Trẻ chậm nói có kém thông minh không? là nghi ngờ của rất nhiều phụ huynh. Hãy cùng đi tìm giải đáp cho câu hỏi này trong bài viết dưới đây nhé!
>>> Cách chọn đồ chơi cho trẻ chậm nói giúp phát triển ngôn ngữ
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Trước tiên để giải đáp thắc mắc trẻ chậm nói có kém thông minh không, bố mẹ cần hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ là gì?
Trên thực tế, có rất nhiều “đồng phạm” gây chậm nói ở trẻ. Cụ thể như:
- Trẻ bị khuyết tật cơ quan phát ra âm thanh: Hở hàm ếch, dính lưỡi, dây hàm ngắn,… Những khiếm khuyết này khiến mọi cử động của lưỡi gặp hạn chế, từ đó gây khó khăn cho trẻ trong việc phát âm và quá trình học nói
- Trẻ mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn phát triển: Tăng động giảm chú ý, tự kỷ, chậm phát triển,… Đây là những bệnh lý liên quan đến khuyết tật trí não, gây cản trở lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ
- Trẻ ít có cơ hội giao tiếp: Trẻ thường xuyên ở trong nhà, “làm bạn” với các thiết bị điện tử, thay vì ra ngoài giao lưu với bạn bè. Điều này khiến trẻ bị thu mình, lười giao tiếp, ảnh hưởng đến quá trình học nói
Một đứa trẻ tiếp cận “muộn” với ngôn ngữ sẽ gặp không ít thiệt thòi khi học những kỹ năng quan trọng khác. Đó là nguồn cơn cho nghi vấn “trẻ chậm nói kém thông minh”. Vậy sự thật là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu phần tiếp theo của bài viết nhé!
Trẻ chậm nói có kém thông minh không?
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con sinh ra được khỏe mạnh, thông minh và trở thành một người thành công trong tương lai. Do vậy, khi thấy con “chững lại’ ở độ tuổi này với kỹ năng nói hạn chế, cha mẹ sẽ không khỏi lo lắng và băn khoăn liệu “bé chậm nói có phải kém thông minh?”.
Trên thực tế, chưa có bất kỳ báo cáo khoa học nào cho thấy trẻ chậm nói kém thông minh hay là dấu hiệu của thiên tài. Vì vậy, cha mẹ không nên quá vội vàng đánh giá năng lực của trẻ chỉ dựa trên một khía cạnh nhỏ.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần phân biệt rõ giữa khái niệm chậm phát triển và chậm nói. Trẻ chậm phát triển có đặc điểm là IQ dưới mức trung bình. Hạn chế này khiến trẻ không thể theo kịp một đứa trẻ bình thường. Điều này được thể hiện trong các lĩnh vực như vận động, hành vi, trí tuệ và cả ngôn ngữ. Vì vậy, trẻ chậm phát triển có thể thiếu năng lực trong vấn đề tư duy và trí tuệ. Nhưng trẻ chậm nói không có nghĩa là kém thông minh.
Một điều khá thú vị mà chúng tôi tìm hiểu được, nếu con bạn thể hiện năng khiếu trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, tư duy, ghi nhớ,… (không bao gồm ngôn ngữ) thì có thể chúng được xếp vào nhóm “trẻ chậm nói sáng dạ”.
Dấu hiệu “trẻ chậm nói sáng dạ”
“Trẻ chậm nói sáng dạ” là nhóm đối tượng mắc hội chứng Einstein. Hội chứng này được đặt theo tên của nhà khoa học lừng danh – Albert Einstein. Quãng thời gian thơ ấu, Ông cũng đã phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, khi lên 5 tuổi mới biết nói. Nhưng điều đó không ngăn cản Ông phát minh ra “thuyết tương đối”.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ chậm nói nào cũng sở hữu năng lực đặc biệt này. Dưới đây là những dấu hiệu để bố mẹ nhận biết:
- Trí nhớ siêu phàm: Những đứa trẻ này có thể biết nói muộn, nhưng khả năng ghi nhớ lại là điểm cộng của chúng. Trẻ có thể ghi nhớ dễ dàng các sự kiện ngắn hạn hoặc thậm chí dài hại một cách vô cùng chi tiết. Ghi nhớ số điện thoại, địa chỉ nhà, biển số xe,… chính là sở thích của trẻ
- Ý chí mạnh mẽ: Bướng bỉnh là đặc điểm giúp mẹ nhận dạng trẻ chậm nói có tố chất thông minh. Một khi đam mê của bé bị cản trở, chúng sẽ trở nên hung hăng và cáu giận vô cớ
- Khả năng phân tích cao: Đây là một trong những đặc điểm nhận biết trẻ thông minh dễ dàng nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã bộc lộ niềm đam mê với những con số hay các món đồ chơi ghép hình và khối rubik,…
- Tập trung cao độ: Khác với những đứa trẻ bình thường – khó duy trì sự tập trung, trẻ chậm nói thông minh có thể dành hàng giờ để nghiên cứu, khám phá một bộ môn mà chúng thích
- Năng khiếu xuất hiện sớm: Mặc dù chưa biết nói, trẻ đã bộc lộ năng khiếu từ rất sớm. Chẳng hạn như hội họa, âm nhạc, chơi nhạc cụ,…
- Đặc điểm giới tính: Trong số những trẻ chậm nói, bé trai “sáng dạ” chiếm tới 85%. Vì vậy, đây cũng là một dấu hiệu giúp bố mẹ dễ dàng nhận ra trẻ chậm nói thông minh
- Có bố mẹ học vấn tốt: Phần lớn những đứa trẻ chậm nói thông minh đều có bố hoặc mẹ sở hữu năng lực phân tích tốt và học vấn uyên bác
Trẻ chậm nói khi nào cần đến bác sĩ?
Đa phần các trường hợp chậm nói ở trẻ đều không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn rơi vào những trường hợp sau, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám càng sớm càng tốt:
- Phản ứng chậm hoặc không phản ứng khi được người khác gọi tên
- Ít dùng cử chỉ để thể hiện mong muốn, thậm chí ngay cả với tình huống khẩn cấp
- Bé không thích nói chuyện, không giao tiếp bằng mắt
- Lên 2 tuổi, trẻ chỉ có thể bắt chước người khác mà không tạo được ngôn ngữ cho riêng mình
- Giọng nói của bé khó nghe, ngay cả những người thân của bé cũng không hiểu bé muốn nói gì
Trẻ chậm nói có kém thông minh vẫn là dấu hỏi lớn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, bố mẹ hãy tìm cách can thiệp để trẻ sớm bắt kịp mốc phát triển với bạn bè cùng trang lứa.