sau amidan

Trẻ bị viêm amidan do liên cầu nhóm A hoặc một chủng vi khuẩn liên cầu khác nếu không được điều trị đúng cách có thể mắc các rối loạn hiếm gặp như:

  • Sốt thấp khớp
  • Bệnh ban đỏ
  • Viêm cầu thận hậu liên cầu
  • Viêm khớp

Bệnh viêm amidan ở trẻ em có lây không?

Viêm amidan có tính chất lây lan
Viêm amidan có tính chất lây lan

Hắt hơi và ho có thể truyền virus, vi khuẩn gây bệnh viêm amidan từ người này sang người khác.

Trẻ em bị viêm amidan do virus gây ra có thể lây bệnh cho người nhà hoặc bạn bè trong khoảng 7 đến 10 ngày từ khi bệnh khởi phát. Trong khi đó, trẻ bị viêm amidan do vi khuẩn không được điều trị có thể lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 2 tuần.

Trong trường hợp trẻ em bị viêm amidan do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh, tình trạng lây nhiễm sẽ chấm dứt sau 24 giờ kể từ khi được uống thuốc.

Phòng ngừa viêm amidan ở trẻ em

Cách phòng ngừa lây nhiễm viêm amidan ở trẻ nhỏ hiệu quả nhất là:

  • Dạy con rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Không để con ăn chung thức ăn, uống chung nước với những người khác
  • Chuẩn bị cho con các đồ dùng cá nhân (bát đũa, chén đĩa, ly uống nước, khăn mặt,…) và không để con dùng chung với người khác
  • Khi con được chẩn đoán bị viêm amidan, hãy cho con sử dụng một chiếc bàn chải đánh răng khác

Để con không lây bệnh viêm amidan cho những người khác, hãy:

  • Giữ con ở nhà, hạn chế tiếp xúc với bạn bè: không để con đi chơi, đi học,…
  • Dạy con che miệng (bằng khăn giấy, bàn tay, khuỷu tay,…) khi hắt hơi, ho
  • Dạy con rửa tay sạch sẽ sau khi hắt hơi hoặc ho

Cách điều trị viêm amidan ở trẻ em

Trẻ em bị viêm amidan thường được điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị việc phẫu thuật cắt amidan.

Trẻ bị viêm amidan có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật
Trẻ bị viêm amidan có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật

Điều trị viêm amidan ở trẻ em bằng thuốc

Trường hợp con bị viêm amidan do virus, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị triệu chứng thay vì sử dụng kháng sinh. Lý do là bởi, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus.

Nếu viêm amidan do liên cầu khuẩn gây ra, bác sĩ nhi khoa sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Trẻ em dùng thuốc kháng sinh thường cảm thấy tốt hơn sau 2 hoặc 3 ngày. Tuy nhiên, điều quan trọng là con phải dùng đúng liều lượng thuốc kháng sinh, ngay cả khi các triệu chứng bệnh được cải thiện.

Phẫu thuật cắt bỏ amidan

Nếu con bạn bị viêm amidan tái phát hoặc mãn tính, bác sĩ có thể đề nghị cắt amidan – một phẫu thuật ngoại trú để loại bỏ amidan. Cắt amidan là một trong những phẫu thuật an toàn và phổ biến nhất được thực hiện trên trẻ em hiện nay. Cắt amidan thường chỉ mất 20 phút và con có thể về nhà vài giờ sau khi phẫu thuật.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm amidan

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, cha mẹ cũng nên áp dụng các tips dưới đây để giúp con cảm thấy dễ chịu và nhanh chóng khỏi bệnh:

  • Cho con uống đủ nước (trẻ bị viêm amidan thường cảm thấy đau khi nuốt, vì vậy, chúng có thể không muốn uống hoặc ăn; điều này dẫn đến tình trạng mất nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe)
  • Cho con súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày giúp diệt khuẩn và làm sạch hầu họng
  • Cho con ăn thức ăn mềm; tránh thức ăn cứng (bánh quy, hạt dinh dưỡng,…) vì chúng có thể khiến con cảm thấy rất đau
  • Khi con bị sốt cao, cha mẹ có thể cho con sử dụng ibuprofen hoặc acetaminophen (không sử dụng aspirin cho trẻ em vì nó có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ em)
  • Cho con sử dụng xịt họng để làm dịu cơn đau, ngứa rát cổ họng
  • Cho con sử dụng siro giảm ho để tăng cường sức đề kháng, làm dịu cổ họng và giảm ho hiệu quả

Cha mẹ đã nắm rõ triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị viêm amidan ở trẻ em chưa? Nếu nghi ngờ con bị viêm amidan, cha mẹ đừng quên đưa con tới gặp bác sĩ để được khám và có phương án điều trị phù hợp nhé!

Chia sẻ bài viết này